Thiêu hủy số sừng tê giác trị giá 78 triệu USD để tuyên truyền chống nạn săn trộm

Ở một số thị trường châu Á, sừng tê giác còn có giá trị hơn cả vàng hay kim cương. Vì thế, bất chấp loài tê giác đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng, nạn săn trộm vẫn diễn ra trong âm thầm. Theo Vice, gần 2.500 chiếc sừng tê giác Ấn Độ quý hiếm, trị giá ít nhất 78 triệu USD trên thị trường chợ đen, vừa được đem ra thiêu hủy. Đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức người dân về nạn săn trộm, cũng như sừng tê không có tác dụng "thần dược" như đồn thổi.
Thiêu hủy số sừng tê giác trị giá 78 triệu USD để tuyên truyền chống nạn săn trộm
Các quan chức sở lâm nghiệp ở bang Assam của Ấn Độ đốt cháy hàng nghìn chiếc sừng, nặng khoảng 1.300 kg bị thu giữ từ những kẻ buôn bán và săn trộm trái phép. Họ cũng tổ chức thu gom những con tê giác đã chết từ năm 1979 để kỷ niệm Ngày Tê giác Thế giới vào ngày 22 tháng 9. Theo Tổ chức Động vật Thế giới, những chiếc sừng này được bán với giá trung bình 60.000 USD/kg trên thị trường chợ đen, chúng được cho là có đặc tính chữa bệnh trong một số nền văn hóa châu Á. Được xem là "thần dược" trong tâm tưởng nhiều người.
Bibhab Kumar Talukdar, một nhà bảo tồn đa dạng sinh học điều hành tổ chức phi lợi nhuận về động vật hoang dã Aaranyak, nói với VICE World News: “Việc đốt sừng gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng chúng không phải là thuốc và không có giá trị thực sự”.
Những hiểu biết sai lầm về tác dụng của sừng tê giác đã dẫn đến sự suy giảm số lượng loài động vật này trong nhiều thập kỷ qua. Những chiếc sừng này được cấu tạo từ Keratin, một loại protein có trong tóc và móng tay của con người. Tuy nhiên, ở nhiều nước châu Á bao gồm cả Trung Quốc và Việt Nam, chúng được cho là có thể chữa bách bệnh từ đau đầu đến sốt, nôn nao và thậm chí là ung thư. Những huyền thoại này đã làm cho sừng tê giác có giá trị hơn ngà voi, vàng, kim cương và thậm chí là cocaine.
Thiêu hủy số sừng tê giác trị giá 78 triệu USD để tuyên truyền chống nạn săn trộm
Talukdar nói: “Nhưng không có bằng chứng khoa học nào về điều này. Ở Ấn Độ, săn tê giác có thể nhanh chóng trở thành mối đe dọa an ninh, vì sừng của chúng thường xuyên được mua bán cùng với vũ khí và ma túy”.
Thủ hiến của Assam, Himanta Biswa Sarma cho biết trong buổi tiêu hủy: “Một số người nói rằng thay vì phá hủy những chiếc sừng, đáng lẽ chúng ta nên bán chúng đi. Nhưng giống như cách chúng ta không thể bán ma túy bị tịch thu để kiếm tiền, chính phủ cũng không thể kiếm tiền bằng cách bán sừng tê giác”.
Assam là nhà của 2.650 con tê giác, được biết đến là quần thể tê giác một sừng lớn nhất thế giới, một loài đặc hữu của tiểu lục địa Ấn Độ (với đặc điểm nhận dạng là chiếc sừng duy nhất). Tê giác được liệt vào danh sách động vật có nguy cơ tuyệt chủng theo Đạo luật Bảo vệ Động vật Hoang dã của Ấn Độ, khiến hoạt động buôn bán quốc tế liên quan đến loài động vật này trở nên bất hợp pháp. Tuy nhiên, luật pháp không cấm việc thiêu hủy các bộ phận của động vật này, chẳng hạn như sừng.
Nguồn: Vice
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top