Tại sao Sony mất 20 tỷ USD vốn hóa khi Microsoft mua Activision Blizzard?

From Beijing with Love

Cháu đã lớn thế này rồi à. Lại đây chú ôm cái coi.
Xu hướng của ngành công nghiệp game là hợp nhất. Vài tuần trước, Take-Two Interactive thông báo mua lại Zynga với 12,7 tỷ USD. Take-Two là công ty đứng sau Grand Theft Auto, Red Dead Redemption và nhiều series danh tiếng khác, nay lại bổ sung thêm 1 ông lớn về game di động. Trong năm 2021, Sony đã mua sắm tới 6 studio game, còn Microsoft thông báo thâu tóm ZeniMax hơn 8 tỷ USD.
Tuy nhiên, không có thương vụ nào chấn động hơn việc Microsoft mua lại Activision Blizzard vừa rồi. Theo thông báo từ công ty 2 ngàn tỷ USD, họ đồng ý trả hơn 68 tỷ USD để thâu tóm nhà phát hành đứng sau Call of Duty. Ngay sau khi thông tin làm rung chuyển cả ngành công nghiệp này phát ra, cổ phiếu Sony lập tức “cắm đầu” lao dốc chưa từng có. Khiến hãng mất tới hơn 20 tỷ USD vốn hóa thị trường.
Tại sao cổ phiếu Sony lại lao dốc thê thảm khi Microsoft mua Activision Blizzard?

Tại sao Sony mất 20 tỷ USD vốn hóa khi Microsoft mua Activision Blizzard?

Chia cắt game thủ khỏi các trò chơi yêu thích

Liên tiếp 2 vụ thâu tóm Activision Blizzard và ZeniMax khiến hàng loạt tựa game đình đám rơi vào tay 1 công ty duy nhất. Có thể kể ra Call of Duty, Elder Scrolls, Fallout, Overwatch, World of Warcraft, Diablo, Starcraft,... Nhà phân tích Will McKeon-White của Forrester nói với Yahoo Finance: “Khi có quá nhiều trò chơi rơi vào của 1 vài tổ chức khổng lồ, tôi thực sự lo lắng”.
Nếu bạn là 1 người chơi hệ Microsoft thì đây là tin tốt. Bởi các trò chơi ở trên đều sẽ có mặt trên Xbox và PC. Còn nếu bạn là người chơi của Nintendo, Sony,... thông tin này có thể khiến bạn tỏ ra lo lắng khi các trò chơi yêu thích bị loại bỏ. Mặc dù thực tế game thủ Nintendo hiếm khi bị ảnh hưởng bởi các trò chơi của đối thủ.
Thông thường, các hãng console sẽ sử dụng các đầu game độc quyền để thu hút người chơi. Ví dụ halo trên Xbox, Uncharted trên PlayStation và Super Mario Bros của hệ máy Nintendo. Vì thế, các hãng game bên thứ 3 đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong ngành công nghiệp, cung cấp những đầu game chất lượng không bị gò bó vào bất kỳ hệ máy nào.
Nếu 1 trò chơi thành công, studio sẽ cố gắng đưa nó xuất hiện trên nhiều nền tảng nhất có thể, từ PC đến console hoặc thậm chí là cả di động. Càng nhiều người tiếp cận được trò chơi, hãng càng có thêm cơ hội kiếm tiền. Đó là khi studio bên thứ 3 không bị ràng buộc bởi các hợp đồng độc quyền.

Tại sao Sony mất 20 tỷ USD vốn hóa khi Microsoft mua Activision Blizzard?
Microsoft trở thành hãng game lớn thứ 3 thế giới
Tuy nhiên, khi xu hướng thâu tóm và sáp nhập lan rộng trong ngành công nghiệp, các game đa nền như vậy có nguy cơ dần biến mất. Từ game bên thứ 3 không bó buộc vào nền tảng nào, giờ đây chúng bị đưa thành game bên thứ nhất, chỉ phát hành lên nền tảng của công ty sở hữu. Ví dụ Starfield độc quyền cho PC và Xbox theo ý Microsoft, bỏ qua nền tảng của Sony và Nintendo.

