Hệ thống vi xử lý mới dựa trên ARM của Apple đã vượt quá gần như mọi sự kỳ vọng.
* VnReview xin lược dịch bài đánh giá Apple MacBook Air với chip M1 của trang TheVerge để bạn đọc tiện theo dõi.
Chiếc MacBook Air mới với chip Apple M1 quả thực là một chiến thắng vang dội.
Trong một tuần thử nghiệm, phóng viên Dieter Bohn của TheVerge đã làm mọi thứ để đẩy chiếc máy tính này cùng vi xử lý "cây nhà lá vườn" mới toanh của Apple đến giới hạn. Anh xác nhận rằng chúng đều vượt quá mọi kỳ vọng của bản thân trên hầu như mọi khía cạnh.
Bohn cho biết anh sử dụng chiếc MacBook Air mới theo đúng như cách mà chiếc máy tính này đã được thiết kế để hoạt động: một chiếc máy tính cá nhân phục vụ những công việc thường ngày. Với kiểu sử dụng này, pin của MacBook Air với chip M1 trụ được liên tục 8 tiếng, đôi lúc là 10 tiếng, sau mỗi lần sạc.
Trước khi bắt đầu đánh giá MacBook Air mới, Bohn đã liệt kê ra một danh sách những rào cản tiềm tàng mà Apple có thể gặp phải khi chuyển từ chip Intel sang vi xử lý của riêng mình. Chuyển đổi kiến trúc chip là một thách thức khó khăn và thường không diễn ra suôn sẻ. Chiếc MacBook Air mới không chỉ tránh được gần như tất cả những rào cản, mà nó còn vượt qua chúng một cách êm đềm nữa.
Tất nhiên, không phải mọi thứ đều hoàn hảo. Việc Apple không chịu nâng cấp webcam tiếp tục khiến người dùng cảm thấy khó chịu, và chạy các ứng dụng iPad trên MacBook Air dùng chip M1 cũng mang lại một trải nghiệm nửa vời. Nhưng càng dùng MacBook Air mới lâu hơn, bạn sẽ càng thấy ấn tượng theo cách mà chưa chiếc MacBook Air nào từ trước đến nay làm được.
Bohn kết luận rằng, MacBook Air với chip M1 là chiếc laptop ấn tượng nhất mà anh từng dùng trong suốt nhiều năm qua.
Phần cứng
Nhìn bên ngoài, MacBook Air mới gần như giống hệt chiếc MacBook Air dùng chip Intel mà Apple mới ra mắt hồi đầu năm nay. Nó vẫn có hình dáng cũ, vẫn màn hình 2560 x 1600 với độ sáng tối đa 400 nits, vẫn có cảm biến vân tay Touch ID, loa vẫn tốt, trackpad vẫn "to vật vã", và vẫn là bàn phím cắt kéo được Apple "chế cháo" lại từ đời 2015.
Giá bán hiển nhiên vẫn như cũ: 999 USD cho bản RAM 8GB, bộ nhớ trong 256GB. Điều đáng nói là bản thấp nhất này bị cắt bớt một nhân trong vi xử lý đồ hoạ so với các bản đắt tiền hơn, nhưng hiệu năng đồ hoạ nhìn chung không bị ảnh hưởng nhiều lắm. Như mọi năm, bạn không thể nâng cấp được cấu hình máy sau khi đã mua.
Hàng phím chức năng của MacBook Air mới có một vài nút bấm mới
Chỉ có một điểm khác biệt về ngoại hình giữa MacBook Air mới và cũ: Apple đã đổi một vài nút bấm ở hàng phím chức năng để thay bằng các nút hữu ích hơn. Bạn sẽ có một nút tìm kiếm Spotlight (trên macOS Big Sur, Spotlight nay có thể tìm trên Google), nút Do Not Disturb (bật chế độ không làm phiền), và nút Dictation (bật chế độ đọc chính tả). Nếu trước đây bạn chưa dùng Dictation nhiều, thì bạn sẽ khá ngạc nhiên trước độ chính xác của nó (tiếng Anh).
