Thuật toán chấm công: nỗi ám ảnh của người lao động trong tương lai

Bạn có còn nhớ thời điểm mà "thuật toán" vẫn chưa trở thành một phần trong đời sống thường nhật chứ? Nhờ các nền tảng số như Uber, những ngày tháng đó nay chỉ còn là hoài niệm, và trong thế giới mới này, việc những dòng code đảm nhiệm hoạt động điều phối công việc đã trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính trên toàn cầu đang có khoảng 800 công ty nền tảng số. Từ một vài tên tuổi lớn trong lĩnh vực gọi xe, số lượng các công ty như vậy đã tăng theo cấp số nhân, hiện diện trên khắp mọi mặt cuộc sống, từ những siêu ứng dụng "lẩu thập cẩm" cho đến các dịch vụ giao hàng tốc độ tên lửa, và cả microtasking nữa.
"
Quản lý bằng thuật toán" là mấu chốt trong hoạt động của các nền tảng này: người lao động không được quản lý bởi một vị sếp nào, mà thay vào đó nhận những công việc và tiếp xúc với các khách hàng mà thuật toán xác định là phù hợp nhất, mang lại hiệu quả cao nhất. Nhưng khi mà mô hình làm việc này ngày càng phổ biến, tác động tiêu cực của nó lên người lao động cũng trở nên rõ ràng hơn. Bên cạnh những áp lực quen thuộc trong công việc - như mức thu nhập kiếm được, họ còn phải đối mặt với một số thách thức mới, như đột ngột bị "đá" khỏi một ứng dụng, hay bị phân ngẫu nhiên những công việc tại một khu vực nguy hiểm nào đó.
Trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu về các nền tảng làm việc số, Viện BIến đổi Toàn cầu Tony Blair đã phỏng vấn 57 người lao động trên nền mạng (platform worker) và các tổ chức công nghiệp tại Singapore, London, Nairobi, và Jakarta.
Nhìn chung, phần lớn người lao động trên nền mạng vẫn tin rằng công việc thời vụ (hay công việc tạm thời, công việc bán thời gian) - thay vì các công việc cố định toàn thời gian - là những công việc khá tốt; và họ định nghĩa "tốt" dựa trên các yếu tố như khả năng kiểm soát công việc, tính linh hoạt trong quá trình làm việc, và nguồn thu nhập khá. Nhưng mô hình "
quản lý bằng thuật toán" không hề dễ chịu. Việc bạn phải dựa vào các quy trình tự động để phân bổ công việc, đánh giá hiệu suất, và xác định rủi ro chi trả đã khiến những lợi ích nói trên bị lu mờ. Và khi mà quản lý bằng thuật toán trở nên phổ biến hơn trong giới "cổ cồn trắng", thì tác động của nó đối với nền kinh tế thời vụ (gig economy) không sớm thì muộn cũng trở thành một vấn đề đáng quan ngại.
Thuật toán chấm công: nỗi ám ảnh của người lao động trong tương lai
Một nhân viên giao hàng công nghệ tại Singapore
Trong các bài phỏng vấn, những người lao động thời vụ đề cập đến sự thiếu minh bạch trong cách thuật toán hoạt động. Họ muốn biết thuật toán thu thập những dữ liệu gì, và họ có thể phản ứng lại bằng cách nào. Một người Singapore lên tiếng yêu cầu "Chỉ cần cho tôi biết cơ chế kiểm soát bằng thuật toán ảnh hưởng đến thu nhập của mình ra sao, để tôi có thể điều chỉnh cho phù hợp"
Sự thiếu minh bạch nói trên chủ yếu tập trung vào cơ chế đánh giá hiệu suất công việc. Tại Nairobi, nhiều người lao động trên nền mạng cho biết phải chấp nhận những công việc ở những khu vực nguy cơ cao, đồng thời lo sợ rằng nếu từ chối công việc được giao thì chỉ số đánh giá của họ sẽ bị ảnh hưởng. Tại Jakarta, người lao động cảm thấy khó hiểu khi các nền tảng thường ưu tiên chọn hướng giải quyết "trừng phạt" mỗi khi có khách hàng phàn nàn với chất lượng công việc mà không hề có sự can thiệp nào từ phía những con người điều hành nền tảng đó. Một nhân viên giao hàng, khi bị "đá" khỏi ứng dụng, đã khẳng định rằng hành động đó không đi kèm với "bất kỳ cuộc hội thoại hay email nào để làm rõ mọi chuyện với chúng tôi"
Chưa hết, phí hoa hồng mà các nền tảng thu có thể tăng mà không hề thông qua ý kiến người lao động, và hiển nhiên, cách tính toán tiền công cũng không hề rõ ràng. Một tài xế xe công nghệ ở Indonesia cho biết mức phí cho mỗi chuyến đi có thể không hề tương xứng với đoạn đường thực sự. "Phí cho 3km có thể giống hệt phí cho 1km" - anh nói.
