Mỹ đang dần dần loại bỏ vị thế "công xưởng của thế giới" mà Trung Quốc đã nắm giữ bấy lâu. Họ đã làm chuyện đó như thế nào?
VnReview lược dịch bài viết trên báo Nikkei Asia.
Vào một buổi sáng nóng nực mùa hè ở Đài Loan, một nhóm các quan chức của Viện Hoa Kỳ đến gặp các nhà quản lý hàng đầu của một hãng công nghệ lớn, là một đối tác quan trọng với Apple. Câu hỏi được đặt ra rất nhanh sau khi họ ngồi xuống: "Tại sao các anh không di dời thêm nhiều cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc? Tại sao việc di dời lại mất nhiều thời gian thế?".
Thông điệp của người Mỹ
Những người có mặt lúc ý mô tả cuộc hội thoại trở nên rất "căng thẳng và đáng lo ngại". Một người nói lại rằng: "Chúng tôi cảm thấy chẳng hề thoải mái chút nào. Họ đã hỏi rất nhiều câu khiến chúng tôi bối rối chẳng biết phải trả lời ra làm sao. Câu trả lời có thể còn bao hàm cả những chiến lược kinh doanh không được phép tiết lộ, liên quan tới công ty và những khách hàng".
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (ảnh: SCMP)
Tuy nhiên, thông điệp được truyền đi thì rất rõ ràng, người này cho biết. Chính phủ Mỹ đã nhắm thẳng vào công ty họ để cắt đứt nó khỏi mối liên hệ với đại lục.
Cùng với đó, các quan chức Mỹ cũng gặp gỡ một số hãng sản xuất chip hàng đầu của Đài Loan. Đây là các công ty có giao dịch với Huawei. Lễ tất nhiên, cuộc nói chuyện nhanh chóng biến thành màn du thuyết để lôi kéo các công ty này về phe Mỹ, trong cuộc chiến công nghệ đang nóng lên từng ngày giữa hai quốc gia.
"Họ ở đây để có thể chắc chắn chúng tôi hiểu rõ về lệnh kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, và cũng để làm rõ lập trường của Mỹ đối với Huawei", một công ty chip tiết lộ. Những gì đã được nói ra thực chất là một lời cảnh báo. Đối với những giám đốc Đài Loan, những cuộc nói chuyện như vậy chính là dấu hiệu cho thấy chiến tranh công nghệ đang leo thang lên một nấc mới.
Người Mỹ muốn loại Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu (ảnh: Eric Chow, Nikkei)
Washington đã liên tục đưa ra các chế tài ngày một khắt khe hơn để "siết thòng lọng" Huawei. Bên cạnh đó, ngài Trump còn đưa ra một danh sách thực thể có thể gây tổn hại tới lợi ích quốc gia Mỹ. Hiện đã có hơn 70 công ty và tổ chức không may mắn bị liệt vào đây, phải chịu những chế tài đặc biệt trong giao dịch.
Theo Alex Capri, một nhà nghiên cứu tại Hinrich Foundation, Singapore, "Mỹ nắm sức mạnh lớn về chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu, ví dụ trong lĩnh vực bán dẫn, từ đó trấn áp tham vọng trỗi dậy của Trung Quốc". Từ những gì mà Mỹ thể hiện, các lãnh đạo Đài Loan hiểu rõ họ phải làm gì: chuyển các cơ sở ra khỏi Trung Quốc, cắt đứt quan hệ với các khách hàng giống như Huawei và đứng về phe Mỹ trong cuộc chiến. Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với tình cảnh có thể là tồi tệ nhất - trở thành mục tiêu trừng phạt của Mỹ.
Phá vỡ vị thế công xưởng của thế giới
Nếu là hai năm trước, ý tưởng phá vỡ chuỗi cung ứng công nghệ cực kỳ phức tạp, đã hình thành ở Trung Quốc trong suốt hai thập kỷ qua, sẽ bị xem là điên rồ, không tưởng. Nhưng với áp lực từ chính quyền ngài Trump, điều đó đang trở thành hiện thực. Hàng loạt các công ty như Apple và Google đang thu hẹp quy mô tại Trung Quốc, chuyển tới Việt Nam, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan. Câu hỏi còn lại là: liệu chuỗi cung ứng mới có thể đạt hiệu suất tương tự với chuỗi cung ứng Trung Quốc trước đây, có năng lực cho ra lò 200 triệu iPhone mỗi năm?