Những khác biệt khác đều nằm bên trong. MacBook Air mới không còn quạt nữa, chỉ có một bộ tản nhiệt bằng nhôm. Nhưng kể cả khi bạn đẩy chiếc máy này đến giới hạn cực điểm của nó, máy cũng chỉ ấm lên một chút mà thôi. Apple rõ ràng biết giới hạn nhiệt đối với hệ thống của họ, và họ đã giữ cho chiếc MacBook mới không đi qua giới hạn đó.
Webcam của MacBook Air mới vẫn "lởm" như ngày nào
Không may là, trong số những thứ không thay đổi lại có webcam, vốn vẫn có độ phân giải 720p và vẫn cực tệ. Apple đã cố vay mượn một vài kỹ thuật xử lý hình ảnh thời gian thực từ iPhone để tăng cường chất lượng hình ảnh - và quả thực khuôn mặt của bạn sẽ được làm sáng tốt hơn trước đây - nhưng hầu như bạn sẽ chỉ để ý đến một điều là hình ảnh quá xấu (nhưng được thuật toán "tô son trét phấn" lên một chút để che sự xấu đó đi!)
Một sự thay đổi khác ở bên trong sẽ ảnh hưởng nhiều đến người dùng chuyên nghiệp và các nhà phát triển là Apple đã chuyển sang sử dụng kiến trúc bộ nhớ thống nhất, tức là không còn bộ nhớ đồ hoạ riêng rẽ nữa. Apple nói rằng kiến trúc này hiệu quả hơn, nhưng trong khi bản 16GB RAM không có vấn đề gì đáng nói, chẳng ai dám chắc liệu bản 8GB RAM có đủ để đáp ứng cả nhu cầu CPU lẫn GPU hay không.;
Trên thực tế, Bohn cho biết anh chưa gặp bất kỳ vấn đề về hiệu năng nào trong quá trình sử dụng, bởi chiếc MacBook Air mới đơn giản là quá nhanh.
Hiệu năng
MacBook Air mới có tốc độ như một mẫu laptop thuộc phân khúc chuyên nghiệp. Nó chưa bao giờ ì ạch khi chạy nhiều ứng dụng (Bohn nói máy anh vẫn chạy tốt khi mở cả chục ứng dụng cùng lúc). Nó "kham" được cả những ứng dụng đòi hỏi nhiều tài nguyên như Photoshop và thậm chí là các ứng dụng biên tập video như Adobe Premiere mà không chút phàn nàn. Bạn có thể yên tâm mở thêm một hoặc 10 tab trình duyệt mới nếu muốn - dù cho có đang dùng Chrome đi chăng nữa.
Các laptop Windows với vi xử lý ARM từ Qualcomm nhìn chung chậm hơn, nhiều lỗi hơn, và phức tạp hơn các laptop với chip Intel. Dù Bohn đã đoán trước Apple sẽ xử lý quá trình chuyển đổi từ Intel sang ARM tốt hơn các hãng khác, anh không hề nghĩ mọi thứ lại hoạt động tốt như thế này. Việc các ứng dụng của macOS nói chung và của chính Apple nói riêng chạy mượt là điều dễ hiểu, bởi nhiều trong số chúng đã được tinh chỉnh để hoạt động với vi xử lý mới. Điều khiến bạn phải sốc là mọi ứng dụng đều chạy mượt.
Máy có 2 cổng Thunderbolt
Và cảm biến vân tay Touch ID
Thông thường, các ứng dụng được xây dựng để làm việc với một loại vi xử lý cụ thể, do đó khi chúng chạy trên một cỗ máy với một vi xử lý khác, bạn cần một vài công cụ hỗ trợ ẩn sâu bên dưới hệ thống. Trên máy Mac, công việc này được giao cho một phần mềm gọi là Rosetta 2 - thứ sẽ được cài đặt vào lần đầu tiên bạn chạy một ứng dụng viết cho chip Intel.
