Tài xế công nghệ "kêu cứu", nhưng giờ ai cứu được?

Chiều 4/11, tài xế N.H (35 tuổi, ngụ TP.HCM) cầm bộ hồ sơ xin việc trên tay, lái xe đến trụ sở ngân hàng để xin làm bảo vệ, khi đồng lương tài xế không đủ nuôi vợ, con.
"Không biết có được nhận hay không, nhưng vẫn phải cố", anh H. nói.
Có "thâm niên" hơn 8 năm làm lái xe ôm công nghệ, anh H. cho biết, năm nay thu nhập đã giảm 50% so với thời điểm mới vào nghề.
Tài xế công nghệ kêu cứu, nhưng giờ ai cứu được?
Mỗi ngày, anh đều làm việc từ 6h sáng đến 23h đêm, kiếm được 300-400.000 đồng. Nhưng sau khi trừ các chi phí như xăng xe, ăn uống, anh chỉ bỏ túi 250.000 đồng/ngày.
Có hôm chạy từ sáng sớm đến hơn 15h chiều, anh chỉ kiếm được 156.000 đồng. Anh H. cho biết, số tiền này chỉ đủ nuôi bản thân anh, không dám "mơ" chu cấp cho gia đình.
Vấn đề chiết khấu giữa công ty và tài xế tăng theo từng năm đang khiến nhiều người quyết định bỏ nghề. Theo tài xế Phan Ngọc (38 tuổi, ngụ TP.HCM), hiện nay, mức chiết khấu đã tăng lên đến 33% (đã bao gồm thuế thu nhập cá nhân, VAT). Nếu trừ chi phí xăng xe, bảo trì, ăn uống,... thì tài xế chỉ bỏ túi khoảng 50% số tiền thực nhận của mỗi chuyến xe. Tuy nhiên, mỗi ngày số cuốc xe lại giảm xuống, vì ngày càng có nhiều người đăng ký làm tài xế do kinh tế khó khăn.
Tài xế công nghệ kêu cứu, nhưng giờ ai cứu được?
Sau thời gian "bùng nổ" với thu nhập cao, hiện nay nhiều tài xế "vỡ mộng" vì xem nghề lái xe ôm công nghệ là nguồn thu nhập chính. Đây là câu chuyện đã được bàn luận nhiều, rằng công việc lái xe ôm công nghệ không nên xem là một nghề ổn định. Thay vào đó, nó nên chỉ là chiếc "phao cứu sinh", khi người lao động chưa có tay nghề hoặc đang không biết làm gì.
Thực ra, đây cũng là hệ quả của sự "biến tướng" của những ứng dụng gọi xe. Khi mới đặt chân vào thị trường Việt Nam, Uber, Grab hay những ứng dụng tương tự mô tả bản thân là ứng dụng đi nhờ xe, những tài xế có xe và tiện cung đường di chuyển thì mới nhận chở khách để kiếm thêm thu nhập. Nhưng hiện tại, những ứng dụng này đã trở thành thứ gọi xe taxi, với những tài xế làm việc toàn thời gian.
Các ứng dụng này, sau thời gian "đốt tiền" để chiếm thị phần và hình thành thói quen, giờ sẽ liên tục tăng mức chiết khấu với tài xế và siết khuyến mãi của người dùng để cân bằng doanh thu, mang về lợi nhuận. Các tài xế có thể kêu cứu thỏa thích, nhưng sẽ chẳng ai cứu được họ đâu.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top