VnReview
Hà Nội

Bạn biết gì về 'sát thủ đại dương' giết hại cả cá mập trắng?

Mặc dù được gọi là cá voi sát thủ nhưng chúng hầu như không bao giờ tấn công con người.

Một con cá voi sát thủ chồm lên khỏi mặt nước trong hoàng hôn ngoài khơi Kaldfjorden, Na Uy (ảnh: Michael Weberberger)

Ngày nay, cá voi sát thủ (tên khoa học: Orcinus orca) được công nhận là một trong những loài động vật có vú phân bố rộng rãi nhất trên hành tinh, chiếm lĩnh mọi đại dương.;Chúng là loài động vật săn thịt sống thành đàn, đa dạng và hung dữ, chế độ ăn trải dài từ chim cánh cụt đến cả những con cá mập trắng cỡ lớn.

Cá voi sát thủ có kích thước như thế nào?

Hình minh họa phần cơ quan bên trong của một con cá voi sát thủ (ảnh: Peter David Scott)

Cá voi sát thủ là thành viên lớn nhất trong gia đình cá heo. Con đực lớn hơn con cái, nhưng chúng còn khác nhau về kích thước và trọng lượng tùy thuộc vào chủng loại. Con cá voi sát thủ lớn nhất từng được ghi nhận có chiều dài đáng kinh ngạc là 9,8 mét và nặng 10.000 kg, dài và nặng hơn hầu hết các loại xe dã ngoại dùng để du lịch hay cắm trại (motorhome), theo SeaWorld.

Cá voi sát thủ được biết đến với phần vây lưng dài và màu đen trắng. Màu sắc đó giúp chúng ngụy trang, che đi đường viền cơ thể trong nước. Ngay sau vây lưng là một mảng màu xám được gọi là "yên ngựa" bởi vẻ bề ngoài.

Cơ thể của cá voi sát thủ có hình trụ và thuôn nhọn ở mỗi đầu, tạo thành hình dạng thủy động lực học. Hình dạng cùng với kích thước lớn và sức mạnh khiến chúng trở thành một trong những loài động vật biển có vú nhanh nhất, có thể đạt tốc độ hơn 30 hải lý/giờ (khoảng 56 km/giờ). Cá voi sát thủ có những chiếc răng khổng lồ, có thể dài tới 10 cm.

Con mồi của chúng là gì?

Một con cá voi sát thủ bẫy một đàn cá trích lớn ở vùng nước nông ngoài khơi Andenes, Na Uy

Cá voi sát thủ là loài động vật săn mồi nằm ở đầu bảng, trên cùng của chuỗi thức ăn, không có loài động vật nào săn chúng cả (trừ con người). Danh mục con mồi gồm nhiều loại khác nhau, bao gồm cá, hải cẩu, chim biển, mực. Theo Bảo tàng lịch sử tự nhiên ở London, chúng có thể hạ gục những con cá voi lớn hơn mình, chẳng hạn như cá voi minke, và là loài động vật duy nhất được biết đến có thể ăn thịt cả cá mập trắng lớn. Cá voi sát thủ thậm chí còn được ghi nhận đã giết cả những con hươu hay nai sừng tấm đang bơi.

Cá voi sát thủ sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để bắt con mồi. Đôi khi chúng sẽ tự mình dạo bãi biển, nhảy từ dưới nước lên mặt đất để bắt hải cẩu trên cạn hoặc hợp tác với nhau để bắt những con mồi hoặc nhóm con mồi lớn hơn, chẳng hạn như đàn cá. Chúng có thể sử dụng khả năng định vị tiếng vang bằng cách tạo ra âm thanh hoặc sóng âm thanh truyền qua mặt nước để xác định con mồi.

Cá voi sát thủ tấn công con người?

