Tại sao giọng nói của chúng ta nghe như robot khi gọi điện thoại?

Mỗi khi thực hiện một cuộc gọi, bạn lại vô tình bị biến thành một con robot vô tri bởi hệ thống hạ tầng không khác gì quỷ ám của các nhà mạng viễn thông.
Dẫu biết chỉ là một cách nói trừu tượng, nhưng ít nhất đó cũng là những gì người ở đầu dây bên kia cảm nhận được. Chuyện xảy ra vài tháng trước, khi phóng viên Thomas Germain trò chuyện với bố mình qua điện thoại. Đang say sưa tán dóc, ông cụ bỗng nói rằng, "eh sao giọng con nghe như bị méo và cứng nhắc vậy".
Germain không phải là trường hợp đặc biệt. "Tôi có một cái iPhone 11 và lúc nào bạn bè cũng bảo giọng tôi nghe như một con robot" - một khách hàng của Apple viết như vậy trên diễn đàn trực tuyến của công ty. Hàng trăm người dùng iPhone và Android khác cũng than phiền về vấn đề tương tự.
Bạn cho rằng nguyên nhân của chuyện này là gì? Hóa ra, hiện tượng giọng nói robot kia là kết quả của một số công nghệ được các nhà mạng ứng dụng nhằm ngăn tình trạng gián đoạn cuộc gọi xảy ra.
"Khi thông tin đi qua một mạng kỹ thuật số, nó phải được chuyển đổi sang các bits" - theo Alex Hills, giáo sư về kỹ thuật và chính sách công tại Đại học Carnegie Mellon. Nói cách khác, dữ liệu được dịch sang mã nhị phân mà máy tính có thể hiểu được, bất kể loại nội dung gì: tin nhắn, email, giọng nói của bạn trong một cuộc gọi...
Tại sao giọng nói của chúng ta nghe như robot khi gọi điện thoại?
Điện thoại sẽ truyền tải những bits đó qua không khí dưới dạng sóng radio. "Ở đầu dây bên kia, thiết bị nhận tín hiệu sẽ chuyển mã nhị phân trở lại thành thông tin nguyên bản ban đầu. Đó là cách vận hành của thế giới số".
Nhưng mọi chuyện không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Vấn đề có thể xảy ra khi dữ liệu giọng nói được chuyển đổi từ định dạng này sang định dạng khác, nhưng thông thường nguyên nhân đơn giản là có sự nhiễu trong quá trình truyền tải không dây, như xung đột tín hiệu radio hay có vật thể nào đó chắn ngang đường truyền.
Đôi lúc, cuộc gọi sẽ bị gián đoạn. Lúc khác, tín hiệu đủ mạnh để duy trì được kết nối, nhưng một phần thông tin mà sóng radio đang truyền tải sẽ bị hỏng - ví dụ tín hiệu nhị phân "1" bị đảo ngược thành "0", hoặc các chuỗi bits bị mất hoàn toàn. Điều này giống như nhiễu sóng mà bạn thường nghe thấy trên đài radio ngày trước vậy.
Để giải quyết, chúng ta cần dò tìm lỗi. "Thiết bị nhận biết nó có luồng dữ liệu bits được truyền đến, và nó có một hệ thống dò tìm lỗi có khả năng tìm ra những chuỗi bits có vấn đề" - Hills nói.
Ông biết rõ điều này nhờ quãng thời gian tham gia xây dựng mạng Wi-Fi lớn đầu tiên trên thế giới vào đầu thập niên 1990. Wi-Fi cũng truyền tải dữ liệu bằng tần số radio. Ông đã kể lại câu chuyện này trong một cuốn sách tên là "Wi-Fi and the Bad Boys of Radio". "Chúng tôi đã sử dụng công nghệ đó rất nhiều" - Hills cho biết.
Những lỗi như vậy có thể dễ dàng khắc phục khi thông tin được truyền tải là văn bản, email, hay chữ và ảnh trên một trang web. Hệ thống đơn giản là yêu cầu người gửi truyền tải một bản sao khác của dữ liệu ban đầu. Nhưng chuyện sẽ phức tạp hơn nhiều với những luồng thông tin liên tục trong thời gian thực như các cuộc gọi điện thoại.
Điện thoại di động của bạn và các hệ thống viễn thông khác cũng sử dụng cơ chế phát hiện lỗi, "nhưng với những cuộc gọi âm thanh thì bạn không có cơ hội để truyền tải lại dữ liệu" - theo Sanjay Udani, chuyên viên công nghệ tại Verizon, một trong những kiến trúc sư hàng đầu của mạng FIOS mà công ty đang vận hành. Với một cuộc gọi, "bạn không thể gửi lại các gói dữ liệu bởi độ trễ được tính bằng mili-giây", và giọng nói của bạn hiển nhiên cũng chẳng có bản sao dự phòng nào.
