VnReview
Hà Nội

Đánh giá OnePlus Nord N10: smartphone 5G rẻ nhất vẫn có vài điểm chưa trọn vẹn

OnePlus Nord N10 gây chú ý khi là điện thoại chính hãng rẻ nhất hiện nay tại Việt Nam được trang bị kết nối 5G thế hệ mới nhưng chừng đó sẽ là chưa đủ để thuyết phục số đông người dùng.

Cụ thể, với giá bán 7,99 triệu đồng, OnePlus Nord N10 5G là smartphone chính hãng duy nhất trong tầm giá dưới 10 triệu tại Việt Nam hỗ trợ mạng 5G tốc độ cao. Đây được xem như "liều thuốc giảm đau" giúp trải nghiệm 5G trở nên bớt "nhói thận" bởi hầu hết các smartphone chính hãng có hỗ trợ 5G đều có giá bán trên 10 triệu đồng, mức khó tiếp cận với số đông người dùng.

Thiết kế phổ thông, không còn "đặc sản" nút gạt chuyển nhanh sang chế độ im lặng

OnePlus Nord N10 5G thừa hưởng nhiều điểm tương đồng với chiếc OnePlus 8T. Máy có màn hình dạng phẳng, nốt ruồi lệch góc trái, mặt lưng bóng và camera bếp từ. Tuy nhiên, sản phẩm hiện chỉ có duy nhất một màu đen, không có các lựa chọn màu xanh dương lạ mắt như đàn anh. Đồng thời, máy cũng không sử dụng các thiết kế phá cách với nhiều hiệu ứng độc lạ như những người bà con Realme hay Oppo. Vì vậy, ngoại hình của Nord N10 trông không thật sự nổi bật.

Đánh giá OnePlus Nord N10

Điểm đáng tiếc khác là Nord N10 đã bị loại bỏ đi nút gạt chuyên dụng cạnh nút nguồn, vốn chuyên để chuyển nhanh giữa các chế độ Rung - Chuông hay Im Lặng, điểm từng là "đặc sản" trên các smartphone OnePlus. Đây là chi tiết được OnePlus học hỏi iPhone nhưng biến tấu đi đôi chút khi gạt theo chiều dọc và có 3 nấc thay vì gạt chiều ngang và chỉ 2 nấc như điện thoại của Apple.

Đánh giá OnePlus Nord N10

Đồng thời, do thuộc phân khúc giá thấp hơn, viền màn hình của Nord N10 5G khá dày, nhất là phần cằm. Khung máy và mặt lưng chỉ làm từ nhựa, không phải kính và kim loại như đàn anh. Thân máy cũng tương đối dày và nặng (9mm, 190g) dù viên pin không phải quá lớn (4300 mAh).

Trên tay OnePlus Nord N10 5G:

Chất liệu bóng trên bản màu đen khiến máy rất trơn, dễ bám mồ hôi, dấu vân tay. Máy không có ốp lưng tặng kèm, không được dán sẵn màn hình nên bạn cần hết sức cẩn thận khi sử dụng. Bù lại phần nào, Nord N10 cho cảm giác cầm nắm chắc chắn, đầm tay, không bị ọp ẹp kể cả khi ấn mạnh vào mặt lưng, các cạnh hay màn hình.

Trên tay OnePlus Nord N10 5G:

Tương tự các điện thoại tầm trung từ những "người anh em" Oppo, Realme, Nord N10 cũng có phần màn hình nhô lên khỏi mặt khung viền, khiến máy trông kém liền lạc. Nhưng phần viền được làm mịn, không quá sắc cạnh nên không gây cấn tay khi cầm nắm hay thực hiện các thao tác vuốt mép.

Màn hình 90Hz mượt mà, trong trẻo nhưng ngả xanh nhiều, độ sáng thấp

Màn hình của Nord N10 có độ phân giải Full HD+, 1080 x 2400 pixels, tỉ lệ 20:9, kích thước 6,49 inch, tấm nền IPS LCD bảo vệ bởi kính cường lực Gorilla Glass 3. Màn hình này có tần số quét 90Hz nên mang lại trải nghiệm cuộn trang, chuyển đổi đa nhiệm mượt mà.

