VnReview
Hà Nội

Vì sao Việt Nam sản xuất được bộ kit xét nghiệm nCoV nhưng vẫn nhập khẩu của Hàn Quốc?

Kỹ thuật xét nghiệm của Việt Nam hiện cho độ chính xác 100% nhưng dùng sức người nhiều và mất thời gian khoảng 2 giờ mới cho kết quả.

3 ca nghi dương tính với SARS-CoV-2 qua test nhanh ở Hà Nội đều đã có kết quả âm tính

Ngày hôm qua (31/3), Sở Y tế Hà Nội đã bắt đầu triển khai 10 tổ công tác, bố trí 10 trạm test nhanh Covid-19 trên địa bàn thành phố, cho kết quả sau 10 phút. Các địa điểm được triển khai bao gồm: Trường THCS Đống Đa (phường Kim Liên, quận Đống Đa); Khu đô thị Thanh Hà (Huyện Thanh Oai); Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng), ưu tiên xét nghiệm cho người dân từng ra vào, chăm sóc bệnh nhân, bệnh nhân chạy thận ở bệnh viện Bạch Mai (phường Phương Mai, quận Đống Đa) từ ngày 12/3 đến nay.

Các tổ công tác này sử dụng test xét nghiệm nhanh, nhập khẩu từ Hàn Quốc. Theo nhiều thông tin, loại test nhanh này cho độ chính xác không cao bằng phương pháp xét nghiệm khẳng định bằng Realtime PCR với test kit do Việt Nam sản xuất.

Trước đó, Việt Nam đã sản xuất thành công kit thử nCoV. Loại kit này chẩn đoán bằng kỹ thuật sinh học phân tử (RT-PCR và real-time RT-PCR) do Học viện Quân y và Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á nghiên cứu và phát triển. Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị cấp kinh phí nghiên cứu. Vì vậy, một số người băn khoăn tại sao Việt Nam đã sản xuất được bộ test kit SARS-CoV-2 nhưng vẫn phải nhập khẩu bộ test kit xét nghiệm của Hàn Quốc.

Theo PGS. Hồ Anh Sơn, Phó giám đốc Viện nghiên cứu Y dược học Quân sự, Học viện Quân y, cuối tháng 12/2019 ở Vũ Hán (Trung Quốc) xuất hiện những ca bệnh viêm phổi lạ chưa rõ nguyên nhân. Đến ngày 13/1, một công trình nghiên cứu đã 'bắt' thành công virus gây bệnh, khi có được các thông tin di truyền. Ngày 20-21/1, ông Hồ Anh Sơn và các đồng sự bắt đầu đặt các mẫu di truyền của virus được tổng hợp trong phòng thí nghiệm từ nước ngoài và bắt tay vào nghiên cứu bộ kit test xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

Ảnh minh họa

TS. Hoàng Vũ Mai Phương, Trưởng Khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư trả lời báo chí cho biết, với kỹ thuật xét nghiệm hiện nay của Việt Nam, nếu dịch phát triển đến cấp độ 1.000 ca thì vô cùng khó khăn và gần như không thể đáp ứng xét nghiệm.

Nguyên nhân là do kỹ thuật xét nghiệm của Việt Nam hiện nay cho độ chính xác 100% nhưng dùng sức người rất nhiều. Dù đã nghiên cứu sản xuất thành công được bộ thử, đưa vào sản xuất, công suất đáp ứng 10.000 bộ/ngày, thậm chí gấp 3 lần nhưng năng lực xét nghiệm cho kết quả thì khó lòng đáp ứng do lực lượng chuyên môn không đủ. Ngoài ra, để thực hiện thí nghiệm sinh học phân tử, đòi hỏi cơ sở vật chất trang thiết bị tương đối hiện đại.

GS.TS Hoàng Văn Lương, Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự kiêm phó giám đốc Học viện Quân y, trả lời báo Tuổi trẻ cho biết: 'Muốn sử dụng được bộ xét nghiệm (test kit do Việt Nam sản xuất) này cần có phòng thí nghiệm đạt chuẩn và được Bộ Y tế cho phép, khi có test và có mẫu bệnh phẩm thì cần có thiết bị để chạy test. Do COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A nên để đảm bảo an toàn sinh học, không thất thoát virus ra môi trường, phải là phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp 2 mới được triển khai thực hiện xét nghiệm này.

Theo chỗ chúng tôi được biết thì hiện có hơn 30 phòng xét nghiệm của bệnh viện, Viện Pasteur, Viện Vệ sinh dịch tễ, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm xác định COVID-19, có thể sử dụng test kit này'.

