Galaxy Z Fold 3 đánh dấu hàng loạt cải tiến của Samsung trong phân khúc điện thoại gập siêu cao cấp.
Hộp của Z Fold 3 nổi bật với chữ Z cỡ lớn ở mặt trước. Kể từ thế hệ Fold 2 trước đó, Samsung đã quyết định gộp hết tất cả smartphone gập của họ thành dòng Z Series để tiện phân định với dòng Note hay S. Độ dày của hộp cũng mỏng đi đáng kể so với đàn anh, hé lộ việc Z Fold 3 sẽ bị cắt bỏ củ sạc, tai nghe, tương tự dòng Galaxy S21 Series.;
Cách mở hộp của Z Fold 3 trở lại kiểu đơn giản truyền thống, không còn điệu đà mở rộng sang hai bên tựa như những hộp rượu cao cấp trên Fold 2 nữa.
Đúng như dự đoán, phụ kiện đi kèm Z Fold 3 chỉ còn lại cáp sạc 2 đầu USB-C, que chọc SIM và sách hướng dẫn sử dụng. Như vậy, người dùng sẽ phải sử dụng lại các củ sạc sẵn có hoặc mua thêm củ sạc mới mới có thể sạc cho máy. Nhiều khả năng tại Việt Nam, Samsung sẽ tặng kèm củ sạc hoặc bán với giá ưu đãi cho những người đặt mua trước Z Fold 3, tương tự như với dòng S21 trước đây. Bản thân Z Fold 3 hỗ trợ củ sạc tối đa 25W, tương đương với củ sạc trên S21, Note 20 hay Z Fold 2.
Về cơ bản, thiết kế của Z Fold 3 không thay đổi quá nhiều so với Fold 2. Bạn vẫn sẽ có một chiếc điện thoại gập theo dạng quyển sách, tương đối vuông vắn với một màn hình nhỏ bên ngoài và khi mở ra sẽ là một màn hình cỡ lớn bên trong.
Kích thước 2 màn hình được giữ nguyên với 6.2 inch bên ngoài và 7.6 inch bên trong. Điểm cải tiến là màn hình ngoài 6.2 inch đã được nâng lên tần số quét cao 120Hz (Fold 2 chỉ 60Hz), nên việc cuộn trang mượt mà hơn hẳn. Tấm nền là loại Dynamic AMOLED 2X, độ phân giải cũng được tăng lên một chút lên mức 2268x832 pixel dù vẫn chỉ ở mức HD+. Dù thế, tỷ lệ màn hình vẫn rất dài, lên tới 24.5:9 nên sẽ khá hẹp, chỉ phù hợp để xem nhanh thông báo, nội dung tin nhắn, hay các video dạng dọc như Tiktok.
Màn hình phía trong ngoài việc giữ nguyên kích thước 7.6 inch, các thông số khác cũng hoàn toàn tương tự Fold 2 với độ phân giải khoảng 2.5K (2208x1768 pixel), tần số quét 120Hz, tấm nền Dynamic AMOLED 2X, tỷ lệ 22.5:18 (5:4), gần như một hình vuông.
Vết hằn ở nếp gấp giữa màn hình vẫn tồn tại nhưng khó nhận ra nếu nhìn trực diện. Vết hằn sẽ xuất hiện nhiều hơn nếu nhìn chéo từ 2 góc trái phải và khi miết tay vào giữa màn hình nhưng không gây ảnh hưởng quá lớn khi sử dụng thông thường. Samsung vẫn dán sẵn một miếng bảo vệ màn hình bằng nhựa mỏng lên trên lớp kính UTG để chống xước và người dùng không được tự ý thao miếng dán này.
Điểm khác biệt đáng chú ý là phần màn hình này đã được trang bị camera ẩn dưới màn hình. Đây cũng là smartphone đầu tiên của Samsung được áp dụng công nghệ camera ẩn. Tuy vậy, trên Z Fold 3, phần camera này không hoàn biến mất. Ngay khi chưa bật máy, bạn đã có thể nhận thấy vị trí camera quen thuộc.
