Tại sao Blue Origin của Jeff Bezos bại trận trước SpaceX ?

Sự thống trị của SpaceX trong suốt nhiều năm qua đối với ngành tên lửa khiến cuộc đua “đưa tỷ phú vào không gian” dần mất đi sự kịch tích đáng có.
Tại sao Blue Origin của Jeff Bezos bại trận trước SpaceX ?
Blue Origin là công ty tên lửa duy nhất được kỳ vọng sẽ đạt được trình độ thành tựu công nghệ tương đương với SpaceX

Chỉ có SpaceX...

Mọi thứ dần trở nên dễ đoán, khi mà chỉ có công ty của Elon Musk có khả năng gửi một tên lửa đẩy quỹ đạo vào không gian và trở về Trái Đất an toàn. Chỉ có SpaceX hạ cánh tên lửa có kích thước bằng tòa nhà 15 tầng, xuống một xà lan không người lái ở giữa đại dương. Chỉ có SpaceX đưa được cả phi hành gia NASA và người dân lên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS. Chỉ có SpaceX sản xuất hàng nghìn vệ tinh truyền thông riêng mỗi năm. Chỉ SpaceX có tần suất phóng gần như hàng tuần, giúp tăng gấp đôi số lượng vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo trong vòng chưa đầy hai năm. Chỉ có SpaceX phóng tàu Starship - tên lửa lớn nhất và mạnh nhất từng được chế tạo với sứ mệnh chở con người lên Mặt Trăng...vv. Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, thực tế là ngành hàng không vũ trụ đang chứng kiến nhiều thay đổi hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử, đặc biệt là mảng dịch vụ vận tải không gian luôn trong tình trang cạnh tranh khốc liệt. Relativity Space đang chế tạo tên lửa in 3D đầu tiên trên thế giới và có kế hoạch chế tạo tên lửa trên Sao Hỏa bằng robot. Virgin Orbit đã tiến hành đưa các vệ tinh vào quỹ đạo bằng cách phóng 1 tên lửa từ bên dưới cánh máy bay phản lực jumbo. Công ty Virgin Galactic- người anh em của Virgin Orbit đã có kế hoạch đưa con người lên rìa không gian từ một phi thuyền được phóng từ trên không. Một công ty khác là RocketLab đã phát triển động cơ tên lửa đầu tiên được trang bị một máy bơm điện, đang cố gắng đưa nó lên không trung bằng một mạng lưới kết nối với máy bay trực thăng. Cuối cùng không thể thiếu Blue Origin. Cái tên chễm chệ trên nhiều tiêu đề báo trong suốt những tuần qua, nhờ đưa thành công diễn viên William Shatner phim Star Trek vào không gian.
Tại sao Blue Origin của Jeff Bezos bại trận trước SpaceX ?
Tài tử William Shatner (người thứ 2 từ bên trái sang) và phi hành đoàn tại bệ hạ cánh của tàu vũ trụ New Shepard

Blue Origin và những mục tiêu dài hạn

Nếu nói đến một cái tên được kỳ vọng sẽ sánh ngang với SpaceX về trình độ thành tựu công nghệ thì đó chỉ có thể là Blue Origin. Công ty được thành lập bởi Jeff Bezos - cựu Giám đốc điều hành Amazon vào năm 2000, hai năm trước khi SpaceX thành lập chi nhánh ở California. Năm 2015, Blue Origin trở thành công ty đầu tiên đưa tên lửa vượt qua Đường Kármán, ranh giới không gian được quốc tế công nhận và hạ cánh trở lại Trái Đất thành công. Sự kiện này sau đó đã bị Elon Musk đem ra cười nhạo vì cho rằng nó chẳng là gì so với việc đưa một tên lửa trở lại Trái Đất từ quỹ đạo mà SpaceX đã làm. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng đây vẫn là một cột mốc quan trọng trong lịch sử khám phá không gian của nhân loại. Hơn nữa, Bezos đã thực sự được trải nghiệm cảm giác đi trên tên lửa của chính mình, điều mà Musk cho đến giờ vẫn chưa có cơ hội thử qua. Jeff Bezos thành lập Blue Origin với những mục tiêu dài hạn. Lấy cảm hứng từ nhà hoạt động vũ trụ quá cố Gerard K O’Neill, ông Bezos mong muốn chuyển ngành công nghiệp nặng vào không gian để giảm phát thải khí nhà kính, đặt nền móng cho một nền kinh tế ngoài Trái đất. Công ty của Bezos đang chế tạo một tên lửa có sức mạnh tương đương với tên lửa đưa các phi hành gia Apollo lên mặt trăng. Blue Origin đã hợp tác với các nhà thầu quốc phòng hàng đầu như Lockheed Martin, Northrop Grumman và Draper để phát triển một tàu đổ bộ có thể đưa con người trở lại Mặt trăng. Công ty đã thiết kế một trong những động cơ tên lửa được cho là mạnh nhất trong lịch sử, ký hợp đồng với một công ty khác là Launch Alliance để cung cấp động cơ cho tên lửa Vulcan thế hệ tiếp theo của mình. Trong vài năm qua, kế hoạch tổng thể của Blue Origin đã dần sáng tỏ. Câu hỏi đặt ra là: tại sao ông Jeff Bezos - người giàu thứ hai thế giới chưa thể thực hiện những hoài bão đó?

