VnReview
Hà Nội

Cơ sở để hơn 21.000 người phản đối chipset Exynos: Exynos 990 cực kỳ ngốn pin!

Những ngày vừa qua, cộng đồng công nghệ xôn xao trước việc người dùng rần rần gửi kiến nghị tới Samsung. Nhiều người cho rằng đó chỉ là phản ứng làm quá vấn đề lên, nhưng sau những bài thử nghiệm hiệu suất và năng lượng, ý kiến của nhóm này rất có cơ sở.

Cách đây vài ngày, Android Authority đã thực hiện một bài so hiệu năng (benchmark) giữa hai bản chipset của Galaxy S20+. Kết quả sau đó cho thấy Exynos 990 thực sự tụt lại so với nền tảng di động của Qualcomm. Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng bình thường chưa chắc chúng ta đã nhận ra khoảng cách chênh lệch lớn đến vậy.

Hiệu năng có thể không dễ nhận ra nếu không khai thác các tác vụ nặng, nhưng thời lượng pin lại khác. Sự chênh lệch về thời lượng pin có thể xem là cơ sở vững chắc nhất cho nhóm phản đối chipset Exynos. Một bài thử nghiệm mới đây của trang công nghệ Anandtech cho thấy, Exynos 990 không những thua xa Snapdragon 855 và 865 khoản tiết kiệm năng lượng, mà còn kém cả Exynos 9820 trên Galaxy S10.

Thử nghiệm thời lượng pin trên Galaxy S20 và S10 với bốn phiên bản chipset (ảnh: Anandtech);

Dưới đây là bài thử nghiệm thời lượng pin của hai bản chipset trên Galaxy S20+ và S20 Ultra, do Anandtech thực hiện. Do dung lượng khá dài, VnReview chỉ xin chuyển ngữ một phần đến bạn đọc.

Năm nay, Samsung đã nâng cấp viên pin của Galaxy S20 Ultra và S20+ lên 5.000mAh và 4.100mAh, hơn hẳn thế hệ S10 trước đó. Tuy nhiên, với màn hình tần số quét cao 120Hz cũng như độ phân giải nhỉnh hơn chút, rõ ràng thời gian sử dụng chưa chắc đã được kéo dài đáng kể so với Galaxy S10.

Anandtech cho biết đơn vị Samsung System LSI, chịu trách nhiệm thiết kế chipset Exynos 990 và đặc biệt là tùy biến CPU Mongoose M5, chưa hoàn thành công việc của họ. Cụ thể là ở cụm nhân mạnh nhất của Exynos 990 gồm hai lõi M5 2.73GHz, thâm hụt năng lượng 100% so với lõi Cortex A77 2.84GHz trên Snapdragon 865. Ở cụm trung bình, hai lõi Cortex A76 2.5GHz cũng kém xa so với cụm ba lõi Cortex A77 2.42Ghz, lần lượt của Exynos 990 và Snapdragon 865.

Exynos 990 gây thất vọng về khả năng tối ưu thời gian sử dụng (ảnh: Samsung)

Thử nghiệm đầu tiên: duyệt web qua WiFi

Ở bài thử nghiệm đầu tiên với duyệt web, Galaxy S20 bản Ultra Snapdragon 865 có thời gian lâu nhất trong số các flagship Samsung. Máy trụ lâu hơn Galaxy S10+ bản Snapdragon 855 một giờ khi cùng ở tần số quét 60Hz. Chiếc flagship chạy Exynos có thời gian lâu nhất là Galaxy S10+ bản Exynos 9820, nhỉnh hơn bản Snapdragon 855 một chút.

Khi chuyển sang 120Hz, Galaxy S20 Ultra đuối đi thấy rõ, thời lượng pin giảm khoảng 20%. Đây là kết quả tệ nhất trong nhóm máy có màn hình HFR (tần số quét cao). Asus ROG Phone II có thời gian khi ở 60Hz lâu nhất, hơn cả iPhone 11 Pro Max, nhưng khi tăng lên 120Hz, máy tụt xuống đáng kể dù vẫn hơn Galaxy S20 Ultra Snapdragon 865 ở 120Hz. Điều này là do khác biệt về độ phân giải màn hình và viên pin.

