Kenya và giấc mơ thành phố thông minh hiện đại nhất Châu Phi


Nếu đặt chân đến thành phố Konza, nơi nằm cách thủ đô Nairobi của Kenya 70km về phía đông nam, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi sự trống vắng của nơi đây.;

VnReview lược dịch bài viết của tác giả Carey Baraka từ trang Rest of World.

Đi từ sân bay, chúng ta sẽ bắt gặp một thảo nguyên rộng lớn nằm trong thị trấn Masaku, sau đó liên tiếp các thị trấn nhỏ khác nằm dọc theo đường cao tốc đến bờ biển. Nổi bật trong đó là Mlolongo, một thành phố tràn ngập những dòng xe tải và xe kéo đường dài đến từ thành phố ven biển Mombasa. Athi River, một thị trấn được mệnh danh "pháo đài các nhà máy xi măng". Bên trái đường cao tốc là những khu đô thị mới với đầy đủ những cái tên tiếng Anh sang trọng: Greatwall Gardens, Greenpark, Paradise Park.

Ở hai bên đường là vô số trại chăn nuôi kéo dài từ dặm này qua dặm khác. Hầu hết trang trại đều thuộc sở hữu của người da trắng vì nơi này trước đây từng là thuộc địa. Tôi bỏ lỡ ngã rẽ đến Konza vì thành phố này dường như lu mờ trong mắt khách du lịch. Điểm đáng chú ý nhất chắc là khu phức hợp của Cơ quan Phát triển Công Nghệ Konza (KoTDA), có trụ sở là tòa nhà cao tầng duy nhất nằm "trơ trọc" giữa bãi đất rộng hàng km. 

Sau khi hoàn thành các bước kiểm tra an ninh ở cổng chính, tôi lái xe đến trụ sở của KoTDA. Nhìn qua xung quanh, tôi thấy một lượng lớn công nhân, xe tải, máy xúc, đang miệt mài thi công xây dựng trên những khu đất trống, nơi được gọi là "Silicon Savannah".

Thành phố tiên phong

Theo Cơ quan Phát triển Konza Technopolis, đã 13 năm trôi qua kể từ khi chính quyền Kenya tuyên bố rằng nơi đây sẽ là thành phố "được quy hoạch tốt nhất" châu Phi trong tương lai. Với những hứa hẹn sẽ tạo ra công ăn nhiều việc làm và nguồn vốn đầu tư liên tục, thành phố Konza được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm kinh tế, đầu tàu phát triển và hơn hết là niềm tự hào của Kenya. 

Thời điểm đó, các chuyên gia tin dự án này là khởi đầu cho cuộc cách mạng phát triển hạ tầng tại châu Phi. Trong thập kỷ qua, nhờ thực hiện tốt chiến dịch xây dựng các thành phố thông minh, hơn một nửa số quốc gia châu Phi đã đạt nhiều tiến bộ vượt bậc về công nghệ và tài chính. Hiện tại, một danh sách dài các thành phố hiện đại đang được xây dựng hoặc quy hoạch trên lục địa này, chẳng hạn Eko Atlantic ở Nigeria, thành phố HOPE ở Ghana, thành phố Ethiopia được mệnh danh "Wakanda đời thực" của Senegal.

Tất cả đều hứa hẹn sẽ giải quyết vấn đề nghèo đói và tụt hậu kinh tế ở châu Phi, trong đó, thành phố Konza của Kenya coi được là nơi tiên phong.  

Một dự án được triển khai cách đây 13 năm tại Konza

Người khởi xướng giấc mơ

Năm 2006, đã có một số cuộc thảo luận trong giới công nghệ và tài chính ở Nairobi về việc xây dựng một thành phố thông minh ở Kenya. Trong nhiều thập kỷ, truyền thông Kenya đảm bảo rằng Telkom Kenya, một tập đoàn thuộc chính phủ với tiền thần là Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Kenya, sẽ có độc quyền kiểm soát các nguồn lực quan trọng trong lĩnh vực viễn thông. Sự kiện này đã khiến giá cước điện thoại và kết nối Internet tại Kenya trở nên đắt đỏ hơn vào thời điểm đó. 

Mọi thứ chỉ bắt đầu thay đổi từ khi Mwai Kibaki, Tổng thống Kenya lúc bấy giờ, bắt tay vào thực hiện lời hứa sẽ hồi sinh nền kinh tế Kenya trong một tuyên bố của mình vào năm 2002. Nhờ áp dụng chiến lược "tư nhân hóa", ông đã nhanh chóng thu về một số kết quả tích cực, trong đó dịch vụ di động và Internet trở nên nhanh, rẻ hơn. Năm 2005, Kibaki bổ nhiệm Bitange Ndemo làm thư ký thường trực của Bộ Thông tin, Truyền thông và Công nghệ.

Ndemo đã đưa Kenya trở thành một gã khổng lồ đi đầu về công nghệ ở châu Phi. Trong vài năm đầu cầm quyền, ông lập ra Kenya Open Data, một cổng thông tin cung cấp dữ liệu miễn phí và dễ dàng truy cập của chính phủ. Đồng thời, ông cũng tăng cường giám sát việc lắp đặt cáp Internet dưới biển nhằm bảo đảm cho người dân một trải nghiệm Internet trọn vẹn. Đặc biệt, Ndemo còn khởi xướng quá trình cải tổ nhiều cơ quan trong bộ máy nhà nước - một nỗ lực nhằm phá vỡ thế "gọng kìm" của Telkom Keny - vốn cho phép các công ty viễn thông tư nhân thành lập cửa hàng ở Kenya. 

