Vị Hoàng hậu nổi danh cực kỳ tàn nhẫn, từng khống chế triều đình nhà Hán suốt 15 năm là ai?

Jimmy

Moderator
Lã Hậu, Hoàng hậu đầu tiên của nhà Hán, đồng thời là Hoàng hậu chính thức đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa, đã ghi dấu ấn đậm nét với vai trò là một nữ chính trị gia đầy quyền lực.

Theo ghi chép trong "Sử ký" của Tư Mã Thiên, Lã Hậu (241 - 180 TCN), tên thật là Lã Trĩ, là vị Hoàng hậu duy nhất của Hán Cao Tổ Lưu Bang - người sáng lập triều đại nhà Hán. Bà xuất thân từ huyện Thiền, tỉnh Sơn Đông ngày nay, kém Lưu Bang 15 tuổi.

1721265318526.png

Tạo hình Lã hậu - Hoàng hậu đầu tiên của nhà Hán trên màn ảnh Trung Quốc. Ảnh: Weibo

Lã Trĩ kết duyên với Lưu Bang khi ông còn là một Đình trưởng dưới thời Tần Thủy Hoàng. Cha của bà, Lã Văn, rất ấn tượng với tướng mạo phi phàm của Lưu Bang trong một buổi tiệc, tin rằng ông sẽ làm nên nghiệp lớn nên đã gả con gái mình cho ông.

Lã Trĩ sinh hạ cho Lưu Bang một trai, một gái, sau này là Hán Huệ Đế Lưu Doanh và Lỗ Nguyên công chúa.

Năm 202 TCN, Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ, thống nhất thiên hạ, lên ngôi Hoàng đế, lập Lã Trĩ làm Hoàng hậu, con trai Lưu Doanh là Thái tử. Bà trở thành vị Hoàng hậu chính thức đầu tiên của Trung Quốc kể từ khi Tần Thủy Hoàng lập ra Đế quốc.

Sau khi trở thành Hoàng hậu, Lã Trĩ cùng Thừa tướng Tiêu Hà và các đại thần được Hoàng đế giao phó trọng trách trông coi triều chính.

Với tài trí hơn người, Lã Hậu đã thiết lập mạng lưới quan hệ vững chắc với các quan lại trong triều, khiến họ vừa nể phục vừa e dè trước sự cứng rắn, quyết đoán của bà.

Bà đã phò tá Hán Cao Tổ diệt trừ nhiều công thần để củng cố quyền lực, trong đó có Hàn Tín và Bành Việt.

Khi Hán Cao Tổ sủng ái Thích phu nhân và có ý định phế Thái tử Lưu Doanh để lập con của Thích phu nhân là Như Ý, Lã Hậu đã giúp con trai mình giữ vững ngôi vị.

Năm 195 TCN, Hán Cao Tổ băng hà, Lưu Doanh lên ngôi Hoàng đế, Lã hậu trở thành Hoàng thái hậu và bắt đầu lên kế hoạch trả thù mẹ con Thích phu nhân.

Lã Thái hậu giam cầm Thích phu nhân ở Vĩnh Hạng cung, ép chết bằng cách cho uống thuốc độc. Hán Huệ Đế vì quá đau lòng trước cái chết của em trai mà sinh ra chán nản, sa vào rượu chè rồi lâm bệnh nặng. Lã Thái hậu nhân cơ hội này nắm quyền điều hành triều đình.

Năm 188 TCN, Hán Huệ Đế băng hà khi mới 22 tuổi. Theo ghi chép trong "Sử ký", Lã Thái hậu đã bí mật sát hại con của Huệ Đế với một phi tần là Mỗ thị, sau đó lập con của mình là Hán Tiền Thiếu Đế lên ngôi để dễ bề kiểm soát.

Lã Thái hậu tiếp tục nắm quyền nhiếp chính, trở thành người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc công khai nắm quyền lực tối cao. Trong thời gian này, bà tự xưng là "Trẫm" trong các chiếu thư, quyền lực ngang ngửa Hoàng đế. Thời kỳ trị vì của bà được Tư Mã Thiên ghi chép thành một Bản kỷ riêng trong "Sử ký", vốn chỉ dành cho các vị Hoàng đế.

Để củng cố quyền lực, Lã Thái hậu phong vương cho con cháu họ Lã. Khi Hán Tiền Thiếu Đế lớn lên, biết được âm mưu giết mẹ của Lã Hậu bèn tỏ ý phẫn nộ. Lã Thái hậu nghe vậy liền giam cầm và sát hại ông, sau đó lập một người con khác của Hán Huệ Đế là Lưu Hồng lên ngôi, tiếp tục nắm quyền kiểm soát triều đình.

Năm 180 TCN, Lã Thái hậu qua đời ở tuổi 61. Kết thúc "Lã hậu bản kỷ", Tư Mã Thiên ghi nhận: "Lã hậu tuy chuyên quyền, sát hại nhiều hoàng tử nhà Hán, nhưng bà cai trị đất nước ổn định, không gây xáo trộn đời sống xã hội, ít dùng hình phạt tàn khốc".
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top