Thụy Sĩ muốn trở thành nước đầu tiên cấm thí nghiệm lên động vật

Nếu như số phiếu đồng thuận áp đảo trong cuộc trưng cầu dân ý sắp diễn ra, Thụy Sỹ sẽ trở thành quốc gia đầu tiên thông qua lệnh cấm sử dụng động vật trong phòng thí nghiệm.
Thụy Sĩ muốn trở thành nước đầu tiên cấm thí nghiệm lên động vật
Thụy Sĩ sẽ bỏ phiếu vào Chủ nhật (13/2) về việc có trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm hoàn toàn thử nghiệm y tế trên động vật hay không. Động thái xuất hiện sau khi các nhà vận động bảo vệ quyền động vật thu thập đủ sự ủng hộ để tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý ở quốc gia có ngành dược phẩm khổng lồ.
Theo thống kê của chính phủ, hơn 550.000 động vật đã chết trong các thí nghiệm ở Thụy Sĩ vào năm 2020. Con số bao gồm 400.000 con chuột và chuột cống, gần 4.600 con chó, 1.500 con mèo và 1.600 con ngựa. Các loài linh trưởng, bò, lợn, cá và chim cũng bị giết trong và sau khi thí nghiệm.
Renato Werndli, một bác sĩ đến từ vùng đông bắc Thụy Sĩ khẳng định: “Thật tàn nhẫn và không cần thiết khi thử nghiệm trên động vật và tôi chắc chắn rằng, chúng ta có thể phát triển các loại thuốc mà không cần tàn sát các động vật khác".
Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý sẽ có giá trị ràng buộc.
Tuy nhiên lệnh cấm cũng để lại hậu quả nghiêm trọng đối với lĩnh vực dược phẩm. Nhiều công ty dược phẩm đã cảnh báo rằng, động thái này sẽ ngăn chặn sự phát triển của các loại thuốc mới và buộc các công ty và nhà nghiên cứu phải chuyển ra nước ngoài.
Werndli chia sẻ: “Chúng ta không nên khai thác động vật vì mục đích ích kỷ của chính mình”. Ông đồng thời cho biết, các phương pháp nghiên cứu như sinh học phân tử, chip lưu trữ các phản ứng sinh hóa, mô phỏng máy tính hoặc chất thức thần liều nhỏ, thử nghiệm trên người hiệu quả hơn động vật.
Nhóm vận động hành lang, Hiệp hội ngành công nghiệp dược phẩm Thụy Sỹ Interpharma cho biết, lĩnh vực dược phẩm bao gồm các công ty như Roche và Novartis đóng góp 9% cho nền kinh tế Thụy Sĩ và tạo ra gần một nửa kim ngạch xuất khẩu của Thụy Sĩ.
Interpharma là một trong những tổ chức đi đầu trong phản đối cuộc trưng cầu dân ý. Tổ chức cho rằng, đề xuất trên sẽ rất tàn khốc nếu được thông qua. Giám đốc Interpharma, ông Rene Buholzer nhấn mạnh: “Hoạt động nghiên cứu thuốc, nghiên cứu lâm sàng trong bệnh viện và nghiên cứu cơ bản tại các trường đại học...sẽ không còn khả thi nữa".
Nhiều hãng thuốc cho rằng, lệnh cấm thử nghiệm trên động vật có thể dẫn đến sự kết thúc của các loại thuốc mới.
Thụy Sĩ muốn trở thành nước đầu tiên cấm thí nghiệm lên động vật
CEO hãng dược Idorsia, ông Jean-Paul Clozel chia sẻ với Reuters: “Tôi nghĩ bạn đã thấy ở thời Covid tầm quan trọng của việc khám phá ra vắc xin mới, loại thuốc mới quan trọng như thế nào. Và chúng đã được thử nghiệm trên động vật”.
Maries van den Broek đến từ Đại học Zurich thực hiện nghiên cứu cấy ghép khối u vào chuột để nghiên cứu cách hệ thống miễn dịch của chúng được tăng cường ra sao để chống lại bệnh ung thư.
Bà chia sẻ: “Bởi vì chúng ta không hiểu dù chỉ 10% các quá trình diễn ra bên trong một khối u, do đó không thể sử dụng các mô hình máy tính hoặc nuôi cấy tế bào để hiểu sinh học phức tạp của bệnh ung thư”.
Trước khi các nhà khoa học bắt đầu một thí nghiệm trên động vật, họ phải chứng minh được việc họ không còn lựa chọn thay thế nào khác và nghiên cứu của họ rất quan trọng.
Broek tiết lộ: “Chúng tôi sử dụng khoảng 750 con chuột mỗi năm. Tất cả chúng đều chết khi kết thúc thí nghiệm nhưng không có giải pháp thay thế. Nếu không có thí nghiệm cụ thể này, chúng tôi sẽ không thể phát triển các phương pháp điều trị cứu sống con người”.
Các cuộc thăm dò ý kiến mới nhất cho thấy chỉ có 26% cử tri ủng hộ lệnh cấm và 68% phản đối.
Thụy Sĩ tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý bốn lần một năm và cuộc bỏ phiếu vào năm ngoái ủng hộ các hạn chế Covid-19 của chính phủ và chấp thuận hôn nhân đồng giới.
Werndli cho biết chiến dịch đã phần nào nâng cao nhận thức về sự sống của động vật trong phòng thí nghiệm, bày tỏ niềm hy vọng lớn với chiến dịch.
Ông bày tỏ: “Tôi hy vọng cuối cùng chúng ta có thể thay đổi và Thụy Sĩ có thể là một ví dụ tích cực cho phần còn lại của thế giới giúp ngăn chặn sự đau khổ của động vật”. Kết quả cuối cùng sẽ có sau cuộc trưng ý dân ý.
Nguồn: Reuters
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top