Mức giá cho mỗi công việc cũng có thể bị phân biệt, dựa trên nơi làm việc của người lao động. Những người làm trực tuyến từ Jakarta và Nairobi cay đắng phát hiện ra rằng khách hàng "
có xu hướng nghĩ rằng chúng tôi không hiểu hoặc không biết tiếng Anh - do đó, chúng tôi nhận được ít việc hơn và lương thấp hơn". Một số nền tảng web còn giới hạn khả năng truy cập đến các thị trường dựa trên vị trí; ví dụ, một người chuyên làm công việc chuyển ngữ ở Kenya cho biết đã phải dùng VPN mới vào được nền tảng.
Tại sao điều này lại đáng nói đến? Hệ thống quản lý bằng thuật toán không bị gói gọn trong các thị trường đang nổi hoặc trong các nền tảng lao động số. Tính đến tháng 7/2020, 42% các công ty châu Âu đã cho triển khai ít nhất một công nghệ dựa trên thuật toán, và dự kiến sẽ có thêm 18% số công ty nữa cân nhắc triển khai trong vòng 2 năm tới. Hiện nay, các công cụ giám sát và theo dõi dựa trên công nghệ đã được triển khai trong các lĩnh vực bán lẻ, trong các nhà kho, và trong khâu kho vận (logistics) nhằm thu thập dữ liệu về tốc độ, hành vi, và mức độ tuân thủ nguyên tắc của người lao động. Việc này có thể dẫn đến những tác động đáng kể đến sức khỏe tinh thần, thu nhập, cảm nhận về tính công bằng, và tự do ý chí của người lao động.
Làm sao để vừa duy trì được những lợi ích mà các công việc thời vụ mang lại, vừa hạn chế được những khía cạnh tiêu cực của nó lên lực lượng lao động, là vấn đề cần xem xét ngay lập tức. Một số chính phủ đã chọn giải pháp triển khai các cơ chế bảo vệ người lao động trên nền mạng và những lợi ích của họ bằng cách xếp họ vào nhóm người lao động toàn thời gian theo hợp đồng. Nhưng để được bảo vệ như vậy, người lao động phải chấp nhận hi sinh tính linh hoạt vốn là đặc trưng của nền kinh tế thời vụ.
Ngược lại, chính phủ một số nước khác, như Ấn Độ, không đòi hỏi việc bảo vệ người lao động phải dựa trên địa vị pháp lý của họ - một biện pháp trung hòa, vừa bảo vệ tốt hơn người lao động thời vụ mà không buộc họ phải hi sinh tính linh hoạt. Tại Singapore, những sửa đổi chính sách gần đây được đề xuất bởi Ủy ban Tư vấn về Người lao động Nền tảng đã tập trung vào tăng cường bảo vệ những người lao động thời vụ chịu sự kiểm soát bởi thuật toán ở một mức độ nhất định.
Trên toàn cầu, lực lượng lao động nói chung vẫn tiếp tục kêu gọi những giải pháp nhằm cải thiện tính linh hoạt trong công việc, bao gồm cả những người lao động toàn thời gian thông thường. Thay vì tạo ra những quy chế riêng cho người lao động thời vụ, thứ cần cải thiện chính là quyền lợi cốt lõi của người lao động - trong đó có quyền liên quan môi trường số và dữ liệu của chính họ. Khi đó, người lao động tương lai mới được bảo vệ trước những cơ chế quản lý bằng thuật toán ngày càng được triển khai rộng rãi và gay gắt hơn.
Tham khảo:
RestOfWorld
>> Thuật toán là gì, có phức tạp và bí ẩn như mọi người vẫn nghĩ hay không?
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top