Tình trạng thiếu chip thay đổi cán cân quyền lực: Khi người bán "yêu sách" với kẻ mua

Từ năm 1989, Microchip Technology đã tạo ra những con chip được gọi là vi điều khiển với mục tiêu bổ sung sức mạnh tính toán cho ô tô, thiết bị công nghiệp cũng như nhiều sản phẩm khác.
Giờ đây, trong bối cảnh thiếu hụt chip trầm trọng diễn ra trên toàn cầu, danh tiếng của họ lại càng được nâng tầm. Nhu cầu đối với các sản phẩm của Microchip hiện đang cao hơn 50% so với khả năng cung cấp. Điều đó khiến công ty Mỹ này nắm trong tay một quyền lực xa lạ và đã bắt đầu được tận dụng trong năm nay.
VNReview.vn

Ưu tiên cho kẻ đến trước​

Microchip thường cho phép khách hủy đơn đặt hàng trong vòng 90 ngày kể từ khi giao hàng. Nhưng hiện tại, công ty đã bắt đầu ưu tiên những khách hàng ký trước hợp đồng trong 12 tháng, đối với những đơn không thể thu hồi hoặc hẹn lại lịch. Những cam kết này làm giảm khả năng "bốc hơi" đơn hàng khi tình trạng khan hiếm chấm dứt, giúp công ty tự tin hơn trong việc thuê nhân công cũng như mua sắm trang thiết bị đắt tiền hòng tăng sản lượng.
Trong cuộc họp báo cáo lợi nhuận, Ganesh Moorthy, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Microchip, cho biết: "Thiếu chip khiến chúng tôi không thể dừng lại.” Theo đó, lợi nhuận trong quý gần nhất đã tăng gấp 3 lần, doanh thu tăng 26% đạt 1,65 tỉ USD.
Những hợp đồng như vậy là ví dụ điển hình cho thấy, ngành công nghiệp trị giá 500 tỉ USD đang thay đổi như thế nào vì tình trạng thiếu hụt chip. Việc thiếu các thành phần nhỏ bé, vốn đang khiến mọi nhà sản xuất ô tô, máy chơi game console, thiết bị y tế cũng như nhiều loại hàng hóa khác lao đao, là một cảnh báo rõ ràng về tầm quan trọng của những con chip. Vai trò tương đương bộ não của máy tính cũng như các sản phẩm khác.
VNReview.vn

Thay đổi cán cân người mua - kẻ bán​

Thay đổi lớn nhất có lẽ là sự dịch chuyển sức mạnh thị trường từ người mua sang người bán, đặc biệt là những công ty sở hữu xưởng bán dẫn. Những công ty hưởng lợi rõ ràng nhất chính là các hãng đúc chip như TSMC hay Samsung, có khả năng chế tạo chip cho công ty khác.
Nhưng tình trạng thiếu hụt chip nghiêm trọng trên toàn cầu cũng đã nâng tầm ảnh hưởng của các nhà sản xuất ít tên tuổi hơn, chẳng hạn Microchip, NXP Semiconductors, STMicroelectronics, Onsemi và Infineon – những công ty thiết kế và bán hàng nghìn loại chip cho khách hàng. Càng ngày, họ càng có nhiều quyền lực hơn trong việc quyết định cung cấp bao nhiêu chip cho khách hàng.
Nhiều công ty mong muốn bên mua hành động giống đối tác của nhau hơn, chẳng hạn ký kết các hợp đồng dài hạn hoặc đầu tư để giúp những nhà sản xuất chip tăng sản lượng. Trên hết, phía sản xuất chip đang yêu cầu khách hàng chia sẻ sớm những thông tin liên quan đến loại chip sẽ cần. Điều này giúp hãng chế tạo chip đưa ra quy trình sản xuất phù hợp.
Hassane El-Khoury, Giám đốc điều hành của ON Semiconductor, cho biết: “Khả năng đáp ứng kịp thời đó chính là những gì mà chúng tôi cần.” Sự chuyển dịch về quyền lực là điều chắc chắn đã xảy ra. Mark Adams, giám đốc điều hành của Smart Global Holdings đang cần chip nhớ, cho biết: “Ngày nay, người mua không còn giữ được lợi thế.”
VNReview.vn

