Trên tay TV LG OLED Evo: TV treo tường duy nhất dùng tấm nền OLED đời mới


Các TV OLED năm ngoái của LG chỉ khác nhau về cấu hình và thiết kế, còn chất lượng hình ảnh giống nhau với cùng loại tấm nền. Năm nay, TV OLED G1 là sản phẩm duy nhất trong các dòng TV OLED 2021 của hãng điện tử Hàn Quốc được trang bị tấm nền OLED Evo thế hệ mới.

Với tấm nền OLED Evo thế hệ mới, LG cho biết TV OLED G1 có độ sáng cao hơn 20%, độ sắc nét và màu sắc cũng sống động hơn. Ở thị trường Việt Nam, TV OLED G1 hiện có 2 tùy chọn kích cỡ 55 inch và 65 inch với giá bán lần lượt là 69,9 triệu đồng và 94,9 triệu đồng. Lưu ý đây là giá niêm yết của hãng, còn giá mua thực tế có thể rẻ hơn tới cả chục triệu đồng tùy hệ thống bán lẻ.

Thiết kế: tối giản, định hướng treo tường

TV OLED lâu nay đều rất mỏng, chỗ mỏng nhất chỉ có vài mm. Tuy vậy ngoài tấm nền, TV còn có nhiều thành phần khác như vi xử lý, loa và các thành phần điện tử. Vì vậy, đa phần các TV OLED của LG đều phình ra chỗ nào đó ở mặt sau để chứa các linh kiện.

LG OLED G1 lại đi theo hướng khác hẳn. TV này có độ dày 23mm và phẳng đều trên toàn thân. Đây là định hướng thiết kế của LG ở TV OLED G1 để thuận tiện cho việc treo tường và hãng cũng tặng kèm TV bộ giá treo để gắn TV lên tường. Chiếc giá treo được LG thiết kế riêng cho TV OLED của hãng nên ốp rất sát với tường. Tất nhiên, nếu không muốn treo tường thì TV cũng có chân đế để đặt lên bàn và cũng được hãng tặng kèm hộp sản phẩm.

TV được thiết kế phẳng kết hợp với giá treo "thửa riêng" nên ốp rất sát với tường.

Nhưng cũng có chân đế để đặt trên bàn như các TV khác

OLED G1 có thiết kế tối giản về ngoại hình. Mặt trước của TV có viền mỏng và không có điểm đặc biệt nào để nhận ra đây là OLED G1. Mặt sau có 4 cổng HDMI 2.1 hỗ trợ video độ phân giải 4K, tần số 120 fps và eARC cho phép tận dụng khả năng đồ họa mạnh mẽ trên các thiết bị chơi game thế hệ mới như PS5 và Xbox Series X. LG OLED G1 cũng hỗ trợ NVIDIA G-sync và AMD FreeSync để giảm hiện tượng xé hình khi xem các hình ảnh chuyển động và chơi game.

4 cổng HDMI 2.1, trong đó có 1 cổng hỗ trợ eARC để xuất âm thanh chất lượng cao từ TV ra loa thanh.

3 cổng USB

Khu vực đặt các cổng kết nối được thiết kế lõm sâu vào bên trong.

LG bố trí các hốc để gom gọn các dây kết nối ở phần lõm trên mặt sau TV.

Phần lõm chứa các cổng kết nối có nắp che để đảm bảo thẩm mỹ.

Điều khiển từ xa đi kèm OLED G1 năm nay đã được thiết kế lại, mỏng, gọn và dễ cầm nắm hơn. Tính năng "chuột bay", đặc sản của LG, cũng được cải tiến có độ nhạy tốt hơn và dễ điều hướng hơn. Với tính năng "chuột bay", việc điều khiển TV LG thực sự trở nên dễ dàng và nhanh hơn nhiều so với điều khiển từ xa trên TV của các hãng khác.

Điều khiển từ xa có nhiều nút bấm mở các ứng dụng phổ biến

Điều khiển từ xa này còn được tích hợp nhiều phím tắt để mở nhanh đến các ứng dụng hay dùng gồm Netflix, Prime Video, Movies, Disney+. Trợ lý ảo Google Assistant và Alexa cũng có nút riêng ngay trên điều khiển. Bên cạnh đó, LG cũng tích hợp nút gọi trợ lý ảo riêng của hãng ngay trên điều khiển từ xa để ra lệnh cho TV và tìm kiếm bằng giọng nói tiếng Việt. Hiệu quả ra lệnh bằng giọng nói tiếng Việt qua điều khiển cũng khá tốt nếu người dùng nói chậm và rõ ràng.

Ngoài điều khiển từ xa, người dùng còn có thể điều khiển TV bằng điện thoại thông qua ứng dụng LG ThinQ, hiện có mặt trên kho ứng dụng Android và iOS.

Phần mềm, hiệu năng và chất lượng hiển thị

OLED G1 được cài sẵn hệ điều hành WebOS 6.0 mới với giao diện thiết kế lại trực quan và giúp giảm bớt số lần bấm chuột trong quá trình sử dụng TV. Những ứng dụng và kênh hay xem được hiển thị ngay trên màn hình chính. Danh sách ứng dụng được sắp xếp theo tần suất sử dụng của người dùng. Cuộn tiếp xuống phía dưới màn hình chính là những nội dung được TV đề xuất riêng dựa theo thói quen của người dùng. LG cũng chú trọng các thiết bị trong hệ sinh thái của hãng khi đưa ra một giao diện riêng dành cho các thiết kế bị kết nối qua ứng dụng ThinQ nhìn trực quan và dễ dùng.