Điểm lạ là mặc định màn hình được để ở mức cân bằng trắng khá lạnh, ngả xanh nhiều. Bạn nên chỉnh lại trong phần thiết lập để màu sắc chính xác hơn. Màn hình của Nord N10 có hỗ trợ HDR, xem được tốt cả video HDR trên YouTube nhưng do độ sáng màn hình không quá cao, tương phản trung bình nên không để lại nhiều ấn tượng.

Độ sáng màn hình không cao nên việc chụp ảnh ngoài trời nắng gắt hay chụp ngược sáng với Nord N10 khá vất vả. Rất khó để nhìn rõ hình ảnh trong khung ngắm để căn bố cục chuẩn xác. Tôi thường phải dùng một tay che bớt ánh nắng chiếu vào màn hình mới có thể tạm nhìn ổn.

Dùng màn hình LCD nên Nord N10 không có vân tay trong màn hình như các máy sử dụng AMOLED. Máy không sử dụng giải pháp đặt vân tay ở nút nguồn như nhiều đối thủ mà vẫn sử dụng kiểu vân tay mặt lưng truyền thống. Vân tay này cho tốc độ nhận diện nhanh, chính xác nhưng việc đặt ở mặt lưng khiến khi đặt máy trên bàn, bạn sẽ phải chuyển qua dùng mật khẩu hay mẫu hình hoặc buộc phải nhấc máy lên mới có thể sử dụng, bất tiện so với vân tay ở nút nguồn.

Điểm bất ngờ là Nord N10 được trang bị loa kép, sử dụng loa thoại làm loa ngoài thứ 2, tạo hiệu ứng stereo khá rõ ràng, âm lượng 2 loa cân bằng, không bị chênh nhiều, giúp tăng độ sống động khi nghe nhạc, xem phim, chơi game.

Camera 64MP chất lượng tốt song camera góc siêu rộng 8MP là câu chuyện hoàn toàn khác

Về camera, Nord N10 có hệ thống 4 camera phía sau bao gồm: một camera chính 64 MP và một camera góc siêu rộng 8MP 119 độ, cùng với các ống kính 2MP macro và mono. Camera selfie phía trước có độ phân giải 16MP.

Giao diện camera tương tự các máy OnePlus gần đây với tính năng quét tay từ dưới lên trên để gọi menu chuyển đổi chế độ, đỡ mất thời gian phải lướt qua từng chế độ, phù hợp với những người dùng nâng cao, cần truy cập nhanh vào chế độ chụp đêm hay chụp chuyên nghiệp.

Máy cho phép nhấp đúp nút nguồn để mở nhanh camera rất tiện lợi, giống với các smartphone Samsung. Dù thế, lỗi dịch thuật vẫn xuất hiện trên camera của Nord N10 khi chế độ chụp chân dung xóa phông (Potrait) lại được dịch thành chế độ Dọc.

Trong điều kiện đủ sáng, camera chính 64MP của OnePlus Nord N10 có tốc độ lấy nét, lưu ảnh nhanh. Ảnh thu được từ camera này có độ nét, chi tiết tốt, dải sáng khá. Màu sắc theo hướng tự nhiên, hơi nhạt một chút chứ không theo tông rực rỡ như những người anh em Realme, Oppo. Độ nét cũng ở mức vừa phải, không bị quá gai gắt.

Khả năng chụp chân dung xóa phông ổn thỏa, bóc tách chủ thể tốt, không bị lem nhẹm nhưng máy không cho điều chỉnh độ mờ của phông nền nên đôi khi tạo ra những bức ảnh xóa phông khá "ảo", kém tự nhiên.

Khi thiếu sáng, camera 64MP vẫn cho chất lượng ảnh khá nhưng tốc độ chụp, lưu ảnh giảm đi đáng kể. Ảnh lúc này dễ mờ nhòe, mất nét nếu bạn không kiên nhẫn giữ chắc máy.