Không như Windows, Rosetta 2 không thực sự là một trình giả lập, nó là một trình biên dịch. Có nghĩa là các ứng dụng chạy qua Rosetta 2 sẽ khởi động lâu hơn một chút, nhưng một khi đã chạy, chúng sẽ chạy mượt. Bohn cho biết anh chưa gặp bất kỳ vấn đề nào liên quan tương thích ứng dụng.
Tất nhiên, TheVerge cũng cho tiến hành một loạt các bài benchmark. Bảng bên dưới cho bạn thấy một vài kết quả thu được, nhưng chúng ta sẽ chỉ tập trung vào một kết quả thôi: tốc độ khung hình trong tựa game Shadow of the Tomb Raider. 80fps là một con số đáng nể đối với một chiếc laptop chơi game có card đồ hoạ tầm thấp, và là con số hiếm có trong lịch sử đối với một chiếc laptop có GPU tích hợp. Điều mà MacBook Air mới làm được ở đây khiến chiếc MacBook Air ra mắt vào đầu năm nay phải quỳ xuống khóc lóc thảm thiết!
Tiếp theo là một bài test xuất tập tin trong Adobe Premiere, và MacBook Air mới đánh bại những mẫu laptop Intel mới nhất có GPU tích hợp, đồng thời ngang ngửa một số mẫu laptop có GPU rời.
Thứ bạn cần chú ý không phải là những con số. Cần thừa nhận rằng chúng ấn tượng, và chúng cũng phản ánh đúng trải nghiệm thực tế của Bohn với chiếc máy tính này. Thay vào đó, bạn nên chú ý rằng cả Tomb Raider và Adobe Premiere đều chưa được tối ưu cho chip M1. Chúng đang chạy thông qua lớp biên dịch Rosetta 2. Apple từng tiết lộ rằng chip M1 được thiết kế với sự cộng tác từ nhóm Rosetta, do đó nhiều khả năng trong bản thân phần cứng mới đã được tích hợp rất nhiều tinh chỉnh tối ưu rồi.
(Tuy nhiên, có một lỗi khá lạ: Premiere mã hoá video ở mức bitrate chỉ bằng 1/2 so với mong đợi khi sử dụng varible bitrate (bitrate biến thiên) với preset YouTube 4K khi xuất tập tin. Bạn phải kéo thanh trượt đến 80 mới đạt được mức bitrate tương đương tập tin mà các máy tính Intel xuất ra ở các thiết lập mặc định. Có lẽ câu trả lời hợp lý nhất lúc này là bởi Premiere vẫn chưa chính thức được hỗ trợ trên M1)
Nếu bạn đang sử dụng một chiếc MacBook Air, chắc chắn chiếc MacBook mới này sẽ hoạt động tốt hơn xét trên mọi khía cạnh. Nó thậm chí có thể đánh bại mọi mẫu ultrabook dùng chip Intel chạy Windows, kể cả những mẫu dùng chip mới nhất.
Thời lượng pin
Apple khẳng định MacBook Air mới có khả năng chơi video trong 18 tiếng và lướt web qua mạng không dây trong 15 tiếng - rất mạnh miệng. Họ còn nói rằng thời lượng pin sẽ tốt hơn đến 50% so với chiếc Air đầu năm nay, dù viên pin của MacBook Air mới không lớn hơn trước. Tất cả là nhờ hiệu suất hệ thống được cải thiện.
Kết quả thực tế thì sao? Bohn làm việc liên tục được từ 8 - 10 tiếng, tuỳ thuộc vào mức độ sử dụng. Không hẳn là tốt hơn 50% so với chiếc MacBook Air hồi đầu năm, nhưng rất gần rồi.
Những con số trên có được thông qua việc sử dụng những ứng dụng mà thông thường Bohn vẫn dùng, bao gồm Chrome và nhiều ứng dụng khác dựa trên engine Chrome, như Slack chẳng hạn. Điều đáng nói về điều này là, với một số ứng dụng, Rosetta 2 cần thực hiện hàng loạt các tác vụ biên dịch mã thời gian thực, vốn sẽ tiêu tốn nhiều điện năng hơn nữa.