Vận đen nối tiếp vận đen

Tại sao Blue Origin của Jeff Bezos bại trận trước SpaceX ?
Tỷ phú Jeff Bezos và diễn viên William Shatner trò chuyện sau cuộc du hành vũ trụ Đầu năm nay, NASA đã quyết định trao hợp đồng tàu đổ bộ Mặt Trăng cho SpaceX, khiến Blue Origin rơi vào tình trạng chao đảo. Họ đã đệ đơn kiện chính phủ Hoa Kỳ để xem xét lại quyết định. Sau hợp đồng bị mất, Blue Origin phải chứng kiến sự ra đi của các tài năng kỹ thuật hàng đầu, khiến cho tình trạng trì trệ vốn có của công ty càng thêm trầm trọng. Blue Origin đã phải vật lộn để đạt được bước tiến trong sản xuất động cơ tên lửa BE-4. Kết quả là lần phóng tên lửa đầu tiên của ULA’s Vulcan đã bị hoãn đến tận cuối năm 2022, chậm hơn 5 năm so với kế hoạch. Tên lửa New Glenn huyền thoại, phương tiện có khả chở khoảng hơn 45 tấn vào quỹ đạo thấp của Trái Đất cũng chỉ có thể cất cánh sớm nhất vào cuối năm 2022, trong khi thời gian dự kiến là vào năm ngoái. Không những thế, Jeff Bezos thậm chí còn không có được vinh dự trở thành tỷ phú đầu tiên ngồi tên lửa của chính mình vào vũ trụ. Nguyên nhân là bởi chỉ hai tuần trước khi Bezos bay đến rìa không gian, một tỷ phú khác là Richard Branson đã hoàn thành chuyến bay dưới quỹ đạo trong phi cơ riêng với Virgin Galactic. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, Blue Origin sở hữu hàng nghìn kỹ sư tên lửa hàng đầu thế giới, nguồn tài trợ cũng gần như không giới hạn. Ông Bezos, người sở hữu khối tài sản 200 tỷ đô la luôn sẵn sàng chi 1 tỷ đô la mỗi năm từ tiền túi của mình để tài trợ cho Blue Origin. Với tiềm lực hùng hậu như vậy, Blue Origin đáng lý phải đã trở thành công ty vũ trụ thành công nhất trên thế giới. Vậy vấn đề nằm ở đâu?

Hấp tấp trong sản xuất, sa lầy vào “nợ kỹ thuật”

Theo Ally Abrams - cựu giám đốc truyền thông của Blue Origin, những rắc rối của Blue Origin có cả khía cạnh kỹ thuật và văn hóa. Về mặt kỹ thuật, Abrams cho biết công ty đang phải đối mặt với vô số “nợ kỹ thuật”. Khái niệm “Nợ kỹ thuật” (Technical Debt) có thể hiểu đơn giản như sau: Trong cuộc sống, đôi khi bạn sẽ phải mượn nợ để tiêu xài lúc cấp bách, sau đó làm việc để trả. Trong lập trình cũng thế, đôi khi ta chọn cách giải quyết “mì ăn liền”, giải quyết được vấn đề ngay, nhưng sẽ gây khó khăn cho quá trình phát triển và bảo trì về sau. Mỗi lần như vậy, ta tạo thêm 1 khoản “nợ kĩ thuật” cho dự án. Đây kết quả của việc lựa chọn một giải pháp nhanh thay vì giải pháp tốt nhất. Chính sự hấp tấp trong khâu sản xuất đã gây ra những lỗi kỹ thuật không đáng có ở các tên lửa đẩy của hãng này. Abrams giải thích, những người chọn rời bỏ Blue Origin đều là những kỹ sư tài năng đã chán ngấy với cách làm việc thiếu tâm huyết như vậy. Abrams cho biết: “Nợ kỹ thuật là vấn đề mà hầu hết các công ty đều gặp phải nhưng riêng ở Blue, vấn đề này thật sự đáng báo động. Việc chuyển đổi từ một công ty nghiên cứu và phát triển sản phẩm sang công ty sản xuất có vẻ quá khó với Blue Origin.”
Tại sao Blue Origin của Jeff Bezos bại trận trước SpaceX ?
Tên lửa New Shepard đã đượcphóng lên gần Van Horn, Texas Abrams cho rằng tình trạng nợ kỹ thuật gia tăng là do Blue Origin ngày càng tập trung vào tốc độ, một điều trớ trêu đối với một công ty lấy phương châm “từng bước, dũng mãnh” làm tôn chỉ cho mọi hoạt động. Abrams nhận thấy Blue Origin đã phải gánh chịu áp lực rất lớn vào khoảng cuối năm 2016 đầu năm 2017, khi rõ ràng công ty đang không theo kịp các đối thủ của mình tại SpaceX. Cô cho biết có thể thấy rõ Bezos ngày càng mất kiên nhẫn khi thấy công ty của mình phát triển chậm chạp, cũng như "sự ghen tị mà ông ấy dành cho các tỷ phú khác, những người có vẻ tiến bộ hơn ông ấy". Abrams tiết lộ: “Tại Blue Origin, lịch làm việc thường được đem ra để nói đùa. Khi chúng tôi đề xuất một cuộc hẹn ngoài giờ làm, nhân viên sẽ cười vì họ biết rằng điều đó là không thể.” Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở mặt kỹ thuật.

