Trung Quốc chuyển sang livestream bán hàng bằng AI và nhân vật ảo

Đã quá nửa đêm, nhưng hoạt động bán hàng vẫn diễn ra sôi nổi trên một nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc. Số người mua vẫn không ngừng tăng khi một nhân vật ảo đang livestream, rao bán mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc da với giá cực thấp.
Khán giả theo dõi không ngừng ngạc nhiên, thắc mắc làm sao mà họ có thể nhận được một lọ kem dưỡng thể với hương thơm dễ chịu mà chào bán với giá chỉ 69 nhân dân tệ (11 USD). Tuy nhiên, họ đã không nhận được sự tư vấn nhiệt tình từ người bán, vốn chỉ là một nhân vật ảo tóc nâu vàng, bởi các quảng cáo bán hàng này chỉ lặp đi lặp lại một cách nhàm chán theo một vòng lặp đã được lập trình sẵn.
"Bạn không bị cám dỗ bởi đợt giảm giá này sao?", nhận vật do AI tạo ra trong chiếc váy hoa màu hồng vẫn nói với giọng đều đều, "Hãy mang chai này về nhà và chiếc giường của bạn sẽ có mùi thơm."

Chuyển sang hình thức livestream ảo sau đợt càn quét

Những buổi livestream ảo có thể thiếu sự hiện diện và tiếp xúc của con người, nhưng các máy chủ đang tạo ra được những hiệu ứng tốt trên thị trường bán hàng online, vốn bùng nổ tại Trung Quốc. Các trang web bán lẻ tại nước này đang tìm cách tiết kiệm chi phí để duy trì doanh số bán hàng, và những nhân viên bán hàng ảo thì lại không gặp rắc rối vì trốn thuế hay bất cứ chiêu trò nào.
Thị trường bán lẻ trực tuyến với những lời chào hàng giá rẻ rầm rộ từ nhiều người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL), vốn đã bùng nổ mạnh mẽ trong những năm gần đây. Đặc biệt từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra vào đầu năm 2020, khiến rất nhiều người có nhu cầu mua sắm bị mắc kẹt tại nhà.
Một số ước tính đã xác định, giá trị của thị trường bán hàng trực tuyến ở Trung Quốc là hơn 1 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2021. Trong khi một báo cáo chung của KPMG và Alibaba Group Holding ước tính, con số có thể lên tới 2 nghìn tỷ nhân dân tệ. Lĩnh vực sôi động này đồng thời tạo ra một lớp người đông đảo, có ảnh hưởng trên nhiều mảng kinh doanh như phương tiện đi lại, mỹ phẩm làm đẹp,... Đồng thời biến họ thành triệu phú, thậm chí có những người thành tỷ phú chỉ sau 1 đêm.

Trung Quốc chuyển sang livestream bán hàng bằng AI và nhân vật ảo
Streamer ảo trên Taobao bán dụng cụ uốn mi
Tuy nhiên chính sự thay đổi này đã thu hút sự chú ý của chính phủ Bắc Kinh trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang kêu gọi thúc đẩy một nền "thịnh vượng chung", cụ thể là việc kiểm soát chặt chẽ hơn đối với những người bán hàng online, bán hàng qua livestream. Nổi tiếng nhất có lẽ là Vy Á, một người có ảnh hưởng trên nền tảng Taobao Live của Alibaba, được mệnh danh là "nữ hoàng livestream". Cô đã bị phạt thuế kỷ lục 1,34 tỷ nhân dân tệ vào tháng trước, được xem là vụ xử lý mạnh tay nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Wang Zhenxing, giám đốc thương hiệu tại Hualian Digital - một công ty thanh toán nhận diện khuôn mặt ở Hàng Châu đã chuyển sang hình thức bán hàng qua hệ thống máy ảo, cho biết rằng mạng lưới này duy trì được sự ảnh hưởng về hình ảnh doanh nghiệp trước áp lực buộc nhiều người có ảnh hưởng hơn phải rời khỏi doanh nghiệp.
Wang cho biết “Khi những người có ảnh hưởng hàng đầu bị phạt, một số người sẽ biến mất hoàn toàn khỏi mạng xã hội và sau đó lượng truy cập sẽ được chuyển sang những người phát trực tiếp khác bao gồm cả những người dẫn chương trình ảo đang gia tăng này”.
Chi phí phần mềm cần thiết để duy trì một hình ảnh người quảng cáo bán hàng ảo chỉ khoảng 8 đô la một ngày. Trong khi những người có ảnh hưởng hàng đầu có thể yêu cầu hoa hồng lên tới 40% doanh số phát trực tiếp, tính phí dịch vụ hàng ngày lên tới 500.000 nhân dân tệ.
Cheng Weizhong, người sáng lập và giám đốc điều hành của Deep Science, một công ty Startup Trung Quốc tham gia vào công nghệ livestream bằng AI cho biết, “Máy chủ ảo sẽ trở nên phổ biến hơn vì phụ thuộc quá nhiều vào những người có ảnh hưởng là không bền vững, nhu cầu của thị trường vẫn rất lớn."

Vẫn cần nhiều thời gian

Hoạt động kinh doanh này mang về khoảng 30% doanh thu cho Deep Science, công ty này cũng đã huy được 100 triệu nhân dân tệ tài trợ vào năm ngoái. Tuy nhiên, không phải đợt bán hàng trực tiếp nào cũng phù hợp với máy ảo, nó sẽ thích hợp hơn đối với các trang web bán lẻ lâu năm với lượng khách hàng trung thành ổn định như Taobao và JD.com. Còn những trang web video đã livestream gần đây như Kuaishou và Douyin của ByteDance vẫn yêu cầu có những "mánh khóe" bán hàng đã được mài giũa từ những người có ảnh hưởng để họ xây dựng hình ảnh từng bước cho doanh nghiệp của mình.
Trung Quốc chuyển sang livestream bán hàng bằng AI và nhân vật ảo
Doanh thu livestream ở Trung Quốc tăng không ngừng
Dreamland Maker Technology ở Quảng Châu cũng đang gây quỹ để chuyển từ thực tế ảo sang phát trực tiếp ảo. Giám đốc thương hiệu Peng Mengyu cho biết "Tạo máy chủ ảo là một lĩnh vực tốt để chúng tôi mở rộng hoạt động kinh doanh của mình, phần lớn những người trẻ tuổi là người hâm mộ văn hóa anime và manga, và vì vậy việc đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trẻ sẽ có lợi cho chúng tôi." Tuy nhiên để đạt được những thành công như những người có ảnh hưởng đã tạo ra sẽ không phải là việc dễ dàng.
Trong lễ hội mua sắm trực tuyến Ngày Độc thân năm ngoái, tổng doanh thu của Lý Giai Kỳ (ông hoàng son môi) và Vy Á (nữ hoàng livestream) - là những streamer bán hàng nổi tiếng trên Taobao - là 41 tỷ nhân dân tệ, nhờ giá trị và sức ảnh hưởng đã tạo dựng được từ rất lâu.
Một chủ thầu chuyên chạy livestream bán hàng cho hàng chục doanh nghiệp, cho biết: "Ưu điểm lớn nhất của các streamer ảo là có thể hoạt động 24/7. Khách hàng của chúng tôi không quan tâm nếu chúng tôi sử dụng bộ phát trực tiếp thực hay ảo, miễn là chúng tôi đạt được mục tiêu doanh số hàng tháng của họ."
Nguồn
asia.nikkei
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top