Nếu bạn là một người mê thể thao, bạn chắc hẳn sẽ biết về một số lợi ích khi được thi đấu thể thao trên sân nhà. Điều này không chỉ xuất hiện trong các môn thể thao thi đấu theo đội như bóng đá, bóng rổ…, mà còn xuất hiện trong cả những môn thi đấu cá nhân như quần vợt… Các vận động viên thể thao có tỷ lệ thắng cao hơn khi thi đấu trên sân nhà so với sân khách.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng bóng đá là môn thể thao thể hiện lợi thế sân nhà rõ nhất, các đội bóng có tỷ lệ chiến thắng lên đến 67.4% khi thi đấu trên sân nhà, trong khi các môn khác như bóng rổ, quần vợt, bóng chuyền… tỷ lệ thắng trên sân nhà khoảng 55% đến 65%.
Trong những giải đấu chuyên nghiệp, các tiêu chuẩn về sân thi đấu và luật chơi không phụ thuộc vào địa điểm thi đấu, vậy điều gì đã giúp tạo nên lợi thế sân nhà?
Lợi thế sân nhà được hình thành từ nhiều yếu tố, chúng tác động về cả thể chất lẫn tinh thần của vận động viên. Hãy cùng tìm hiểu những yếu tố tạo nên lợi thế sân nhà một cách rõ ràng nhất:
Ảnh: Atlanta United FC
Hiệu ứng đám đông
Hãy tưởng tượng bạn đang bước vào sân vận động với hàng nghìn người đang cổ vũ cho mình. Đám đông vỗ tay và khích lệ mỗi khi bạn có cơ hội và ghi điểm. Giờ thì tưởng tượng bạn đang ở đội khách. Bạn không có sự cỗ vũ từ khán giả và cơ bản là chỉ có bạn. Người khác có thể nói rằng vận động viên chuyên nghiệp phải biết tập trung vào trận đấu và không để đám đông tác động đến quá trình thi đấu, nhưng liệu điều này là có thể?
Hiệu ứng đám đông là một trong những yếu tố chính tạo nên lợi thế sân nhà. Số lượng cổ động viên và hành vi của họ có thể tác động mạnh đến khả năng thi đấu của vận động viên.
Hàng nghìn người cổ vũ và khích lệ sẽ giúp vận động viên tự tin hơn và khiến họ có động lực thể hiện tối đa tài năng của mình. Hơn nữa, nếu đội nhà chơi không tốt, sự bất mãn từ đám đông sẽ giúp vận động viên lấy lại tinh thần và phát huy khả năng của mình.
Thêm vào đó, đám đông cũng có xu hướng làm xoay chuyển các quyết định thành có lợi cho đội nhà hơn.
Sự thiên vị của trọng tài
Trong những tình huống không rõ ràng, đám đông thường gây áp lực lên trọng tài đưa ra quyết định có lợi cho đội nhà hơn. Tất cả sự phấn khích và cổ vũ của khán giả có thể khiến trọng tài nhẹ tay hơn với đội nhà, tất nhiên là với lý do chính đáng!
Số vụ cổ động viên quá khích tấn công trọng tài là không ít. Năm 2016, một cổ động viên đã tấn công trợ lý trọng tài một cách tàn bạo trong giải bóng đá quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, lúc đó đội nhà đang thua 4-0. Và nếu dùng lời lẽ thóa mạ trọng tài là chưa đủ thì ở một giải bóng đá cấp thấp tại Tây Ban Nha, cổ động viên thậm chí còn ném cả một con chó vào trọng tài.
Và kết cục là để tránh làm cho đám đông trở nên giận dữ, trọng tài buộc phải thiên vị hơn một chút cho đội chủ nhà như ít bắt lỗi hay cho nhiều quả phạt đền…
Tác động của việc di chuyển và sự quen thuộc
Phải di chuyển một quãng đường dài sẽ khiến vận động viên căng thẳng cả về thể chất lẫn tinh thần. Điều này đặc biệt đúng trong những giải đấu xuyên lục địa, như World Cup chẳng hạn. Ở những giải đấu này, vận động viên phải di chuyển qua nhiều múi giờ khác nhau, do đó cơ thể sẽ gặp phải tình trạng rối loạn giấc ngủ. Trong khi đó, đội chủ nhà lại ở trong múi giờ quen thuộc với họ, quá trình tập luyện, thi đấu, nghỉ ngơi… không bị xáo trộn. Vì vậy, đội chủ nhà sẽ có lợi thế hơn so với đội khách.