Ông Hoàng Văn Lương cũng cho biết thêm test kit phát hiện Covid-19 do Việt Nam phát triển tương tự loại do CDC Hoa Kỳ cung cấp, dựa trên công nghệ Realtime PCR, phát hiện virus thông qua gien. Thời gian cho kết quả khoảng sau 2h.

Hà Nột bắt đầu xét nghiệm sàng lọc cộng đồng từ ngày 31/3

Theo nhiều nghiên cứu, bộ test kit của Việt Nam cho kết quả xét nghiệm chính xác 100% ở các mẫu bệnh phẩm có từ 2,5 copy. Loạt test kit này đã có quyết định cho phép lưu hành từ ngày 4/3 và hiện được sử dụng song song với test kit nhập khẩu. So với hàng nhập khẩu, giá thành của sản phẩm nội địa rẻ hơn khoảng 1/2.

Trong khi đó, các bộ test nhanh được sử dụng để xét nghiệm nhanh tại Hà Nội là do một tập đoàn tài trợ cho Bộ Y tế. Đây là bộ xét nghiệm nhanh của Hàn Quốc, thông qua việc lấy máu và cho kết quả chỉ trong vòng 10 phút. Tuy nhiên, loại test này dù cho kết quả nhanh nhưng độ nhạy lại không bằng test của Việt Nam, tỷ lệ chính xác theo nhiều nguồn tin đạt khoảng 85%.

Mục đích của việc nhập khẩu kit test nhanh từ Hàn Quốc là để sử dụng cho các trường hợp khẩn cấp, cần xác định để khoanh vùng cách ly ngay. Loại thiết bị này tuy không có độ chính xác cao như của Việt Nam nhưng lại có thể lấy nhiều mẫu trong thời gian ngắn và cho kết quả nhanh hơn. Điều này sẽ đáp ứng được giai đoạn mới của dịch bệnh tại Việt Nam khi các ca nhiễm Covid-19 vẫn tăng về số lượng và đã xuất hiện trường hợp lây nhiễm cộng đồng. Kit test của Hàn quốc nhằm sàng lọc người nghi nhiễm, người đang ở trong khu cách ly, người thuộc diện cách ly tại nhà...

Khi kết quả sàng lọc cộng đồng bằng test kit của Hàn Quốc cho kết quả một người nào đó dương tính với SARS-CoV-2 thì họ sẽ được xét nghiệm khẳng định lại bằng Realtime PCR với test kit do Việt Nam sản xuất nhằm cho kết quả chính xác nhất. Ví dụ, ngày 31/3, tại Hà Nội có 3 mẫu nghi nhiễm Covid-19 qua test nhanh sàng lọc cộng đồng. Tuy nhiên, đến ngày 1/4, các kết quả khẳng định bằng Realtime PCR với test kit do Việt Nam sản xuất lại cho kết quả âm tính.

Nhiều thông tin cho biết hiện giá thành sản phẩm do Việt Nam sản xuất là khoảng 400.000 - 600.000 đồng/ 1 xét nghiệm. Nhà sản xuất có năng lực cung ứng 10.000 test/ngày (tương đương 200 bộ test kit). Hiện đã có 40 bệnh viện, trung tâm dịch bệnh của Việt Nam đăng ký mua bộ test này. Ngoài có, có hơn 10 nước, bao gồm Ukraine, Phần Lan, Iran... đề nghị mua loại test kit phát hiện SARS-CoV-2 do Việt Nam sản xuất.

Ngoài bộ test kit do Học viện Quân y và Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á nghiên cứu, vào đầu tháng 2/2020, nhóm nghiên cứu của TS Lê Quang Hòa - Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) cũng công bố chế tạo thành công sinh phẩm RT-LAMP phát hiện nhanh nCoV.; Theo những người nghiên cứu, bộ kit kể trên chỉ mất 70 phút gồm cả giai đoạn tách chiết RNA, tức là nhanh hơn khá nhiều so với quy trình hiện nay tại Việt Nam. Không chỉ vậy, giá thành của sản phẩm được được ước tính có giá thành khoảng 350.000 đồng.

Tuy nhiên, ở thời điểm tháng 2/2020 Tiến sĩ Lên Quang Hòa cho biết để sản phẩm có thể ứng dụng vào thực tế thì cần phải kiểm định bởi các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế. Thời gian kiểm định sẽ mất từ 3 - 6 tháng. Hiện Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương đang tiến hành hỗ trợ Đại học Bách khoa trong việc đánh giá và cung cấp các bằng chứng khoa học để nhóm nghiên cứu có thể hoàn thiện kết quả nghiên cứu.

T.T

Chủ đề khác