Tại sao bạn rất dễ liên tưởng đến khuôn mặt người khi nhìn vào đồ vật xung quanh?

T
Nguyễn Thu Hà
Phản hồi: 0
Quá trình xử lý tự động hoặc từ dưới lên các khuôn mặt được điều chỉnh bởi các vùng não 'chỉ huy', khiến hệ thống thị giác có thể nhìn thấy hình ảnh 1 khuôn mặt ngay cả khi không có khuôn mặt nào. Điều này tồn tại để giúp chúng ta tồn tại trong xã hội loài người, nơi việc không nhận ra 1 khuôn mặt có thể gây ra hậu quả nặng nề.
Chúng ta thường nghe nói về việc mọi người nhìn thấy khuôn mặt trong những vật thể bất thường xung quanh. Và ngay cả bạn, đôi khi với trí tưởng tượng cũng có thể nhìn thấy khuôn mặt ở đâu đó. Chẳng hạn, một số người nhìn thấy 'Chúa Giêsu' trong bánh mì nướng hoặc 'Elvis' trên một miếng khoai tây chiên. Đã có hẳn một số tài khoản hoặc fanpage mạng xã hội dành riêng cho hiện tượng kỳ lạ này, nơi mọi người đăng 'khuôn mặt' mà họ nhìn thấy trong các đồ vật xung quanh.
Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng hiện tượng này lại cực kỳ phổ biến, được gọi là 'Face pareidolia'. Những đứa trẻ thường nằm trên bãi cỏ và dành hàng giờ chỉ để ngắm nhìn những khuôn mặt trên những đám mây. Nhưng tại sao chúng ta nhìn thấy mặt người ở khắp nơi ngay cả khi không có khuôn mặt nào? Hay não chúng ta hoạt động ra sao khi điều này xảy ra?

Nhận dạng khuôn mặt có vai trò quan trọng với sự tồn tại của con người

Có thể thỉnh thoảng bạn sẽ đặt câu hỏi: Điều gì khiến khuôn mặt quan trọng với não bộ đến mức, chúng ta nhìn thấy ngay cả khi nó không thực sự tồn tại?
Tại sao bạn rất dễ liên tưởng đến khuôn mặt người khi nhìn vào đồ vật xung quanh?
Đôi khi chúng ta nhìn thấy khuôn mặt của những vật thể bất ngờ và bất thường xung quanh chúng ta
Có một sự thật là sự tồn tại của con người phụ thuộc chủ yếu vào các tương tác và hợp tác xã hội, kể từ khi chúng ta phát triển thành xã hội săn bắt hái lượm. Điều này cũng có nghĩa, việc duy trì các mối quan hệ xã hội rất quan trọng cho sự tồn tại của chúng ta. Nói phụ thuộc vào khả năng nhận dạng, ghi nhớ và theo dõi của mỗi người đối với người khác.
Sự quan trọng của nhận dạng khuôn mặt càng trở nên rõ ràng hơn khi xem xét sự tiến hóa não bộ của mình. Trong đó, khuôn mặt con người là kích thích thị giác duy nhất mà bộ não tiến hóa để xác định cụ thể. Nói cách khác, não bộ chúng ta bẩm sinh có một bộ phận riêng biệt được thiết lập để nhận dạng khuôn mặt, được gọi là vùng khuôn mặt fusiform (FFA).

Tại sao hiện tượng 'Face pareidolia' lại xảy ra?

Hiện tượng "Face pareidolia" không chỉ phổ biến mà nó còn mang tính tiến hóa nguyên thủy hơn những gì mà người ta đã biết đến trước đây. Các nhà khoa học đã xác định hiện tượng này xảy ra ngay cả ở loài khỉ Rhesus. Những bằng chứng khoa học rõ ràng này cũng dập tắt một lý thuyết rất kỳ quặc rằng "Face pareidolia" là kết quả của việc con người xem 'phim hoạt hình' quá nhiều, dẫn đến việc chúng ta ngày càng nhân hóa các đối tượng.
Hiện tượng này cũng được chia sẻ giữa các loài linh trưởng và liên quan nhiều đến bản chất bẩm sinh của bộ não, hơn là do xem phim hoạt hình trên TV hàng ngày. Bộ não sẽ có hai phương pháp xử lý đầu vào (bao gồm cả khuôn mặt), mỗi người có thể dành sự chú ý của mình vào đối tượng một cách có ý thức, xử lý thông tin giác quan đến từ nó. Chẳng hạn, khi chúng ta gặp một người bạn cũ ở trường và cố gắng nhận ra người đó từ khuôn mặt của mình. Đây được gọi là xử lý từ trên xuống.
Phương pháp thứ hai tự động hơn và không có sự kiểm soát có ý thức. Ở đó, não bộ sẽ quét môi trường để tìm bất kỳ thông tin hoặc mẫu cảm giác quan trọng nào mà không dành sự chú ý vào nó. Việc chúng ta có thể nhìn thấy hình khuôn mặt trong một đám mây là một ví dụ điển hình về kết quả của loại xử lý này, được gọi là xử lý từ dưới lên. Bản chất của quá trình này là vô thức và tự động, ngay cả khi chúng ta có ý thức biết rằng không có khuôn mặt nào trong một đám mây, chúng ta vẫn cứ nhìn thấy nó.

