Yield farming trong DeFi là gì?

1. Yield farming là gì?
Yield farming là phương thức cho phép các nhà đầu tư crypto khóa tài sản của họ trên các sàn giao dịch nhằm đổi lấy phần thưởng.
Ở mức cơ bản nhất, yield farming mang lại cho các nhà đầu tư cơ hội thu lợi nhuận từ những khoản đầu tư của mình. Yield farming là phương thức kiếm tiền lãi từ phí giao dịch thông qua việc nạp các loại tiền mã hóa vào một hệ thống cho vay. Token quản trị của giao thức cũng sẽ thưởng cho một số người dùng những khoản “bồi dưỡng” bổ sung.
Yield farming có thể ví như việc vay ngân hàng. Khi ngân hàng cho bạn vay tiền, bạn phải trả cả gốc lẫn lãi. Yield farming hoạt động tương tự, nhưng bây giờ các nhà đầu tư crypto, như bạn chẳng hạn, chính là ngân hàng. Yield farming là phương thức cung cấp thanh khoản cho các giao thức tài chính phi tập trung (DeFi) như Uniswap để đổi lấy tiền lãi bằng cách sử dụng “crypto nhàn rỗi” mà trong nhiều trường hợp sẽ bị bỏ không một cách lãng phí trên sàn giao dịch hay trong ví nóng.
Yield farming trong DeFi là gì?
2. Nhà cung cấp thanh khoản, pool thanh khoản, và nhà tạo lập thị trường tự động (AMM) là gì?
Nhà cung cấp thanh khoản, pool thanh khoản, và AMM là những thành phần quan trọng của yield farming.
Yield farming là thứ mang lại sự sống cho một thị trường DeFi nhờ sự trợ giúp từ một nhà cung cấp thanh khoản (LP) và một pool thanh khoản. Nhà đầu tư khi nạp vốn vào một bản hợp đồng thông minh (smart contract) sẽ trở thành nhà cung cấp thanh khoản. Pool thanh khoản là một bản hợp đồng thông minh đã được nạp tiền. Mô hình tạo lập thị trường tự động (AMM) được dùng để thực hiện yield farming.
AMM rất phổ biến trên các sàn giao dịch phi tập trung (DEX). Mô hình sổ lệnh truyền thống, vốn lưu trữ tất cả các lệnh “mua” và “bán” trên một sàn giao dịch crypto, được thay thế bằng AMM. Một AMM sẽ tạo ra các pool thanh khoản bằng hợp đồng thông minh thay vì công bố giá giao dịch của một món hàng. Các pool đó sẽ thực hiện giao dịch bằng các thuật toán được lập trình từ trước.
Để AMM hoạt động hiệu quả, sàn DEX phải đảm bảo được tính thanh khoản. Trượt giá (slippage) có thể xảy ra trong các pool không được hỗ trợ thanh khoản kịp thời. Các AMM khuyến khích người dùng nạp tài sản số vào các pool thanh khoản để những người dùng khác có thể giao dịch với họ. Điều này giúp tăng tính thanh khoản, từ đó giảm được tỉ lệ trượt giá nói trên.
Giao thức sẽ trả cho các nhà cung cấp thanh khoản (LP) một phần của khoản phí mà người dùng trả khi hoàn thành các giao dịch trong pool. Nói cách khác, nếu khoản tiền bạn nạp vào tương đương với 1% của thanh khoản trong một pool, bạn sẽ được trao lại một token LP tương đương với 1% phí giao dịch mà pool thu được. Khi một nhà cung cấp thanh khoản muốn rời khỏi pool, họ có thể lấy lại token LP của mình bằng cách bỏ ra một khoản phí giao dịch nhỏ.
Ngoài ra, các AMM còn phát hành token quản trị cho cả các LP và các trader. Giống như tên gọi, token quản trị sẽ mang lại cho người nắm giữ nó quyền bầu chọn liên quan chính sách quản trị và phát triển của hệ thống AMM.
3. Chiến thuật yield farming
Stake crypto, cung cấp thanh khoản cho một pool trên một sàn giao dịch phi tập trung, stake token LP, và cung cấp thanh khoản cho các giao thức cho vay - tất cả đều là ví dụ về các chiến thuật yield farming.
Mục tiêu của yield farming là tìm kiếm một khoản lời tốt cho hoạt động đầu tư của bạn. Cho vay, đi vay, cung cấp tiền cho các pool thanh khoản, và stake token LP… là những việc bạn có thể thực hiện để đạt được mục tiêu đó.