Tương tự đa số smartphone hiện nay, Nord N10 cũng có chế độ chụp đêm để cải thiện ảnh chụp thiếu sáng, hoạt động trên cả camera chính 64MP và camera góc siêu rộng 8MP. Chế độ chụp đêm trên Nord N10 không đến mức "biến đêm thành ngày" như các flagship nhưng đủ để mang lại những bức ảnh thiếu sáng tốt hơn đáng kể. Bạn sẽ nhận ra ngay những khác biệt về độ nét, chi tiết, màu sắc, dải sáng khi chụp ảnh với chế độ này. Tất nhiên, cần lưu ý là chế độ chụp đêm chỉ phù hợp với ảnh tĩnh, và vẫn phải cầm máy thật chắc tay.

Ảnh chụp ở chế độ tự động

Ảnh chụp ở chế độ chụp đêm

Ảnh chụp ở chế độ tự động

Ảnh chụp ở chế độ chụp đêm

Với camera góc siêu rộng 8MP, chất lượng ảnh chỉ ở mức trung bình. Ảnh chụp từ camera này thường cho độ nét, chi tiết thấp, dải sáng hẹp, bị ám tím nặng khi chụp ngược sáng. Trong điều kiện thiếu sáng, camera góc siêu rộng trên Nord N10 tiếp tục giảm mạnh về chất lượng. May mắn là chế độ chụp đêm hoạt động với cả camera góc siêu rộng và giúp chất lượng ảnh cải thiện "một trời một vực" so với khi chụp tự động. Tuy vậy, chế độ chụp đêm trên camera góc siêu rộng của chiếc Nord N10 mà tôi trải nghiệm hoạt động khá hên xui, lúc được lúc không.

Ảnh chụp ở chế độ tự động

Ảnh chụp ở chế độ chụp đêm

Ảnh chụp ở chế độ tự động

Ảnh chụp ở chế độ chụp đêm

Ảnh chụp ở chế độ tự động

Ảnh chụp ở chế độ chụp đêm

Camera macro 2MP không gây ngạc nhiên khi chỉ để cho đủ số lượng bởi độ phân giải thấp, chi tiết kém, đồng thời cũng không cho tiếp cận quá gần đối tượng, chưa kể đến việc chỉ lấy nét thủ công. Dùng camera chính 64MP và zoom số lên từ 2X đến 5X, bạn còn tạo ra được những bức ảnh macro ấn tượng và dễ dàng hơn nhiều.

Ảnh chụp bằng camera 64MP zoom 1X

Ảnh chụp bằng camera 64MP zoom 3X

Ảnh chụp với camera macro 2MP

Camera selfie 16MP phía trước ảnh tốt với độ nét, chi tiết cao, dải sáng rộng, không làm đẹp khuôn mặt quá đà, giữ lại được nét tự nhiên.

Hiệu năng nhanh nhẹn, chiến tốt game nặng

Về cấu hình, OnePlus Nord N10 5G gây chú ý khi được trang bị vi xử lý Qualcomm Snapdragon 690, RAM 6GB với bộ nhớ trong 128GB, có thể mở rộng qua khe cắm thẻ nhớ thêm tối đa 512GB nằm chung với khe SIM 2.

Snapdragon 690 là vi xử lý mới được Qualcomm ra mắt hồi tháng 6 vừa qua nhằm phổ cập 5G đến các smartphone tầm trung. Đây hiện là SoC đầu 6 duy nhất của Qualcomm hỗ trợ 5G, thứ mà trước nay mới chỉ xuất hiện trên các mẫu chip đầu 7 và 8. Tuy nhiên con chip này chỉ hỗ trợ công nghệ 5G sub 6, tốc độ tối đa khoảng 1Gb/s, không hỗ trợ công nghệ 5G mmWave, vốn có tốc độ nhanh nhất hiện nay, tối đa có thể lên tới 5Gb/s.