Không có tài liệu nào cho thấy cá voi sát thủ từng giết người trong đời sống tự nhiên. Điều này là do con người không phải là một phần trong chế độ ăn uống của chúng. Tuy nhiên, đôi khi một con cá voi sát thủ có thể nhầm lẫn giữa con người với con mồi, chẳng hạn như hải cẩu. Vào năm 2017, một con cá voi sát thủ bị bắt gặp đang đuổi theo một vận động viên cuộc thi lướt sóng Lofoten Masters ở Na Uy, nó dường như đã phát hiện và ngừng tấn công ngay trước khi kịp tiếp xúc. Cơ quan khảo sát cá voi sát thủ của Na Uy cho biết cá voi sát thủ có khả năng nhận ra người lướt sóng không phải là hải cẩu vào giây cuối cùng.

Năm 2005, một cậu bé 12 tuổi bị một con cá voi sát thủ "va phải" gần Ketchikan, Alaska, chúng đã kịp dừng lại tương tự như trường hợp vận động viên lướt sóng ở Na Uy hoặc cũng có thể đó chẳng qua chỉ đơn giản là hành động từ sự tò mò của chúng. Hãng thông tấn Associated Press đưa tin rằng một vận động viên lướt ván đã bị cắn ở California vào đầu những năm 1970, đây là trường hợp duy nhất được ghi nhận tương đối đầy đủ về việc một con cá voi sát thủ hoang dã thực sự cắn người. Tuy nhiên, cá voi sát thủ trong tình trạng nuôi nhốt thì đã tấn công và giết chết con người.

Mặc dù cá voi sát thủ hoang dã không cố ý làm hại người nhưng chúng có thể tấn công tàu thuyền. Có nhiều báo cáo từ mùa hè năm 2020 về việc cá voi sát thủ gây ra thiệt hại cho các thuyền buồm ngoài khơi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, theo BBC News. Theo đó, 3 con cá voi sát thủ đực chưa trưởng thành có liên quan đến hầu hết các vụ tấn công và các nhà sinh vật biển điều tra vụ việc cho rằng chúng đang chơi đùa bằng cách nhắm vào bánh lái và đẩy thuyền đi xung quanh.  

Đời sống bầy đàn

Một con cá voi sát thủ trưởng thành và con non lướt trên mặt nước ngoài khơi bán đảo Cumberland ở Canada (ảnh: Michael Nolan)

Cá voi sát thủ là loài có tổ chức xã hội và sống trong các nhóm gia đình được gọi là bầy đàn, thường có tới 5 thành viên. Những đàn này được tạo thành từ những con mẹ và hậu duệ gần huyết thống của chúng, theo chế độ mẫu hệ. Theo Whale and Dolphin Conservation (WDC), một con cá voi sát thủ đực sẽ ở với mẹ suốt đời, trong khi con cái có thể đi xa sau khi có con. Các đàn thường có tiếng gọi hoặc ngôn ngữ riêng để giao tiếp, tuy vậy chúng sẽ liên kết với các bầy khác và có thể kết hợp với nhau để tạo thành các bầy đàn tạm thời, lớn hơn.

Cứ mỗi 3 đến 10 năm, một con cá voi sát thủ cái sẽ sinh một con mỗi lần. Theo SeaWorld, thời gian mang thai thường kéo dài khoảng 17 tháng. Cá voi sát thủ phối hợp với nhau để chăm sóc con non, những con cái khác trong bầy thường sẽ phụ giúp việc nuôi dưỡng.

Cá voi sát thủ cái có tuổi thọ trung bình là 50 năm, nhưng một số cá thể ước tính đã sống tới 100 năm. Con đực sống ngắn hơn, với tuổi thọ trung bình là 29 năm và tuổi thọ tối đa là 60 năm, theo Center for Whale Research.

Cá voi sát thủ sống ở đâu?

Cá voi sát thủ là loài động vật có vú phân bố rộng rãi nhất, cùng với con người và có thể là chuột nữa, theo SeaWorld. Chúng có mặt ở mọi đại dương trên khắp thế giới và thích nghi với các vùng khí hậu khác nhau, từ vùng nước ấm gần xích đạo đến vùng nước băng giá ở khu vực Bắc và Nam Cực. 

Chúng có thể di chuyển một khoảng cách xa. Một nghiên cứu đã phát hiện một đàn cá voi sát thủ di chuyển từ vùng biển ngoài khơi Alaska đến những vùng gần trung tâm California, với khoảng cách 1.900 km, theo IUCN.

