Tìm hiểu về Matter: Chuẩn kết nối sẽ thay đổi thị trường nhà thông minh

Cuối năm nay, việc lựa chọn, cài đặt và sử dụng các thiết bị trong hệ sinh thái nhà thông minh của bạn sẽ thay đổi khá nhiều với sự xuất hiện của chuẩn nhà thông minh Matter. Chuẩn Matter cho phép các thiết bị đơn lẻ hoạt động cùng nhau trong một hệ thống nhà thông minh tuỳ chọn – bạn có thể chọn Amazon Alexa, Google Assistant hoặc một hãng bất kỳ.
Tìm hiểu về Matter: Chuẩn kết nối sẽ thay đổi thị trường nhà thông minh
Ảnh: Connectivity Standards Alliance
“Nếu thành công, chuẩn nhà thông minh mới sẽ là một cải tiến rất lớn và cho phép người dùng lựa chọn mẫu mã thiết bị dựa trên tính năng và giá cả thay vì khả năng tương thích với hệ thống kỹ thuật, và hoàn toàn không phải lo sợ thiết bị dừng hoạt động khi ngành công nghiệp này có sự thay đổi”, Bernie Deitrick, biên tập viên tại Consumer Reports, cho biết.
Cũng chính vì những vấn đề liên quan đến tính tương thích, Amazon, Apple, Google, Samsung cùng nhiều công ty khác đã cùng tham gia Connectivity Standards Alliance (CSA – Liên minh Tiêu chuẩn Kết nối), một tổ chức quy định các tiêu chuẩn cho ngành công nghiệp Internet of Things (IoT – mạng lưới vạn vật kết nối internet), để tạo ra một chuẩn kết nối mới cho các thiết bị nhà thông minh có tên Matter. Đây là thành quả của một nỗ lực kéo dài hơn 2 năm trong dự án Connected Home over IP (CHIP) với sự hỗ trợ của hàng chục và đến nay là hơn 200 công ty.
Mục tiêu của chuẩn kết nối mới là giúp toàn bộ thiết bị nhà thông minh có thể tương tác với nhau. Như vậy, nếu bạn mua một sản phẩm có biểu tượng chuẩn Matter, bạn có thể dùng thiết bị đó với Amazon Alexa, Apple HomeKit, Google Assistant, Samsung SmartThings hoặc bất kỳ hệ sinh thái nào có hỗ trợ.
Phiên bản đầu tiên của Matter sẽ được ra phát hành chính thức vào giữa năm 2022. Tại CES 2022, nhiều công ty trong ngành công nghiệp nhà thông minh, như Arlo, Belkin/Wemo, Comcast, Eve và GE Lighting, đều thông báo đã có kế hoạch hỗ trợ chuẩn kết nối mới này.
Mặc dù mục đích của Matter nghe có vẻ đơn giản, nhưng những vấn đề trong quá trình chuyển tiếp lại tương đối phức tạp. Để giải đáp những thắc mắc của người dùng, bài viết này sẽ giải thích mọi thông tin về Matter, từ ưu điểm cho đến loại thiết bị hỗ trợ, quyền riêng tư và vấn đề bảo mật.