Trung Quốc có thể đảm bảo ra lò 200 triệu iPhone mỗi năm, một minh chứng về năng lực sản xuất (ảnh: Internet)
Đài Loan chính là đầu não để giải quyết câu hỏi này. Ở đây có TSMC, hãng đúc chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, Foxconn, hãng gia công đồ điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Khách hàng của họ là hàng loạt công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ gồm Apple, Microsoft, Google, Amazon, Qualcomm, HP, Dell,... Và cũng là cả bên phía Trung Quốc như Huawei, Lenovo, Xiaomi, Alibaba, Oppo,... Đó là lý do vì sao Mỹ phải lôi kéo bằng được Đài Loan về phía mình.
Chủ tịch của hãng Pegatron, một đối tác quan trọng khác của Apple ở Đài Loan, giãy bày: "Đây quả là một khu vực đầy hỗn loạn. Ngành công nghệ toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua, chưa bao giờ lại phải đau đầu dõi theo từng biến động chính trị như lúc này". Thực tế, rất khó để các hãng "rút chân" ra khỏi Trung Quốc khi hệ thống sản xuất đã "ăn sâu bén rễ" ở đây từ lâu.
Ước tính, 20% trong tổng doanh thu Apple đến từ Trung Quốc, của Intel là hơn 20% và Qualcomm là 60%. Do vậy, không ít chọn đi nước đôi, cố gắng dĩ hòa vi quý để bảo toàn doanh thu nhiều nhất có thể, Apple là một ví dụ. Một mặt, họ ra sức thúc giục các đối tác mở rộng sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc, mặt khác lại đầu tư nhiều hơn vào các công ty địa phương ở đây để giữ quan hệ với chính quyền Bắc Kinh. Tim Cook liên tục gặp gỡ và đáp ứng, đàm phán với lãnh đạo cả hai bên, nhằm duy trì quyền kinh doanh tại thị trường tỷ dân.
Bị lệ thuộc, Apple muốn hòa hảo với cả chính phủ Trung Quốc lẫn Mỹ (ảnh: New York Times)
"Apple luôn vun vén cho các đối tác Trung Quốc. Trước đây, nó giúp họ có thể mặc cả giá mua tốt hơn khi ký hợp đồng cung ứng linh kiện. Nhưng bây giờ, nó có ý nghĩa giúp Apple đa dạng hóa những rủi ro về mặt chính trị", một người quen thuộc với vấn đề cho biết.
Foxconn, trong khi vừa chuyển bớt cơ sở sản xuất ra ngoài Trung Quốc, vẫn một mực khẳng định họ không hề nghiêng về bên nào. Chủ tịch của công ty nói với các nhà đầu tư rằng họ luôn sẵn sàng phục vụ cả hai thị trường lớn cùng lúc, như đã có chuẩn bị từ trước.
Nhưng đối với các công ty trong ngành bán dẫn, lựa chọn của họ lại không được phong phú như vậy. Thực tế, việc phát triển và sản xuất các con chip lệ thuộc lớn vào công nghệ Mỹ, chi phối bởi các công ty kín tiếng như Applied Materials, Lam Research, KLA, Synopsys, và Cadence Design Systems. Khi Mỹ yêu cầu những doanh nghiệp muốn giao dịch với Huawei phải xin được giấy phép, cho phép xuất khẩu sản phẩm có chứa công nghệ Mỹ, ngay lập tức các công ty bán dẫn bị dồn vào đường cùng.
Phần mềm thiết kế chip của hãng;Cadence Design Systems (ảnh: Electronics Weekly)
"Nói chung, các hãng công nghệ đa quốc gia chẳng ai lại muốn phải chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc, thế nhưng họ vẫn phải chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra" - Chiu Shih-fang, một nhà phân tích chuỗi cung ứng công nghệ tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, nói với Nikkei.
Cho đến nay, phản ứng của Trung Quốc vẫn rất bình lặng. Nhưng một số giám đốc công nghệ chia sẻ rằng họ vẫn nhận được ngày một nhiều các yêu cầu gặp các quan chức Trung Quốc. Bề ngoài chỉ là mời "uống trà", nhưng đằng sau thì họ muốn đảm bảo các công ty này không có kế hoạch rời bỏ đại lục hay cắt giảm việc làm.
