"Thiếu hồn và cốt": nỗi lo của ngành công nghệ Trung Quốc đã dần tan biến?

Khánh Vân
Khánh Vân
Phản hồi: 0

Khánh Vân

Writer
Trong cuộc gặp mặt với Chủ tịch Tập Cận Bình, đại diện các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Trung Quốc đã bày tỏ sự lạc quan về triển vọng phát triển của ngành, đồng thời khẳng định những lo ngại về việc thiếu hụt chip bán dẫn và hệ điều hành nội địa đang dần được giải quyết.

china-chips-research-artificial-intelligence-ai-crop-1692594384861.jpeg_75.jpg

Cuộc gặp diễn ra vào ngày 17/2 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, với sự tham gia của các nhà sáng lập và giám đốc điều hành các công ty công nghệ lớn. Nội dung chi tiết của cuộc họp, bao gồm phát biểu của các lãnh đạo doanh nghiệp, vừa được People's Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, công bố vào ngày 21/2.

"Nỗi lo ngại rằng 'Trung Quốc thiếu hồn và cốt' đã lắng dịu," ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập Huawei, khẳng định. "Tôi hoàn toàn tin tưởng đất nước Trung Quốc mạnh mẽ đang trỗi dậy với tốc độ ngày càng nhanh."

nham-chinh-phi-1-1740191276-8368.jpg

Ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập Huawei, phát biểu trong buổi gặp gỡ với Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình
Cụm từ "thiếu hồn và cốt" từng được một cựu bộ trưởng công nghệ Trung Quốc sử dụng vào năm 1999 để chỉ tình trạng phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, trong đó "cốt" là lĩnh vực bán dẫn và "hồn" là hệ điều hành. Huawei, với nỗ lực vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ để tự sản xuất chip và phát triển hệ điều hành riêng, được xem là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong mục tiêu tự chủ công nghệ của Trung Quốc.

CEO của BYD, ông Vương Truyền Phúc, cũng chia sẻ về thành tựu của ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc, nhấn mạnh rằng dù khởi đầu từ con số không, ngành này đã "thể hiện thành tích ấn tượng".

Trong khi đó, ông Lôi Quân, CEO của Xiaomi, bày tỏ niềm tin rằng "không gì là không thể vượt qua" dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông cho biết doanh số của Xiaomi đã tăng trưởng hơn 30% sau hai năm suy giảm, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của công ty.

Đại diện cho ngành sản xuất chip, ông Ngu Nhân Vinh, lãnh đạo Will Semiconductor, nhấn mạnh tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc đang ngày càng tăng, thể hiện động lực phát triển mạnh mẽ của ngành.

Ông Vương Hưng Hưng, CEO của công ty robot Unitree Robotics, đại diện cho thế hệ doanh nhân trẻ, khẳng định sự quyết tâm cống hiến cho đất nước: "Doanh nghiệp và bản thân chúng tôi đều sinh ra, lớn lên tại Trung Quốc". Chủ tịch Tập Cận Bình đã động viên ông Vương, nhấn mạnh vai trò quan trọng của thế hệ trẻ trong công cuộc đổi mới đất nước.

tap-can-binh-9-1740191349-3901-1.jpg

Đông đảo các CEO công nghệ hàng đầu Trung Quốc đều có mặt trong buổi gặp gỡ với ông Tập

Cuộc gặp mặt này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại, cùng với đó là căng thẳng thương mại gia tăng với Mỹ. Theo Reuters, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tổ chức hội thảo để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và động viên tinh thần của các doanh nghiệp tư nhân, đồng thời khuyến khích họ mở rộng hoạt động kinh doanh cả trong và ngoài nước.

Đáng chú ý, nhà sáng lập ứng dụng AI DeepSeek, ông Liang Wenfeng, cũng tham dự cuộc họp, dù không có phát biểu được công bố. DeepSeek đang là một hiện tượng trong lĩnh vực AI của Trung Quốc, thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư.

Chủ tịch Tập Cận Bình từ lâu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự chủ về công nghệ bán dẫn và ứng dụng AI để thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nỗ lực này đang gặp phải những thách thức không nhỏ do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip từ phía Mỹ.

Bên cạnh cạnh tranh công nghệ, căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ cũng đang leo thang. Việc Tổng thống Trump áp thuế bổ sung lên hàng hóa Trung Quốc và động thái đáp trả của Bắc Kinh đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top