Văn hóa làm việc độc hại

Abrams gần đây đã viết một bài luận có liên quan đến văn hóa làm việc tại Blue Origin. Trong đó, cô tố giác hành vi "phân biệt đối xử" với phụ nữ của các giám đốc điều hành, đồng thời miêu tả Blue Origin là nơi "vùi dập những bất đồng ý kiến". Theo Abrams, các vấn đề văn hóa của Blue Origin bắt nguồn từ lãnh đạo. Cô cho biết, ông Bob Smith - người được Bezos đề bạt để điều hành công ty vào năm 2017 đã nhiều lần bỏ ngoài tai những phàn nàn của nhân viên về độ an toàn của các tên lửa đẩy và văn hóa làm việc độc hại của công ty. Abrams chia sẻ: “Bob Smith là một trong những nhà lãnh đạo bất tài nhất mà tôi từng gặp. Sự hiện diện của ông ta làm hao mòn nhiệt huyết của nhân viên. Nhiều kỹ sư không dám nêu ra những lo ngại về chất lượng và an toàn vì sợ bị trả thù. Điều này có thể gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng của các sản phẩm, đặc biệt đây lại là những phương tiện vận tải.” Bài luận của Abrams đã nhận được sự ủng hộ của 20 nhân viên hiện tại và một số cựu nhân viên ẩn danh của Blue Origin. Tuy nhiên, nhiều cáo buộc đã bị công ty phủ nhận. Blue Origin cho biết công ty đã sa thải Abrams sau nhiều lần cảnh cáo về “các vấn đề liên quan đến quy định kiểm soát xuất khẩu của liên bang". Công ty tuyên bố không khoan nhượng đối với các hành vi quấy rối hoặc phân biệt đối xử. Họ cũng khẳng định rằng tên lửa New Shepard là "tàu vũ trụ an toàn nhất từ trước đến nay từng được công ty thiết kế”. Về phía giám đốc điều hành Bob Smith, ông đã viết trong một email nội bộ cho nhân viên vào đầu tháng này: “ Tôi luôn hoan nghênh và khuyến khích mọi nhân viên của Blue nói chuyện trực tiếp với tôi về những mối quan tâm của họ, mọi lúc, mọi nơi.” Dù vậy, các nhân viên của Blue Origin vẫn tiếp tục lên tiếng. Đầu tuần qua, một cuộc điều tra của Washington Post một lần nữa nhắc đến những vấn đề mà Abrams đưa ra, vẽ ra một bức tranh về Blue Origin với những mảng u ám nhất: nhân viên mất lòng tin vào lãnh đạo, công ty phân biệt giới tính và thiếu trách nhiệm trong việc đảm bảo độ an toàn của các tên lửa đẩy.

Thay đổi để hướng tới tương lai

Trong tương lai, câu hỏi đặt ra cho Blue Origin là liệu họ có thể thay đổi để chạm tới những mục tiêu cao cả ban đầu. Nhiều người tỏ ra nghi ngờ, nhưng có lẽ một sự thay đổi sắp xảy ra. Đầu năm nay, Bezos đã từ chức Giám đốc điều hành của Amazon và cam kết dành nhiều thời gian hơn cho Blue Origin. Với tầm nhìn rộng mở, liệu Bezos có thể khôi phục văn hóa của công ty và ý thức về mục đích chung hay không? Điều này vẫn còn phải xem xét. Abrams cho biết: “Một đội ngũ lãnh đạo giỏi hơn, cách làm việc mới cùng với tinh thần đoàn kết tiến về phía trước,… Blue Origin sẽ còn rất nhiều việc phải làm để tạo dựng tất cả những điều đó. Tôi nghĩ rằng phải mất nhiều năm để các nhân viên quên đi quá khứ." Hiện tại, điều chắc chắn duy nhất là Bezos sẽ không thể có được “thuộc địa” của mình trong không gian nếu chưa chế tạo thành công tên lửa, một vấn đề khó lòng giải quyết nếu chỉ dựa vào tiền. Theo The Guardian
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top