Vì sao các gã khổng lồ công nghệ lại đua nhau sản xuất chip riêng?

Với mong muốn tự chủ hoàn toàn về mọi mặt, một số công ty công nghệ lớn đang tự mình phát triển chip bán dẫn để trang bị trên các sản phẩm. Trong số đó phải kể đến Apple, Amazon, Facebook, Tesla hay Baidu, những công ty có kinh nghiệm thiết kế chip nhiều năm và đã đạt được một số lợi ích nhất định từ việc phát triển công nghệ nội bộ.
Vì sao các gã khổng lồ công nghệ lại đua nhau sản xuất chip riêng?
Syed Alam, người đứng đầu bộ phận Bán dẫn toàn cầu tại công ty dịch vụ Accenture cho biết, ngày càng nhiều doanh nghiệp muốn tự sản xuất chip với các tiêu chí phù hợp với yêu cầu cụ thể thay vì sử dụng chip đại trà như đối thủ. Điều này giúp họ kiểm soát tốt hơn việc tối ưu giữa phần cứng và phần mềm, trong khi vẫn tạo được sự khác biệt trên thị trường.
Russ Shaw, cựu Giám đốc công ty bán dẫn Dialog Semiconductor, trả lời với CNBC rằng chip tùy chỉnh cho hiệu suất tốt hơn và rẻ hơn so với chip do các bên cung cấp vì nó giúp giảm điện năng tiêu thụ trên thiết bị, sản phẩm vốn được thiết kế để hoạt động tốt nhất cùng với phần cứng nội bộ, cho dù đó có là smartphone hay dịch vụ đám mây đi chăng nữa.
Theo Glenn O’Donnell, giám đốc nghiên cứu tại công ty phân tích Forrester, tình trạng thiếu chip toàn cầu đang diễn ra là lý do khiến các gã khổng lồ công nghệ đắn đo suy nghĩ phải lấy chip từ đâu để sản xuất.
“Đại dịch đã tạo ra một cánh cửa lớn trong chuỗi cung ứng hiện tại, giúp thúc đẩy nỗ lực sản xuất chip cho riêng mình của các công ty lớn. Nhiều doanh nghiệp cảm thấy họ bị hạn chế về tốc độ đổi mới khi phải phụ thuộc vào nhà sản xuất chip”, O’Donnel cho biết.
Hiện nay, gần như không có tháng nào trôi qua mà không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến dự án chip mới của nhóm Big Tech. Nổi bật nhất là vào tháng 11 năm ngoái, Apple tuyên bố ngừng sử dụng kiến trúc x86 của Intel và chuyển sang dùng thiết kế ARM để tạo ra vi xử lý M1. Sau đó ít lâu, chip M1 đã có mặt trên hàng loạt thiết bị Mac và iPad mới, nhận về vô số lời khen về hiệu suất và khả năng tiết kiệm điện.
Vì sao các gã khổng lồ công nghệ lại đua nhau sản xuất chip riêng?
Gần đây, Tesla thông báo họ đang trong quá trình phát triển con chip mới, có tên gọi “Dojo” để đào tạo mạng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các trung tâm dữ liệu. Năm 2019, nhà sản xuất ôtô điện đã bắt đầu tích hợp chip AI tùy chỉnh vào phần mềm hỗ trợ lái để giúp hệ thống có thể đưa ra quyết định phản ứng trước những tình huống giao thông trên đường.
Tháng trước, Baidu đã ra mắt chip AI được thiết kế để giúp các thiết bị có thể xử lý lượng dữ liệu khổng lồ và tăng cường sức mạnh tính toán. Công ty cho biết chip “Kunlun thế hệ 2” có thể ứng dụng trong các lĩnh vực như lái xe tự hành và đã được đưa vào sản xuất hàng loạt. Năm 2018, “Google Trung Quốc” đã trình làng chip AI Kulun thế hệ đầu, chính thức ghi tên mình vào danh sách những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc có thể tự mình thiết kế linh kiện phần cứng phục vụ cho lĩnh vực máy học (machine-learning).
Bên cạnh những thông báo được công bố rộng rãi, một số doanh nghiệp chọn cách giữ kín dự án bán dẫn của mình. Đơn cử như Google, tập đoàn công nghệ Mỹ được cho là đang chuẩn bị tung ra các bộ xử lý CPU cho máy tính xách tay Chromebook. Cụ thể, hãng có kế hoạch sử dụng phần cứng tùy chỉnh trên Chromebook và một số dòng máy tính bảng chạy Chrome OS từ năm 2023, trích dẫn nguồn tin của Nikkei.
Amazon, công ty vận hành dịch vụ điện toán đám mây lớn nhất thế giới, đang phát triển chip mạng lưới riêng để dùng trên bộ chuyển mạch phần cứng. Nếu thành công, công ty có thể giảm tỷ lệ phụ thuộc vào Broadcom.
Vì sao các gã khổng lồ công nghệ lại đua nhau sản xuất chip riêng?
Vào năm 2019, trả lời với Bloomberg, trưởng bộ phận nghiên cứu AI của Facebook cho biết công ty đang phát triển một loại chất bán dẫn mới có khả năng hoạt động “ưu việt” so với hầu hết các thiết kế chip hiện có.
Song, những tin tức về việc phát triển linh kiện bán dẫn mới không đồng nghĩa với việc các công ty lớn tự mình sản xuất chúng. “Tất cả đều xoay quanh thiết kế và hiệu suất của con chip. Ở giai đoạn này, không ai muốn tự xây dựng các xưởng đúc để sản xuất. Điều đó rất tốn kém”, Russ Shaw cho biết.
Để có thể thiết lập một nhà máy chế tạo chip tiên tiến, hay xưởng đúc như TSMC ở Đài Loan, các tập đoàn phải dành ra 10 tỷ USD và mất khoảng vài năm.
“Ngay cả Google và Apple đều đang thận trọng trong việc xây dựng những thứ này. Họ sẽ tìm đến TSMC hay thậm chí là Intel để sản xuất chip”, O’Donnell phân tích.
Thung lũng Silicon hiện đang thiếu những người có kinh nghiệm thiết kế các bộ vi xử lý cao cấp. Trong nhiều năm qua, các công ty tại đầy đều chú trọng nhiều vào phát triển phần mềm mà bỏ qua phần cứng, đến mức chúng được xem là có đôi chút lạc hậu.
“Việc sản xuất phần cứng không dễ dàng đối với các công ty công nghệ. Cho dù có là gì đi chăng nữa, thung lũng Silicon vẫn đang rất cần kỹ sư bán dẫn”, O’Donnell cho biết.
Theo CNBC
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng

Gợi ý cộng đồng

Top