Tại sao bạn rất dễ liên tưởng đến khuôn mặt người khi nhìn vào đồ vật xung quanh?
Hiện tượng "Face pareidolia" cực kỳ phổ biến
Đối với trường hợp thứ hai, xử lý từ dưới lên, thông tin cảm quan phải đến và khớp với nhãn đã được định hình và danh mục chúng ta đã được học trước đó để nhận dạng. Nếu nhận được một mẫu hình trông giống như một 'khuôn mặt', thông tin phải được chuyển đến các vùng não xử lý khuôn mặt sẽ xác định nó.
"Face pareidolia" được cho là trường hợp trong đó các vật thể không khớp với bộ nhãn xảy ra trong quá trình xử lý từ dưới lên trong não. Bộ não nhìn thấy chiếc bánh mì nướng sẽ nhầm lẫn nó thành 'khuôn mặt' và chuyển tín hiệu đến các vùng não đang xử lý khuôn mặt, dẫn đến việc chúng ta phát hiện ra những khuôn mặt bí ẩn trên chiếc bánh mì.
Lý do khiến bộ não mắc nhiều sai lầm hơn khi gắn nhãn nhầm các đối tượng là do chúng ta hầu như không thiệt hại gì, chẳng có vấn đề gì nếu chẳng may không nhận ra một đối tượng bất kỳ, trái ngược với khuôn mặt của bạn bè hoặc kẻ thù. Lỗi của bạn trong việc không nhận ra một miếng khoai tây chiên là không gây tử vong, nhưng không nhận ra kẻ thù có thể khiến bạn phải trả giá bằng mạng sống.

Não hoạt động như thế nào để xử lý cơ chế "Face pareidolia"?

Bây giờ, bạn đã biết việc nhìn thấy khuôn mặt trong các vật thể rất quan trọng với sự tồn tại của chính mình. Chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu não đã làm những gì khi xảy ra hiện tượng "Face pareidolia".
Tại sao bạn rất dễ liên tưởng đến khuôn mặt người khi nhìn vào đồ vật xung quanh?
Một mạng lưới các vùng não có liên quan đến nhận dạng khuôn mặt, trong đó trung tâm nằm ở vùng khuôn mặt fusiform
Quá trình xử lý và nhận dạng khuôn mặt được thực hiện không chỉ bởi một vùng mà là một mạng lưới các vùng não trước, thái dương và chẩm. Tất nhiên, 'trung tâm' dành riêng cho các khuôn mặt nằm ở FFA. Một nghiên cứu đã thực hiện xem xét các quá trình của não khi xử lý "Face pareidolia", các nhà khoa học đã cho một nhóm người chụp cắt lớp não trong khi họ xem những hình ảnh mà họ nhìn thấy khuôn mặt trong đó.
Kết quả cho thấy rằng các vùng trong mạng lưới xử lý khuôn mặt của não nằm ở một mức "cao hơn", chẳng hạn như vỏ não trước đã gửi tín hiệu và điều chỉnh hoạt động FFA chỉ khi ảo tưởng. Nói một cách chính xác và dễ hiểu hơn, thì trong trường hợp những người tham gia 'nhìn thấy khuôn mặt', vỏ não trước trán của họ được nhìn thấy bí mật ‘mách nước’ cho FFA của họ rằng thông tin cảm giác đến từ các vùng thị giác ‘thấp hơn’ là từ khuôn mặt.
Sự "mong muốn" nhìn thấy về một khuôn mặt này cũng dẫn đến tăng hoạt động FFA ở cả hai bên não trong những lần ảo tưởng như vậy. Do vậy, có thể nói rằng "Face pareidolia" là kết quả của việc sửa đổi quá trình xử lý thông tin thị giác tự động hoặc từ dưới lên của các vùng não cao hơn trong hệ thống phân cấp xử lý khuôn mặt. Điều này dẫn đến khu vực FFA hiểu sai thông tin đến là một khuôn mặt.

Kết luận

Bộ não của chúng ta có khả năng xử lý thông tin theo cách có ý thức và vô ý thức. Điều này cũng áp dụng đối với việc xử lý các khuôn mặt. Quá trình xử lý tự động hoặc vô thức của đầu vào cảm giác hoặc xử lý từ dưới lên trong trường hợp khuôn mặt được điều chỉnh bởi các vùng não 'chỉ huy' khác khiến hệ thống thị giác của chúng ta có thể nhìn thấy khuôn mặt ở bất kỳ một hình ảnh nào.
Chính sự "thiên vị" này tồn tại để giúp chúng ta trở thành một cộng đồng xã hội mang tính tương tác cao, nơi mà việc không nhận ra khuôn mặt có thể kéo theo những hậu quả tồi tệ khác. Nói cách khác, việc chúng ta nhìn thấy khuôn mặt trên đám mây hay một miếng khoai tây chiên không có gì là bất thường cả. Nó chỉ giống một tác dụng phụ kỳ quặc của quá trình tiến hóa, quyết định rằng con người không thể bỏ lỡ 'khuôn mặt' trong bất kỳ một tình huống nào.


>>> Ong mật phân biệt được số lẻ, số chẵn.
Nguồn scienceabc
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top