VnReview
Hà Nội

Có thật là chúng ta thành một con người mới theo chu kỳ 7 năm?

Có một câu nói phổ biến rằng: "Để thay đổi toàn bộ tế bào trên cơ thể cần thời gian 7 năm". Điều này có đúng hay không? Nếu đúng như vậy, bạn có giống như bạn của 7 năm trước không? Hay là người khác? Trong tương lai thì sao, đó cũng sẽ là bạn hay là một cá thể riêng biệt ?

Sự ra đời của một tế bào

Để cơ thể hoạt động đầy đủ, các tế bào cũ chết đi và các tế bào mới được tạo ra. Một trong những cách tế bào mới hình thành là thông qua quá trình nguyên phân. Trong chu kỳ tế bào, nguyên phân là nơi tạo ra hai nhân mới từ sự phân ly của các nhiễm sắc thể đã nhân bản. Quá trình nguyên phân tự nó được chia thành nhiều giai đoạn khác nhau, mỗi giai đoạn là một quá trình phân chia của nhiễm sắc thể mẹ tạo ra hai tế bào con, là bản sao của tế bào ban đầu.

Quá trình nguyên phân tế bào

Quá trình thu nhận tế bào mới là thông qua tế bào gốc. Tế bào gốc phân chia nhiều lần để tạo ra các loại tế bào chuyên biệt khác nhau cần thiết trong cơ thể. Chúng cũng tạo ra các tế bào gốc mới, giúp thúc đẩy quá trình tạo ra các tế bào mới. Có 3 loại tế bào gốc: Tế bào gốc phôi có nhiệm vụ cung cấp các tế bào mới cho phôi trong quá trình phát triển. Tế bào gốc trưởng thành có nhiệm vụ cung cấp liên tục các tế bào mới cho một người trưởng thành đang phát triển. Tế bào gốc đa năng cảm ứng là những tế bào được tạo ra trong phòng thí nghiệm, bằng cách lập trình lại tế bào từ da và các khu vực khác.

Phương pháp xác định tuổi của tế bào

Vào năm 2005, tiến sĩ Jonas Frisen, một nhà sinh học tế bào gốc tại Viện Karolinska ở Stockholm đã tìm ra phương pháp mới xác định tuổi của tế bào. Các kỹ thuật trước đó đòi hỏi phải thử DNA bằng hóa chất, nhưng đây không phải là phương pháp tối ưu. Tiến sĩ Frisen nghiên cứu để tìm ra một cách dễ dàng hơn để có thể suy ra tuổi của các tế bào.

Ông nhớ lại rằng vũ khí hạt nhân đã được thử nghiệm trên mặt đất cho đến năm 1963, những cuộc thử nghiệm này đã đưa carbon-14 phóng xạ vào bầu khí quyển. Carbon-14 đi vào DNA trong tế bào của thực vật, động vật và cả con người. DNA này được nhân đôi mỗi khi tế bào phân chia. Trong mỗi tế bào, DNA không bao giờ bị thay thế, do đó, một tế bào mới vẫn giữ nguyên DNA cũ, bao gồm cả carbon-14.

Tiến sĩ Frisen nhận ra rằng, carbon-14 này có thể sử dụng để ước tính tuổi của tế bào, càng nhiều carbon-14 trong DNA thì việc xác định tuổi của tế bào càng dễ dàng hơn.

Theo đó, tiến sĩ đã sử dụng mô thay vì tế bào để xác định tuổi, vì một tế bào chứa rất ít carbon-14. Kỹ thuật này sau đó được sử dụng để xác định tuổi của các tế bào khác nhau trong các cơ quan của cơ thể người.

Tuổi của các tế bào cơ thể người

Ngày 15 tháng 7 năm 2005, Tiến sĩ Frisen và các đồng nghiệp của ông đã đưa ra kết quả của họ về tuổi của các tế bào trong cơ thể. Nghiên cứu được thực hiện với những người ở cuối tuổi 30. Theo nghiên cứu, các tế bào trong cơ của những người này có độ tuổi trung bình là 15,1 tuổi. Mặt khác, các tế bào biểu mô trên bề mặt ruột có tuổi thọ trung bình rất ngắn, chỉ 5 ngày. Điều đó nói lên rằng, tuổi trung bình của các tế bào trong khu vực chính của ruột là 15,9 năm.

;Tuổi trung bình của tế bào trong khu vực chính của ruột là 15,9 năm

Những nghiên cứu khác cho thấy, một tế bào hồng cầu di chuyển trong cơ thể một quãng đường lên tới hơn... 1,6 km trước khi chết và có tuổi thọ khoảng 4 tháng. Các tế bào bạch cầu sống lâu hơn, trung bình khoảng 1 năm. Tế bào ruột kết có tuổi thọ tương đối ngắn hơn, chỉ 4 ngày; Tương tự với các tế bào tinh trùng, chỉ 3 ngày. Các tế bào trên da sống khoảng 2 đến 3 tuần. Bộ xương của con người có thể mất khoảng 10 năm để được thay thế hoàn toàn. Gan mất khoảng 300-500 ngày để tự đổi mới hoàn toàn.

Bây giờ là câu hỏi quan trọngliên quan đến sự thay đổi của chúng ta: các tế bào trong não có bị thay thế hoàn toàn không? Tiến sĩ Frisen cho biết rằng sau khi chúng ta ra đời, không có tế bào thần kinh mới nào được tạo ra trong vỏ não. Trong khi đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tiểu não vẫn tiếp tục phát triển sau khi một người được sinh ra.

Tế bào thần kinh không thay đổi trong suốt cuộc đời của một người

Kết luận

Các tế bào trong mỗi cơ thể con người luôn ở trạng thái thay đổi liên tục trong suốt cuộc đời của mỗi cá nhân. Mặc dù hầu như tất cả các tế bào chết đi và được thay thế liên tục, vòng đời của chúng khác nhau ở các cơ quan, loại và chức năng khác nhau. Vòng đời này có thể ngắn nhất là 3 ngày hoặc dài nhất là 16 năm!

Thứ khiến bạn trở thành con người mới - bộ não của bạn không tạo ra tế bào thần kinh mới sau khi bạn được sinh ra. Bộ não nơi ký ức, ý tưởng, niềm tin, tính cách và mọi đặc điểm khác của mỗi người vẫn giữ nguyên trong suốt cuộc đời.

Yen Kim (Theo Science ABC)

Chủ đề khác