Hiện đại nhất châu Phi

 

Nhiều công trình chỉ mới khởi công

Tuy nhiên, điều vĩ đại nhất mà ông từng thực hiện chắc chắn là đề xuất xây dựng một thành phố hiện đại cho Kenya. Vào ngày 10/6/2008, dự án thành lập thành phố Konza được công bố trong kế hoạch phát triển của đất nước, mục tiêu biến Kenya thành một trong những "quốc gia có thu nhập bình quân đầu người và chất lượng cuộc sống cao nhất khu vực vào năm 2030".

Theo kế hoạch ban đầu, thành phố Konza sẽ được hoàn thành trong 4 giai đoạn 5 năm. Các tài liệu được phát hiện vào năm ngoái cho thấy rằng Konza là nơi sẽ tạo ra 100.000 việc làm và đóng góp 1 tỷ USD mỗi năm vào nền kinh tế Kenya. Ngoài ra, chính phủ còn dự kiến rằng hàng trăm công ty công nghệ đa quốc gia sẽ lập trụ sở ở Konza và một mạng cáp quang xuyên biên giới sẽ chạy qua trung tâm thương mại và khu tài chính của thành phố. Sẽ có hơn 37.000 căn hộ trong các khu dân cư quy hoạch tốt cùng các trung tâm mua sắm quy mô lớn và các trường đại học quốc tế ở Kenya. 

Chưa hết, một tuyến đường cao tốc và đường sắt mới sẽ nối thành phố với Nairobi, cách đó 60 km. Thành phố sẽ được bao phủ bởi sự hiện đại và công nghệ, đường xá, nhà cao tầng và đô thị được trang bị cảm biến để thu thập thông tin giao thông, thời tiết, nước và mức tiêu thụ năng lượng. Kế hoạch còn dự kiến một cảng mới, nhà máy lọc dầu ở Swahili, hành lang giao thông hiện đại qua Bắc Kenya, Nam Sudan và Ethiopia, và cuối cùng là thêm ba sân bay quốc tế mới. 

Ngay từ đầu, Konza đã được định hướng ra toàn cầu. Chính phủ Kenya sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng đô thị cơ bản – hệ thống đường xá, lưới điện, hạ tầng xử lý và cấp thoát nước. Sau đó, họ sẽ "bước sang một bên" để cho các chủ đầu tư tư nhân tiếp quản phần còn lại. Những nhà đầu tư này sẽ được miễn thuế và nhận trợ cấp từ chính phủ.

Theo thống kê của Ndemo, khoảng 150 công ty đã quan tâm đến dự án, trong đó có công ty viễn thông Safaricom của Kenya, Đại học Nairobi, Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Jomo Kenyatta, Tập đoàn Shapoorji Pallonji của Ấn Độ, Samsung, Research In Motion (RIM), Google, Craft Silicon và Tập đoàn Công nghệ Telemax.

Hiện thực phũ phàng

Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ dừng lại ở những giấc mơ lớn. Sau 12 năm khởi động dự án, Konza vẫn chưa có bất kỳ thay đổi đáng kể nào. Các vấn đề pháp lý và hậu cần đã khiến việc cấp vốn trở nên khó khăn, phải đến năm 2013, chính phủ Kenya mới "bơm nguồn tiền" đầu tiên vào Konza. Kể từ đó, tiến độ xây dựng dần đi xuống. 

Theo Rest of World, các chuyên gia đã dự báo được điều này từ trước. Chính phủ Kenya đã đề ra một chiến lược thiếu chặt chẽ, phi thực tế và có vô số lỗ hổng. Nhà nghiên cứu kinh tế Kenya Kwame Owino lập luận rằng, chi phí dự kiến để tạo ra một công việc mới rơi vào khoảng 32.000 USD – cao hơn 20 lần so với thu nhập trung bình hàng năm của Kenya. Thế nhưng, chính phủ nước này lại cam kết Konza sẽ tạo ra 200.000 việc làm. Họ còn chưa giải thích được làm sao để người dân có thể đến Konza làm việc, khi mà nguồn nhân lực bên ngoài luôn sẵn sàng và có trình độ cao hơn.  

Khi lần đầu đặt chân đến châu Phi, tôi tự hỏi làm thế nào mà các dự án thành phố thông minh lại trở nên phổ biến như vậy. Vào năm 2013, nhà báo người Kenya Parselelo Ktantai đã viết rằng: "Trên khắp khu vực, công trường thi công đang gia tăng chóng mặt. Hầu hết những quốc gia ở Đông Phi đã có ít nhất một dự án thành phố thông minh hiện đại cho riêng mình, nhờ sự tư vấn của McKinsey".

Do đó, câu trả lời lại liên quan đến các công ty tư vấn quản lý toàn cầu, chẳng hạn như McKinsey. Và mối quan hệ của họ với các công ty công nghệ lớn ở phương Tây cũng như chính phủ Châu Phi. Sau 13 năm, kế hoạch của họ đang chậm tiến độ rõ rệt.

Chí Tôn

Top