Xung đột với Hamas khiến Israel thiệt hại hàng trăm triệu USD mỗi ngày

Lizzie

Writer
Đây là mức thiệt hại về kinh tế nặng nề nhất so với các cuộc xung đột trước đó của Israel và có thể còn tác động tới triển vọng tăng trưởng dài hạn nếu chiến sự kéo dài. Báo cáo nêu rõ mức độ thiệt hại của nền kinh tế sẽ phụ thuộc vào thời gian xung đột kéo dài cũng như triển vọng dài hạn đối với tình hình an ninh nội bộ Israel.

Kinh tế Israel thiệt hại nặng nề trong cuộc xung đột với Hamas

Báo cáo của Moody’s trích dẫn thông tin do Viện nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel (INSS) công bố hồi cuối tháng 10 vừa qua, theo đó tổng chi phí liên quan đến ước tính lên đến 150 - 200 tỷ NIS, tương đương khoảng 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Israel. Trong khi đó, cuộc chiến tranh Lebanon lần thứ 2 vào năm 2006 và Chiến dịch Protection Edge năm 2014 chỉ tiêu tốn có 9,5 tỷ NIS, tương đương 1,3% GDP của Israel vào thời điểm đó.
Theo INSS, Chính phủ Israel phải chi hàng tỷ USD cho các chiến dịch quân sự, tiền lương phát sinh cho trên 350.000 quân nhân dự bị vừa tái ngũ, bồi thường cho các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng xung đột (dự kiến chiếm 0,8% GDP) và kinh phí tái thiết các cộng đồng bị tàn phá trong cuộc tấn công bất ngờ hôm 7/10.
Bên cạnh đó, nguồn thu của nhà nước, chủ yếu từ thuế, dự kiến tiếp tục giảm do tiêu dùng trong nước và các nhu cầu khác đều đã giảm rõ rệt trong những tuần qua. Thêm vào đó, trên 350.000 quân nhân dự bị phải tái ngũ, đồng nghĩa với 18% lao động tạm thời rời bỏ thị trường. Trong khi đó, Chính phủ Israel vẫn đang phải chi các khoản lớn để thuê nơi ở và đảm bảo sinh hoạt cho 200.000 người dân phải di dời khỏi vùng chiến sự sát và khu vực biên giới phía Bắc với Lebanon.
Xung đột với Hamas khiến Israel thiệt hại hàng trăm triệu USD mỗi ngày
Tuần trước, hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor cũng dự báo kinh tế Israel sẽ suy giảm 5% trong quý IV/2023, trong khi tăng trưởng của năm nay chỉ là 1,5% và 0,5% trong năm 2024. Theo S&P, chỉ đến năm 2025, Israel mới lấy lại đà tăng trưởng, với triển vọng 5%. Thâm hụt ngân sách năm nay sẽ là 3% GDP và 7% vào năm 2024.

Lùi thời hạn thực thi thỏa thuận ngừng bắn

Trong diễn biến mới nhất, cố vấn an ninh quốc gia Israel cho biết, các cuộc đàm phán về một số chi tiết trong thỏa thuận vẫn đang diễn ra, đồng thời nhấn mạnh, việc trả tự do cho các con tin sẽ không diễn ra trước ngày 24/11, dù hai bên đã nhất trí về một lệnh ngừng bắn tạm thời vì lý do nhân đạo.
Trước đó, truyền thông Trung Đông dẫn lời một quan chức của Hamas cho biết, lệnh ngừng bắn có thể được thực thi từ 10h sáng 23/11 (theo giờ địa phương) và lực lượng này đã sẵn sàng phóng thích các con tin.
Theo thỏa thuận giữa Israel và Hamas, hai bên sẽ tạm dừng giao tranh trong 4 ngày tại Dải Gaza, để tạo điều kiện cho hoạt động viện trợ nhân đạo. Trong thời gian ngừng bắn, phía Hamas sẽ trả tự do cho ít nhất 50 trong khoảng 240 con tin mà lực lượng này giam giữ kể từ khi xảy ra cuộc xung đột. Trong khi đó, Israel cũng sẽ phóng thích 150 tù nhân người Palestine, trong đó có nhiều trẻ em và phụ nữ. Đây được xem là bước đột phá lớn đầu tiên trong các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột ở Dải Gaza.

Lực lượng Hezbollah tuyên bố khả năng ngừng bắn

Thỏa thuận ngừng bắn tạm thời giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine có khả năng sẽ có thêm một bên tham gia quan trọng. Lực lượng Hezbollah ở Lebanon tuyên bố sẽ thực hiện ngừng bắn trong 4 ngày nếu Israel tuân thủ lệnh ngừng bắn với Hamas.
Hezbollah không tham gia đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin giữa Israel - Hamas. Tuy nhiên, việc Hezbollah có khả năng tham gia thỏa thuận này sẽ có tác động lớn bởi trong thời gian qua, xung đột đã leo thang sang khu vực biên giới phía Nam Lebanon, giáp với Israel, khi Hezbollah nã rocket về phía Israel nhằm hỗ trợ Hamas. Quân đội Israel đã đáp trả bằng những vụ pháo kích nhằm vào một số khu vực ở Đông Nam Lebanon. Giao tranh leo thang đã khiến dư luận lo ngại về nguy cơ xung đột lan rộng trong khu vực.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top