Cùng tìm hiểu về lựu đạn cầm tay, một trang bị không thể thiếu trên chiến trường hiện đại.
Từ hàng trăm năm qua, lựu đạn cầm tay đã được sử dụng rộng rãi trên chiến trường. Đây là loại vũ khí sát thương được thiết kế và sử dụng nhằm xóa sổ các công sự, công trình, và chiến hào của kẻ địch. Nó có thể mang lại những hiệu quả khủng khiếp khi sử dụng trong những không gian hẹp, trước những kẻ thù không được bảo vệ. Kể từ Đệ nhất Thế chiến và thời kỳ của những cuộc chiến tranh sử dụng chiến hào, lựu đạn ngày nay đã và đang được sử dụng trong hầu hết các cuộc xung đột lớn trên thế giới.
Lựu đạn có nhiều biến thể khác nhau, bao gồm những loại lựu đạn có sức nổ lớn, bắn ra nhiều mảnh khi nổ, lựu đạn tạo màn khói, lựu đạn gây choáng, lựu đạn đánh dấu hồng ngoại, và nhiều loại khác.
Đôi lúc, lựu đạn có thể gây ra tình huống bất lợi cho người dùng, những vụ tai nạn thảm khốc mà nguyên nhân xuất phát từ lựu đạn có thể, và thực sự đã xảy ra rất nhiều lần. Người ta thường nói rằng: "Khi chốt đã rút ra, thì lựu đạn không còn là bạn của anh nữa". Nhiều trường hợp, những binh sỹ yếu kém, hoặc những tân binh mới vào quân ngũ, đã "lỡ tay" tháo chốt và đánh rơi lựu đạn ngay chân mình. Ngoài ra, việc một binh sỹ địch nhanh tay ném ngược lựu đạn về phía người dùng trước khi nó phát nổ không phải là điều hiếm có.
Để đảm bảo khả năng phá hủy tối đa, lưu đạn được thiết kế nổ đa hướng nhằm tăng bán kính sát thương. Thật vậy, với khả năng bắn ra gần 2.000 mảnh kim loại với vận tốc hàng trăm feet mỗi giây, lựu đạn rõ ràng là thứ vũ khí chết chóc, khiến bất kỳ ai ngáng đường nó trở thành tàn phế hoặc tệ hơn là mất mạng.
Những mảnh lựu đạn đó thường được người ném gọi bằng cái tên hoa mỹ: "hoa giấy quân sự".
Nguồn gốc tên gọi
Lựu đạn trong tiếng Anh là "Grenade", được cho là bắt nguồn từ từ tiếng Pháp để gọi trái thạch lựu (Pomegranate), bởi những trái lựu đạn được dùng vào thế kỷ 16 trông như trái thạch lựu vậy. Chúng còn chứa bên trong những hạt thuốc súng lớn, như hạt giống cây!
Pháp là quốc gia đầu tiên thành lập trung đoàn lính ném lựu đạn (Grenadier) – những binh sỹ được huấn luyện đặc biệt để ném lựu đạn bay những quãng đường xa nhất có thể. Họ được lựa chọn dựa trên chiều cao, sức mạnh, và tất nhiên là khả năng ném lựu đạn.
Vệ binh ném lựu đạn Anh đã giành lấy danh hiệu vinh quang sau khi đánh bại đạo quân lính ném lựu đạn Pháp trong Cuộc chiến Waterloo năm 1815.
Theo lịch sử, lính ném lựu đạn đều thuộc các trung đoàn bộ binh trong quân đội Anh, thường là những người đàn ông cao nhất trong trung đoàn của họ và chịu trách nhiệm… ném lựu đạn. Cho đến ngày nay, Vệ binh ném lựu đạn thuộc đại đội Queen vẫn tuyển dụng những nam binh sỹ cao hơn 6 feet (hơn 1,8 mét). Đội vệ binh này hiện chỉ phục vụ trong các nghi lễ, và trong thời chiến, khi luật được nới lỏng, những binh sỹ có chiều cao dưới 1,8 mét vẫn được phép tham gia.
Khoảng cách sát thương tối đa của một trái lựu đạn
Nếu không có giáp hoặc các biện pháp bảo vệ, một trái lựu đạn có thể giết chết một người từ cách đó tối đa 10 mét và có thể gây sát thương nghiêm trọng từ khoảng cách tối đa 20 mét.