Vì sao sự ra đời của chuẩn Matter lại cần thiết đến vậy?​

Khi bạn mua một thiết bị có khả năng kết nối, ví dụ như smartTV, bộ cảm biến nhiệt độ hay khoá cửa – bạn sẽ tìm thấy một số huy hiệu khác nhau trên vỏ hộp cùng các phần mô tả như: Works With Alexa, Works With Apple HomeKit, Works With Hey Google, Works With SmartThings…
Mỗi thông tin tương ứng với một hệ sinh thái nhà thông minh khác nhau (lần lượt là Amazon Alexa, Apple HomeKit, Google Assistant và Samsung SmartThings) mà bạn có thể sử dụng để kết nối với thiết bị đó để có thể quản lý và điều khiển chúng thông qua một ứng dụng duy nhất hoặc loa thông minh.
Tìm hiểu về Matter: Chuẩn kết nối sẽ thay đổi thị trường nhà thông minh
Ảnh: Gearbrain
Tuy nhiên, điều tưởng chừng như đơn giản này lại nhanh chóng trở nên cồng kềnh khi bạn bắt tay vào xây dựng một hệ thống nhà thông minh cho mình. Một số thiết bị, như khoá cửa thông minh của Schlage Encode, chỉ hoạt động với Alexa và Google Assistant mà không hỗ trợ các hệ sinh thái khác. Không phải tất cả hệ sinh thái nhà thông minh đều hỗ trợ cùng một hay nhiều loại thiết bị giống nhau. Ví dụ như các thiết bị gia dụng kích thước lớn như máy rửa chén, lò nướng tương thích với Alexa, Google và SmartThings nhưng lại không hỗ trợ Apple HomeKit. Và mỗi một thiết bị bạn mua về sau sẽ ngày càng đắt hơn và hầu như không thể tái sử dụng nếu bạn thay đổi hệ sinh thái nhà thông minh trong tương lai.
Mọi vấn đề nói trên sẽ được giải quyết nếu chuẩn kết nối Matter thành công trong việc tạo ra khả năng tương tác giữa các thiết bị nhà thông minh.

Lợi ích mà chuẩn Matter mang lại là gì?​

Như đã nói ở trên, mục tiêu cuối cùng của Matter là khả năng tương tác. Mọi thiết bị hỗ trợ Matter đều có thể hoạt động với nhau bất kể công ty nào sản xuất ra chúng. Trưởng bộ phận tiếp thị của CSA Michelle Mindala-Freeman cho biết Matter hứa hẹn mang lại 3 lợi ích lớn cho người dùng. Đầu tiên là mang lại nhiều sự lựa chọn hơn về sản phẩm và hệ sinh thái nhà thông minh mà người dùng có thể sử dụng. Tiếp đến là đơn giản hoá trải nghiệm người dùng trong quá trình cài đặt, bảo mật… Và cuối cùng là giảm thiểu chi phí nhờ vào kỹ thuật, quá trình sản xuất hiệu quả hơn và hơn nữa là không cần hỗ trợ nhiều chương trình “Works with…” khác nhau.
“Matter giúp người dùng dễ dàng thử nghiệm và tham gia vào thị trường nhà thông minh”, Mindala-Freeman cho biết. “Như vậy, sự lựa chọn, sự đơn giản và giá cả đều phù hợp cho cả người dùng hiện tại và người dùng mới”.
Một lợi ích lớn khác của Matter là quá trình điều khiển các thiết bị được thực hiện cục bộ trên hệ thống mạng gia đình của bạn thay vì thông qua mạng internet (đây là một vấn đề lớn vì nó còn liên quan đến máy chủ của nhà sản xuất thiết bị). Nhờ đó, tương tác giữa bạn và hệ thống nhà thông minh diễn ra nhanh chóng hơn và nó vẫn có thể hoạt động bình thường khi mạng internet gặp trục trặc.
Cuối cùng, Matter cho phép bạn điều khiển thiết bị đồng thời từ nhiều hệ thống nhà thông minh khác nhau thông qua tính năng Multi-Admin. Chẳng hạn, bạn có thể bật đèn bằng ứng dụng SmartThings trên điện thoại Samsung, yêu cầu Alexa giảm độ sáng thông qua loa thông minh Amazon Echo, và tắt đèn bằng ứng dụng Apple Home trên iPad.