Mẫu CPU mới này sử dụng nhân Kryo 560, Qualcomm tuyên bố Snapdragon 690 đạt mức tăng tới 20% về hiệu năng CPU và tới 60% GPU so với Snapdragon 675. Khả năng xử lý tác vụ về trí tuệ nhân tạo cũng được tăng tốc nhờ tới 70% vào engine AI thế hệ thứ năm của hãng.

Yếu tố giúp củng cố những hứa hẹn về nâng cấp trong hiệu năng chính là việc Snapdragon 690 được sản xuất trên tiến trình 8nm. Đây cũng là con chip đầu 6 đầu tiên được sản xuất ở tiến trình này. Hiện OnePlus Nord N10 5G là điện thoại duy nhất sử dụng con chip tầm trung thế hệ mới của Qualcomm. Nhiều khả năng, trong thời gian tới các hãng như Xiaomi, Realme, Nokia sẽ sớm tung ra các sản phẩm trang bị Snapdragon 690.

Với các phần mềm benchmark quen thuộc, Nord N10 cho khoảng hơn 282 nghìn điểm AnTuTu, trong đó điểm CPU khoảng hơn 106 nghìn điểm và điểm GPU khoảng hơn 62 nghìn điểm. Điểm số tổng thể của hệ thống gần ngang ngửa với Snapdragon 732G, nhưng điểm GPU vẫn kém hơn khoảng 30%.

Khi chơi các tựa game như Liên Minh Huyền Thoại Tốc Chiến, Liên Quân Mobile, Call of Duty Mobile, PUBG Mobile, OnePlus Nord N10 cho hiệu năng mượt mà, nhanh nhẹn, khung hình ổn định, không bị trồi sụt nhiều khi giao tranh đông người nhưng mới chỉ bật được mức đồ họa trung bình, chưa lên được mức cao nhất. Có thể thấy Snapdragon 690 gần như phiên bản 5G của Snapdragon 730G.

PUBG Mobile chơi ổn định ở mức 40fps, thiết lập đồ họa ở mức Cân Bằng - Cực Cao

Call of Duty Mobile "chiến" ổn định ở 60fps, thiết lập đồ họa Cao - Tối Đa

Liên Minh Huyền Thoại Tốc Chiến chơi mượt mà gần 60fps nhưng chỉ cho chọn chất lượng khung cảnh và hiệu ứng Trung bình

Liên Quân Mobile chơi "ngon lành" gần 60fps nhưng tương tự không cho bật chất lượng hình ảnh HD

Cá biệt với tựa game Genshin Impact, dù đã thiết lập ở mức thấp nhất, tắt hết các hiệu ứng, Nord N10 vẫn không thể gánh nổi, khung hình trồi sụt liên tục từ 20 – 30fps. Có lẽ tựa game này hơi quá sức với con chip Snapdragon 690.

Thời lượng pin ổn áp, sạc gần 1 tiếng là đầy

Nord N10 sở hữu viên pin 4300mAh, không phải quá lớn nhưng thực tế sử dụng cho thấy máy cho thời lượng pin ổn thỏa, đủ để sử dụng một ngày với cường độ cao. Trong sử dụng thông thường hàng ngày, tôi thường đạt được thời gian on screen từ 7 – 8 tiếng với các hoạt động duyệt web, chụp ảnh, chơi game, 4G, Bluetooth, GPS bật liên tục.

https://vnreview.vn/image/21/49/39/2149390.jpg?t=1609238557674

Các bài test pin tiêu chuẩn của VnReview trên Nord N10 cho kết quả tốt với khoảng 14 giờ 36 phút xem phim liên tục, 10 giờ 24 phút lướt web liên tục, và 6 giờ 13 phút chơi game liên tục. Kết quả test pin giữa màn hình 90Hz và 60Hz không có khác biệt nào quá lớn nên bạn có thể tự tin bật chế độ 90Hz để có trải nghiệm mượt mà.

Máy có đi kèm sạc nhanh Warp 30T công suất 30W. Thời gian sạc đầy thực tế từ 0% lên 100% mất khoảng 1 giờ 12 phút, trong đó 30 phút đầu tiên sạc được 53%.