Microsoft hướng tới dịch vụ

Có tới 3 lí do bạn có thể nhìn ra nhanh chóng để hiểu vì sao Microsoft lại chi tới gần 70 tỷ USD. Đầu tiên, nó khiến game thủ không thể xa rời nền tảng Xbox của họ, vốn đang thua xa so với PlayStation. Thứ 2, công ty có thể khiến cho gói Game Pass trở nên hấp dẫn hơn, đảm bảo nhiều đầu game trên này hơn. Cuối cùng, tăng tốc ở phân khúc game di động.
Trong số này, lí do thứ 2 là lớn nhất. Microsoft đang bán Game Pass với 15 USD/tháng, cho phép chơi tới hơn 100 game khác nhau mà không phụ thuộc vào phần cứng nào. Người chơi có thể truy cập từ smartphone, máy tính bảng, laptop hay kể cả TV thông minh. Họ đang hướng tới 1 dịch vụ kiểu như Netflix, việc bổ sung Activision Blizzard vào thư viện game chắc chắn càng khiến nó trở nên hấp dẫn trong mắt người dùng.

Làm giảm sự hấp dẫn của nền tảng đối thủ

Nếu Microsoft quyết định các trò chơi tương lai của Activision Blizzard sẽ không xuất hiện trên PlayStation, đó là 1 tổn thất với cộng đồng người dùng Sony. Tất nhiên, công ty Nhật Bản cũng có những đầu game độc quyền chất lượng như Spider-Man, Gran Turismo, Rachet & Clank, Ghost of Tsushima, God of War,... Tuy nhiên, sự bổ sung của Microsoft thực sự đáng sợ.
Tại sao Sony mất 20 tỷ USD vốn hóa khi Microsoft mua Activision Blizzard?
Những tựa game tương lai của Activision Blizzard có thể biến mất khỏi PlayStation theo ý Microsoft
Nhà phân tích Junya Ayada còn nói thêm, việc thâu tóm đến đúng vào thời điểm khó khăn cho Sony. Khi mà PS5 chững lại vì nguồn cung giới hạn, khiến khách hàng rất khó mua máy. Việc phát triển các trò chơi hàng đầu thì bị trì hoãn bởi đại dịch COVID-19, hiệu suất làm việc giảm do nhiều người phải làm từ xa. Đã có 1 số bom tấn trên PS5 phải rời ngày phát hành.

Chỉ là sự thổi phồng nhất thời

Tuy vậy, nhà phân tích đến từ J.P Morgan vẫn lạc quan rằng cổ phiếu Sony sẽ sớm phục hồi. Có thể các nhà đầu tư đang phản ứng tiêu cực thái quá trước thông tin này, nhưng về lâu về dài, Sony vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Họ vẫn còn nhiều bộ phận kinh doanh khác đang đạt hiệu suất khá tốt, đặc biệt là xưởng phim khi phát hành Spider-Man: No Way Home mới đây.
Nhiều người tin Sony sẽ thực hiện mua lại 1 hãng game lớn nhằm phản ứng trước tình hình bị động này. Tuy nhiên, nhà phân tích Kota Ezawa lại nghĩ khác. Theo ông, nền tảng PlayStation có thể tìm kiếm khách hàng theo 1 hướng đi khác, tập trung kiếm lợi nhuận từ mạng lưới dịch vụ liên kết với anime, phim ảnh, âm nhạc. Ông cho rằng Sony không cần thiết phải chạy đua mua sắm.
Nhiều nhà phân tích cũng đồng ý, việc cổ phiếu lao dốc chỉ là sự thổi phồng nhất thời. Bởi mảng kinh doanh trò chơi điện tử chỉ đóng góp 30% doanh thu và khoảng 1/4 lợi nhuận cho tập đoàn. Họ không chỉ sống dựa vào mỗi PlayStation. Naoki Fujiwara, làm việc tại Shinkin Asset Management, cho biết: “Game đúng là nguồn thu quan trọng với Sony, nhưng họ vẫn còn nhiều nhánh khác như điện tử, cảm biến, phim ảnh,...”.
Nguồn:
WSJ, Barron
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top