Triều đại 'Intel Inside' sắp kết thúc?

myle.vnreview
Mỹ Lệ
Phản hồi: 0
Các nhân viên và nhà đầu tư của Intel có thể đối mặt cuộc chiến khốc liệt từ năm 2024 để níu giữ liên minh "Wintel" một thời.
Nhãn dán "Intel Inside", cho biết máy tính sử dụng chip xử lý Intel, đã trở thành chi tiết quen thuộc với người dùng suốt hàng chục năm. Tuy nhiên với tình hình thị trường cùng sự vươn lên của đối thủ, "Intel Inside" có thể sớm trở thành dĩ vãng.
Thay vì Intel, máy tính trong tương lai có thể dùng chip Qualcomm, NVIDIA hay AMD, thậm chí những cái tên ít nổi tiếng hơn như Santa Clara, Amlogic và MediaTek.
Trong thập kỷ qua, NVIDIA đã vượt qua Intel, trở thành công ty bán dẫn giá trị nhất nước Mỹ. Một đối thủ lâu năm của Intel là AMD liên tục giành thị phần. Trong khi đó, Intel thường xuyên chậm trễ khi ra mắt chip mới, khiến người dùng thất vọng.

"Đối mặt cả thế giới"​

Theo WSJ, những gì Intel đang đối mặt là kết quả từ bước tiến nhỏ suốt nhiều năm của các hãng chip đối thủ.
Từ khi ARM tạo ra bộ xử lý cho thiết bị trợ lý cá nhân Apple Newton vào năm 1993, công ty này dần xây dựng chỗ đứng trên thị trường, chủ yếu dựa vào lĩnh vực di động. Đến khi Intel gia nhập thị trường chip di động vào năm 2011, mọi thứ đã quá muộn.
Năm 2020, Apple là công ty đầu tiên tin tưởng chip xử lý kiến trúc ARM đủ sức phục vụ những chiếc máy để bàn mạnh mẽ. Chip M-series đã "phả hơi nóng" vào Intel và cả ngành công nghiệp, trong việc tạo ra những con chip vừa có hiệu năng cao vừa tiết kiệm năng lượng.
Triều đại 'Intel Inside' sắp kết thúc?
Nhãn dán "Intel Inside" trên laptop. Ảnh: TechSpot.
Trong thời gian dài, mức tiêu thụ năng lượng luôn là yếu tố hạn chế hiệu năng chip xử lý trên hầu hết thiết bị công nghệ, không chỉ riêng điện thoại.
Ngoài Apple, các công ty như Google, Qualcomm hay Amazon có thể sử dụng thiết kế của ARM để tùy chỉnh, tạo ra chip cho nhiều thiết bị khác nhau, từ điện thoại, laptop, loa thông minh đến trung tâm dữ liệu. Chúng thường do Samsung hoặc TSMC sản xuất.
Yếu tố tiếp theo đe dọa sự tồn tại của "Intel Inside", đó là thị phần máy tính chạy Windows dùng chip Intel ngày càng thu hẹp, nhường chỗ cho Chromebook, máy tính Mac và Windows dùng chip khác.
Triều đại 'Intel Inside' sắp kết thúc?
Thị phần hệ điều hành cho máy tính cá nhân từ năm 2010 đến nay. Ảnh: Statcounter.
Việc Microsoft tăng tốc đưa Windows lên "đám mây" cũng là dấu hiệu báo động, bởi máy chủ của công ty này không dùng chip Intel, chưa kể Apple gần như cắt đứt quan hệ với Intel sau hơn 10 năm với chip tự phát triển.
Điều đó cho thấy mối đe dọa với Intel không chỉ đến từ đối thủ trực tiếp, mà còn phụ thuộc vào hệ sinh thái sản phẩm của các công ty lớn. Nói cách khác, Intel gần như đang đối mặt cả thế giới (công nghệ), gồm mọi "ông lớn" trong ngành.

Các công ty dần rời bỏ Intel​

Khá thú vị khi một trong những mối lo ngại của Intel có cả Microsoft, cái tên từng cùng nhau tạo nên liên minh "Wintel" thống thị thị trường máy tính suốt nhiều năm.
Những động thái rời bỏ Intel của Microsoft diễn ra dưới nhiều hình thức. Đầu tiên, công ty này muốn đưa Windows và nhiều phần mềm khác lên nền tảng đám mây. Điều đó đồng nghĩa người dùng có thể chạy phần mềm Microsoft trên những chiếc máy tính giá rẻ và đơn giản hơn, dựa trên kiến trúc chip ARM thay vì Intel.
Giữa tháng 11, Microsoft giới thiệu các chip xử lý tùy chỉnh đầu tiên dựa trên ARM. Một trong số chúng mang tên Cobalt, được tối ưu cho trung tâm dữ liệu để chạy Windows trên đám mây.
Triều đại 'Intel Inside' sắp kết thúc?
Chip Microsoft Cobalt 100. Ảnh: Microsoft.
Amazon cũng tham gia cuộc chơi khi giới thiệu thiết bị chuyên stream Windows và phần mềm từ đám mây. Sản phẩm có thiết kế giống Fire TV Cube, giá 200 USD và dùng chip Amlogic dựa trên ARM.
Qualcomm cũng ra mắt một số chip ARM cho máy tính. Với sự hỗ trợ từ Microsoft nhằm tối ưu hệ điều hành Windows, các mẫu laptop dùng chip kiến trúc ARM không chỉ đe dọa Intel mà còn trên đường cạnh tranh với Apple.

Intel không dễ từ bỏ​

Intel vẫn có hướng đi riêng để bắt kịp xu hướng và giữ vững vị thế. Theo WSJ, công ty này đang có kế hoạch ra mắt thế hệ chip mới (tên mã Rogers) chuyên dùng cho laptop mỏng nhẹ. Dù vậy, đây là thị trường Apple luôn được đánh giá cao với dòng MacBook Air, đặc biệt là các model dùng chip M.
Về công nghệ sản xuất chip tiên tiến, Intel đặt mục tiêu bắt kịp đối thủ TSMC đến năm 2025. Tất nhiên, các yếu tố địa chính trị có khả năng thay đổi mọi thứ sau một đêm, đặc biệt khi nhiều công ty vẫn phụ thuộc TSMC để sản xuất chip kiến trúc ARM. Đến lúc đó, lợi thế có thể dành cho Intel.
"Đừng bao giờ gạt cái tên này ra rìa", Patrick Moorhead, trưởng nhóm phân tích công nghệ của hãng nghiên cứu Moor Insights & Strategy, chia sẻ.
Nguồn: Znews/WSJ
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top