"Thả tim", "Haha" ảnh người lạ trên mạng xã hội có tính là ngoại tình?

Mẫn Nhi

Admin xinh gái
Thành viên BQT
"Ngoại tình quy mô nhỏ" (micro-cheating) là một thuật ngữ phổ biến trên mạng xã hội, ám chỉ những hành động tưởng chừng như vô hại nhưng lại mang tính chất phản bội trong tình yêu. Chủ đề này tràn ngập trên các nền tảng như TikTok và Instagram, khiến nhiều cặp đôi lo lắng và bắt đầu theo dõi mạng xã hội của nhau để tìm kiếm dấu hiệu của sự lừa dối.

Tuy nhiên, với vô số hình thức tương tác trực tuyến ngày nay, từ "thả tim" đến "haha", "phẫn nộ", ranh giới giữa hành vi bình thường và vượt quá giới hạn trở nên mong manh. Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng việc theo dõi thái quá dễ dẫn đến xâm phạm quyền riêng tư và kiểm soát đối phương một cách quá mức.

1722214490848.png


Chuyên viên trị liệu tâm lý Rana Coniglio chia sẻ với tờ Washington Post rằng cô thường tiếp nhận những ca bệnh nhân trẻ tuổi, đặc biệt là thế hệ Gen Z, đến gặp cô vì lo lắng về các tương tác trực tuyến của người yêu. Họ băn khoăn liệu việc người yêu dành nhiều thời gian lướt Facebook trong giờ làm việc có phải là dấu hiệu của ngoại tình? Liệu việc nhấn theo dõi một người mẫu trên Instagram có phải là biểu hiện của sự mờ ám? Họ đang nhắn tin với ai? Việc họ vẫn theo dõi người yêu cũ liệu có vấn đề?

Vấn đề này không chỉ xảy ra ở nữ giới. Trên kênh TikTok với hơn 20.000 người theo dõi của mình, chuyên viên Coniglio thường nhận được những tin nhắn từ những người đang cố gắng định nghĩa thế nào là lừa dối trong thời đại kỹ thuật số. "Bạn gái tôi gửi video reels trên Instagram cho đồng nghiệp. Đó có phải là lừa dối không?", một người dùng thắc mắc.

Câu trả lời, theo chuyên viên Coniglio, còn phụ thuộc vào việc "cô bạn gái ấy là ai". Mỗi mối quan hệ đều có những ranh giới riêng. Những điều nhạy cảm với cặp đôi này có thể bình thường với cặp đôi khác.

Bắt kịp xu hướng trên TikTok, nhiều người dùng liệt kê ra hàng loạt hành vi "ngoại tình quy mô nhỏ", xem chúng nghiêm trọng như quan hệ tình dục ngoài luồng. Những hành động này bao gồm từ việc thích bài đăng trên Instagram của người khác giới, trả lời bình luận của một bạn khác giới trong nhóm chat lớp học, cho đến việc giúp một cô gái khác buộc tóc.

1722214523459.png


Nội dung các video này có phần ngớ ngẩn và cường điệu. Tuy nhiên, chúng vẫn lan truyền chóng mặt, phản ánh một phần tâm lý bất an trong tình yêu của giới trẻ ngày nay. Họ mệt mỏi với việc sử dụng ứng dụng hẹn hò, biến tình yêu thành trò chơi của thuật toán và kiếm tiền.

Không chỉ gán mác "ngoại tình quy mô nhỏ" cho những hành vi tưởng chừng vô hại, nhiều nhà sáng tạo nội dung còn khuyến khích người xem trở thành "thám tử nghiệp dư".

Điển hình là trường hợp của Kai Gonzalez, 23 tuổi, đã lái xe đến nhà bạn trai giữa đêm khuya và bí mật kiểm tra điện thoại của anh ta khi nghi ngờ anh ngoại tình. Trước đó, anh đã kết nối Bluetooth điện thoại với xe của cô. Vì vậy, cô đã truy cập vào hệ thống định vị và đọc trộm tin nhắn của anh.

