Tại sao “Trường Bách khoa Hà Nội” là đổi thành “Đại học Bách khoa Hà Nội”?

TienCM

Pearl
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa được đổi tên mới, cắt bỏ chữ trường để thành “Đại học Bách khoa Hà Nội”.
Mặc dù chỉ có cắt bỏ một chữ nhưng đây là thay đổi lớn với trường này. Đây là đơn vị cấp trường đầu tiên được chuyển lên mô hình Đại học, trở thành đại học thứ sáu của Việt Nam.
Thay đổi trên được thực hiện theo Quyết định hôm 2/12 của Chính phủ. Với quyết định này, Việt Nam hiện có 6 đại học, gồm Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng và Bách khoa Hà Nội.
Tại sao “Trường Bách khoa Hà Nội” là đổi thành “Đại học Bách khoa Hà Nội”?
Theo Luật Giáo dục đại học năm 2018, trường đại học và đại học là hai khái niệm khác nhau. Trường đại học/học viện là cơ sở đào tạo và nghiên cứu nhiều ngành. Còn đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, gồm các trường đại học, khoa thành viên. Cơ cấu tổ chức giữa hai mô hình này cũng khác, chẳng hạn người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của trường đại học được gọi là Hiệu trưởng, còn ở đại học sẽ là Giám đốc.
Để chuyển từ trường đại học thành đại học, Nghị định 99 năm 2019 của Chính phủ quy định các đơn vị cần đảm bảo ba điều kiện: được tổ chức kiểm định hợp pháp đánh giá đạt chuẩn chất lượng; có ít nhất ba trường và 10 ngành đào tạo tiến sĩ, quy mô sinh viên chính quy trên 15.000; được cơ quan quản lý trực tiếp, các nhà đầu tư chấp thuận.
Được thành lập năm 1956, Đại học Bách khoa Hà Nội là trường top đầu cả nước về đào tạo lĩnh vực kỹ thuật. Trường có 65 chuyên ngành trình độ đại học, 47 chuyên ngành thuộc trình độ cao học, 32 chuyên ngành bậc tiến sĩ.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã chuẩn bị trong nhiều năm cho việc chuyển đổi thành Đại học. Tháng 10 năm ngoái, Bách khoa Hà Nội đã thành lập ba trường gồm: Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông; Trường Cơ khí; Trường Điện - Điện tử.
Cụ thể, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông trên cơ sở tổ chức lại các đơn vị thuộc Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông; Trường Cơ khí trên cơ sở tổ chức lại 3 Viện đào tạo (Viện Cơ khí, Viện Cơ khí động lực và Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt lạnh); Trường Điện-Điện tử trên cơ sở tổ chức lại 2 Viện đào tạo và 1 Viện nghiên cứu (Viện Điện, Viện Điện tử viễn thông; Viện Nghiên cứu quốc tế về thông tin đa phương tiện, truyền thông và ứng dụng).
Theo lộ trình đặt ra, đến cuối năm 2022, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ thành lập 5-6 trường và 4-5 viện, trung tâm nghiên cứu; chuyển đổi, tái cấu trúc các phòng thành các ban thuộc Đại học; chuyển đổi các viện đào tạo còn lại thành khoa.
Mỗi năm, Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển khoảng 7.000 sinh viên chính quy, tổng quy mô đại học và sau đại học khoảng 35.000 sinh viên và học viên, nghiên cứu sinh. Điểm chuẩn theo kết quả thi tốt nghiệp 2022 của trường từ 23,03 đến 28,29. Ngành Kỹ thuật máy tính có đầu vào cao nhất. Hai ngành có điểm chuẩn cao tiếp theo là Kỹ thuật Điều khiển - Tự động hóa 27,61 và Công nghệ thông tin (Việt - Nhật) 27,25.
Theo bảng xếp hạng QS 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 1.201-1.400 tốt nhất thế giới. Xét theo lĩnh vực, trường giữ hạng 360 thế giới về Kỹ thuật và Công nghệ - cao nhất Việt Nam, và góp mặt trong bốn nhóm khác là Kỹ thuật Điện - Điện tử; Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo; Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin; Toán học; Khoa học Vật liệu.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top