Tên lửa Trung Quốc phụt ra 2 luồng lửa, sau đó biến mất vào làn mây mờ ảo

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), kỷ lục của công ty Galactic Energy (trụ sở tại Bắc Kinh), với 9 lần phóng thành công tên lửa Ceres-1, đã chính thức chấm dứt sau vụ phóng thất bại mới đây.

Vụ phóng thất bại

Vụ phóng tên lửa mới nhất của Galactic Energy đã không thể đưa vệ tinh chụp ảnh có độ phân giải cao vào quỹ đạo. Công ty đã đưa ra thông báo về thất bại sau 6 tiếng kể từ thời điểm phóng (12 giờ 59 phút ngày 21/9, theo giờ Bắc Kinh, từ trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi).
"Hiệu suất bất thường đã được ghi nhận trong quá trình bay của tên lửa. Nguyên nhân cụ thể đang được điều tra làm rõ" - Galactic Energy thông báo trên tài khoản WeChat chính thức.
Mặc dù Galactic Energy không đề cập cụ thể về sự cố nhưng trong bài viết đăng ngày 23/9, trang tin 163 của Trung Quốc cho hay, tên lửa Ceres-1 đã gặp trục trặc "nghiêm trọng", sau đó phát nổ.
VNReview.vn

Theo trang tin này, họ đã có được đoạn video cho thấy Ceres-1 bốc cháy trên bầu trời và rồi một vụ nổ lớn xảy ra. Một vài giây sau, tiếp tục ghi nhận thêm một vụ nổ nữa, tên lửa vỡ ra trong không trung và biến mất khỏi tầm quan sát.
Trong khi đó, đoạn video mà SCMP có được cho thấy tên lửa Ceres-1 đã phụt ra ít nhất 2 luồng lửa trước khi bay lên và biến mất trong những đám mây. Sự cố giữa không trung đã phá hủy vệ tinh Gaofen-04 B mà tên lửa mang theo.
Một kỹ sư tên lửa ở Bắc Kinh cho biết, có vẻ động cơ tên lửa đã bị hỏng ở giai đoạn 2 hoặc giai đoạn 3.
Trong tuyên bố trên WeChat, Galactic Energy "chân thành xin lỗi" các khách hàng và những người đã luôn quan tâm, ủng hộ cho các sứ mệnh mà công ty tiến hành.
Theo SCMP, vụ phóng thất bại lần này là bước lùi lớn đầu tiên đối với loại tên lửa 4 tầng, dài 20 mét, vốn đã trở thành một trong những tên lửa thương mại hoạt động tốt nhất ở Trung Quốc kể từ chuyến bay đầu tiên vào tháng 11/2020.

Kế hoạch Cát Lâm-1 có khả năng bị trì hoãn

Đáng nói, theo SCMP, thất bại này có khả năng làm trì hoãn kế hoạch mở rộng Cát Lâm-1 (Jilin-1) – mạng lưới vệ tinh quan sát Trái Đất lớn nhất thế giới của Trung Quốc.
Cát Lâm-1 hiện có hơn 100 vệ tinh trên quỹ đạo và dự kiến sẽ tăng lên 300 vệ tinh vào năm 2025, cung cấp dịch vụ hình ảnh có độ phân giải cao phục vụ nhiều mục đích, từ khảo sát tài nguyên đất đai cho đến lập kế hoạch cứu trợ thiên tai và xây dựng thành phố thông minh.
Các vệ tinh lên Cát Lâm-1 trước đây đã được Trung Quốc phóng bằng nhiều loại tên lửa thuộc sở hữu nhà nước và tư nhân, bao gồm Trường Chinh, Khoái Châu và Hyperbola.
Tên lửa Trung Quốc phụt ra 2 luồng lửa, sau đó biến mất vào làn mây mờ ảo
Trong khi một số sứ mệnh Khoái Châu và Hyperbola thất bại thì tất cả các vụ phóng Trường Chinh đều thành công.
Vụ phóng tên lửa Ceres-1 ngày 21/9 là sứ mệnh quỹ đạo lần thứ 44 của Trung Quốc vào năm 2023 và là thất bại đầu tiên đối với chương trình không gian của nước này trong năm nay. Các nhà thầu chính thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc đã thực hiện 30 vụ phóng trong tổng số 60 vụ phóng nằm trong kế hoạch.
Tên lửa Ceres-1 có đường kính 1,4 mét, dài khoảng 20 mét, khối lượng cất cánh khoảng 33 tấn và tầng trên sử dụng nhiên liệu đẩy lỏng. Nó có thể mang tải 400 kg lên quỹ đạo thấp của Trái đất (LEO) hoặc 300 kg lên quỹ đạo đồng bộ mặt trời (SSO) ở độ cao 500 km.
Kỷ lục ấn tượng của Galactic Energy cho đến trước vụ phóng ngày 21/9 đã mang tới cho họ những hợp đồng quan trọng để phóng vệ tinh lên Cát Lâm-1.
Theo Space News, sự cố lần này đã phần nào nêu bật vai trò ngày càng tăng của các nhà cung cấp dịch vụ phóng thương mại ở Trung Quốc trong những sứ mệnh không gian của nước này.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top