Có nhiều loại cá voi sát thủ khác nhau không?

Các loại cá voi sát thủ hiện đang được gọi cùng một tên khoa học là Orcinus orca . Tuy nhiên, có sự khác biệt dễ nhận biết giữa các quần thể, và các nhà sinh vật học đã xác định được một số dạng riêng biệt theo loài sinh thái, theo đó chúng có thể là các loài hoặc phân loài khác nhau, theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA).

Các loài sinh thái của cá voi sát thủ có thể khác nhau về kích thước, chế độ ăn uống và hành vi. Hiện có 10 loài sinh thái được liệt kê: 5 ở Bắc bán cầu và 5 ở Nam bán cầu, theo WDC. Ở Bắc Thái Bình Dương, các nhà khoa học đã xác định được loại cá voi sát thủ định cư (Resident), có xu hướng ở phạm vi nhỏ và thực đơn chủ yếu là cá. Loại di cư (Transient) cũng có ở Bắc Thái Bình Dương, những con cá voi sát thủ này di chuyển rất xa và săn các loài động vật có vú như hải cẩu và cá voi non. Loại cá voi sát thủ ngoài khơi (Offshore) cũng có thể hiện diện trong khu vực này, sống xa bờ biển và được cho là ăn cá nhỏ và cá mập, nhưng tương đối ít thông tin về chúng. 

Phân loại cá voi sát thủ

- Giới : Animalia

- Ngành : Chordata

- Lớp : Mammalia

- Bộ : Cetacea

- Họ : Delphinidae

- Chi : Orcinus

- Loài : Orca 

Bắc bán cầu là nơi sinh sống của cá voi sát thủ loại 1 và loại 2 ở Bắc Đại Tây Dương. Cá voi sát thủ loại 1 là loài ăn thịt nói chung, ăn cá và hải cẩu ở khắp các nước châu Âu, bao gồm cả Na Uy và Scotland. Cá voi sát thủ loại 2 hiếm hơn, chủ yếu ăn các loài cá voi và cá heo khác.

Ở Nam bán cầu, có cá voi sát thủ Loại A, Loại B (lớn), Loại B (nhỏ), Loại C và Loại D. 

- Loại A: Di chuyển trong và ngoài vùng biển Nam Cực, theo đuôi đường di cư của cá voi minke - con mồi chính của chúng. 

- Loại B (lớn): còn được gọi là orca băng vì chúng săn hải cẩu dưới các tảng băng ở Nam Cực.

- Loại B (nhỏ): còn được gọi là Gerlache orca, săn chim cánh cụt, chế độ ăn hoàn chỉnh của chúng vẫn chưa được khám phá. 

- Orca Loại C và Loại D cũng chưa thể khám phá hết chế độ ăn, cả hai loại này đều ăn cá. 

- Loại C, hay còn gọi là Ross Sea orca, là loài nhỏ nhất và thường được tìm thấy ở phía đông Nam Cực.

- Loại D, hay còn gọi là orca cận Bắc Cực, rất hiếm và vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu về chúng.

Cá voi sát thủ có thuộc diện nguy cấp không?

Cá voi sát thủ hiện được IUCN liệt kê là "thiếu dữ liệu", nghĩa là tình trạng bảo tồn của chúng không xác định. Các nhà khoa học không có đủ dữ liệu vì chúng được đánh giá lần cuối vào năm 2017 do sự không chắc chắn về tính phân loại của các loài, liệu cá voi sát thủ có nên được chia thành các phân loài hoặc loài khác nhau hay không.

IUCN lưu ý rằng nếu là một loài duy nhất, cá voi sát thủ rất phong phú và phân bố rộng rãi. Tuy nhiên, chúng vẫn phải đối mặt với các mối đe dọa từ các hoạt động của con người và một số quần thể trong khu vực, chẳng hạn như sự phụ thuộc vào con mồi cá ngừ vây xanh ở eo biển Gibraltar bị suy giảm đáng kể. 

