VnReview
Hà Nội

Switch OLED đắt hơn 50 USD, Nintendo chỉ tốn 10 USD nâng cấp phần cứng

Việc công ty Nhật Bản tăng giá bản nâng cấp Switch OLED có thể khởi đầu cho một làn sóng mới. Thay vì hạ giá để kích cầu doanh số, console sẽ... tăng giá.

Nhờ có sự bùng phát của đại dịch, ngành công nghiệp trò chơi điện tử chứng kiến sự bùng nổ chưa từng có. Các công ty như EA, Tencent, Activision Blizzard hay các nhà sản xuất console gồm Sony và Microsoft đều báo cáo doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng. Xu hướng chung, laptop gaming hay card đồ họa cũng đắt hàng hơn trước.

Các mẫu console mới như Xbox Series X/S và PlayStation 5 đều khan hàng nghiêm trọng. Dự báo cho tới hết năm nay, lượng hàng vẫn sẽ nhỏ giọt không đáp ứng đủ nhu cầu. Giữa lúc hai đối thủ phải vật lộn để đảm bảo sản xuất, Nintendo đã tranh thủ cơ hội thu hút người chơi mới bằng mẫu Switch OLED. Mức giá 350 USD cao hơn 50 USD so với bản cũ được cho là sẽ tạo nên làn sóng mới trong ngành công nghiệp.

Đi ngược truyền thống của ngành

Thông thường, một nhà sản xuất console sẽ giữ cho phần cứng ở mức giá thấp nhất có thể, mục đích để thu hút người dùng. Thậm chí chấp nhận bán lỗ như cách làm của Sony hay Microsoft nhiều năm qua. Bản nâng cấp giữa vòng đời cũng cố giữ nguyên giá nhưng đi kèm cấu hình và thiết kế được cập nhật so với đời cũ. Tuy nhiên, Nintendo đã phá vỡ truyền thống đó khi Switch OLED tăng giá.

Đây là một nước đi tiến lên phân khúc cao hơn đối với phần cứng. Có thể Nintendo tin rằng, sức hấp dẫn của màn hình OLED và bộ nhớ lớn hơn đủ thuyết phục người dùng chi tiền thêm. Theo ước tính từ bên thứ ba, Bloomberg tiết lộ Nintendo phải tăng chi phí hơn 10 USD cho mỗi đơn vị sản xuất vì các nâng cấp này. Dù vậy, họ vẫn có tỉ suất lợi nhuận phần cứng mà Sony và Microsoft phải thèm thuồng.

Không như PS4 Pro hay Xbox One X, Switch OLED không mang đến bất kỳ cải thiện hiệu năng nào. CPU lẫn GPU đều giữ nguyên dù tăng giá, trong khi hai mẫu kia vừa giữ giá không đổi so với đời trước lại vừa nâng cấp cấu hình. Nâng cấp cấu hình giúp máy chơi game đáp ứng yêu cầu đồ họa cao hơn từ các trò chơi mới, nhất là khi console không cho phép thay thế linh kiện như PC.

Sony sẽ học theo?

Theo đơn vị nghiên cứu thị trường DSCC, mỗi màn hình OLED 7 inch khiến giá tăng thêm từ 3 đến 5 USD so với công nghệ LCD. Chúng được cho là mua từ Samsung Display, hãng sản xuất tấm nền OLED di động lớn nhất hiện nay. Nâng cấp bộ nhớ lên 64GB cũng sẽ tốn thêm 3,5 USD chi phí sản xuất, theo Akira Minakawa từ hãng nghiên cứu thị trường Omdia.

Nintendo chỉ tốn hơn 10 USD để nâng cấp lên Switch OLED

Thêm vào đó, vài nâng cấp như cổng LAN mới hay chân dựng sẽ tốn thêm vài USD nữa. Tổng chi phí cho toàn bộ các cải tiến phần cứng có lẽ không quá khác so với mức Bloomberg ước tính. Như vậy, hãng tăng giá thêm 50 USD dù chỉ tốn khoảng 10 cho các nâng cấp. Và điều khiến Nintendo khác biệt với Sony và Microsoft: họ bán Switch có lãi ngay từ những ngày đầu, không phải bù lỗ phần cứng.

Sony là công ty có doanh thu cao nhất ngành công nghiệp trò chơi. Tuy nhiên, các đời PS3, PS4 và PS5 của hãng đều có một khoảng thời gian bù lỗ phần cứng khi mở bán. Để có lợi nhuận, họ phải trông chờ vào tiền bán game và dịch vụ online trên nền tảng. Nhà phân tích Hideki Yasuda của Viện nghiên cứu Ace cảnh báo: nếu Switch OLED vẫn thành công, có thể Nintendo sẽ thay đổi quy luật bù lỗ phần cứng trong ngành.

Nhu cầu PS5 đang vượt quá khả năng đáp ứng của Sony. Trên thị trường chợ đen, PS5 được bán lại với giá cao gấp 2 đến 3 lần mà vẫn không đủ máy để giao. Hãng có thể tăng giá ở bản nâng cấp giữa vòng đời như Nintendo mà không phải lo tiêu thụ kém đi. Một nguồn tin nội bộ chia sẻ với Bloomberg, ban lãnh đạo đang theo dõi chặt chẽ phản ứng thị trường với Switch OLED.

Nước đi táo bạo gây tranh cãi

 

Switch sẽ cán mốc doanh số 100 triệu đơn vị cuối năm nay (ảnh: Bloomberg)

Tuy nhiên, giới đầu tư dường như lại không hoan nghênh động thái phá luật của Nintendo. Sau khi sản phẩm mới ra mắt, cổ phiếu công ty đã giảm khoảng 5% cho thấy niềm tin nhà đầu tư đang tiêu cực. Kazunori Ito ở Morningstar nói: "Nintendo đã thất bại trong việc biện minh rằng tăng giá thêm 50 USD là hợp lý. Mẫu mới sẽ không thể duy trì đà doanh số hiện tại. Switch đạt đỉnh từ năm ngoái và giờ là lúc đi xuống".

Phản bác lại, nhà tư vấn độc lập Serkan Toto nói rằng "50 USD là quá đủ đối với người dùng" vì màn hình cải thiện chất lượng hiển thị. "Tôi chẳng thấy có cơ sở nào để nói nó sẽ thất bại cả. Nintendo tăng giá sản phẩm bởi họ không có sức ép phải hạ giá, khi mà nhu cầu ngoài kia vẫn đang rất cao". Theo giới phân tích, kết thúc năm 2021, Switch sẽ cán mốc 100 triệu đơn vị.

Nhà kinh tế cấp cao Takayuki Miyajima thuộc Sony Financial, công ty con trong lĩnh vực tài chính của tập đoàn Nhật Bản, cho rằng nước đi này rất táo bạo. "Nintendo đã đưa ra một quyết định rất quyết liệt, bởi lẽ thường thì người ta sẽ chi tiền lâu hơn và nhiều hơn vào các dịch vụ, thay vì phần cứng. Từ góc độ kinh tế vĩ mô, chuyện này không thể thành hiện thực nếu công ty còn lo lắng về chuyện bán chạy hay không".

Có nghĩa, Nintendo tự tin tuyệt đối vào thành công của Switch OLED. Dù nâng cấp không tương xứng với mức giá tăng thêm, họ cũng không lo bị người dùng quay lưng. Sau tất cả, công ty không chỉ độc tôn phân khúc handheld mà còn sở hữu nhiều thương hiệu ăn khách, như Super Mario, Pokémon, Zelda, Animal Crossing,...

Ambitious Man

Chủ đề khác