Khi mở máy lên, sử dụng với hình nền mặc định màu đen, cụm camera ẩn dưới màn hình vẫn hiển thị hoàn toàn rõ ràng. Chỉ khi sử dụng với các nội dung có màu sắc khác, cụm camera mới ẩn đi, nhưng lúc này các điểm ảnh ở khu vực đó lại hiện rỗ hạt, có thể nhìn rõ từng điểm ảnh (pixel), trông không mấy đẹp mắt cho lắm, nhất là với các nội dung màu trắng khi duyệt web, hay ở bảng thông báo cài đặt nhanh, cài đặt hệ thống.
Cải tiến lớn tiếp theo trên Z Fold 3 là việc hỗ trợ bút S Pen. Như vậy, sau chiếc Galaxy S21 Ultra, Samsung tiếp tục mang bút S Pen, vốn là đặc sản của dòng Note, lên các dòng sản phẩm khác để tăng tính cạnh tranh. Bút S Pen trên Z Fold 3 sẽ là kết quả hợp tác giữa Samsung và Wacom – hãng công nghệ nổi tiếng với các sản phẩm bảng vẽ kỹ thuật số chuyên cho dân đồ họa, thiết kế.
Bút S Pen trên Z Fold 3 được thiết kế đặc biệt để có thể sử dụng với màn hình gập mà không gây xước, hay ảnh hưởng đến độ bền của tấm nền. Bạn sẽ không thể sử dụng bút S Pen trên dòng Note với Z Fold 3 vì có thể làm hỏng màn hình. Có 2 phiên bản S Pen cho Z Fold 3. Một bản tiêu chuẩn mang tên S Pen Fold Edition, không Bluetooth và chỉ hỗ trợ các thao tác cơ bản Air Command. Một bản S Pen Pro có Bluetooth và bổ sung thêm các tính năng nâng cao như Air Action, đèn LED,… Giống S21 Ultra, bạn sẽ cần mua thêm bút S Pen và bao da chuyên dụng để đựng bút cho Z Fold 3, máy không có khe đựng bút.
Điểm khác biệt lớn tiếp theo ở thiết kế là cụm 3 camera sau trên Z Fold 3 nay được đặt trong một hình bầu dục, thay vì hình vuông ở Fold 2. Máy cũng đã mỏng nhẹ hơn khi trọng lượng giảm xuống còn 271g, độ dày phần bản lề khi gập lại còn 16mm so với trọng lượng 283g và độ dày 16.8mm của Fold 2. Nhờ vậy, cảm giác cầm nắm, sử dụng Z Fold 3 dễ chịu hơn đàn anh.
Cải tiến đáng kể hơn cả trên thiết kế cảu Z Fold 3 có lẽ là việc máy đã hỗ trợ khả năng kháng nước IPX8, có thể chịu nước ở độ sâu tối đa 1.5 mét trong 30 phút. Đây là điện thoại gập đầu tiên trên thị trường có thể kháng nước. Dù thế, Samsung vẫn khuyến cáo người dùng không sử dụng Z Fold 3 ở bể bơi hay bãi biển. Máy cũng không thể chống bụi như các smartphone dạng thanh thông thường.
Bên cạnh đó, độ bền bỉ của Z Fold 3 được tăng cường với lớp kính cường lực Corning Gorilla Glass Victus ở cả mặt sau và màn hình ngoài. Phần khung viền bằng nhôm được tăng độ cứng cáp, Samsung tuyên bố đây là khung viền nhôm cứng cáp nhất của họ từ trước đến nay.
Trên viền màn hình của Z Fold 3 nếu để ý kỹ sẽ thấy có 2 mấu nhỏ tương tự đời trước để ngăn cho 2 nửa màn hình va đập, cọ xát vào nhau khi gập lại, giảm trầy xước, hỏng hóc.