Nếu, và khi những ứng dụng này được viết lại để trở thành những ứng dụng "universal", hoạt động được mà không cần biên dịch trên M1, thời lượng pin chắc chắn sẽ tốt hơn.
Có thể bạn sẽ thấy lạ khi nhắc đến điều này trong phần đánh giá thời lượng pin: chiếc MacBook Air nay có thể hoạt động ngay lập tức từ chế độ ngủ, và các ứng dụng đang chạy trước khi bạn tắt máy sẽ tiếp tục công việc nhanh hơn nhiều. Một thay đổi nhỏ, nhưng khi đã dùng qua, bạn sẽ thích tắt chiếc Air thường xuyên hơn các laptop khác, bởi nó khởi động từ chế độ ngủ quá nhanh.
Nếu bạn đang phân vân giữa chiếc MacBook Pro 13-inch mới và chiếc MacBook Air này, thì thời lượng pin sẽ là yếu tố quyết định đối với hầu hết mọi người. Chiếc Pro sẽ mang lại cho bạn thêm vài giờ làm việc sau mỗi lần sạc. Nó còn có Touch Bar và màn hình sáng hơn một chút, nhưng một điểm khác biệt lớn chính là nó có quạt. Nhờ đó nó sẽ chạy các tác vụ nặng được lâu hơn.
Control Center của macOS Big Sur
Ứng dụng iOS
Một lợi thế của MacBook dùng kiến trúc vi xử lý giống iPhone và iPad là nó có thể chạy ứng dụng iPhone và iPad mà không cần cài đặt gì thêm. Bạn chỉ cần thiết lập bộ lọc trong app store của Mac để tìm kiếm chúng. Các nhà phát triển hiện vẫn chưa được phép phân phối ứng dụng iOS trực tiếp đến người dùng.
Nhưng nếu bạn đang nóng lòng mở app store của Mac để tìm các ứng dụng iOS yêu thích, hãy chuẩn bị để...thất vọng. Bấm vào tên bạn ở góc dưới bên trái, sau đó bấm vào tab "iPhone & iPad apps" để hiện ra danh sách mọi ứng dụng đã cài đặt trên các thiết bị iOS của mình.
Và điều bạn thấy ở đây là một kho abandonware (phần mềm bị nhà phát triển bỏ quên), chủ yếu là các ứng dụng từ các nhà phát triển chưa cập nhật để tương thích với các thiết bị mới. Các nhà phát triển được phép không cho ứng dụng của họ xuất hiện trên Mac, và nhiều nhà phát triển đã làm điều đó. Instagram, Slack, Gmail, và nhiều ứng dụng khác đơn giản là không hiện diện. Có lẽ các nhà phát triển này quyết định vậy vì muốn đảm bảo không mang lại cho người dùng một trải nghiệm bừa bộn, kỳ quặc trên Mac.
Bởi sử dụng các ứng dụng iOS trên Mac thực sự là một trải nghiệm hỗn độn và kỳ lạ. Apple lẽ ra nên dán thêm nhãn "beta" vào tính năng này mới đúng.
Các ứng dụng iOS trên MacBook Air với vi xử lý M1
Những ứng dụng được viết để phù hợp với các tiêu chuẩn mới nhất trên iPad sẽ hoạt động hoàn hảo. Overcast, một ứng dụng podcast, tỏ ra khá tốt và hoàn toàn sử dụng được. HBO Max thì ngược lại: nó hiện ra trong một cửa sổ bé tí mà bạn chẳng thể kéo to được, và nó cũng không cho phép bạn xem video toàn màn hình. Đùa nhau chắc?
Trải nghiệm ứng dụng iOS nhìn chung còn hơi lỗi, và Apple nói rằng những lỗi như bạn sắp nghe sẽ sớm được khắc phục: ví dụ, khi cài ứng dụng Telegram của iOS, nó sẽ hoạt động tốt trong lần đầu kích hoạt. Nhưng khi một tin nhắn mới đến, ứng dụng này sẽ mở đè lên các cửa sổ khác. Lỗi khó chịu hơn là bạn không thể xoá nó bằng cách thông thường (bấm nút X trong Launch Center). Thậm chí khi bạn đã tự xoá nó trong Finder, nó vẫn sẽ quẩn quanh và tiếp tục nhận thông báo trong vài phút cho đến khi khởi động lại máy.