Phần mềm Oxygen OS mượt mà nhưng chưa được lên Android 11

Điểm mấu chốt tạo nên sự nổi tiếng của OnePlus ngoài cấu hình cao, giá hấp dẫn còn ở hệ điều hành tùy biến Oxygen OS. Đây là hệ điều hành tùy biến được cộng đồng công nghệ thế giới đánh giá cao về độ mượt mà, gần như ngang ngửa với Android gốc trên các thiết bị Google Pixel trong khi vẫn cung cấp nhiều chế độ tinh chỉnh sâu về giao diện, tính năng. Với OnePlus Nord N10, máy cài sẵn phiên bản Oxygen OS 10.5 dựa trên Android 10.

Điểm mà tôi thấy ấn tượng nhất trên OxygenOS là các hiệu ứng chuyển cảnh, đóng mở ứng dụng đều diễn ra rất nhanh nhẹn, trơn tru. Giao diện hệ thống và các app mặc định như gọi điện, nhắn tin, thư viện ảnh được làm thoáng đãng, trực quan. Dù dùng màn hình LCD nhưng máy vẫn có tính năng Ambient Display (một dạng cơ bản của Always On Display) giúp hiển thị thông tin ngày giờ, mức pin, thông báo mỗi khi chạm vào màn hình hay nhấc máy lên.

Một tính năng khá thú vị trong OxygenOS là Zen Mode, giúp bạn "cai nghiện điện thoại" tạm thời bằng cách cách tắt hết các thông báo và tính năng dễ gây xao nhãng, chỉ giữ lại các tính năng cơ bản như gọi điện, chụp ảnh. Điểm đặc biệt là chế độ Zen một khi được kích hoạt sẽ không thể hủy. Chỉ khi hết thời gian đặt trước (dao động từ 20 đến 60 phút), bạn mới có thể thoát khỏi chế độ này để trở lại bình thường.

OxygenOS hiện đã có phiên bản 11, dựa trên Android 11 với nhiều tính năng mới nhưng có vẻ như OnePlus vẫn muốn để dành cho các máy flagship như 8/8 Pro/8T. ;Một lưu ý khác là Nord N10 chỉ hỗ trợ cập nhật 1 bản Android duy nhất, đồng nghĩa với việc máy chỉ có thể nâng cấp lên Android 11, không thể lên Android 12 hay 13 trong những năm tới.

Tổng kết

Tầm giá từ 7 đến 8 triệu đồng là một trong những phân khúc cạnh tranh khốc liệt nhất tại thị trường smartphone Việt Nam với sự tham gia của đầy đủ các nhà sản xuất. OnePlus Nord N10 đã tạo được điểm nhấn riêng khi trang bị kết nối 5G thế hệ mới, bên cạnh hiệu năng nhanh nhẹn, hệ điều hành Oxygen OS mượt mà, nhiều tùy biến, camera chính chất lượng tốt, màn hình tần số quét cao, loa kép, thời lượng pin tốt, sạc nhanh.

Dù thế, máy lại thiếu đi nét cá tính ở thiết kế, điểm mà thị trường Việt Nam chú trọng bởi điện thoại với người Việt không chỉ là vật nghe gọi, giải trí mà còn là một món "đồ trang sức" công nghệ cao. Đồng thời, màn hình của Nord N10 có độ sáng thấp, gây khó khăn khi chụp ảnh ngoài trời. Camera góc siêu rộng cho chất lượng trung bình, nhất là khi chụp thiếu sáng. 

Ở tầm giá 8 triệu đồng chính hãng, OnePlus Nord N10 5G sẽ cạnh tranh cùng một loạt đối thủ sừng sỏ như Poco X3 NFC, Oppo Reno 4, Realme 7, vivo V20, Vsmart Aris, Samsung Galaxy A51. Tạm thời, đại diện của của OnePlus đang có ưu thế ở kết nối 5G nhưng nhiều khả năng, ưu thế này sẽ khó tồn tại lâu bởi các đối thủ cũng đang "nhăm nhe" tung ra các điện thoại 5G với mức giá tương đương Nord N10.

Thành Đạt

Chủ đề khác