Chatbot dựa trên AI có thể \"hồi sinh\" người đã khuất


8 năm trước, phần 2 của loạt phim khoa học viễn tưởng "Black Mirror" đã trình chiếu trên Netflix. Trong số các tập được phát sóng, có một chi tiết lạ liên quan đến công nghệ và nỗi mất mát. Ở năm 2021, những chi tiết mà bộ phim đề cập đã được hiện thực hóa theo nhiều cách khác nhau.

Cụ thể, bộ phim nói về một người cô gái trẻ tên Martha đang đấu tranh tâm lý để đối mặt với sự thật rằng người bạn đời của cô, Ash đã mất trong một vụ tai nạn xe hơi. Tại đám tang của Ash, Martha tìm thấy một dịch vụ kỹ thuật số cho phép cô giao tiếp với một phiên bản chatbot của người đã khuất. Ngay lập tức, Martha đã sử dụng dịch vụ đó.

"Em đến đây chỉ vì muốn nói một điều rằng mình đang mang thai", Martha tiết lộ với Ash phiên bản chatbot. Kế đến, thuật toán đã đáp lại rằng: "Và anh sẽ làm bố, thật chứ? Anh ước gì mình có thể ở cạnh em".

Tình tiết này tuy khiến cho tập phim ám ảnh hơn bao giờ hết, nhưng nó là tiền đề cho các công ty công nghệ ngày nay theo đuổi. Với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo AI, các nhân bản số hóa của chúng ta có thể tương tác với con người trong thế giới thực.

Đầu năm nay, Microsoft đã nộp bằng sáng chế cho một ứng dụng có thể hóa thân thành một người dưới dạng chatbot, bất kể người đó vẫn sống hay đã chết. Chương trình hoạt động bằng cách lấy dữ liệu từ những bài đăng trên mạng xã hội và tin nhắn văn bản của người đó, tương tự như phần mềm không tên trong Black Mirror.

"Dữ liệu từ hành vi xã hội có thể được dùng để tái tạo hoặc sửa đổi tính cách của một người cụ thể", nội dung bằng sáng chế ghi rõ. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã sử dụng những thông tin có sẵn để dạy cho máy học, giúp AI có thể thể "suy nghĩ" và phản hồi giống với một người mà chúng ta từng biết.

Hãy tưởng tưởng bạn viết một lá thư cho một người quá cố và nhận về phản hồi thể hiện tính cách của họ. Hay thậm chí, bạn có thể hình dung mình đang gọi video với một nhân bản 2D của một ai đó đã mất. Đó chính là những khả năng mà công nghệ học máy của Microsoft có thể mang tới trong tương lai.

Nó thậm chí còn có thể được xem như một biện pháp xoa dịu nỗi đau cho người thân. Tuy nhiên, các nhà tâm lý học lo ngại về lâu dài, việc hồi sinh người chết thông qua chatbot có thể tiềm ẩn những nguy cơ.

"Tôi lo ngại công nghệ này sẽ khiến người sử dụng bị nghiện. Mọi người sẽ muốn ngày càng có nhiều công nghệ để cảm thấy gần gũi hơn với những người thân đã mất hơn là sống cuộc sống hiện tại",;Elizabeth Tolliver, Phó giáo sư tư vấn tâm lý tại Đại học Nebraska Omaha, chuyên nghiên cứu sâu về nỗi đau của con người, cho biết.

Một số ý kiến khác đặt câu hỏi về đạo đức đằng sau việc lùng sục ký ức của người chết trên mạng xã hội nhằm vào mục đích kiếm tiền là có đúng hay không. Microsoft không tiết lộ lý do vì sao họ nộp đơn xin cấp bằng sáng chế nhưng theo lời tổng giám đốc chương trình AI, ông cho biết mình "không nắm rõ kế hoạch này" và gọi công nghệ được cấp bằng sáng chế là "đáng lo ngại".

Không có điều gì có thể ngăn cản Microsoft hoặc các công ty khác làm như vậy, giới chuyên gia phân tích AI cho biết.

Xét cho cùng, chúng ta đang sống trong thời kỳ cách mạng của trí thông minh nhân tạo, nơi mà tồn tại những cách thức mới giúp nhân bản con người. Các công ty công nghệ đang chạy đua để phát triển loại hình này nhằm phục vụ nhiều mục đích khác nhau.

Google từng có bằng sáng chế cho một bản sao kỹ thuật số biểu hiện tính cách và cảm xúc của con người. Công ty phần mềm UneeQ có trụ sở tại New Zealand đang tiếp thị công nghệ "người ảo" nhằm tái tạo sự tương tác giữa người với người ở quy mô vô hạn.