Loại thiết bị nhà thông minh nào có thể hỗ trợ Matter?​

Tại thời điểm phát hành, Matter sẽ hỗ trợ các thiết bị chiếu sáng (công tắc, bóng đèn, ổ cắm…), khoá cửa thông minh, cảm biến nhiệt độ và bộ điều khiển hệ thống sưởi và/hoặc điều hoà (HVAC), rèm, màn cửa, cảm biến an ninh (cảm biến mở cửa, cảm biến chuyển động, cảm biến khói và khí CO), điều khiển cổng ga-ra, điểm truy cập mạng, TV và thiết bị truyền phát (như Roku Streaming Stick, Chromecast with Google TV, Amazon Fire TV Stick, Apple TV…).
Trong tương lai, Matter dự kiến sẽ hỗ trợ thêm các thiết bị gia dụng, robot hút bụi và các thiết bị quản lý năng lượng (như tấm pin mặt trời, sạc xe điện, bộ lưu điện dự phòng). Trưởng bộ phận công nghệ của CSA Chris LaPré cho biết các thiết bị giám sát sẽ được hỗ trợ trong các phiên bản sau này vì các hãng sản xuất camera như Arlo, Eve, TP-Link và Wyze đã gia nhập CSA, tuy đến nay, họ vẫn chưa có động thái triển khai chính thức nào.

Những thiết bị nhà thông minh bạn đã mua có thể hoạt động với Matter không?​

Vấn đề này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong phiên bản hiện tại, Matter hỗ trợ các thiết bị kết nối internet thông qua Wi-Fi, cổng Ethernet và một hệ thống mạng không dây năng lượng thấp mới có tên Thread. Matter cũng hỗ trợ kết nối Bluetooth nhưng chỉ dùng cho quá trình cài đặt ban đầu.
Nếu thiết bị cũ của bạn sử dụng cùng loại kết nối kể trên, có đủ bộ nhớ và có bộ vi xử lý đủ mạnh để hỗ trợ Matter thì có thể chúng sẽ được cập nhập phần mềm để hỗ trợ chuẩn kết nối này. Nếu thiết bị không sử dụng một trong những phương thức kết nối trên, nhà sản xuất có thể tạo cầu nối (hoặc cập nhật cái hiện có) để hỗ trợ Matter.
Ví dụ, Signify (nhà sản xuất các sản phẩm đèn chiếu sáng mang thương hiệu Philips) đã thông báo sẽ cập nhật cầu nối (bridge) của họ trên đèn thông minh Philips Hue để hỗ trợ chuẩn Matter. Nhưng tại CES, Belkin (nhà sản xuất thiết bị nhà thông minh Wemo) cho biết họ sẽ tung ra phiên bản mới của các sản phẩm ổ cắm thông minh, công tắc thông minh và công tắc vặn thông minh có hỗ trợ chuẩn Matter thông qua Thread. Các sản phẩm trước đây của Wemo không sử dụng kết nối Thread sẽ không được nâng cấp để hỗ trợ chuẩn Matter.
Ngoài ra, một số thiết bị khác sẽ được cập nhật để hỗ trợ chuẩn Matter gồm: Loa thông minh Amazon Echo thế hệ mới và Echo Dot; toàn bộ loa và màn hình thông minh Amazon Echo Flex, Echo Plus, Echo Show và Echo Studio; tất cả các thiết bị của Apple chạy hệ điều hành iOS 15, iPad OS 15, HomePod OS 15, tvOS 15 và watchOS 15; toàn bộ Wi-Fi mesh router Eero Beacon, Eero Pro, Eero Pro 6 và Eero 6; tất cả thiết bị của Eve có hỗ trợ Thread; tất cả các dòng loa và màn hình thông minh Google Nest; các dòng Wi-Fi router Google Nest; thiết bị cảm biến nhiệt Google Nest Thermostat; tất cả thiết bị chiếu sáng của Nanoleaf Elements, Essentials, Shapes và đèn thông minh Philips Hue.

