WHO cảnh báo: 99% dân số thế giới hiện đang hít thở không khí thiếu an toàn

Chúng ta thường không quan tâm nhiều đến không khí mà chúng ta hít thở hằng ngày, thậm chí còn coi thường nó. Tuy nhiên, dữ liệu mới từ các nhà khoa học về môi trường cho thấy rằng những chất gây ô nhiễm không khí hiện đang ở mức báo động với sức khỏe và nó có thể là nguyên nhân đằng sau hàng triệu cái chết của con người, vốn có thể ngăn chặn được.
Sophie Gumy thuộc Tổ chức Y tế Thế giới cho biết: "Trước đây chúng ta thường suy nghĩ rằng ô nhiễm không khí có tác động ở mức độ thấp hơn nhiều." Nhưng dựa trên việc phân tích dữ liệu ô nhiễm không khí bao phủ hơn 6.000 thành phố ở 117 quốc gia, WHO cho biết 99% dân số thế giới hiện đang hít thở không khí không đáp ứng các hướng dẫn an toàn được cập nhật. Trong đó có đến 80% là ở các khu vực đô thị trên thế giới.
Mỗi hơi thở của chúng ta có chứa nitơ điôxít vô hình (NO2 ) từ xe cộ, thiết bị xây dựng, lò hơi công nghiệp, nhà máy điện,... chúng sẽ đi sâu vào phổi, nơi có thể gây kích ứng các mô đường thở mỏng manh của chúng ta, gây ra tình trạng viêm ngày càng tăng, dị ứng, hen suyễn và giảm chức năng phổi.

WHO cảnh báo: 99% dân số thế giới hiện đang hít thở không khí thiếu an toàn
NO2 cũng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn ở trẻ em. Nó cũng có liên quan đến việc giảm cân ở trẻ sơ sinh , cũng như bệnh tim mạch, ngay cả khi tiếp xúc trong thời gian ngắn. Chúng ta cũng hít phải các dạng chất hạt mịn do không khí mang theo, được tạo thành từ nhiều chất khác nhau bao gồm bụi sa mạc tự nhiên cũng như tất cả các loại chất ô nhiễm từ vi nhựa, lửa nấu ăn, hoạt động nông nghiệp, đốt nhiên liệu hóa thạch và cháy rừng. WHO đang theo dõi các vật chất dạng hạt có đường kính bằng hoặc nhỏ hơn 10 μm (PM10) hoặc 2,5 μm (PM2.5).
WHO cho biết: “Các vật chất dạng hạt, đặc biệt là PM2.5, có khả năng xâm nhập sâu vào phổi và đi vào máu, gây ra các tác động đến tim mạch, mạch máu não (đột quỵ) và hô hấp. Có bằng chứng mới nổi cho thấy vật chất dạng hạt tác động đến cả các cơ quan khác và gây ra nhiều loại bệnh."
Trong khi các quốc gia đang phát triển vẫn phải vật lộn với vật chất dạng hạt ở mức độ lớn hơn các quốc gia giàu có với mức PM10 cao nhất được ghi nhận ở Ấn Độ và PM2.5 ở Trung Quốc - thì sự khác biệt đó không quá rõ ràng khi nói đến nồng độ NO2. Trên toàn cầu, theo ước tính chỉ có 23% người dân trên 4.000 thành phố được đo hít thở mức NO 2 nằm trong hướng dẫn an toàn của WHO, với nồng độ cao nhất được tìm thấy ở Địa Trung Hải.
Một báo cáo về chất lượng không khí quy mô lớn khác của công ty IQAir của Thụy Sĩ trong tháng trước cũng đưa ra kết luận tương tự, cho thấy không quốc gia nào đáp ứng hướng dẫn về chất lượng không khí của WHO đối với PM2.5 vào năm 2021. Nhóm nghiên cứu cũng nhận ra rằng các vụ cháy rừng do biến đổi khí hậu đã góp phần làm cho Hoa Kỳ trải qua mức ô nhiễm không khí PM2.5 tăng đột biến so với năm 2020. Những nơi có thu nhập thấp ở Mỹ cũng là những khu vực bị ô nhiễm không khí nhiều nhất và thành phố bị ô nhiễm nặng nhất của Mỹ là Los Angeles.

WHO cảnh báo: 99% dân số thế giới hiện đang hít thở không khí thiếu an toàn
Còn ở châu Á, tin tốt là nhiều thành phố ở Trung Quốc đã cho thấy chất lượng không khí được cải thiện vào năm ngoái, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu không có các biện pháp duy trì. Các nước đang phát triển thì phải đối mặt với những thách thức khác xung quanh việc nấu nướng và đốt lửa sưởi ấm, hay những ảnh hưởng từ các ngành công nghiệp.
Các báo cáo đều chỉ ra rằng hầu hết chúng ta đều phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, bệnh phổi và ung thư vì những chất ô nhiễm này. WHO ước tính ô nhiễm ngoài trời là nguyên nhân gây ra khoảng 4,2 triệu ca tử vong sớm trong năm 2016, chỉ tính riêng từ vi hạt PM2.5.
WHO kêu gọi nên cắt giảm rộng rãi và có hệ thống việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch. Các giải pháp đã được triển khai nhưng quy mô vẫn còn chưa đủ lớn để thay đổi tình hình: chuyển từ xe chạy xăng sang xe điện, sử dụng nhiều phương tiện công cộng hơn, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, thực hành phát triển bền vững và nông nghiệp.
Nhiên liệu hóa thạch hiện tại vẫn được coi là dạng năng lượng tiện lợi nhất, nhưng để cứu lấy sức khoẻ của loài người, thay đổi là bắt buộc phải có.
Nguồn
sciencealert
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top