Các nền văn minh của loài người trên khắp thế giới giết cá voi sát thủ một cách trực tiếp và gián tiếp. Theo IUCN, chúng vẫn bị săn bắt với số lượng nhỏ để làm thức ăn hoặc nhằm kiểm soát quần thể ở Greenland, Nhật Bản, Indonesia và Caribe. Các chất ô nhiễm trong biển và đại dương, chẳng hạn như hóa chất và dầu mỏ, là mối đe dọa đối với cá voi sát thủ, cùng với tác động khác như sự xáo trộn của tàu thuyền, đánh bắt quá mức và các gián đoạn đối với nguồn thực phẩm và biến đổi khí hậu, theo IUCN.

Cá voi sát thủ được bảo vệ ở Mỹ theo Đạo luật bảo vệ động vật có vú ở biển (MMPA). Cá voi sát thủ cư trú ở phương Nam cũng được liệt kê theo Đạo luật về các loài nguy cấp (Endangered Species Act) vì chúng có nguy cơ tuyệt chủng đặc biệt, do các mối đe dọa như tiếng ồn từ giao thông tàu thuyền và sự suy giảm số lượng cá hồi - thức ăn ưa thích của chúng. Một quần thể phụ của cá voi sát thủ di cư (transient) (AT1) cũng được liệt kê là "suy kiệt" theo MMPA. Quần thể đó chỉ gồm bảy cá thể, sau sự sụt giảm nghiêm trọng do sự cố tràn dầu Exxon Valdez năm 1989 ở Prince William Sound, Alaska, theo NOAA.

Những con cá voi sát thủ nổi tiếng

Keiko, chú cá voi sát thủ từ Free Willy tại Thủy cung Oregon Coast (ảnh: Kevin Schafer)

Một con cá voi sát thủ có tên Tilikum là tâm điểm của bộ phim tài liệu nổi tiếng năm 2013 "Blackfish", bộ phim đã đưa ra cái nhìn chỉ trích về những con cá voi sát thủ trong điều kiện nuôi nhốt. Tilikum có liên quan đến cái chết của ba người, bao gồm cả trường hợp của huấn luyện viên SeaWorld Dawn Brancheau vào năm 2010. Bộ phim tài liệu đã tạo ra phản ứng dữ dội của công chúng đối với SeaWorld, và vào năm 2016, chuỗi công viên biển thông báo rằng họ sẽ kết thúc chương trình nhân giống cá voi sát thủ của mình. Tilikum qua đời vì nhiễm vi khuẩn tại SeaWorld vào năm 2017 ở tuổi 36. 

Một con cá voi sát thủ bị giam cầm nổi tiếng khác là Keiko, đã đóng vai Willy trong bộ phim "Free Willy" năm 1993. Keiko sống trong một công viên hải dương ở Mexico, nhưng sau khi bộ phim ra mắt, một chiến dịch quốc tế đã được phát động để đưa nó trở lại vùng biển Iceland hoang dã, nơi nó bị bắt khi mới 2 tuổi. Keiko được huấn luyện để đánh bắt cá hoang dã và được thả ra ngoài khơi bờ biển Iceland vào năm 2002. Nó bơi đến bờ biển Na Uy nhưng qua đời vì bệnh viêm phổi, 18 tháng sau khi được thả, ở tuổi 27, theo BBC News.

Một con cá voi sát thủ màu trắng có tên "Iceberg" đã được phát hiện ở vùng biển xung quanh Quần đảo Commander, ngoài khơi bờ biển phía đông của Nga vào năm 2010. Vây lưng màu trắng ma quái của con đực trưởng thành này nổi bật hẳn so với phần vây lưng đen trắng của nó. Các nhà nghiên cứu tại Dự án Orca Viễn Đông Nga (FEROP), người đã phát hiện ra Iceberg, đã tìm thấy thêm nhiều cá voi sát thủ màu trắng ở các vùng biển của Nga và cho rằng hầu hết chúng đều bị bạch tạng, mặc dù vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn, theo WDC. Cá voi sát thủ bạch tạng có thể là do chúng giao phối cận huyết trong quần thể.

Giang Vu (theo LiveScience)

Chủ đề khác