Thread là gì?​

Thread không có tên nhận diện của Wi-Fi hay Bluetooth, nhưng loại kết nối không dây mới này dường như sẽ đóng vai trò quan trọng trong hệ thống nhà thông minh của tương lai. Thread là mạng lưới không dây công suất thấp (low-power wireless mesh network). Do đó, đây là loại kết nối có hiệu năng rất cao, giúp duy trì tuổi thọ pin của thiết bị và tạo ra một mạng lưới mà các thiết bị nhà thông minh có thể chuyển tiếp thông tin qua lại cho các thiết bị khác có trong mạng. Điều này giúp mở rộng phạm vi hoạt động của mạng và giữ cho nó luôn hoạt động kể cả khi có một thiết bị ngoại tuyến.
Các thiết bị sử dụng Thread kết nối với mạng gia đình của bạn (và cuối cùng là mạng internet) thông qua một thiết bị có tên Thread Border Router. Thiết bị này đóng vai trò là cầu nối giữa mạng Thread và mạng Wi-Fi của nhà bạn. Khác với các thiết bị cầu nối (bridge) và bộ kết nối trung tâm (hub), Thread Border Router có thể tích hợp vào các thiết bị khác. Ví dụ như loa thông minh Apple HomePod Mini và các dòng Wi-Fi router của Eero có thể đóng vai trò là một Thread Border Router.
Một trong những ưu điểm chính của Thread là tốc độ, bạn có thể thấy rõ sự khác biệt trong đoạn video so sánh giữa Bluetooth và Thread bên dưới.

Hãng công nghệ nào hỗ trợ Matter?​

Hiện có khoảng 220 công ty đang tham gia nhóm Matter Working Group của CSA, bạn có thể tham khảo danh sách tại đây. Trong đó, ngoài Amazon, Apple, Google và Samsung, còn có một số cái tên khác đáng chú ý như ADT, Assa Abloy (nhà sản xuất August Home và khoá thông minh Yale), Ecobee, Facebook, Haier (công ty mẹ của GE Appliances), Ikea, iRobot (nhà sản xuất robot hút bụi Roomba), Kwikset, LG, Panasonic, Resideo (nhà sản xuất các sản phẩm Honeywell Home), Roku, Schlage, SimpliSafe, Tesla và Whirlpool.

Làm thế nào để biết một thiết bị có hỗ trợ Matter?​

Với những thiết bị đang có mặt trên thị trường được cập nhật phần mềm để hỗ trợ Matter, có thể bạn sẽ nhận được thông tin từ nhà sản xuất qua email hoặc thông báo trong ứng dụng. Sau khi Matter được phát hành chính thức, các sản phẩm mới có hỗ trợ chuẩn này sẽ được in logo Matter trên vỏ hộp hoặc trong phần mô tả đối với cửa hàng trực tuyến.

Bạn có còn cần bộ kết nối trung tâm cho nhà thông minh nữa không?​

Có, nhưng nó sẽ không còn là một bộ kết nối độc lập như những hệ thống nhà thông minh đời đầu. Bộ kết nối trung tâm Matter – hay còn gọi là bộ điều khiển theo quy định của chuẩn – có thể tích hợp trong các thiết bị khác. Ví dụ, loa thông minh Amazon Echo và Google Nest sẽ có thể đóng vai trò là bộ điều khiển Matter. Không dừng lại ở đó. Tại CES, Samsung cho biết họ đã xây dựng phần mềm kết nối trung tâm cho ứng dụng SmartThings và tích hợp lên một vài mẫu smartTV, Smart Monitors và tủ lạnh Family Hub trong năm 2022, cho phép chúng trở thành bộ điều khiển nhà thông minh Matter.

