Từ sự cố "màn hình xanh chết chóc": Bạn còn nhớ 24 năm trước, có một "thảm họa" máy tính khiến cả thế giới nín thở?

Hương Lan

Moderator
Vào những ngày cuối cùng của thế kỷ 20, cả thế giới từng lo sợ trước viễn cảnh quay trở lại thời kỳ đồ đá, tất cả chỉ vì một lỗi tưởng chừng như đơn giản trong cách ghi nhớ thời gian của máy tính. Sự kiện Y2K, hay còn được gọi là "lỗi thiên niên kỷ", đã trở thành một nỗi ám ảnh toàn cầu, đe dọa đẩy nhân loại vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có.

1721708701737.png


Thuật ngữ Y2K, viết tắt của "Year 2000", được đặt ra bởi lập trình viên David Eddy vào năm 1995. Vào những năm 1960, do chi phí lưu trữ đắt đỏ, các lập trình viên đã sử dụng chỉ hai chữ số cuối để biểu thị năm, ví dụ như "65" cho năm 1965. Tuy nhiên, khi năm 2000 cận kề, người ta nhận ra rằng máy tính sẽ không thể phân biệt được năm 2000 ("00") và năm 1900 ("00").

Lỗi này dấy lên lo ngại về một sự sụp đổ của hệ thống máy tính toàn cầu, kéo theo hàng loạt hệ lụy khôn lường. Người ta dự đoán tên lửa có thể được phóng nhầm, nhà máy hạt nhân gặp sự cố, hệ thống tài chính sụp đổ, và nhiều lĩnh vực quan trọng khác như giao thông, quân sự cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

1721708706692.png


Ngân hàng lo sợ hệ thống tính toán lãi suất sẽ gặp trục trặc nghiêm trọng, thay vì tính lãi suất một ngày, máy tính có thể tính nhầm thành âm 100 năm. Các cơ sở hạt nhân lo lắng về nguy cơ mất an toàn do hệ thống bảo trì phụ thuộc vào dữ liệu được ghi nhận theo ngày. Ngành hàng không đối mặt với nguy cơ hỗn loạn vì lỗi lịch trình bay.

Trước những mối đe dọa đó, một chiến dịch toàn cầu được triển khai để khắc phục sự cố Y2K. Hàng triệu đô la được chi ra để nâng cấp hệ thống máy tính, đặc biệt là ở các lĩnh vực quan trọng như quân sự, tài chính và giao thông. Báo chí liên tục đưa tin về thảm họa Y2K, thậm chí tờ TIME còn giật tít "Ngày tận thế!?!" trên trang bìa. Đài NBC thậm chí còn sản xuất một bộ phim về thảm họa này, góp phần khuếch đại nỗi sợ hãi trong lòng công chúng.

1721708713544.png


Tuy nhiên, khi thời khắc chuyển giao thiên niên kỷ đến, cả thế giới như nín thở chờ đợi và rồi… chẳng có chuyện gì xảy ra. Ngày 1/1/2000 diễn ra bình thường như bao ngày khác. Không có báo cáo nào về sự cố nghiêm trọng nào liên quan đến Y2K.

Nhiều chuyên gia IT đã phải thức trắng đêm để đảm bảo hệ thống hoạt động bình thường, và mọi nỗ lực của họ đã được đền đáp. Ngoại trừ một số trục trặc nhỏ, không có sự cố nghiêm trọng nào xảy ra, ngay cả ở những quốc gia chưa chuẩn bị kỹ lưỡng như Ý, Nga và Hàn Quốc.

Cả thế giới thở phào nhẹ nhõm, xen lẫn một chút tiếc nuối cho những khoản chi phí khổng lồ đã bỏ ra cho một "thảm họa" không thành. Sự kiện Y2K trở thành một bài học đáng nhớ về sự kết hợp giữa khả năng dự đoán và khả năng phóng đại của con người trước những nguy cơ tiềm ẩn từ công nghệ.
#mànhìnhxanhchếtchóc
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top