Vì sao hạ cánh máy bay trên biển lại khó, nguy hiểm?

Ngày 15/1/2009, chuyến bay mang số hiệu 1549 của hãng hàng không US Airways đã đâm vào một đàn ngỗng sau khi cất cánh từ sân bay LaGuardia, New York. Tất cả động cơ của máy bay đều ngừng hoạt động khi bay qua thành phố Manhattan. Phi hành đoàn có những lựa chọn nào? Một là hạ cánh trên dòng sông Hudson hoặc đâm xuống một trong những thành phố đông dân nhất nước Mỹ.
Vì sao hạ cánh máy bay trên biển lại khó, nguy hiểm?
Ảnh: Business Insider
May mắn thay, thời tiết quang đãng, phi công có nhiều kinh nghiệm và đội ứng phó khẩn cấp đã hành động rất nhanh chóng. Nhờ đó, toàn bộ 150 hành khách trên chuyến bay đều an toàn. Có thể bạn từng nghe qua câu chuyện này, nhưng đây không phải là lần duy nhất xảy ra sự cố tương tự. Mặc dù việc hạ cánh máy bay trên mặt nước có thể ngăn chặn một thảm kịch, nhưng nó cũng cực kỳ nguy hiểm.
Hạ cánh trên biển là một quá trình hạ cánh khẩn cấp có kiểm soát trên mặt nước. Có nhiều nguyên nhân khiến phi công phải đưa đến quyết định này, thông thường là do động cơ ngừng hoạt động hoặc hết nhiên liệu. Các phi công chỉ quyết định hạ cánh máy bay trên biển khi không còn sự lựa chọn nào tốt hơn. Dù đây là một kỹ thuật khó, các phi công lại không được trải qua khoá huấn luyện chuyên sâu về hạ cánh trên biển.
Năm 2018, Chesley Sullenberger, phi công chuyến bay 1549 của hãng hàng không US Airways, trả lời tờ Telegraph rằng: “Khoá huấn luyện hạ cánh trên mặt nước duy nhất mà chúng tôi có là đọc một vài đoạn trong cuốn giáo trình và một buổi thảo luận trên lớp”.
Vì sao hạ cánh máy bay trên biển lại khó, nguy hiểm?
Ảnh: NYTimes
Phó giáo sư, tiến sĩ Carolina Anderson, ngành khoa học hàng không tại Học viện Hàng không Embry-Riddle, cho biết phi công không thật sự được tập luyện, ngay cả trên máy bay hay thiết bị mô phỏng, nhưng hầu hết các hãng hàng không sẽ cho huấn luyện kỹ thuật này trong quá trình tập huấn. Tuy nhiên, kỹ thuật này không bắt buộc với mọi hãng hàng không.
Tiến sĩ Anderson cho biết việc hạ cánh máy bay trên biển ít khi xảy ra, chủ yếu ghi nhận ở các loại máy bay nhỏ, với máy bay kích thước lớn hơn thì hiếm gặp hơn.
Các loại máy bay thường được thử nghiệm bằng phương pháp mô phỏng thay vì trực tiếp thả chúng ra biển. Khi hạ cánh trên mặt nước, máy bay phải nổi đủ lâu để có thể sơ tán hành khách. Nhưng phi công còn phải quan tâm đến nhiều thứ khác nữa. Khác với hạ cánh trên đường băng, quá trình hạ cánh trên biển có rất nhiều yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát của phi công.
Yếu tố hiển nhiên nhất là những cơn sóng trên mặt biển. Sóng càng lớn thì quá trình hạ cánh càng nguy hiểm. Các phi công sẽ tìm cách hạ cánh song song với những con sóng thay vì cắt ngang để chúng không đập vào thân máy bay, điều này có thể khiến máy bay bị hư hại, làm hành khách bị thương và quá trình sơ tán sẽ khó khăn hơn.
Điển hình là vụ việc năm 1956, chuyến bay Pan Am 6 đã phải hạ cánh trên vùng biển Thái Bình Dương nằm giữa Honolulu và San Francisco. Khi hạ cánh, một con sóng lớn đã khiến thân máy bay xoay 180 độ, làm hỏng phần mũi và xé toạc phần đuôi. May mắn là toàn bộ hành khách và phi hành đoàn đều sống sót.
Vì sao hạ cánh máy bay trên biển lại khó, nguy hiểm?
Ảnh: traveller.com.au
Khi hạ cánh trên biển, phi công phải liên tục theo dõi cấp độ gió và giữ góc tiếp mặt nước không quá dốc để tránh va chạm mạnh. Bên trong máy bay, hành khách và phi hành đoàn sẽ chuẩn bị cho tình huống va chạm. Tất cả đồ vật trong khoang máy bay sẽ cần buộc chặt lại.
Một yếu tố khác cũng tác động lớn không kém là thời tiết. Thời tiết quang đãng sẽ tạo điều kiện cho phi công kiểm soát máy bay tốt hơn và tăng tầm nhìn xa. Phi công sẽ phải cân bằng tất cả những yếu tố đó để giữ cho chiếc máy bay của họ không bị vỡ tan tành. Nếu thân máy bay bị nứt hay bị xé toạc, khả năng bị chìm là rất lớn.
Tiến sĩ Anderson cho biết máy bay không nổi quá lâu, nếu hạ cánh quá mạnh, nguy cơ máy bay bị hư hại là rất lớn, nước sẽ tràn vào và máy bay sẽ bắt đầu chìm xuống.
Nếu chiếc máy bay bị lật ngược thì quá trình này còn diễn ra nhanh hơn nữa. Cơ bản, bạn sẽ muốn hạ cánh chậm rãi và nhẹ nhàng nhất có thể.
Nếu hạ cánh thành công, bước tiếp theo là sơ tán toàn bộ hành khách và phi hành đoàn khỏi máy bay. Quá trình sơ tán phải diễn ra nhanh chóng. Cục Quản lý Hàng không Liên bang Hoa Kỳ quy định quá trình sơ tán phải diễn ra trong vòng 90 giây.
Vì sao hạ cánh máy bay trên biển lại khó, nguy hiểm?
Các dòng máy bay hiện đại ngày nay được trang bị rất nhiều thiết bị đảm bảo an toàn cho hành khách trong trường hợp hạ cánh trên mặt nước. Các dòng máy bay thương mại sử dụng phao cứu hộ và áo phao. Bên cạnh đó còn có đèn báo hiệu và sóng vô tuyến liên lạc khẩn cấp. Các dòng máy bay cũng được thiết kế để có thể hạ cánh trên mặt nước mà không trực tiếp gây thương tích cho hành khách. Trên thực tế, nhiều thương vong trong các vụ hạ cánh trên biển được ghi nhận là do chết đuối thay vì bị thương do va chạm.
Dù vậy, bạn đừng quá lo lắng khi phải di chuyển bằng máy bay. Tình huống buộc phải hạ cánh trên biển hiếm khi xảy ra, đặc biệt là trên chuyến bay thương mại. Ngoài ra, bạn nên chú ý lắng nghe tiếp viên hướng dẫn an toàn bay trước mỗi chuyến bay. Quan trọng hơn hết là bạn phải luôn giữ bình tĩnh và tuân thủ chỉ dẫn của phi hành đoàn.
Theo Business Insider
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top