Cho vay và đi vay là hai cách đơn giản nhất để thu được tỉ suất phần trăm lợi nhuận thường niên (APY) trên số tiền bạn đầu tư. Ví dụ, một “nông dân” có thể thông qua một nền tảng cho vay để cung cấp cho mọi người đồng stable coin (như DAI) và bắt đầu kiếm lợi nhuận từ khoản đầu tư đó. Chuyên nghiệp hơn nữa, họ có thể thử cung cấp thanh khoản và đòn bẩy.
Một yield farmer (người thực hiện yield farming) có thể được trả lãi bằng tiền phí mà người dùng bỏ ra để hoán đổi (swap) các token khác nhau khi gửi coin đến một trong các pool thanh khoản. Họ có thể tăng tiền lãi bằng cách sử dụng cơ chế khai thác thanh khoản để thu về nhiều token hơn nữa.
Một số giao thức DeFi sẽ khuyến khích nông dân tham gia yield farming nhiều hơn nữa bằng cách cho phép họ stake các token LP, vốn là loại tài sản đóng vai trò đại diện cho sự góp mặt của họ trong một pool thanh khoản.
Mỗi chiến thuật kể trên đều có thể được kết hợp cùng nhau để mang đến cho các nông dân kết quả tốt hơn nữa. Một chiến thuật yield farming, giống như trên hầu hết các thị trường tài chính khác, có thể nhanh chóng mất tính hiệu quả nếu có sự thay đổi trong bản thân giao thức DeFi hoặc trong các chính sách khích lệ người dùng của giao thức. Do đó, điều quan trọng là bạn phải nắm bắt được thông tin về thị trường DeFi mà mình đang đầu tư và điều chỉnh phương thức sử dụng nếu thấy cần thiết.
Yield farming trong DeFi là gì?
Yield Farming trên sàn DEX TraderJoe của blockchain Avalanche
4. Yield farming hoạt động ra sao?
Yield farming bao gồm việc cho vay crypto để hưởng lãi suất và đôi lúc là cả phí giao dịch nữa.
Nhà đầu tư sẽ lên một nền tảng DeFi như Compound và lựa chọn loại tài sản crypto muốn yield farming trước khi mang chúng ra cho người khác vay và thu thập tiền lời từ khoản vay đó. Tỉ suất lợi nhuận có thể cố định hoặc thay đổi, tuỳ thuộc vào nền tảng bạn đang yield farming.
Để vay tiền thông qua nền tảng, người đi vay trước hết phải nạp vào pool số tiền gấp đôi so với số cần vay, gọi là “tài sản thế chấp”, trước khi tiếp tục thực hiện giao dịch. Giá trị của tài sản thế chấp có thể được tính toán ngay lập tức bằng các hợp đồng thông minh.
Nếu giá trị tài sản thế chấp thấp hơn khoản tiền đã vay, hợp đồng sẽ được kích hoạt, khiến tài khoản của người đi vay bị thanh lý và lãi sẽ được trả cho người cho vay. Có nghĩa là kể cả khi người đi vay bị vỡ nợ, người cho vay sẽ không bao giờ bị mất tiền.
5. Cách tính lãi suất yield farming
Có hai tiêu chí cần thiết để tính lãi suất yield farming là phần trăm lãi suất thường niên (APY) và phần trăm tỷ suất thường niên (APR).
Nhiều nền tảng DeFi có cơ chế tính toán yeild farming để ước lượng lãi suất thu được. Thông thường, lãi suất yield farming được tính toán theo mô hình thường niên, có nghĩa là lãi suất có thể thu được từ việc lưu trữ tài sản crypto của bạn trong pool thanh khoản trong một năm.
APY và APR là hai tiêu chí phổ biến nhất được sử dụng để ước lượng lãi suất yield farming. Khác biệt chính giữa chúng là APR không tính đến lãi suất gộp trong một năm (Ví dụ: nếu bạn nạp 1.000 USD vào pool thanh khoản với APR là 10% và lãi đó được tính mỗi năm một lần, bạn sẽ nhận được lãi suất 100 USD sau 1 năm). Trong khi đó, APY được tính dựa trên tác động của lãi kép (cũng ví dụ trên, bạn có 1.000 USD với APY là 10% và lãi suất được trả 2 lần/năm, Trong 6 tháng đầu, bạn nhận được lãi 50 USD (1000 * 10% / 2), tuy nhiên, trong 6 tháng sau, số tiền của bạn trong pool thanh khoản bạn đã có thêm 50 USD tiền nhận được trong 6 tháng đầu tiên; lúc này, lãi bạn nhận được sẽ là 52 USD (1050 * 10% / 2)).
Dẫu vậy, đại đa số các cơ chế tính toán đều chỉ có thể đưa ra con số ước chừng. Bởi yield farming là một loại hình kinh doanh linh động, rất khó để tính toán chính xác lãi từ nó. Một chiến thuật yield farming có thể mang lại lãi lớn nhanh chóng, nhưng nếu các farmer lao vào đó với số lượng lớn, khả năng sinh lời hiển nhiên sẽ bị giảm đi. Đối với cả người cho vay và người đi vay, thị trường này có độ biến động cao và rất mạo hiểm.