Các mảnh lựu đạn có thể bắn xa đến hơn 200 mét từ vị trí phát nổ. Tuy nhiên, càng xa, độ sát thương của chúng càng giảm.
Tại sao một số trái lựu đạn có hình dáng như một trái dứa?
Những đường rãnh được khắc máy trên trái lựu đạn khiến chúng có vẻ ngoài như một trái dứa, và lựu đạn được thiết kế như vậy để các binh sỹ với bàn tay dính đầy bùn đất (tình trạng thường thấy trên chiến trường) vẫn có thể cầm nắm chắc chắn khi ném lựu đạn. Nhiều người tin rằng thiết kế hình trái dứa giúp lựu đạn tăng sát thương khi phát nổ, nhưng đó là điều sai lầm.
Các thành phần cấu tạo nên một trái lựu đạn cầm tay
Thân lựu đạn bao gồm lớp vỏ ngoài bằng kim loại, bên trong chứa đầy thuốc nổ RDX/TNT, cùng với: cần bẩy, lò xo kim hỏa, kim hoả, chốt an toàn, mỏ vịt để giữ đuôi kim hoả, hạt lửa để phát lửa thuốc cháy chậm, thuốc cháy chậm, kíp.
Ai phát minh ra lựu đạn cầm tay?
Trái lựu đạn "an toàn để sử dụng" đầu tiên được thiết kế bởi kỹ sư người Anh tên William Mills vào năm 1915, và được ông đặt tên là "Mills Bomb".
Trước thời điểm đó, hầu hết lựu đạn đều rất khó dự đoán và đôi lúc có thể gây sát thương, hoặc thậm chí là giết chết những người đang chuẩn bị sử dụng chúng.
Những loại lựu đạn cầm tay được sử dụng rộng rãi trong quân đội các nước?
Lựu đạn nổ phân mảnh L109 HE: dùng trong các chiến dịch phòng thủ, có thể hiệu quả trong các chiến dịch tấn công nếu binh sỹ được huấn luyện kỹ.
Lựu đạn khói: sử dụng để che chắn tầm nhìn, có thể dùng để đánh lừa kẻ địch.
Lựu đạn phốt-pho trắng: dùng để ngay lập tức tạo ra màn chắn khói, còn được dùng như lựu đạn sát thương khi chiến đấu trong chiến hào hay boong-ke. Chúng có chứa phốt-pho, vốn bắt lửa khi tiếp xúc với không khí, cháy ở nhiệt độ rất cao.
Lựu đạn gây choáng: không có tính sát thương, dùng để giải tán các tòa nhà/phòng ốc, gây phân tâm cho kẻ địch bên trong khi đột nhập, tạo lợi thế cho phe sử dụng.
Lựu đạn khói tín hiệu: những lựu đạn này tạo ra khói và có nhiều màu sắc sáng như đỏ, vàng, tím, xanh lá, và xanh dương. Chúng còn được dùng để đánh dấu bãi đậu trực thăng, nhờ đó phi công có thể xác định chính xác khu vực nào máy bay có thể hạ cánh.
Phạm vi tác động của lựu đạn cầm tay
Tính sát thương của lựu đạn cầm tay có sự khác biệt giữa các biến thể, nhưng thông thường, bán kính nổ của một trái lựu đạn là 20 mét – bất kỳ ai đứng trong phạm vi này cũng có thể bị thương hoặc bị giết.
Nếu một trái lựu đạn là chưa đủ…
Thì quân đội sẽ sử dụng đến súng máy phóng lựu đạn. Loại súng này có đường kính nòng 40mm, với khả năng bắn lựu đạn bay xa đến 2.200m.
Lựu đạn được gắn vào đai trên súng. Mỗi đai gồm 32 trái. Chúng được thiết kế để phát nổ khi va chạm, thay vì chờ một thời gian như các loại lựu đạn ném bằng tay.
Cần bao lâu để một trái lựu đạn phát nổ?
Từ lúc rút chốt và ném, thường mất khoảng 2 đến 6 giây trước khi vụ nổ xảy ra.
Minh.T.T;theo Forces