Ukraine "tủi thân" khi phương Tây ra tay giúp Israel bắn hạ tên lửa của Iran

Việc các đồng minh phương Tây trực tiếp hỗ trợ Israel đánh chặn hơn 99% trong tổng số 300 máy bay không người lái và tên lửa do Iran phóng trong cuộc tấn công đêm 13/4 đã khiến Ukraine bày tỏ sự khó chịu. Theo các quan chức Ukraine, đất nước này phải hứng chịu số lượng vũ khí tương tự mỗi tuần, trong đó có nhiều máy bay không người lái do Iran thiết kế và Nga sản xuất.
Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc, ông Sergiy Kyslytsya, cho biết kể từ đầu năm 2023, Nga đã bắn 1.000 tên lửa, 2.800 máy bay không người lái và 7.000 quả bom dẫn đường vào lãnh thổ Ukraine. Mặc dù Washington và các đồng minh đã cung cấp cho Kiev một số vũ khí phòng không hiện đại, nhưng phương Tây không trực tiếp tham gia đánh chặn. Giới chức Ukraine từ lâu đã nhấn mạnh rằng số vũ khí họ nhận được là không đủ để đối phó với mối đe dọa từ trên không.
Tại thành phố Kharkiv, miền đông Ukraine, nơi còi báo động không kích vang lên hằng đêm, nhiều người dân bày tỏ sự tức giận và thất vọng khi các đồng minh không bảo vệ họ như cách đã làm với Israel. Amil Nasirov, một ca sĩ 29 tuổi, chia sẻ với tờ New York Times: "Khi tên lửa bay tới Israel, cả thế giới viết về nó. Ở đây, tên lửa đang bay qua nhưng chúng tôi không may mắn như Israel. Thật là ngu ngốc. Đó là đạo đức giả".
Ukraine tủi thân khi phương Tây ra tay giúp Israel bắn hạ tên lửa của Iran
Ukraine "tủi thân" khi phương Tây trực tiếp ra tay hỗ trợ Israel bắn hạ tên lửa và UAV của Iran
Kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022, Ukraine liên tục kêu gọi phương Tây hỗ trợ các vũ khí và trang thiết bị cần thiết để bảo vệ không phận. Tuy nhiên, phải đến mùa xuân 2023, hệ thống tên lửa Patriot đầu tiên của Mỹ và Đức - hệ thống phòng thủ duy nhất được chứng minh có khả năng đối phó tên lửa đạn đạo - mới được chuyển giao cho Kiev.
Ukraine cũng đề nghị phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu F-15, nhưng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden từ chối vì lo ngại bị coi là hành động leo thang. Cuối cùng, Mỹ đã nhượng bộ, nhưng các phi công Ukraine vẫn đang được đào tạo và dự kiến phải đến mùa hè này mới sẵn sàng chiến đấu.
Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng phản ứng của Israel và các đồng minh trong cuộc tấn công của Iran là minh chứng rõ ràng cho thấy "thế giới có mọi thứ cần thiết để ngăn chặn bất kỳ tên lửa, máy bay không người lái Shahed và các hình thức tấn công khác". Ông nhấn mạnh: "Cả thế giới đều thấy thế nào là phòng thủ thực sự. Nó cho thấy điều đó khả thi. Và cả thế giới thấy rằng Israel không đơn độc trong cuộc phòng thủ này, khi mối đe dọa trên bầu trời cũng đang được các đồng minh của họ loại bỏ".
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Anh David Cameron ngày 15/4 cho biết, mặc dù Anh là một trong những đồng minh quân sự trung thành nhất của Ukraine, nhưng họ không thể trực tiếp bắn hạ máy bay không người lái của Nga trên bầu trời Ukraine, vì điều này có thể gây ra cuộc chiến tranh quy mô lớn hơn ở châu Âu. Ông Cameron nói với đài LBC: "Nếu muốn tránh nguy cơ leo thang thành cuộc chiến tranh rộng lớn hơn ở châu Âu, tôi nghĩ chúng ta không được để quân đội NATO trực tiếp giao chiến với quân đội Nga".
Trong khi đó, Mỹ vẫn là nhà cung cấp đạn dược chính cho các hệ thống phòng không tốt nhất của Ukraine, nhưng lần gần đây nhất Quốc hội Mỹ phê chuẩn gói viện trợ quân sự cho Ukraine là vào tháng 10/2022. Trong những tháng qua, năng lực phòng không của Ukraine suy giảm nghiêm trọng, trong khi Nga gia tăng sử dụng sức mạnh không quân để giành lợi thế ở tiền tuyến và tấn công hạ tầng năng lượng của Ukraine.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top