Chuẩn Matter có thể bảo vệ quyền riêng tư và an ninh số của bạn?​

Matter sẽ thiết lập một nền tảng tốt cho vấn đề an ninh, nhưng nó có thể bảo vệ quyền riêng tư của bạn đến đâu thì vẫn còn là một dấu hỏi. Chuẩn Matter sử dụng công nghệ blockchain, cùng loại công nghệ tạo nên các đồng tiền mã hoá như bitcoin, để xác thực thiết bị chính thống và ngăn chặn thiết bị của kẻ xấu. Chuẩn Matter cũng yêu cầu mọi dữ liệu trao đổi giữa các thiết bị phải được mã hoá.
“Trừ khi nó thật sự an toàn, rất khó để nói rằng bạn có thể kiểm soát quyền riêng tư theo một phương pháp phù hợp, dù là người dùng hay nhà sản xuất”, Tobin Richardson, CEO kiêm chủ tịch của CSA, cho biết. “Vì vậy, về mặt quyền riêng tư, vấn đề chính mà chúng tôi tập trung vào đó là đảm bảo an toàn nhất có thể”.
Vì vậy, ở hiện tại, bạn nên cân nhắc các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư của hệ sinh thái nhà thông minh mà bạn chọn để điều khiển các thiết bị hỗ trợ chuẩn Matter. Ví dụ như Amazon và Google đã từng bị chỉ trích vì ghi lại nhật ký thay đổi trạng thái của mọi thiết bị nhà thông minh được kết nối với hệ thống Amazon Alexa và Google Home (như thời điểm bật/tắt đèn, cài đặt của bộ cảm biến nhiệt…) ngay cả khi bạn không điều khiển chúng từ các thiết bị của Amazon và Google. Trong khi đó, Apple HomeKit được thiết kế để dữ liệu chỉ có thể truy cập được trên thiết bị Apple cá nhân của bạn, ngay cả khi chúng được lưu trữ trên máy chủ Apple iCloud.
“Chúng tôi rất ủng hộ ý tưởng tương tác, nhưng để khách hàng tin tưởng nó, các giá trị về quyền riêng tư cần được hợp nhất”, Justin Brookman, trưởng bộ phận chính sách công nghệ của Consumer Reports, cho biết. “Việc các thiết bị khác nhau có thể giao tiếp với nhau là rất tuyệt vời, nhưng nếu các công ty này không bị giới hạn trong việc sử dụng dữ liệu cá nhân của bạn, nó thật sự tạo ra rất nhiều thách thức về quyền riêng tư”.
Brookman so sánh điều này với những gì đã xảy ra trong vụ bê bối của Facebook và Cambridge Analytica. “Facebook từng rất cởi mở, họ cho phép ứng dụng của bên thứ ba thu thập và sử dụng mọi loại dữ liệu. Nhưng nếu không có các quy tắc bắt buộc, thì kẻ xấu sẽ có thể truy cập những thông tin mà chúng không nên có”, Brookman cho biết.

Vậy còn Z-Wave và ZigBee?​

Z-Wave và ZigBee là hai mạng không dây đời cũ hơn được sử dụng trên một số thiết bị nhà thông minh, như khoá cửa thông minh, cảm biến, đèn chiếu sáng… Ví dụ như khoá cửa Kwikset Obsidian 954OBNZW500 có hỗ trợ kết nối Z-Wave. Các thiết bị sử dụng hai kiểu kết nối này cần có bộ kết nối trung tâm Z-Wave hoặc ZigBee để điều khiển chúng, như Amazon Echo thế hệ 4, hệ thống báo động Ring Alarm hay bộ kết nối trung tâm SmartThings của Samsung.
Z-Wave và ZigBee không thể tương thích trực tiếp với Matter, nhưng chúng có thể kết nối vào hệ thống Matter thông qua một cầu nối (bridge). Ví dụ, đèn thông minh Philips Hue sử dụng ZigBee và bộ kết nối trung tâm ZigBee đã được cập nhật để tạo cầu nối với mạng Matter. Trong khi đó, Z-Wave lại chưa có bản cập nhật nào được công bố.
Tìm hiểu về Matter: Chuẩn kết nối sẽ thay đổi thị trường nhà thông minh
Bản đồ bên trên cho biết các thiết bị sử dụng Wi-Fi và Thread sẽ kết nối với mạng Matter như thế nào và cách các thiết bị Z-Wave sử dụng cầu nối để kết nối với mạng Matter (Ảnh: Z-Wave Alliance)
Theo Consumer Reports
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top