Chi tiết dạng chữ T tiếp tục được gia cố ở khu vực bản lề để ngăn bụi lọt vào. Đây vốn là điểm được Samsung nâng cấp trên phiên bản Galaxy Fold 1 thương mại, sau khi mẫu máy thử nghiệm đầu tiên gặp một loạt lỗi về màn hình khi đến tay các reviewer quốc tế. Bản lề của Z Fold 3 được bao bọc kỹ càng và không thấy khe hở nào nên có thể kỳ vọng vào độ bền bỉ của chiếc máy này.
Phần bản lề khi gập vẫn sẽ không khít hoàn toàn 100% mà sẽ có độ hở nhẹ nhằm bảo vệ màn hình bên trong. Đồng thời, độ hở này cũng làm giảm bớt áp lực lên phần nếp gấp.
Tương tự Z Fold 2, bản lề của Z Fold 3 vẫn có độ linh hoạt cao, cho phép máy có thể hoạt động theo kiểu laptop với việc gập đôi màn hình lại một góc khoảng 90 độ hay gập mở màn hình ở nhiều góc khác nhau. Máy dễ dàng đứng trên mặt phẳng mà không cần gắn thêm bất cứ phụ kiện nào vì chỉ cần mở phần màn hình ra một chút là có thể tạo thành chân đế.
Kiểu sử dụng này sẽ rất tiện lợi khi cần xem video, xem phim trong thời gian dài, không tiện cầm máy trên tay. Màn hình ngoài tỷ lệ siêu dài 24.5:9 của Fold 3 tỏ ra thích hợp nhất khi xem phim điện ảnh, giúp hạn chế được phần viền đen trên dưới.
Màn hình chính tỷ lệ vuông của Z Fold 2 tỏ ra bất tiện đôi chút khi xem video hay xem phim do hầu hết các video hiện nay đều theo tỉ lệ dài dạng hình chữ nhật. Nếu cố zoom hết cỡ để lấp đầy các viền đen, video sẽ bị cắt lẹm nhiều vào nội dung chính.
Tuy nhiên, màn hình vuông lại tỏ ra rất hữu dụng khi chơi game, giúp mang đến tầm nhìn bao quát, dễ dàng quan sát và điều khiển nhân vật.
Z Fold 3 có thể chuyển đổi mượt mà nội dung giữa màn hình chính và màn hình phụ mà không phải tải lại ứng dụng hay load lại game. Màn hình ngoài sẽ hơi nhỏ khi cần chơi game do thiên nhiều về chiều dài.
Dù vậy, một số tựa game như COD Mobile vẫn chưa tương thích với Z Fold 3. Khi sử dụng với màn hình chính, game vẫn hiển thị chuẩn nhưng khi gập máy lại để chuyển sang màn hình phụ, game bị méo hình và gần như không thể chơi được.
Samsung tiếp tục cung cấp tùy chọn thay đổi kiểu bố cục màn hình và thu phóng để người dùng lựa chọn giữa giao diện dạng điện thoại hay máy tính bảng nhằm khai thác hết lợi thế màn hình lớn của Z Fold 3. Ngoài ra, một loạt tính năng khác được hãng bổ sung như ghim tính năng Bảng ở cạnh thành một thanh dock tương tự như thanh Taskbar trên máy tính để truy cập nhanh các app hay sử dụng.
Tương tự Fold 1 và Fold 2, trên Z Fold 3 bạn vẫn có thể sử dụng song song tới 3 ứng dụng cùng lúc để tận dụng hết màn hình kích thước lớn của máy nhằm tối đa hóa khả năng đa nhiệm. Fold 3 cho phép tùy biến đa dạng cách bố trí các cửa sổ app để bạn có thể thoải mái sắp xếp các ứng dụng sao cho phù hợp nhất với nhu cầu của mình. Khi sử dụng trình duyệt Samsung Internet, bạn còn có thể kéo thả link hay hình ảnh bất kỳ để tạo ra các cửa sổ chia đôi màn hình, rất tiện lợi khi cần so sánh, tìm kiếm thông tin.