Thoát Trung
Đối với ngành công nghệ, đây là dấu hiệu chấm dứt cho một thời kỳ. Trước đây, họ có thể thiết kế sản phẩm ở phương Tây và giao cho phía Trung Quốc sản xuất. Nó giúp cắt giảm chi phí, tối ưu hóa chất lượng và nhân lực, chuyên môn lẫn cơ sở hạ tầng,... Bây giờ, ngành công nghiệp phải làm quen với hiện thực mới, như chủ nghĩa dân tộc hay bảo hộ thương mại. Tình trạng đổ vỡ và phi tập trung đang xảy ra ở chuỗi cung ứng châu Á.
Tổng thống Trump muốn chấm dứt thời kỳ thiết kế ở Mỹ nhưng sản xuất ở Trung Quốc (ảnh: Internet)
Đâu đó khoảng 2.000 doanh nghiệp Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc, gồm cả những hãng có vai trò quan trọng, đều đã lên kế hoạch đa dạng sản xuất ra bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Đặc biệt các công ty phục vụ cho khách hàng Mỹ như Apple, có thể phải di dời 15-30% tổng công suất đến những vùng đất mới. Xu hướng ngày càng mạnh mẽ trong vài năm tới.
Chính phủ Nhật đã đưa ra gói hỗ trợ 2 tỷ USD để khuyến khích các doanh nghiệp quay trở về nhà, bổ sung thêm một quỹ 23,5 tỷ yên khác để dịch chuyển tới Đông Nam Á. Gần 90 công ty Nhật đã được thông qua gói hỗ trợ vào tháng Bảy vừa rồi. Trong khi hơn 1.600 công ty khác đã được tiếp nhận hỗ trợ từ quỹ. Đài Loan cũng đang tiến hành khuyến khích doanh nghiệp trong nước quay trở về, gồm nhiều ưu đãi hấp dẫn.
Apple bắt đầu cho sản xuất hàng loạt tai nghe AirPods tại Việt Nam từ đầu năm nay. Hãng cũng yêu cầu các đơn vị lắp ráp Foxconn và Wistron mở rộng hoạt động ở Ấn Độ, đồng thời tích cực thúc đẩy Pegatron xây thêm một nhà máy khác vào mùa hè năm nay.
Samsung đóng cửa các nhà máy sản xuất smartphone, TV và màn hình ở Trung Quốc (ảnh: AP)
Samsung Electronics đã đóng cửa hàng loạt các điểm sản xuất smartphone và TV ở Trung Quốc, thoái vốn ở một liên doanh sản xuất màn hình LCD. Sau đó, công ty xoay trục sang Việt Nam và Ấn Độ. Các hãng như Google, Amazon, Facebook,... cũng dịch chuyển những trung tâm dữ liệu tới Đài Loan. Mới hai năm trước, toàn bộ những máy chủ này đều được đặt tại Trung Quốc. Cũng chỉ một năm trước, toàn bộ dòng tai nghe AirPods vẫn còn được sản xuất ở Trung Quốc.
Một nhà quản lý tại Alpha Networks, công ty chuyên cung cấp router, switch, thiết bị mạng nói chung của Đài Loan, nói với Nikkei: "Từ năm ngoái khi chúng tôi đàm phán với các khách đến từ Mỹ, câu đầu tiên họ hỏi là: ‘Liệu anh có chuẩn bị sẵn một "lối thoát hiểm" khỏi Trung Quốc hay không? Đặc biệt với những sản phẩm sẽ ứng dụng vào hạ tầng mạng di động không dây.'"
Tất nhiên, Alpha Networks sau đó đã giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc. Xu hướng chung, sản xuất tại Trung Quốc không còn an toàn nữa và chuỗi cung ứng sẽ phải đẩy mạnh những dự án ở Đông Nam Á gần đó.
Các công ty Mỹ giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc chỉ trong hai năm (ảnh: Nikkei)
Công cuộc di dời tốn kém
Tuy nhiên, cái giá phải trả khá đắt, theo nghĩa đen. Trung Quốc có một lợi thế vô địch khi nói về kết hợp cơ sở hạ tầng vốn được tổ chức rất tốt, với trình độ lao động cao, mà các quốc gia đơn lẻ khác không thể bắt kịp. Họ đã đạt tới mức siêu việt khi chỉ cần một cuộc gọi, anh có thể huy động hàng trăn ngàn nhân công, hay giao hàng kịp trong vài giờ đồng hồ.