6. Sự khác biệt giữa yield farming và staking
Stake crypto là gì?
Sự khác biệt chính giữa yield farming và staking là trong khi yield farming yêu cầu người dùng nạp tiền mã hóa của họ trên các nền tảng DeFi, thì staking buộc nhà đầu tư phải đưa tiền lên blockchain để giúp xác thực các giao dịch và quá trình tạo khối (block).
Yield farming đòi hỏi một chiến thuật đầu tư hợp lý. Nó không đơn giản như staking, nhưng kết quả có thể lớn hơn nhiều, trong một số trường hợp lên đến 100%. Staking chỉ mang lại một khoản tiền thưởng đã định trước, được xác định theo chỉ số APY. Thông thường, APY của staking là xấp xỉ 5% và có thể cao hơn tùy thuộc vào loại token và cơ chế staking.
Pool thanh khoản quyết định tỷ suất lợi nhuận yield farming và có thể thay đổi khi giá token thay đổi. Còn trong staking, những người xác thực (validator) đảm nhận việc hỗ trợ blockchain xử lý giao dịch và tạo ra các block mới sẽ được thưởng bằng nhiều hình thức khác nhau.
Yield farming dựa trên các giao thức DeFi và hợp đồng thông minh, vốn có thể bị hacker lợi dụng nếu mã nguồn được kiểm tra không kỹ càng. Còn staking phải tuân theo một chính sách cố định, có mối liên hệ trực tiếp đến cơ chế đồng thuận của blockchain - những kẻ xấu tìm cách đánh lừa hệ thống có thể “tiền mất, tật mang”.
Bởi giá tài sản số là thứ không thể dự đoán trước được, các nông dân phải chấp nhận một vài nguy cơ. Khi tiền của họ bị mắc kẹt trong pool thanh khoản, họ sẽ rơi vào tình trạng lỗ tạm thời nếu tỉ lệ token không cân bằng nhau. Nói cách khác, họ sẽ bị lỗ tạm thời nếu giá của token thay đổi khi nó còn đang nằm trong pool thanh khoản. Khi bạn stake crypto, bạn không phải lo lắng về vấn đề này.
Người dùng không bắt buộc phải khóa tài sản của mình trong một khoảng thời gian cụ thể khi yield farming. Còn trong staking, người dùng phải stake tài sản trong một khoảng thời gian được định sẵn bởi các mạng lưới blockchain khác nhau. Ngoài ra, trong một số trường hợp, bạn còn phải đáp ứng được tiêu chí về số tiền tối thiểu trước khi tham gia stake.
7. Những rủi ro trong yield farming
Mọi nhà đầu tư crypto nên biết về những rủi ro, bao gồm rủi ro thanh khoản, rủi ro trong việc kiểm soát tài sản, và rủi ro về giá trong yield farming.
Rủi ro thanh khoản xảy ra khi giá trị tài sản thế chấp của bạn rơi xuống dưới giá trị khoản vay, dẫn đến bị thanh lý tài sản thế chấp. Khi giá trị tài sản thế chấp giảm sút, hoặc chi phí khoản vay tăng lên, bạn đều có thể đứng trước nguy cơ bị thanh lý tài sản.
Cái khó trong yield farming là những nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể bị ảnh hưởng bởi các nhà đầu tư lớn, những người nắm quyền kiểm soát đối với giao thức DeFi.
Rủi ro về giá, như các khoản vay, cũng là một rào cản lớn. Giả dụ giá tài sản thế chấp giảm xuống một mức cụ thể, trước khi người đi vay có cơ hội trả nợ, nền tảng sẽ nhanh chóng thanh lý tài sản của họ.
8. Có nên yield farming?
Yield farming, giống như bất kỳ hình thức đầu tư nào khác, đều đi kèm những rủi ro. Điều đó không có nghĩa rủi ro lấn át lợi ích. Yield farming vẫn là một trong những cách ít rủi ro nhất để kiếm tiền!
Tất cả những gì bạn phải làm là luôn lưu ý những rủi ro đã nêu trên và vạch ra một chiến thuật hợp lý để tránh được chúng. Bạn sẽ có thể quản lý tốt hơn khoản đầu tư của mình nếu chọn một hướng đi thực tế thay vì quá lạc quan tin tưởng vào dự án. Mặt khác, nếu có cái nhìn bi quan đối với yield farming, bạn gần như chắc chắn sẽ bỏ lỡ những cơ hội quý giá để kiếm được những khoản lợi nhuận cao ngất ngưỡng.
Tham khảo: CoinTelegraph
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top