Marvell Technology, một công ty có trụ sở tại Thung lũng Silicon chuyên thiết kế chip và nhờ bên thứ ba gia công sản xuất, đã gặp phải sự thay đổi về quyền lực này. Dù Marvell từng đưa ra dự báo cho các xưởng đúc về nhu cầu sản xuất chip của mình trong 12 tháng, nhưng nay cũng đã bắt đầu cung cấp dự báo cho 5 năm tiếp của mình, tính từ tháng 4.
Matt Murphy, giám đốc điều hành của Marvell, cho biết: “Bạn cần vẽ một câu chuyện thực sự hay. Cuối cùng thì chuỗi cung ứng sẽ phân bổ cho những người mà họ nghĩ là chiến thắng.” Đó là sự thay đổi chóng mặt trong một ngành công nghiệp trưởng thành, vốn có tốc độ tăng trưởng khá chậm. Giờ thì bạn phải thuyết phục người khác đáp ứng đơn hàng cho mình.

Vật lộn vì thiếu chip​

Nhiều nhà sản xuất chip trong những năm qua đã bán phần lớn những sản phẩm có khả năng hoán đổi cho nhau, do thiếu nguồn cung dự phòng. Đồng thời, thường phải vật lộn để đảm bảo nhà máy hoạt động vẫn hành vẫn có lãi, đặc biệt là trong trường hợp sụt giảm doanh số vì không có hàng đưa ra thị trường, không có đủ nguồn cung phục vụ sản xuất.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn, tổng doanh số chip tăng gần 28% trong quý 3, đạt mức 144,8 tỉ USD.
Nhiều năm phát triển cũng đã vắt kiệt năng lực sản xuất dư thừa, ngày càng có ít hãng có thể đáp ứng các loại chip tiên tiến hơn. Bên mua đã từng có thể đặt và hủy đơn hàng mà không cần thông báo trước, tùy ý thay đổi sản lượng theo phản ứng của thị trường, hay thương thảo với một nhà sản xuất chip khác để lấy được giá thấp hơn. Tuy nhiên, giờ thì đó chỉ là "giấc mơ".
VNReview.vn

Một tác động lớn từ những thay đổi này là làm cho các xưởng đúc chip trở nên có giá trị hơn, kể cả một số xưởng đúc đã lỗi thời. Đó là bởi các tiến trình sản xuất mới ngày càng trở nên tốn kém, đến mức một số công ty thiết kế chip không thể chuyển sang dây chuyền tiên tiến nhất. Hệ quả là nhu cầu đối với những dây chuyền vốn có tuổi đời 5 – 10 năm, lại tăng lên.
Một số xưởng đúc đã thay đổi chiến lược và đang bắt đầu đổ nhiều tiền hơn vào công nghệ sản xuất cũ hơn. TSMC gần đây xác nhận đã hợp tác với Sony để xây dựng 1 nhà máy ở Nhật Bản. Trong khi đó, đối thủ Samsung Electronics cũng tiết lộ rằng đang xem xét việc xây dựng một nhà máy mới áp dụng “công nghệ cũ” ở Mỹ.
Nhưng những khoản đầu tư đó sẽ mất vài năm để có thể phát huy tác dụng. Và chúng sẽ không giải quyết các vấn đề đang ảnh hưởng đến chip, chẳng hạn vi điều khiển, vốn là một mô hình thu nhỏ đối với việc siết chặt chuỗi cung ứng.