Apple đã xây dựng một hệ thống mới cho mọi ứng dụng iOS hiện có trong menu Mac, gọi là "Touch Alternatives". Nó là một loạt các nút bấm, thao tác vuốt, và những..."câu thần chú" kỳ quái để giúp các ứng dụng cần màn hình cảm ứng hoạt động được trên máy Mac. Một nước đi quái gở và cũng là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Apple đang cố luồn lách để tránh phải làm điều mà họ hiển nhiên phải làm: trang bị cho máy Mac một màn hình cảm ứng.
May mắn thay, bạn có thể mặc kệ những ứng dụng iOS kia cho đến khi các nhà phát triển tối ưu chúng cho Mac, hoặc Apple tìm ra được một cách tốt hơn để dọn dẹp đống hổ lốn họ tạo ra.
Tạm kết
Cùng thời điểm ra mắt MacBook Air mới với vi xử lý M1, Apple cũng khai tử phiên bản Air với chip Intel. Một nước đi táo bạo; MacBook Air là chiếc máy tính bán chạy nhất của Apple, và trong quý vừa qua, Apple cũng kiếm được nhiều tiền từ việc bán máy Mac hơn từ trước đến nay. Nhưng đó là quyết định đúng đắn. Chẳng có lý do gì để muốn phiên bản Intel lỗi thời kia một khi đã dùng qua phiên bản M1 mới.
Với người dùng chuyên nghiệp, vẫn có những cải tiến mà Apple cần thực hiện để tăng cường hiệu năng của mẫu MacBook Pro, phục vụ những công việc nặng nhọc. Ví dụ, bạn không thể sử dụng card đồ hoạ gắn ngoài, và bạn chỉ có thể xuất hình ảnh ra một màn hình ngoài một lúc mà thôi. Một người dùng chuyên nghiệp thực thụ cũng sẽ nhanh chóng nhận ra giới hạn của GPU tích hợp trên chip M1. Nhưng với tư cách một chiếc máy tính cho mọi người, MacBook Air không cần những điều đó. Nó có thời lượng pin rất tốt, hiệu năng tuyệt vời trong phân khúc, và bàn phím cũng không có gì để chê. Đáng tiếc là webcam của máy không đáp ứng kỳ vọng, cũng là lý do chính TheVerge không thể cho chiếc laptop này điểm số 10/10.
Quá trình chuyển đổi vi xử lý sẽ là một chặng đường nhiều khó khăn và phức tạp. Những người dùng các thiết bị đầu tiên với chip mới thường phàn nàn về lỗi ứng dụng, hiệu năng ì ạch, cùng những vấn đề kỳ lạ. Nhờ sự liên kết tỉ mỉ giữa vi xử lý mới và phần mềm, Apple đã tránh được mọi thứ.
Bạn không phải lo lắng về bất kỳ chi tiết kỹ thuật nào đã giúp chiếc MacBook Air mới vượt qua quá trình chuyển đổi một cách thành công. Đó chính là điều ấn tượng nhất trong tất cả mọi thứ liên quan chiếc laptop này.
Bởi nó đơn giản là vẫn hoạt động mượt mà như chưa có gì xảy ra cả.
TheVerge chấm điểm MacBook Air (late 2020, chip M1): 9,5/10
Ưu điểm:
- Nhanh
- Các ứng dụng viết cho chip Intel hoạt động tốt
- Thời lượng pin xuất sắc
Nhược điểm:
- Webcam "lởm"
- Các ứng dụng iOS chưa "ngon"
- Apple, hãy thừa nhận đi: máy Mac sẽ tốt hơn nhiều nếu có màn hình cảm ứng!
Minh.T.T