Tại sao thắp 3 nén hương, vái 3 vái và lạy 3 lạy?

Thắp 3 nén nhang, vái 3 vái và lạy 3 lạy có ý nghĩa rất sâu xa, liên quan mật thiết đến văn hóa và niềm tin của người Việt. Theo Phật giáo, để thể hiện sự tôn kính, ngưỡng mộ với Đức Phật, chúng Phật tử sẽ chắp tay và cúi đầu lạy sát đất. Khi Phật giáo dần đi vào đời sống của người Việt thì nghi lễ lạy này lan dần ra trong các dịp khác như lễ cúng ông bà tổ tiên, lễ cúng các vị thần thánh,…
Tại sao thắp 3 nén hương, vái 3 vái và lạy 3 lạy?
Ba vái, 3 lạy trong quan niệm Phật giáo tượng trưng cho lễ ba ngôi Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng. Một lạy nhớ ơn, kính ngưỡng Đức Phật soi sáng, chỉ đường để chúng sinh thoát khỏi khổ đau luân hồi, tìm thấy an nhiên cực lạc. Lạy thứ hai tượng trưng cho Pháp – những lời vàng ý ngọc mà Phật truyền tụng lại, nguyện ý thực hiện những lời răn dạy quý báu để hướng tới chân tâm, học Phật soi mình. Lạy thứ 3 tượng trưng cho Tăng - dẫn dắt chúng sinh trên con đường đạo, giúp chúng sinh gần gũi, thấu hiểu hơn với Phật pháp. Ngoài ra, Phật giáo cũng nhấn mạnh, ý nghĩa 3 vái 3 lạy không chỉ lạy Tam Bảo mà còn là lễ chính ba ngôi quý trong mỗi con người và trong toàn thể chúng sinh. Đó là Phật tính, Pháp tính và Thanh tịnh tính. Ai cũng có Phật tính sáng suốt, Pháp tính từ bi bình đẳng và Thanh tịnh tính hòa hợp. Cung dưỡng những tính ấy chính là cách để học Phật, hướng Phật. Còn trong quan niệm dân gian, 3 vái này: thứ nhất là là thể hiện cho tâm lễ kính Phật, thứ 2 là nguyện vọng mong muốn được giác ngộ, nguyện lòng hướng Phật và thứ 3 là trang nghiêm sám hối lỗi lầm của mình trước Phật. Khi lạy, người đứng thẳng, hai chân nép sát vào nhau, hai tay chắp lại nghiêm trang, thể hiện sự nhất tâm, chính tà hòa làm một, thiện ác không phân tranh. Khi cúi lạy chắp hai tay trước ngực, đưa cao lên quá đầu rồi từ từ quỳ xuống, đầu cúi sát đất, hai tay mở rộng ra hai bên. Lặp đi lặp lại như vậy 3 lần. Quan trọng nhất khi lạy vái là thành tâm, giữ tâm thanh tịnh, không màng tới thế sự, không suy nghĩ chuyện nhân sinh, thoát li cuộc sống toan tính đời thường. Một lòng hướng về đấng tâm linh, có như vậy mới sở cầu đắc sở nguyện, mọi sự hanh thông, thể hiện đúng tính chất và quy củ của lễ bái. Tôn thờ tổ tiên, hương hỏa cho người đã khuất, nghi lễ cúng bái trang trọng đã ăn sâu vào văn hóa người Việt. Người ta cho rằng đó là cách tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên, một phần cũng ảnh hưởng từ Phật giáo. Có thể thấy rằng thắp hương và lạy Phật không chỉ là hành động “theo thói quen” hay hành động “bề ngoài” mà chính là thể hiện cái tâm của con người. Cho nên, người xưa có câu “không thắp hương không bái lạy mà vẫn được phúc báo” chính là có ý nói rằng cái tâm của con người mới là yếu tố quan trọng nhất và được Thần linh nhìn thấy rõ. Mong rằng qua bài viết trên đây, bạn có thể hiểu hơn về ý nghĩa tâm linh trong nghi thức cúng bái vô cùng thiêng liêng này. Việc thắp hương là một nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong các dịp giỗ chạp, lễ tết. Ngày cuối năm đi mua sắm các thứ chuẩn bị cho ngày tết, không ai không mua vài nén hương về thắp cho ông bà, tổ tiên mình. Nén hương được thắp lên thì mọi người cảm thấy ấm lòng. Nén hương lúc này không còn là thứ hàng bình thường, mà nó đã trở thành một sản phẩm tinh thần không thể thiếu của người dân Việt. Cùng với những phong tục truyền thống khác, nén hương đã góp phần tạo nên và bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Dâng có nghĩa là đưa lên một cách cung kính và chữ hương có nghĩa là mùi thơm, thông thường là một vật dùng đốt lên để cúng các đấng thiêng liêng. Nén hương đã đi vào đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam như một nét đẹp truyền thống, gần gũi và thiêng liêng. Trong tâm thức mọi người Á Châu đều tin rằng nén hương khi đốt lên, cũng như một nhịp cầu vô hình nối kết hai thế giới hữu hình và vô hình với nhau. Trong nghi lễ Phật Giáo, hương là một trong sáu lễ vật dâng cúng (dâng lục cúng), gồm có: Hương; hoa; đăng; trà; quả, thực (nhang, bông, đèn, trà, trái cây, thức ăn). Tuy nhiên nhiều người không rõ về ý nghĩa sâu xa của việc cúng Phật nên bày biện đủ thức ăn uống như yến tiệc, thật là phí của, phí công mà lại còn làm sai lạc ý nghĩa. Theo quan niệm của Phật Giáo, lòng thành thể hiện qua làn khói hương nghi ngút, không cần cỗ bàn yến tiếc tiệc thịt cá, heo gà linh đình… vì đúng ý nghĩa sự cúng Phật thì chỉ nên dùng hương thơm, đèn sáng, hoa tươi, trái tốt, nước trong là đủ. Phật không phải ở trên bàn thờ, trong những pho tượng, mà là ở trong tâm của tất cả con người. Ngoài những nén hương dùng ngọn lửa nóng để đốt cháy lên, chúng ta còn có thể dùng đức tin của mình thắp lên những nén “Tâm hương” – tức là hương từ trong tâm. Bởi vậy mới có năm thứ hương dùng để cúng dường chư Phật: Giới hương; Định hương; Tuệ hương; Giải thoát hương và Giải thoát tri kiến hương. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lê Quang Khang giải thích việc người Việt Nam thường thắp ba nén hương như sau: Ba nén nhang thể hiện ý nghĩa là Tâm nhang (lòng thành), Giới nhang (theo lời răn dạy của Phật thánh tổ đường) và Định nhang (tuyệt đối không thay lòng đổi dạ). Đối với Phật giáo, nhà chùa thường không đặt ra luật lệ nào đối với chúng sinh khi dâng hương cửa Phật. Nguồn: Phatgiao.org.vn
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top