Từ 4 “kỳ lân công nghệ” Việt, nghĩ về chuyện “buôn có bạn, bán có phường”

Mới đây ứng dụng Ví điện tử MoMo đã công bố hoàn tất vòng gọi vốn Series E với khoản đầu tư nhận được là 200 triệu USD, đưa giá trị doanh nghiệp này đạt ngưỡng 2 tỉ USD. MoMo nghiễm nhiên trở thành “kỳ lân công nghệ” thứ tư tại Việt Nam, sau VNG, VNPay và Sky Mavis. Kỳ lân xuất hiện - thương trường thịnh vượng Xưa có câu “kỳ lân xuất hiện thiên hạ thái bình”. Còn nay thì, “kỳ lân” (là doanh nghiệp kỳ lân, đạt trạng thái vốn hóa từ 1 tỉ USD đến dưới 10 tỉ USD) xuất hiện thì thương trường cho thấy sự thịnh vượng hơn. Với vốn hóa 2 tỉ USD, dù công bố đạt trạng thái kỳ lân sau VNPay (thuộc công ty VNLife) – một ứng dụng cùng ngành fintech, nhưng giá trị vốn hóa của MoMo hình như cao hơn. Lần lại “biên niên sử” các doanh nghiệp kỳ lân công nghệ tại Việt Nam có thể thấy, các kỳ lân xuất hiện ngày càng dày hơn trước dù chưa phải là quá nhiều. Năm 2014, VNG đạt trạng thái doanh nghiệp kỳ lân khi được xác định có giá trị đạt 1 tỉ USD. Khi đó, VNG mất khoảng 10 năm hình thành và phát triển mới trở thành kỳ lân. 5 năm sau, kỳ lân thứ 2 xuất hiện với cái tên được biết đến nhiều là VNPay, nhưng cổng thanh toán này phải mất đến 12 năm để đạt đến trạng thái kỳ lân. Tốc độ trở thành kỳ lân nhanh nhất của một doanh nghiệp Việt có lẽ là game Axie Infinity của công ty Sky Mavis. Sky Mavis là doanh nghiệp kỳ lân trẻ nhất, ra đời năm 2018 và đạt trạng thái kỳ lân năm 2021, và cũng đạt giá trị cao nhất với mức 3 tỉ USD. Như vậy, thị trường Việt Nam chỉ cần khoảng 2 năm để xuất hiện kỳ lân thứ 3 là Sky Mavis, thế nhưng chỉ cần thêm khoảng thời gian tính bằng tháng bằng tuần để có thêm kỳ lân thứ 4, Ví điện tử MoMo (thuộc công ty M_Service).
Từ 4 “kỳ lân công nghệ” Việt, nghĩ về chuyện “buôn có bạn, bán có phường”
MoMo có thêm 200 triệu USD từ nhóm đầu tư do Mizuho dẫn dắt, và chính thức đạt trạng thái kỳ lân. Trên thực tế, việc MoMo sẽ trở thành kỳ lân đã được đoán định từ nhiều tháng trước, cũng như VNPay trước đó vậy. Các thông tin này, thường không đến từ nguồn tin trong nước mà rò rỉ từ các nguồn tin nước ngoài ở khu vực Châu Á, sau đó được truyền thông Châu Á đăng tải. Các doanh nghiệp kỳ lân trong nước trước khi được công bố thông tin đạt trạng thái kỳ lân thường không hé lộ thông tin, và cũng thường “ùa theo” sau khi truyền thông nước ngoài đã đưa tin. Nguồn tin đó có khi được rò rỉ từ chính các nhà đầu tư, công ty tư vấn nước ngoài, các cơ quan quản lý đầu tư của chính phủ, chứ các doanh nghiệp Việt nhận đầu tư thì thường vẫn được yêu cầu “bảo mật thông tin”. Thấy gì từ “tỉ số” 2-2? Nhìn vào 4 kỳ lân công nghệ Việt Nam tới thời điểm này cho thấy những cuộc hành trình hình thành, khai phá và phát triển. Hành trình đó, nếu tính từ mốc thành lập của VNG vào năm 2004, là khoảng 17 năm. Và dấu ấn của những kỳ lân công nghệ này trên thị trường là rất rõ ràng. Một phần bởi họ cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đến người tiêu dùng đầu cuối, nên có bề nổi về truyền thông và được dư luận quan tâm nhiều. 17 năm chia đôi có thể ra số lẻ ngày cho mỗi bên. Song với 4 kỳ lân nếu chia đôi, thì lại chẵn tròn theo ngành: 2 kỳ lân chuyên về game online và 2 kỳ lân fintech, cụ thể là thanh toán online. Có ý kiến cho rằng, VNG tốn bao tiền của để làm thương hiệu từ sau khi đổi tên từ VinaGame sang VNG để xóa vết kinh doanh, phân phối game vốn không được thiện cảm lắm đối với dư luận xã hội trong nhiều năm về trước, mà sao vẫn xếp là doanh nghiệp game? Câu trả lời rất đơn giản, đúng là VNG làm rất nhiều điều, thậm chí ngày nay ứng dụng Zalo đã quá thịnh hành tại Việt Nam. Thế nhưng, VNG vẫn phải sống nhờ VinaGame. Ý tôi là, VNG không phải sống bằng cái tên VinaGame, mà là dựa chủ yếu vào doanh thu + lợi nhuận từ game. Thêm mỗi kỳ lân là thêm một điều đáng mừng cho nền kinh tế số Việt Nam. Với “tỉ số” 2-2 cho thấy ướm với câu “buôn có bạn, bán có phường” không trật vào đâu, song ngược lại cũng chỉ dấu cho thấy kỳ lân công nghệ Việt đang có độ phủ ngành, lĩnh vực còn hẹp. Thẳng thắn hơn, đúng với câu “buôn có bạn, bán có phường” của người Việt, ngành gì đang có vẻ làm ăn được là nhà nhà, người người đổ xô đầu tư vào, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt mà không ít khi kết cục là cùng kéo nhau xuống. Việt Nam đã có 4 kỳ lân công nghệ, có thể xem là một thành tựu của những cuộc hành trình khởi nghiệp không mệt mỏi trên thị trường và khả năng đương đầu với gian nan, thách thức. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng, sẽ đẹp hơn biết bao nếu 4 kỳ lân công nghệ Việt trải rộng hơn với 4 ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, trong đó có những ngành về nghiên cứu và phát triển, thiết kế, chế tạo, sản xuất những sản phẩm, thiết bị công nghệ cao, thậm chí trong đó gồm có một công nghệ lõi nào đó đã được thương mại hóa thành công trên thị trường Việt và quốc tế. Ví điện tử, tại Việt Nam thời điểm này đã có tới mấy chục “cái” được cấp phép, thậm chí nhiều “cái” cạnh tranh không xong và phát triển không tới, một cách ngấm ngầm hay nửa công khai được bán đứt đoạn cho doanh nghiệp nước ngoài. Game NFT, sau thành công của Axie Infinity, hiện trào lưu phát triển loại game này tại Việt Nam được ví như “nấm mọc sau mưa”... Nhưng suy cho cùng, trách ai khi mỗi người, mỗi doanh nghiệp phải tự tìm đường tồn tại và sống sót; khi cơ chế, chính sách chưa tạo đủ động lực và trở thành bệ phóng cho các doanh nghiệp công nghệ nhỏ và vừa tại Việt Nam. Dạ Thảo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top