Về cấu hình, Galaxy Z Fold 3 sử dụng vi xử lý Snapdragon 888 (không phải Plus), 12GB RAM, 256GB bộ nhớ trong chuẩn UFS 3.1, không có khe cắm thẻ nhớ, pin 4400 mAh (nhỏ hơn một chút pin 4500 mAh của Fold 2), hỗ trợ sạc nhanh 25W, sạc không dây, sạc ngược không dây. Máy trang bị mạng 5G với cả băng tần sub-6 và mmWave. Đây là cấu hình gần như "đụng nóc" trong thế giới Android hiện nay, thực tế trải nghiệm cho thấy, kết hợp với màn hình 120Hz, Z Fold 2 hoạt động cực kỳ mượt mà, nhanh nhẹn. Điểm hiệu năng đo nhanh bằng AnTuTu đạt hơn 750 nghìn điểm, chơi mượt mà các tựa game nặng ký như Genshin Impact, CoD Mobile ở thiết lập đồ họa cao nhất.
Đi kèm với hệ thống loa kép stereo kích thước lớn ở 2 cạnh trên dưới, công nghệ Dolby Atmost, Z Fold 3 cho trải nghiệm chơi game, xem phim đã tai với âm lượng lớn, hiệu ứng đa kênh rõ ràng, dễ dàng xác định hướng địch.
Về camera, Z Fold 3 sử dụng hệ thống 3 camera 12MP hoàn toàn giống hệt với Z Fold 2 nhưng được bảo vệ bằng kính cường lực Corning Gorilla Glass DX. Thông số cụ thể gồm:
- 1 camera 12MP góc siêu rộng, khẩu độ F2.22, điểm ảnh 1.12μm, góc nhìn 123 độ.
- 1 camera 12MP góc rộng thông thường, khẩu độ F1.8, lấy nét Dual Pixel AF, chống rung OIS, điểm ảnh 1.8μm, góc nhìn 83 độ.
- 1 camera 12MP tele, khẩu độ F2.4, lấy nét PDAF, chống rung OIS, điểm ảnh 1.0μm, góc nhìn 45 độ, zoom quang 2X, zoom số 10X.
- Camera selfie ở mặt mặt ngoài cũng giữ nguyên như Z Fold 2 với độ phân giải 10MP, khẩu độ F2.2, góc nhìn 80 độ, điểm ảnh 1.22μm.
- Camera ẩn dưới màn hình ở mặt trong có độ phân giải 4MP, khẩu độ F1.8, điểm ảnh 2μm, góc nhìn 80 độ.
Giống Z Fold 2, khi gập màn hình theo dạng laptop, các ứng dụng như camera trên Z Fold 3 sẽ tự động được điều chỉnh lại giao diện, dồn toàn bộ các nút điều khiển xuống nửa dưới màn hình và chừa phần khung ngắm lại cho nửa trên, tạo cảm giác như một chiếc máy chơi game cầm tay. Đồng thời, bạn có thể tận dụng tính năng này để tự quay vlog, chụp ảnh phơi sáng mà không cần dùng đến tripod vì có thể đặt máy vững chãi trên bàn hay bất cứ mặt phẳng nào.
Bên cạnh việc tối ưu giao diện khi gập màn hình lại theo dạng laptop, Samsung còn tận dụng luôn màn hình ngoài của Z Fold 3 làm khung ngắm cho cụm 3 camera chính. Với tính năng này, bạn có thể selfie hay quay vlog với chất lượng cao hơn nhờ tận dụng được cụm 3 camera phía sau với các tiêu cự đa dạng từ góc siêu rộng đến tele.
Trên đây là những cảm nhận nhanh của VnReview về chiếc Samsung Galaxy Z Fold 3 sau thời gian ngắn trải nghiệm. Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi đến bạn đọc những bài đánh giá chi tiết hơn trong thời gian tới. Mời các bạn chú ý đón xem!
Samsung Galaxy Z Fold 3 hiện chưa có giá bán chính thức tại Việt Nam. Tuy vậy, nhiều khả năng mức giá của Z Fold 3 sẽ ngang ngửa Fold 1 và Z Fold 2, vào khoảng 50 triệu đồng. Hiện tại thị trường Mỹ, giá bán của Z Fold 3 là 1800 USD (khoảng 41 triệu đồng).
Thành Đạt