Hay Pryon, một công ty AI, đang nghiên cứu công nghệ tái tạo cảm xúc của nhân viên trong một tổ chức để nâng cao trải nghiệm chatbot. Mục tiêu là để nắm bắt những gì nhân viên biết và tạo ra một trợ lý ảo có thể trả lời các câu hỏi với độ chính xác cao hơn.

Một trong những lý do chính mà các công ty tham gia vào thị trường này là tận dụng sức mạnh của thuận toán gợi ý mua sắm. Nếu các doanh nghiệp có thể biết bạn đang nghĩ gì hoặc hiểu được tâm trạng của bạn, họ có thể giới thiệu sản phẩm của mình cho người dùng hợp lý hơn.

Chatbot là hình thức trả lời văn bản hay giọng nói tự động, đã xuất hiện trong nhiều năm. Nó chủ yếu được dùng để trả lời các câu hỏi chung chung qua điện thoại hoặc trên website. Tuy nhiên, chúng ngày càng thông minh hơn theo thời gian khi các công ty ứng dụng AI để tái tạo cảm xúc, deep fake để tạo hình ảnh và tổng hợp âm thanh để tạo ra giọng nói .

Miquela, DJ ảo với 3 triệu người theo dõi trên Instagram là thành quả của những công nghệ kể trên. Ở các ứng dụng đơn giản, AI giúp gia tăng độ thông minh và linh hoạt cho trợ lý ảo Siri và Google Assistant trên smartphone.

Tài khoản Instagram của Miquela sở hữu những bức ảnh không khác gì người thật 

Theo Casey Phillips, Quản lý cấp cao về trải nghiệm AI tại Intuit, khi mọi người ngày càng chia sẻ nhiều về bản thân họ trên Internet, chúng tôi có thể dựa theo đó để tạo ra một chatbot chuẩn xác.

"Bạn có thể tạo ra một chatbot tương đối dễ dàng, đặc biệt là dựa trên một ai đó đang sống trong thế giới này. Chúng tôi liên tục giao tiếp theo những cách đang được lưu trữ. Bạn có thể lấy dữ liệu đó, cho nó chạy cùng với một hệ thống AI để dự đoán cách người đó thực sự phản ứng với mọi thứ", Phillips nói.

Đối với chatbot thông thường dựa trên thuật toán AI, các công ty sẽ mất từ vài trăm đến vài nghìn USD mỗi tháng cho dịch vụ khách hàng hoặc chatbot trên các trang web có khả năng trả lời một số câu hỏi.

Tạo ra một hệ thống chatbot mạnh mẽ được tùy chỉnh theo từng cá nhân sẽ tốn kém hơn nhiều. Phillips tiết lộ mỗi năm, có thể tốn hàng chục triệu đô la để hỗ trợ một nhóm các nhà khoa học dữ liệu, kỹ sư và nhà phát triển sản phẩm có tay nghề cao.

Một số chuyên gia AI chỉ ra rằng công nghệ giả lập người đã khuất có thể thực hiện ở quy mô nhỏ hơn. Vào năm 2016, James Vlahos, CEO của HereAfter, đã tạo ra một chatbot tương tác mang tên Dadbot dựa trên người cha quá cố của anh ấy. Cùng năm đó, Eugenia Kuyda, đồng sáng lập công ty phần mềm và trí tuệ nhân tạo Luka đã "hồi sinh" người bạn thân của mình bằng tin nhắn văn bản mà nạn nhân gửi cho bạn bè trước khi mất trong một vụ tai nạn ôtô.

Ý tưởng về chatbot dựa trên người chết đặt ra một số câu hỏi đạo đức xung quanh quyền riêng tư. Nó giống như hành vi trộm cắp danh tính ở cấp độ tinh vi hơn. Tuy nhiên, công nghệ này vẫn còn mặt hạn chế vì nó chỉ dựa theo những dữ liệu được chia sẻ trên mạng xã hội.

Con người rất phức tạp và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau mà không phải lúc nào họ cũng chia sẻ qua tin nhắn hay mạng xã hội cho người thân bạn bè được biết. Bằng sáng chế của Microsoft cho thấy công ty có thể sử dụng nguồn dữ liệu từ cộng đồng để lấp đầy những khoảng trống đó. Nói cách khác, chatbot có thể tạo ra những câu nói không giống với tính cách của người được mô phỏng, hay nói đúng hơn là người đó chưa từng nói. Mặc dù AI có nguồn gốc từ con người thực, nó không sát với thực thể vật lý.

"Thật khó để thu thập kiến ​​thức của toàn thể nhân loại. Những điều nhỏ nhặt tinh tế khiến con người trở nên độc đáo, cũng như khó có thể nắm bắt được", Igor Jablokov, Giám đốc điều hành của Pryon cho biết.

Ngọc Diệp theo The Washington Post

Thành viên mới đăng
Top