Một vận động viên thi đấu trên sân khách sẽ cảm thấy môi trường xung quanh lạ lẫm, họ không biết sẽ ăn gì, giường ngủ có thoải mái như ở nhà không. Và sau cùng thì không nơi nào có thể khiến chúng ta thoải mái như ở nhà cả.
Hơn nữa, đội chủ nhà sẽ có nhận thức không gian và hình ảnh tốt hơn do họ đã quen với sân thi đấu của mình. Đội chủ nhà cũng đã quen thuộc với các đặc trưng của địa điểm, như điều kiện khí hậu, hướng gió, vị trí mặt trời, tất cả những yếu tố này đều có thể gây bất lợi cho đội khách.
Bản tính bảo vệ lãnh thổ
Nhiều loài động vật có bản tính bảo vệ lãnh thổ của mình và sẵn sàng chống trả quyết liệt các cá thể xâm phạm. Bản tính này có liên quan đến sự gia tăng nồng độ testostorone. Nghiên cứu chỉ ra rằng ở loài tinh tinh và chuột, nồng độ testostorone cũng như hành vi hiếu chiến của chúng tăng cao hơn khi ở trong lãnh thổ của mình so với lãnh thổ của đối thủ.
Hai nhà tâm thần học Nick Neave và Sandy Wolfson cho rằng sự thay đổi testostorone này không chỉ xuất hiện ở động vật mà có ở cả con người khi đặt vào môi trường cạnh tranh, như một trận thi đấu thể thao chẳng hạn. Họ đã tìm ra rằng trong thực tế, nồng độ testostorone tăng cao hơn trước trận đấu trên sân nhà so với trên sân khách.
Sự gia tăng testostorone giúp đội chủ nhà thi đấu quyết liệt hơn, chơi rắn hơn bất chấp rủi ro, tỷ lệ trao đổi chất trong cơ bắp cao hơn và tăng khả năng nhận thức không gian.
Thi đấu trên sân nhà có điểm bất lợi hay không?
Một đám đông khổng lồ ủng hộ cho đội nhà cũng có một tác dụng phụ, đó là áp lực thi đấu. Cổ động viên có thể truyền động lực cho vận động viên để thi đấu tốt hơn và đạt thành tích cao, nhưng đôi khi điều này lại có tác dụng ngược. Áp lực từ đám đông khiến vận động viên chuyển sự tập trung từ (tìm cách) chiến thắng sang (sợ) thất bại, từ đó dẫn đến tâm lý lo lắng thái quá.
Thủ phạm đằng sau là hormone gây căng thẳng cortisol. Trong một nghiên cứu với các vận động viên khúc gôn cầu trên băng, nồng độ cortisol và cả testostorone đều tăng cao hơn trước một trận đấu trên sân nhà so với sân khách.
Cortisol được cho là làm giảm khả năng thi đấu của vận động viên và tạo cảm giác "khó thở", ngay cả trong tình huống sắp chiến thắng.
Về bản chất, vận động viên nhận được lợi thế sân nhà hay gặp tác dụng ngược phụ thuộc vào số lượng của cả hai loại hormone trên trong cơ thể. Nồng độ cortisol cao hơn có thể dễ dàng làm lu mờ các tác động có lợi của testostorone. Vì vậy, lợi thế sân nhà sẽ chỉ thật sự có lợi khi nồng độ cortisol rất thấp.
Kết luận lại, dù đội chủ nhà có một số lợi thế hơn đội sách do một số yếu tố mà con người không thể can thiệp. Mức độ tác động của lợi thế sân nhà phụ thuộc vào độ bình tĩnh của vận động viên, nhờ đó sẽ giữ mức cortisol thấp và các yếu tố có lợi sẽ biến thành lợi thế sân nhà!
Minh Bảo theo Science ABC