VNR Content
Pearl
Trên Trái đất, chúng ta đã quen thuộc với một số loại thời tiết nhất định. Dù đôi lúc khó lường và khá đáng sợ, ít nhất chúng ta vẫn biết rằng, mọi thứ rơi từ bầu khí quyển xuống mặt đất đều là nước dưới dạng này hay dạng khác. Chính vì lẽ đó, sẽ chẳng có gì lạ nếu bạn ngay lập tức nghĩ đến “nước” khi thảo luận về mưa trên các hành tinh khác. Nhưng bạn nhầm to rồi đấy! Trái đất là hành tinh duy nhất có nước ở dạng lỏng. Chắc chắn trên các hành tinh khác cũng có mưa rơi xuống từ các đám mây, nhưng đó không phải là nước. Chẳng có gì giống nước cả. Hãy bắt đầu với thứ vật chất quý hiếm được ưa chuộng bậc nhất trên Trái đất, nhưng lại là thành phần phổ biến trong các cơn mưa trên một cơ số các hành tinh: kim cương. Mỗi năm, có khoảng 1.000 tấn kim cương rơi từ trên trời xuống bề mặt Sao Thổ. Nhưng trước khi nghĩ đến việc làm giàu bằng cách thu nhặt kim cương ngoài vũ trụ, hãy nhớ rằng thông tin này không chính xác 100%. Trên thực tế, nó là một giả thuyết chưa được công bố - một giả thuyết chưa được kiểm chứng do các nhà khoa học thiên thể tại Phòng thí nghiệm Phản lực NASA đưa ra.
Mưa trên các hành tinh khác nhau Theo nghiên cứu của họ, mưa kim cương xảy ra trên Sao Thổ, Sao Hải Vương, và Sao Mộc, nhưng Sao Thổ là hành tinh hội tụ những điều kiện tốt nhất để hình thành nên loại mưa này. Những cơn dông kinh hoàng (với cường độ 10 tia sét đánh xuống mỗi giây) và nhiệt độ cực kỳ khắc nghiệt của Sao Thổ có thể khiến các phân tử methane trong bầu khí quyển bị đứt gãy, làm các nguyên tử carbon trôi nổi tự do và bắt đầu rơi xuống mặt đất. Chúng biến đổi thành graphite trong quá trình đi qua bầu khí quyển nhiều lớp dày đặc của hành tinh này, và cuối cùng bị áp suất đè nén thành những mẩu kim cương bé xíu (hầu hết có đường kính chưa đến 1mm). Nhưng khi đã rơi một quãng đường khoảng 36.000km, nhiệt độ trở nên quá nóng, và kim cương bị phân hủy thành một loại chất lỏng nhầy nhụa. Không thích kim cương ư? Bạn có thể… đổi gió bằng cách đến Sao Kim để chứng kiến những cơn mưa acid sulfuric nóng chảy da. Bầu khí quyển của hành tinh này dày đặc những đám mây acid sulfuric, nhưng vì bề mặt của hành tinh có nhiệt độ khoảng 480 độ C, mưa chỉ diễn ra ở độ cao cách mặt đất khoảng 25km trước khi bay hơi thành khí gas. Trên Titan, mặt trăng lớn nhất của Sao Thổ, tồn tại những cơn dông methane băng giá. Giống như Trái đất có một vòng tuần hoàn của nước, Titan có một vòng tuần hoàn của khí methane: hành tinh này có những cơn mưa theo mùa, với những hồ nước chứa đầy nước mưa methane, rồi sau đó nước bay hơi thành mây, bắt đầu lại một chu kỳ mới. Methane trên Titan ở dạng lỏng bởi nhiệt độ bề mặt ở đây cực lạnh, -179 dộ C. Trên Titan còn có những núi băng nguyên khối khổng lồ nữa. Những trường hợp nói trên chỉ là khởi đầu cho một cuộc nói chuyện về mưa trên các hành tinh khác mà thôi. Vẫn còn nhiều thứ chúng ta chưa đề cập đến trong khuôn khổ bài viết này, như tuyết đá khô trên Sao Hỏa, mưa helium lỏng trên Sao Mộc, hay mưa plasma trên mặt trời! Có vẻ như những trận mưa dông ngập phố ở Trái đất vẫn bình yên chán! Tham khảo: HowStuffWorks