Maurice Lee, một giám đốc tại hãng sản xuất bảng mạch in PCB Unimicron Technologies, nói rằng thách thức cho anh và các đồng nghiệp có thể rời khỏi Trung Quốc là cực cực kỳ khó. "Có ít nhất 30 tới 40 quy trình chế tạo một bảng mạch in. Ở Trung Quốc, chúng tôi có một hệ sinh thái hoàn thiện và khoảng cách rất gần với các nhà cung ứng. Rời đến bất kỳ đâu cũng có nghĩa phải tái thiết kế toàn bộ logistics và các quy trình đó. Cũng như phải huấn luyện lại công nhân lại toàn bộ một lần nữa". Việc này khiến chi phí đội lên đáng kể.
Trung Quốc đã tốn rất nhiều công sức để có thể là công xưởng thế giới như ngày nay. Các chính sách của chính phủ đã giúp thành phố Trịnh Châu của tỉnh Hà Nam, vốn là một thành phố nông nghiệp hoang vắng, trở mình thành một trung tâm sản xuất. Nơi đây cho ra lò tới một nửa số iPhone toàn cầu mỗi năm. Phía tây Trung Quốc, thành phố Trùng Khánh là một công xưởng laptop đúng nghĩa. Nơi đây từng làm ra tới 1/3 số laptop toàn cầu.
Trịnh Châu được mệnh danh là "thủ phủ iPhone" ở Trung Quốc (ảnh: AP)
"Không nước nào thay thế hoàn toàn được Trung Quốc"
Tuy nhiên, nhiều nhà cung ứng từ trước khi nổ ra cuộc chiến Mỹ-Trung đã muốn tìm một nơi nào đó ở Đông Nam Á để sản xuất. Chủ yếu do bối cảnh chi phí lao động tăng cao và thiếu hụt nhân lực ở Trung Quốc. Trong khoảng 4-5 năm trước, rất khó để họ gom đủ số công nhân cần thiết khi vào cao điểm sản xuất. Giá đất và lương cũng nhích dần qua từng năm, khiến ý định rời khỏi Trung Quốc nhen nhóm trong họ. Tuy vậy, mọi thứ chỉ dừng lại ở khảo sát và đánh giá. Phải đến khi tổng thống Mỹ mạnh tay với Trung Quốc, kích hoạt tất cả.
Tuy nhiên, Sean Kao đến từ hãng nghiên cứu thị trường IDC nhấn mạnh rằng: "Dù vậy, chẳng có quốc gia nào có thể thay thế hoàn toàn được Trung Quốc".
Một chuỗi cung ứng mới đang được hình thành. Compal Electronics đã mua đất tại Việt Nam. Hãng Inventec chuyên sản xuất tai nghe AirPods và điện thoại Xiaomi đã xây cơ sở ở Malaysia. Wistron có hợp đồng sản xuất laptop Acer và iPhone cũng đặt thêm nhà máy ở Philippines. Tuy nhiên, các điểm sản xuất mới này vẫn còn khá nhỏ và bị chia cắt khắp Đông Nam Á.
Chuỗi cung ứng mới ở Đông Nam Á đang dần thành hình (ảnh: Nikkei)
Compal vốn là công ty cung ứng cho HP và Dell, đã mua đất tại tỉnh Vĩnh Phúc để xây dựng nhà máy. Tuy nhiên, sau đó chính phủ đã phạt công ty vì không xây cất như đã hứa hẹn, đồng thời tịch thu lô đất. Một giám đốc chuỗi cung ứng nói với Nikkei rằng, trong một số trường hợp thì nhà máy chẳng có lấy một bóng người, thay vào đó chỉ là tiếng muỗi bay vo ve.
Ngoài ra, hiệu suất lao động cũng là một thách thức với chuỗi cung ứng Đông Nam Á. Theo Chủ tịch của hãng Delta Electronics, họ đã xây dựng một kế hoạch đa dạng hóa sản xuất ở cả Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ. Thế nhưng, cách làm việc của chính phủ Trung Quốc sau đại dịch rất khó để bị vượt qua. Họ có hiệu suất đáng kinh ngạc và đưa ra hướng dẫn để các nhà máy trở lại sản xuất với tốc độ nhanh nhất thế giới.
Ambitious Man