Youtuber kiếm được 650.000 USD/năm chỉ bằng cách nghiền nát mọi thứ

Lang thang từ Facebook cho đến Youtube, có lẽ chúng ta đều không còn quá xa lạ với những video máy ép thủy lực khổng lồ nghiền nát cả một chiếc ô tô, hoặc máy chà nhám công nghiệp mài hàng tá đồ vật gia dụng ra thành cát bụi với những tiêu đề kích thích tò mò kiểu “Điều gì sẽ xảy ra khi cho cả thế giới vào máy nghiền” hoặc “Tuyển tập top 1.000 khoảnh khắc nghiền nát mọi thứ hấp dẫn nhất”.
Những clip kiểu này nhanh chóng trở nên cực kỳ nổi tiếng thu hút hàng triệu lượt view trên hàng nghìn nền tảng khác nhau, góp phần biến một số nhà sáng tạo nội dung trở nên giàu sụ với công sức bỏ ra không thể đơn giản hơn: mỗi sáng thức dậy chỉ việc suy nghĩ và quyết định xem mình sẽ phá hủy thứ gì hôm nay, từ các vật dụng hàng ngày (như một trái dưa hấu hoặc đồ chơi trẻ em) cho đến các mặt hàng xa xỉ (máy chơi game PS5 hoặc cả một chiếc siêu xe thể thao trị giá 200.000 USD).
Lauri Vuohensilta là một nhà sáng tạo nội dung tiêu biểu cho chủ đề này. Hiện nay anh đang điều hành kênh Youtube Hydraulic Press Channel nổi tiếng với 3,79 triệu lượt đăng ký sau bảy năm thành lập, khởi đầu với những clip Vuohensilta sử dụng máy ép công nghiệp của gia đình để chứng minh điều gì sẽ xảy ra với miếng bọt biển, bóng dây chun, bút chì màu, và thậm chí là răng của người thật khi chúng phải chịu đựng hàng tấn áp lực do máy sinh ra. “
Khả năng giữ được áp suất không khí khi bị nghiền nát và biến dạng của lốp xe thật đáng ngạc nhiên” - một người xem thích thú để lại bình luận.
Vuohensilta cho biết năm ngoái anh đã kiếm được 650.000 USD doanh thu đến từ quảng cáo trên các video có số lượt xem dao động từ 50.000 cho đến 26 triệu của mình (tiêu biểu trong đó là video Vuohensilta tiến hành thử nghiệm xem liệu có thể gấp đôi một mảnh giấy quá 07 lần bằng giấy báo hay không).
Jimmy Donaldson, hay còn được biết đến nhiều hơn bằng cái tên Mr. Beast, đã kiếm được 54 triệu USD trong năm 2021, nhiều hơn bất cứ Youtuber nào khác trong lịch sử. Mặc dù kênh Youtube của Donaldson không chỉ dành riêng cho mỗi việc phá hủy và nghiền nát mọi thứ như Vuohensilta, nhưng gần đây Mr.Beast đã bắt trend bằng cách cho ra lò một video ghi lại cảnh một chiếc Lamborghini màu đỏ anh đào bị nghiền nát bởi máy ép thủy lực hoa văn sọc vàng rực rỡ, thu hút đến 107 triệu lượt xem.
Không rõ Donaldson đã kiếm được bao nhiêu từ các video của mình, chỉ biết trước đó Youtuber đã bật mí rằng mỗi tháng anh phải chi đến 8 triệu USD để tạo ra những video phức tạp và độc đáo cũng như quảng bá cho công việc của bản thân.
Phá hủy và nghiền nát đồ vật để nổi tiếng trên Youtube không còn quá xa lạ và mới mẻ với chúng ta. Trước đây, một kênh Youtube có độ phổ biến rộng rãi chuyên quảng cáo và cung cấp thông tin về sản phẩm máy xay sinh tố thương hiệu BlendTec có tên “Will It Blend?” ra mắt chỉ hai năm sau khi nền tảng Youtube ra đời, đã nhanh chóng xác lập trào lưu video phá hủy kỳ quặc này bằng cách bê luôn tiêu đề của kênh vào nội dung của các video: Will It Blend? - Nó sẽ xay nhuyễn chứ?
CEO của BlendTec, Tom Dickson, trở nên nổi tiếng từ 16 năm trước với việc quay lại các video cho bất cứ thứ gì vào máy xay sinh tố để thể hiện sức mạnh của sản phẩm: từ thịt gà chín dở với một lon Coca-Cola cho đến một chiếc iPhone X mới toanh trị giá 1.000 USD tại thời điểm đăng tải video.
Theo một tính toán được thực hiện bởi Creators Handbook, những nhà sáng tạo nội dung video clip với chủ đề “phá hủy mọi thứ” sẽ nhận được 2.750 USD doanh thu đến từ quảng cáo ứng với mỗi 1 triệu lượt xem. Những Youtuber nổi bật như Vuohensilta và Donaldson đôi lúc có thể đạt được đến 25 triệu lượt xem sẽ thu được lượng tiền mặt lên tới con số 65.000 USD. Ước tính hiện nay có khoảng 100 kênh Youtube làm video về chủ đề này, đều đặn phát hành 5 video/tháng, trung bình đạt 10 triệu lượt xem/video; góp phần thu về khoảng 165.000.000 USD/năm cho các nhà sáng tạo nội dung - chưa tính đến các trường hợp ngoại lệ khi video bỗng đạt được mức viral đặc biệt.
Trong khi những nhà sáng tạo nội dung kiếm được hàng trăm nghìn USD đến từ việc phá hủy các vật dụng hàng ngày dưới danh nghĩa giải trí, vẫn có một số người hiện phải đối mặt với những lời chỉ trích vì bị coi là lãng phí và quá đề cao vật chất.
Khi được hỏi về trình độ chuyên môn của bản thân, những người có ảnh hưởng trong thời đại kỹ thuật số hầu hết đều có chung câu trả lời: lối sống”, Carla Abdalla - người giảng dạy tại Quỹ Armando Alvares Penteado của Brazil, đồng thời chuyên nghiên cứu hành vi của người tiêu dùng, cho biết. “Khi tôi hỏi lại họ, vậy cụ thể là loại lối sống nào, họ tiếp tục nói về việc tiêu thụ quần áo hàng hiệu, các nhà hàng dành cho những người sành ăn, các thiết bị công nghệ cao, các chuyến đi vòng quanh thế giới… Có thể nói, chuyên môn của họ thực chất là tiêu thụ”.
Ngay cả khi công chúng nhận thức được rằng những video thể loại này là quá lãng phí và đang trở nên bị bội thực vì số lượng video quá nhiều, họ vẫn không thể rời mắt khỏi màn hình.
Nhìn một người lãng phí cả đống tiền để làm gì đó lố bịch với hàng tá đồ vật thật là hấp dẫn”, Youtuber Anthony Padilla thốt lên trong một video được đăng tải vào năm 2019 có nội dung chỉ trích “junklords” - những nhà sáng tạo video với một số lượng lớn các mặt hàng không cần thiết chỉ để bất chấp nhận được một cú click chuột của người xem.
Tham khảo: BusinessInsider
>> Những con người đứng sau trào lưu idol ảo ở Trung Quốc
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top