Giá tăng gấp 20 lần​

Các vi điều khiển kết hợp khả năng tính toán với bộ nhớ tích hợp nhằm lưu trữ các chương trình và dữ liệu. Chỉ có các nhà máy chuyên dụng mới có thể bổ sung tính năng cho các con chip này. Số lượng ứng dụng đối với vi điều khiển đang tăng vọt, từ hệ thống phanh và động cơ trong ô tô cho đến camera an ninh, thẻ tín dụng, ô tô điện, máy bay không người lái...
Marc Barnhill, Giám đốc kinh doanh tại Smith – một nhà phân phối chip có trụ sở tại Houston, cho biết: “Chúng tôi đã bán được nhiều vi điều khiển hơn trong năm qua so với thập kỉ trước.” Ông cho biết, thời gian chờ đợi để nhận được lô hàng hiện đã kéo dài ra hơn 1 năm, còn giá của chúng đã tăng gấp 20 lần.
VNReview.vn

Giữa tình hình hỗn loạn, các công ty thiết kế hoặc muốn mua chip đã phải thích ứng bằng những chiến thuật mới. Shiv Tasker, Phó Chủ tịch toàn cầu của công ty tư vấn Capgemini, cho biết một số nhà thiết kế đang điều chỉnh lại sản phẩm để có thể sản xuất tại nhiều nhà máy khác nhau, nhằm đạt năng lực sản xuất cao hơn.
Những khách hàng từng mua chip dựa trên giá cả và hiệu năng cũng đang suy nghĩ nhiều hơn đến tính khả dụng. Quan trọng là có thể mua được và sẵn hàng, chứ không phải tiên tiến nữa.
Một ví dụ điển hình là BrightAI, một công ty khởi nghiệp đang phát triển thiết bị và phần mềm giúp nhiều doanh nghiệp kết nối hạ tầng với Internet. Alex Hawkinson, đồng sáng lập của BrightAI, cho biết công ty đã thiết kế lại 1 bo mạch 4 lần trong 6 tháng để thích ứng với các loại chip khác nhau. Công ty cũng đã chuyển một số nhà thiết kế sang Trung Quốc để chỉnh sửa sản phẩm nhanh hơn nhờ thu thập các thành phần ở đó.
Những hãng ô tô có nhu cầu tiêu thụ chip lớn đã bắt đầu trao đổi trực tiếp với nhà sản xuất, thay vì thông qua nhà thầu phụ. Tháng trước, General Motors (GM) đã ký một thỏa thuận với nhà sản xuất chip Wolfspeed nhằm đảm bảo nhận được một phần sản lượng bán dẫn từ một nhà máy mới, chuyên sản xuất các linh kiện tiết kiệm năng lượng cho xe điện.
VNReview.vn

Nhu cầu vẫn quá lớn​

Dẫu sự thay đổi sức mạnh của ngành công nghiệp có sự hỗ trợ của Microchip, thế nhưng, công ty cũng có những vấn đề đau đầu của riêng mình. Ông Moorthy cho biết, công ty đã rất cố gắng để sản xuất nhiều chip hơn tại 3 nhà máy chính ở Arizona và Oregon, cũng như nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn từ các đối tác đúc, nhưng nhu cầu đang tăng nhanh hơn những gì mà họ có thể tạo ra.
Ông cho biết: “Chúng tôi đang tụt lại phía sau nhu cầu rất xa.”
Việc mở rộng các nhà máy của Microchip không phải dễ dàng. Tuy nhiên, Moorthy cho biết công ty luôn phụ thuộc rất nhiều vào việc mua các thiết bị chế tạo đã qua sử dụng, nhưng “toàn bộ số đó đã cạn kiệt”.
Ông tiết lộ, việc mua thiết bị mới có thể mất khoảng 12 – 18 tháng và tiêu tốn nhiều chi phí hơn. Dẫu các thỏa thuận mua bán dài hạn đã mang đến sự ổn định nhất định để thực hiện những khoản đầu tư như vậy, nhưng Microchip và các công ty khác trong ngành cũng hi vọng Quốc hội Mỹ sẽ thông qua gói tài trợ trị giá 52 tỉ USD, dự kiến sẽ bao gồm các khoản trợ cấp cho việc sản xuất nhiều chip hơn.
Nguồn: The New York Times
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top