Tương lai của việc tiêm phòng Covid-19

N
Ngọc Mai
Phản hồi: 0
Việc tiêm tăng cường bằng vaccine hiện có chỉ là giải pháp câu giờ, trong lúc giới khoa học tìm cách tối ưu hóa phương án chủng ngừa Covid-19 để ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong.
Trong khi nhiều quốc gia đang triển khai tiêm mũi vaccine thứ 3 với hy vọng giảm tỷ lệ nhập viện khi "cơn sóng thần" Omicron xảy tới, Israel đã phê duyệt liều thứ 4 cho nhóm dễ bị tổn thương, theo South China Morning Post.
Động thái này diễn ra chỉ sau một năm khi quốc gia này bắt đầu chiến dịch tiêm phòng Covid-19 bằng vaccine Pfizer/BioNTech, và khoảng 5 tháng sau khi triển khai mũi tăng cường (mũi thứ ba).
Bất chấp lời kêu gọi cải thiện công bằng tiếp cận vaccine của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiều quốc gia thu nhập cao và trung bình đã bắt đầu tiêm mũi thứ 3 trong những tháng gần đây.
Các chính phủ hành động dựa trên dữ liệu cho thấy ngay cả những loại có hiệu quả tốt nhất là vaccine mRNA cũng giảm dần tác dụng sau 6 tháng. Vaccine còn kém hiệu quả hơn nữa trong việc bảo vệ cơ thể chống lại biến chủng Omicron có nhiều đột biến.
Tất cả điều này đã đặt ra câu hỏi chương trình tiêm vaccine Covid-19 trong tương lai sẽ ra sao. Trong khi bệnh cúm chỉ cần tiêm phòng hàng năm để đối phó với các biến chủng khác nhau, nhiều người đã tiêm 3 mũi vaccine phòng Covid-19 chỉ trong vòng một năm.

"Tiêm lại loại vaccine hiện có chỉ để câu giờ"​

Trong hai tuần qua, các nhà phát triển vaccine đã phát hành tài liệu đánh giá sơ bộ về những thử nghiệm trong phòng thí nghiệm để xác định xem liều thứ ba có tạo đủ kháng thể trung hòa chống lại biến chủng Omicron không.
Pfizer cho biết 3 liều vaccine mRNA có thể vô hiệu hóa Omicron, trong khi hai liều thì không.
“Dấu hiệu ban đầu cho thấy biến chủng Omicron ít có khả năng dẫn đến bệnh nặng hơn so với các biến chủng trước đó. Một liều tăng cường sẽ khôi phục khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng, ở mức tương tự hai liều chống lại biến chủng Delta", Peter Smith - giáo sư tại Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London - cho biết.
Tuy nhiên, liệu 3 mũi tiêm đã đủ hay chưa thì hiện vẫn chưa có câu trả lời.
“Hiện tại, ba liều vaccine mRNA có thể chống lại bệnh nặng nếu nhiễm Omicron. Tuy nhiên, nếu như khả năng bảo vệ này giảm đáng kể theo thời gian, thì liều thứ 4 lại cần thiết", ông Smith nói.
Vậy nhưng, Jerome Kim - Tổng giám đốc của Viện Vaccine Quốc tế - chỉ ra do có quá nhiều điều chưa biết về Omicron, tiêm tăng cường với loại vaccine hiện có chỉ là cách để câu giờ trong lúc chính phủ và nhà khoa học tìm hiểu thêm.
“Đợt tiêm tăng cường hiện nay, với các loại vaccine sinh miễn dịch gần như tối ưu dựa trên các chủng ban đầu, là nhằm để câu giờ. Tuy nhiên, thực tế, nếu tiêm vaccine cứ 3 tháng/lần sẽ phức tạp, khó thực hiện, tốn kém và có khả năng sinh kháng thuốc", ông nói.
Ông cho biết các nhà khoa học muốn hiểu thêm về biến chủng mới và những gì thực sự sẽ chống lại Omicron, chẳng hạn như kháng thể hoặc tế bào T. Tế bào T được cho là có thể hạn chế khả năng xuất hiện triệu chứng nặng.
Tương lai của việc tiêm phòng Covid-19
Chuyên gia cho rằng việc tiêm liều thứ 3 bằng loại vaccine hiện có chỉ là giải pháp câu giờ. Ảnh: Reuters.
Sự xuất hiện của Omicron có thể dẫn đến nhiều ca lây nhiễm đột phá bởi vaccine tạo ra mức độ kháng thể trung hòa thấp hơn. Các nhà khoa học đang cố gắng tìm ra cách miễn dịch qua trung gian tế bào có thể bảo vệ để chống lại khả năng nhập viện.
Họ cũng muốn kiểm tra xem việc sử dụng loại vaccine không phải vaccine mRNA làm mũi tăng cường có hiệu quả hay không, và có cần một loại vaccine khác dành riêng cho Omicron hay không.
Tuy nhiên, đây là điều không dễ dàng gì. “Điều gì sẽ xảy ra nếu cần một loại vaccine để đối phó với Omicron và chủng ban đầu, hay các loại vaccine dành cho Omicron liệu có đủ để đối phó với chủng gốc?", ông Kim nói.
Những kết luận này càng trở nên khó đoán khi giới khoa học không có đủ dữ liệu thực tế về hiệu quả của mũi tiêm tăng cường. Các nhà nghiên cứu ở Nam Phi đã công bố một nghiên cứu đáng chú ý, trong đó chứng minh tiêm thêm một liều vaccine Johnson & Johnson có hiệu quả 84% trong việc ngăn ngừa nhập viện với khoảng 69.000 nhân viên y tế.
Tuy nhiên, một ẩn số lớn khác là liệu mũi tăng cường có hoạt động tốt với những người chưa bao giờ mắc bệnh hay không, bởi nhiều người ở Nam Phi đã mắc Covid-19 trước đó và có lượng kháng thể nhất định.
Hơn nữa, nếu cần cập nhật liên tục vaccine Covid-19, vẫn chưa rõ vaccine sẽ bắt kịp tốc độ xuất hiện các biến chủng mới như thế nào.
"Hiện khó có thể dự đoán biến chủng nào sẽ xuất hiện, và cũng khó để sản xuất một loại vaccine mới, với những công nghệ hiện tại, để đối phó với một biến chủng chưa được xác định", ông Kim nhận định. "Vấn đề này khá giống với vaccine cúm khi các nhà sản xuất phải đưa ra dự đoán về các loại virus cúm sẽ lưu hành trong mùa tiếp theo".
Chuyên gia Kim cho biết về lâu dài, các nhà nghiên cứu đang tìm cách phát triển thế hệ vaccine Covid-19 tiếp theo ít nhạy hơn với sự thay đổi của các biến chủng. Nhưng ông cho rằng cần ít nhất vài năm nữa để điều này thành công, và quá trình tương tự với vaccine cúm cho đến nay vẫn chưa cho thấy kết quả khả quan.

Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan​

Trong khi Trung Quốc là nhà xuất khẩu vaccine Covid-19 lớn nhất cho các nước đang phát triển, một số quốc gia mua vaccine bất hoạt đang chuyển sang loại khác - như vaccine mRNA - trong chiến dịch tiêm liều tăng cường để chống lại Delta.
Với sự xuất hiện của Omicron, chưa rõ vaccine bất hoạt - với mức kháng thể trung hòa thấp hơn - có thể chống lại triệu chứng nghiêm trọng như thế nào. Gần đây, WHO đã khuyến cáo tiêm nhắc lại cho nhóm dễ bị tổn thương nếu họ sử dụng vaccine bất hoạt trước đó.
Một nghiên cứu của Đại học Yale cho biết 2 liều vaccine Sinovac cộng một liều Pfizer sẽ tạo ra mức độ kháng thể cao hơn so với 2 liều Pfizer. Tuy nhiên, sự kết hợp này là không đủ để ngăn người dùng nhiễm Omicron.
Sinovac khẳng định 3 liều vaccine bất hoạt có thể cải thiện khả năng trung hòa kháng thể. Một số nhà khoa học Trung Quốc cho rằng vaccine bất hoạt hiệu quả trước Omicron vì chúng nhắm vào toàn bộ virus, trong khi hầu hết vaccine khác nhắm vào đột biến trên gai protein.
Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều ẩn số.
“Liệu vaccine bất hoạt có thể tạo ra những phản ứng ít bị ảnh hưởng bởi các đột biến trong gai protein hay không? Về mặt lý thuyết là có. Nhưng điều này có đúng với vaccine Sinopharm, Sinovac, Bharat hoặc Valneva? Thật không may, chúng tôi không biết", ông Kim nói.
Ông Kim cho biết giới khoa học nên tiến hành tìm hiểu về cách các loại vaccine khác có thể cải thiện hiệu quả của vaccine bất hoạt.
Tương lai của việc tiêm phòng Covid-19
Hiệu quả các loại vaccine bất hoạt của Trung Quốc trước Omicron hiện chưa rõ. Ảnh: Reuters.
Trong nước, Trung Quốc đã triển khai chiến dịch tiêm mũi tăng cường. Tuy nhiên, danh sách của nước này chưa có loại vaccine mRNA nào.
Ngoài ra, không có tin tức gì về kết quả thử nghiệm của ứng cử viên mRNA nội địa do Walwax Biotechnology và Suzhou Abogen Biosciences đồng phát triển. Feng Duojia - Chủ tịch Hiệp hội Vaccine Trung Quốc - nói hồi tháng 4/2021 rằng vaccine mRNA của riêng Trung Quốc sẽ được tung ra thị trường vào cuối năm.
Huang Yanzhong - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Seton Hall ở New Jersey - cho biết Trung Quốc không muốn gửi thông điệp đến thế giới rằng họ thiếu tự tin vào vaccine nội địa đến mức phải phê duyệt mũi tăng cường do nước ngoài sản xuất.
"Họ chậm trễ phê duyệt vaccine Pfizer/BioNTech là vì họ muốn phê duyệt vaccine mRNA nội địa trước", ông Huang nói, đồng thời cho biết Trung Quốc đang câu giờ để tìm hiểu xem mũi vaccine bất hoạt thứ 3 có hiệu quả hay không. “Câu hỏi cần đặt ra là vaccine Trung Quốc, với tư cách là mũi tiêm nhắc lại, sẽ giảm đáng kể nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong như thế nào? Tuy nhiên, tôi chưa thấy dữ liệu nào hỗ trợ cho điều này".
Nguồn: Zingnews
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top