Trong tình huống đó, điện thoại của bạn có thể ngắt tiếng ở những thời điểm mà thông tin không đến được như dự kiến, nhưng nếu vậy thì người nghe sẽ chẳng hiểu được gì. Thay vào đó, hệ thống sẽ cố sửa lỗi bằng cách đoán những bits bị mất và tạo ra âm thanh để lấy vào những chỗ trống. "Đôi lúc nó làm rất tốt, nhưng đôi lúc âm thanh nghe như robot hoặc bị biến dạng" - Udani nói.
Về cơ bản, giọng nói méo mó mà bạn đang nghe được là thành quả của hàng loạt các máy tính nhỏ đảm trách truyền tải cuộc gọi của bạn, chúng đang cố hết sức để dự đoán và giúp bạn đưa đầy đủ thông tin đến người ở đầu dây bên kia.
Vấn đề giọng nói robot này có thể xảy ra với bất kỳ ai, hết lần này đến lần khác. Nhưng nếu tần suất quá thường xuyên, các kỹ sư có một vài lời khuyên cho bạn.
Tại sao giọng nói của chúng ta nghe như robot khi gọi điện thoại?
Các khắc phục vấn đề giọng nói robot
Có một vài điều bạn có thể thử. Nếu vấn đề này chỉ xảy ra với một cuộc gọi cụ thể, giải pháp dễ dàng nhất là cúp máy và gọi lại. "Nó giống như khởi động lại vậy - nó có thể tạo ra một đường truyền khác" cho dữ liệu, Udani nói. Nếu không được, thử dịch chuyển sang vị trí khác, hoặc đề nghị người ở đầu dây bên kia làm điều đó.
Nói giọng nói robot xuất hiện liên tục, chuyện nghiêm trọng hơn rồi đấy. Có thể có vấn đề với thiết bị của bạn chứ không phải với tín hiệu được gửi đi.
Đầu tiên, thử tắt tính năng cuộc gọi Wi-Fi trên điện thoại - đây là tính năng điều hướng cuộc gọi qua mạng Wi-Fi thay vì mạng di động. Tính năng này có thể giúp bạn tiết kiệm ít tiền bằng cách giảm lượng dữ liệu sử dụng, nhưng có một điểm trừ: nếu bạn đang ở giữa cuộc gọi qua mạng internet, và đột nhiên lưu lượng truy cập tăng đột biến do ai đó tìm cách tream một bộ phim chẳng hạn, thì cuộc gọi có thể bị ảnh hưởng.
Mặt khác, nếu tín hiệu điện thoại của bạn khá yếu khi dùng trong nhà, bật cuộc gọi Wi-Fi có thể giúp ích. Hướng dẫn bật/tắt tính năng này cho iPhone và Android hiện có khá nhiều trên mạng đấy.
Vẫn gặp rắc rối? Vấn đề có thể nằm ở bộ codec của điện thoại - đó là những chương trình máy tính có khả năng chuyển tín hiệu từ định dạng này sang định dạng khác. Lời khuyên của Apple trong trường hợp này là thử cập nhật phần mềm và thiết lập nhà mạng của thiết bị, đồng thời khôi phục thiết lập mạng mặc định trên máy nữa.
Người dùng Android cũng có thể làm điều tương tự.
Giải pháp cuối cùng: thử khôi phục cài đặt gốc của thiết bị. Đừng quên sao lưu dữ liệu trước.
Nếu không cách nào hữu ích, hãy nhớ lại xem có phải giọng nói robot kia chỉ xuất hiện khi bạn sử dụng headphone không, bởi nếu Bluetooth gặp vấn đề thì bạn cũng sẽ gặp những sự cố tương tự. Thử dùng headphone khác, hoặc tìm Google xem liệu có bản cập nhật firmware nào dành cho headphone bạn đang dùng hay không.
Tại sao giọng nói của chúng ta nghe như robot khi gọi điện thoại?
Vẫn vô vọng? Vấn đề có thể nằm ở nhà cung cấp dịch vụ di động của bạn. Hãy liên hệ với họ để được giúp đỡ, hoặc báo cho công ty biết trong trường hợp vấn đề xảy ra với nhiều người khác trong khu vực bạn đang sống. Có thể bạn sẽ phải đổi nhà mạng khác có độ phủ sóng tốt hơn.
Cũng cần lưu ý rằng không phải lúc nào âm thanh bị méo cũng bởi dữ liệu bị hỏng. Nếu bạn thường xuyên gặp vấn đề về âm thanh, hãy kiểm tra xem microphone của điện thoại có bị bẩn hay lỗi, hoặc nếu bạn là người nghe được những âm thanh như vậy từ người ở đầu dây bên kia, hãy kiếm tra loa của điện thoại.
Cuối cùng, điều gì cũng có thể xảy ra: có khi lũ robot đang âm thầm xâm chiếm thế giới của chúng ta thì sao?
Tham khảo: ConsumerReports
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top