Kết quả là cô phát hiện anh thường xuyên nhắn tin "chào buổi sáng" và "chúc ngủ ngon" cho nhiều cô gái khác. Gonzalez quyết định chia tay ngay lập tức và quay lại toàn bộ câu chuyện thành video đăng tải lên TikTok. Đoạn video nhanh chóng thu hút hơn 8 triệu lượt xem.

Tương tự, thám tử tư Patrice Gilgan đã cống hiến sự nghiệp của mình để giúp mọi người bóc trần sự dối trá của người yêu, sau khi bản thân cô trải qua chuyện tình tan vỡ. Cô cho biết ngày nay, ngoại tình thường diễn ra trên mạng.

Mọi người tìm đến TikTok, Instagram hoặc Facebook của Gilgan khi họ cảm thấy bất an trong mối quan hệ của mình. Họ cho rằng có điều gì đó không ổn nhưng lại không có bằng chứng. Các video của Gilgan hướng dẫn mọi người cách tìm bằng chứng ngoại tình dù lớn hay nhỏ, thậm chí là “ngoại tình quy mô nhỏ”. Cô còn chia sẻ những kỹ thuật mà cô tích lũy được trong suốt 15 năm làm điều tra viên chuyên nghiệp.

1722214542133.png


Gilgan cung cấp đa dạng công cụ và phương pháp, từ việc nhập địa chỉ email vào công cụ tìm kiếm tài khoản trực tuyến để xem có tài khoản mạng xã hội nào xuất hiện, tìm kiếm tên người yêu trên Tinder, cho đến việc lập nhóm Facebook có tên "MomFish", nơi phụ nữ tình nguyện đóng giả người khác để "thử lòng" người yêu của người nhờ vả. Gilgan cho biết cô đã giúp hàng nghìn người tìm ra bằng chứng và chấm dứt mối quan hệ lừa dối.

Tuy nhiên, nghi ngờ không phải lúc nào cũng đúng sự thật. Theo dõi quá mức có thể dễ dàng trở thành một hình thức lạm dụng tinh thần. Ví dụ như thiết bị định vị Apple AirTag có thể được sử dụng để đảm bảo an toàn cho người thân, nhưng cũng có thể bị lợi dụng để theo dõi hoặc quấy rối người khác.

Chuyên viên trị liệu tâm lý Coniglio nhận thấy ngày càng nhiều người trẻ xem việc chia sẻ thông tin vị trí và tài khoản cá nhân như một minh chứng cho tình yêu.

Trong khi đó, luật sư Annie Seifullah trả lời tờ Washington Post rằng ranh giới giữa sự thân mật và lạm dụng rất khó xác định, đặc biệt đối với những người trẻ tuổi mới bắt đầu tìm hiểu về tình yêu.

Seifullah cho biết một số trường hợp tồi tệ nhất mà cô từng gặp là khi giới trẻ đòi hỏi quyền truy cập vào tài khoản cá nhân của đối phương. Cô từng bào chữa cho một nữ sinh trung học bị bạn trai yêu cầu cung cấp mật khẩu tài khoản và ảnh chụp màn hình tất cả các tin nhắn. Hành vi lạm dụng có thể leo thang thành tống tiền tình dục, khi kẻ đe dọa sẽ phát tán ảnh nhạy cảm của nạn nhân nếu không làm theo yêu cầu của chúng.

Thực tế, rất nhiều người trẻ phải đối mặt với vấn nạn này. Công ty an ninh mạng Malwarebytes ước tính 55% thế hệ Gen Z và 53% thế hệ Millennials bị ép buộc chia sẻ thông tin đăng nhập, mật khẩu hoặc vị trí. Kaspersky ước tính 10% người độc thân ở Mỹ đã bị người yêu xâm nhập email hoặc mạng xã hội.

Seifullah nhấn mạnh: "Trong một mối quan hệ, bạn sẽ phải đối mặt với những tổn thương và rủi ro. Việc bạn theo dõi, kiểm soát đối phương là một sự đòi hỏi hơn là trao quyền". Nhìn lại trải nghiệm của bản thân, Gonzalez cho biết hiện tại cô sẽ giải quyết tình huống theo cách khác. Nếu không thể tin tưởng đối phương, cô sẽ lựa chọn kết thúc mối quan hệ.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top