Giao diện màn hình chính của WebOS 6.0 trên OLED G1.

Giao diện điều khiển riêng cho các thiết bị trong hệ sinh thái của LG

Điểm mới đáng chú ý nữa trong WebOS 6.0 là giao diện tối ưu cho game. Tất cả các thiết lập cần thiết với trải nghiệm được gom lại trong một giao diện duy nhất. Khi kết nối với thiết bị chơi game, TV cung cấp các lựa chọn chế độ hình ảnh theo thể loại game và điều chỉnh xử lý dựa trên từng kiểu game. Ở chế độ tiêu chuẩn, TV sẽ làm giảm độ trễ đầu vào. Khi chơi game bắn súng (FPS) thì TV sẽ làm sáng các chi tiết ở vùng tối; còn với game nhập vai (RPG), TV sẽ đẩy mạnh độ tương phản. Với game chiến thuật theo thời gian thực, TV sẽ tăng độ sắc nét và độ sáng.

TV có nhiều chức năng tối ưu trải nghiệm game theo từng thể loại game.

LG OLED G1 hỗ trợ tính năng Airplay 2 để xuất hình ảnh từ iPhone lên TV và tính năng Screen Mirroring để chia sẻ từ thiết bị Android lên. Ngoài ra, TV hỗ trợ các kết nối không dây Wi-Fi và Bluetooth 5.0.

Thay đổi được chờ đón nhất ở OLED G1 là tấm nền OLED Evo thế hệ mới. Đây là TV duy nhất trên thị trường hiện nay được LG trang bị tấm nền mới OLED Evo. Theo LG, tấm nền OLED Evo đã được thiết kế lại, tăng thêm nhiều lớp làm bằng vật liệu phát xạ mạnh hơn giúp tinh chỉnh bước sóng ánh sáng và cải thiện độ sáng.

Chúng tôi hiện chưa có thế hệ OLED năm ngoái để so sánh nên khó có thể đánh giá một cách chính xác về tấm nền OLED Evo mới. Tuy vậy, nhìn bằng mắt thường có thể nhận ra ngay độ sáng của TV OLED G1 đã có sự cải thiện, sáng hơn các TV OLED thế hệ trước. Đây là nâng cấp rất quan trọng bởi các TV OLED lâu nay vẫn bị phàn nàn về độ sáng thấp hơn các đối thủ cạnh tranh dùng tấm nền LCD dù chất lượng hình ảnh đã được khẳng định.

Ngoài cải thiện độ sáng, màu sắc của TV OLED G1 hiển thị cân bằng, tự nhiên, chi tiết rõ ràng và trong trẻo. Chúng tôi sẽ có đánh giá chi tiết hơn về tấm nền OLED Evo mới trong thời gian tới khi có điều kiện so sánh trực tiếp với các TV OLED khác.

OLED G1 hỗ trợ nhiều định dạng HDR phổ biến hiện nay gồm HDR10, HLG và Dolby Vision. Giống như các TV OLED năm ngoái, TV này cũng có chế độ hình ảnh nhà làm phim FilmMaker Mode. Đúng như tên gọi, chế độ FilmMaker Mode sẽ tắt chức năng làm mịn chuyển động để mang đến hiệu ứng hình ảnh chuyển động thể hiện trọn vẹn nội dung phim mà đạo diễn muốn truyền tải. Ở chế độ này, màu sắc hiển thị chính xác, tự nhiên nhưng hơi tối, không sáng như các chế độ xem phim Cinema.

Về hiệu năng, bộ vi xử lý Alpha 9 Gen4 AI trên OLED G1 đảm nhận tốt vai trò nâng cấp nội dung lên độ phân giải 4K.;Ngay cả những nội dung HD sau khi được nâng cấp lên độ phân giải 4K cũng không bị mờ và răng cưa, độ rõ nét được cải thiện rõ rệt. 

Loa ngoài đặt ở cạnh trên và dưới của TV, treo tường không ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh.

Âm thanh của LG OLED G1 được cải thiện với các loa tích hợp có tổng công suất 60W, lớn hơn 20W so với TV OLED C1. Hệ thống loa của TV được phân bổ trên các cạnh để không bị ảnh hưởng đến âm thanh khi treo tường. Loa có âm lượng lớn và các dải âm tách bạch. Khi xem các bộ phim hành động như Người nhện, giọng nói của các nhân vật vẫn có thể nghe rõ ngay cả ở những cảnh quay có nhiều hiệu ứng âm thanh hỗn loạn. LG cũng đưa trí tuệ nhân tạo AI vào để cải thiện hiệu ứng âm thanh dựa trên việc nhận diện các loại nội dung phát. Bên cạnh đó, OLED G1 cũng sử dụng micro đặt trên điều khiển từ xa để hiệu chỉnh âm thanh phù hợp với không gian phòng.

Trên đây là một vài cảm nhận ban đầu của chúng tôi sau thời gian ngắn trải nghiệm chiếc TV đầu tiên và duy nhất trên thị trường hiện nay sử dụng tấm nền OLED Evo thế hệ mới nhất. Nhìn chung, TV đã có cải thiện rõ rệt về độ sáng, một yếu tố lâu nay vẫn bị phàn nàn trên các TV OLED. Thiết kế tối giản và tối ưu cho việc treo tường cũng là điểm thú vị ở sản phẩm. Chúng tôi sẽ tiếp tục có bài đánh giá chi tiết hơn trong vài ngày tới khi có nhiều thời gian trải nghiệm hơn và có điều kiện so sánh với các sản phẩm khác, nhất là những mẫu TV OLED thế hệ trước.

TT

Thành viên mới đăng
Top