Tuy nhiên, kết quả đáng lo ngại nhất là Exynos 990 khi ở cả hai tần số 60Hz và 120Hz đều không bằng bản Snapdragon 865. Tệ hơn nữa, nếu tăng lên 120Hz thì máy ngốn pin khủng khiếp. Thậm chí Galaxy S10+ ở cả bản Exynos 9820 và Snapdragon 855 đều có kết quả tốt hơn. Điều này có thể khiến nhiều người dùng tại Việt Nam thất vọng khi đây là máy phân phối chính hãng.

Sự kết hợp giữa độ phân giải 3K và tần số quét 120Hz khiến Galaxy S20 rơi vào nhóm flagship pin kém nhất 2020 (ảnh: Anandtech) 

Anandtech bày tỏ sự thất vọng với chipset Exynos 990 khi nó không cải thiện tiêu thụ năng lượng đáng kể so với Exynos 9820, gây ra chênh lệch giữa hai đời flagship Samsung. Tăng thời lượng pin 10%, nhưng S20+ lại cho thấy thời lượng pin giảm đi 15% so với S10+ trong thử nghiệm. Trang công nghệ cảnh báo, dòng S20 trang bị Exynos 990 khi chạy ở 120Hz có thể thuộc nhóm flagship pin tệ nhất năm nay.

Thử nghiệm thứ hai: phần mềm PCMark

Bài thử này "nặng đô" hơn so với bài đầu tiên, gồm cả các tác vụ nặng về CPU và GPU. Galaxy S20 Ultra bản Snapdragon 865 tiếp tục thể hiện xuất sắc nhất ở cả 60Hz lẫn 120Hz. Tiếp theo là Snapdragon 855 trên Galaxy S10+, nhỉnh hơn một chút so với bản chạy Exynos 9820. Cuối cùng là Exynos 990 của Galaxy S20+ với thiết lập 60Hz, kém vài phút so với Exynos 9820 của Galaxy S10+.

Thật tồi tệ! Cả hai chiếc Galaxy S20+ và S20 Ultra chạy Exynos 990 với thiết lập 120Hz đều rơi xuống cuối bảng. Anandtech lưu ý vì kết quả tiết kiệm năng lượng quá kém khi ở chế độ "Hiệu suất cao" của Exynos 990, họ sẽ làm thêm các bài thử ở chế độ "Hiệu suất tối ưu" xem có gỡ gạc lại được gì không. Dù sao, Snapdragon 865 đã có thấy khoảng cách quá lớn của nó so với Exynos 990.

Tiếp tục là sự yếu kém của Exynos 990 trước Snapdragon 865 (ảnh: Anandtech)

Khác biệt có thể ảnh hưởng đến lựa chọn

Trang công nghệ thừa nhận chế độ màn hình 120Hz quả là cực kỳ ngốn pin, nếu bạn kỳ vọng sử dụng máy lâu dài hãy cân nhắc sử dụng 60Hz. Giữa hai chipset, trang công nghệ này cũng phải thừa nhận lần nữa, Exynos 990 hoàn toàn không có cửa so với Snapdragon 965. Năm ngoái, Samsung đã thu hẹp đáng kể mức tiêu thụ năng lượng giữa Exynos 9820 và Snapdragon 855. Nhưng bước sang 2020, khoảng cách lại nới rộng tới mức đáng kể.

Chúng ta chỉ có thể hy vọng trong tương lai, Samsung sẽ tung các bản cập nhật tối ưu tốt hơn, giúp máy chính hãng chạy Exynos 990 cải thiện mức tiêu thụ năng lượng, cho dù khó có thể bắt kịp bản chạy Snapdragon 865.

Nếu bạn quan trọng thời lượng pin, hãy chọn bản Snapdragon 865 hoặc bỏ qua thế hệ Galaxy S năm nay (ảnh: Android Central)

Điểm đáng chú ý nhất, cuối bài viết Anandtech đưa ra lời khuyên với những ai phân vân mua Galaxy S20. Phiên bản Exynos 990 rất tệ trong chuyện này, vậy nên hãy… bỏ qua nếu bạn là người dùng "hardcore". Nhóm có nhu cầu sử dụng cao sẽ bị thất vọng. Anandtech khuyên bạn nên chọn bản Snapdragon hoặc có thể bỏ qua thế hệ flagship này của Samsung.

Ambitious Man

Chủ đề khác