Vòng tay theo dõi sức khỏe - một sản phẩm kết hợp công nghệ và sức khỏe - là sự lựa chọn của rất nhiều người dùng hiện nay. Còn gì thú vị hơn việc bạn có thể lưu trữ mọi thông số sinh trắc học ngay trên cổ tay và theo dõi bảng tiến trình hoạt động của mình theo thời gian, chẳng khác gì các phim siêu anh hùng?
Vòng tay theo dõi sức khỏe còn mang lại nhiều lợi ích thực tế khác. Nó sẽ giúp bạn giảm cân, tăng cường thể chất, nhắc nhở bạn áp dụng lối sống lành mạnh xoay quanh các hoạt động ăn, ngủ, luyện tập, và đi lại.
Nhưng loại sản phẩm này có thực sự hữu dụng? Chúng thực sự đo đạc điều gì? Và độ chính xác thực tế là bao nhiêu? Ngay cả khi chính xác, liệu những thông tin thu được có tác dụng gì không?
Ý tưởng ban đầu
Để biết được liệu vòng tay theo dõi sức khỏe có thực sự hoạt động hay không, đầu tiên chúng ta cần biết chính xác chúng làm gì. Các vòng tay này có đủ loại hình dạng và kích cỡ, được tích hợp nhiều loại cảm biến và tính năng khác nhau tùy thuộc thương hiệu sản xuất. Hầu hết chúng đều dựa vào một cảm biến do nhịp tim để tính toán lượng calorie tiêu thụ và các cảm biến chuyển động để phát hiện các hoạt động di chuyển của người dùng.
Tất cả đều dựa vào một tiền đề đơn giản: tim bạn càng hoạt động mạnh, bạn đang càng cố sức, và từ đó đốt cháy càng nhiều calories.
Một thiết bị đo nhịp tim đeo trước ngực
Bây giờ, nếu bạn đo lượng calories bằng một ứng dụng như MyFitnessPal, bạn có thể thấy sự khác biệt và có gắng duy trì chế độ giảm cân đang theo đuổi. Nếu bạn nạp vào lượng calories ít hơn lượng sử dụng, cơ thể sẽ đốt cháy mỡ và bạn sẽ giảm cân. Nếu bạn nạp vào nhiều hơn lượng sử dụng, cơ thể sẽ dư calories và lưu trữ nó dưới dạng mỡ khiến bạn tăng cân.
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng lại có nhiều vấn đề.
Vấn đề với cảm biến nhịp tim
Các cảm biến nhịp tim sử dụng trong hầu hết các vòng tay theo dõi sức khỏe hoạt động dựa trên một công nghệ gọi là "đo oxy dựa vào mạch đập". Một tia hồng ngoại sẽ chiếu xuyên qua da và theo dõi những thay đổi nhỏ liên quan màu sắc của dòng máu. Màu sắc này sẽ cho thấy lượng oxy trong máu, vốn tăng lên theo mỗi nhịp tim.
Công nghệ này còn phải cải tiến nhiều mới đạt được sự hoàn hảo. Nhiều thứ có thể tác động lên lượng oxy trong máu, hoặc làm thay đổi bề mặt của các mạch máu. Khi bạn nâng tạ, sự co thắt cơ làm thay đổi lượng máu đến các chi; các thay đổi khác, như sự giãn mạch cũng vậy. Đó là lý do tại sao các cảm biến nhịp tim đeo trước ngực cho kết quả chính xác hơn các thiết bị đeo cổ tay.
Các vòng tay theo dõi sức khỏe tốt nhất sử dụng các thuật toán phức tạp phân tích chuyển động để đoán được loại hoạt động bạn đang thực hiện và từ đó thay đổi cơ chế diễn dịch nhịp tim cho phù hợp. Người ta gọi hành động này là "ước đoán", thay vì "ước tính".
Đó không phải là vấn đề duy nhất. Riêng nhịp tim cũng không phải là một chỉ báo lý tưởng của lượng calorie được đốt cháy. Người ta cho rằng khi tim đập nhanh hơn, cơ thể sẽ cần oxy và năng lượng, và do đó có thể bạn đang thực hiện một hoạt động tiêu tốn năng lượng.
Trên thực tế, nhiều thứ có thể khiến nhịp tim tăng lên. Những vận động viên thể thao thực ra có nhịp tim nghỉ thấp hơn bởi lực của mỗi nhịp tim đập mạnh hơn - cho phép quả tim của họ đập với tần số thấp hơn. Huyết áp, khí áp, nhiệt độ môi trường, tâm trạng, và nhiều thứ khác, tất cả đều có thể tác động lên nhịp tim của bạn.
Một ván game hấp dẫn sẽ làm tăng nhịp tim của bạn, nhưng bạn sẽ chẳng đốt được bao nhiêu calories
Tất nhiên, các vòng tay theo dõi sức khỏe không dựa hoàn toàn vào nhịp tim. Chúng kết hợp giữa nhịp tim và chuyển động, so sánh với các khuôn mẫu lấy từ những bộ dữ liệu khổng lồ bằng phương pháp học máy. Dù vậy, kết quả chúng thu được vẫn không chính xác.
Cuối cùng, hầu hết các smartwatch chỉ do nhịp tim một lần mỗi vài phút, trừ khi bạn đang thực hiện một số loại hình tập luyện nào đó. Mục đích của nó là tiết kiệm năng lượng, trong khi vẫn đo được nhịp tim trung bình lúc nghỉ và nhịp tim tối đa. Lượng calories bạn đốt cháy trong một buổi tập gym thực ra chỉ có tác động nhỏ lên tổng lượng calories bạn đốt cháy mỗi ngày. Quan trọng hơn cả lượng calories chính là mức độ hoạt động trong suốt một ngày của bạn. Smartwatch có thể định kỳ nhắc bạn đứng lên và đi quanh, nhưng nó có thể không biết đến thói quen nhảy ngẫu hứng hàng ngày của bạn khi nấu ăn.
Bí mật thực sự để giảm cân là thực hiện nhiều hoạt động năng động và đòi hỏi năng lượng trong suốt cả ngày dài - và vòng tay theo dõi sức khỏe của bạn không có cách nào để theo dõi việc này một cách hiệu quả cả, dù chúng thực sự hoạt động phụ thuộc vào việc bạn hay chạy bộ hay nâng tạ, hay bạn đang tìm cách giảm cân trong suốt ngày dài, hay chỉ trong các buổi tập mà thôi.
Tóm lại, vòng tay theo dõi sức khỏe có hữu dụng hay không?
Điều đáng quan tâm hơn cả là bạn làm gì với mọi thông tin thu được.
Cả ngành công nghiệp smartwatch đều xoay quanh giả thuyết rằng giảm cân đơn giản là vấn đề so sánh giữa calories nạp và calories đốt cháy. Nhiều chuyên gia thể thao, vận động viên thể hình, và cả các nhà dinh dưỡng cũng suy nghĩ như vậy. Nhưng nhiều không phải là tất cả.
Việc đo lượng calories thực sự không hề hiệu quả đối với rất nhiều người. Với một nhóm người, giảm cân còn liên quan đến cơ chế trao đổi chất, cân bằng hóc-môn, độ nhạy insulin, vi khuẩn đường ruột, mật độ dinh dưỡng, vân vân và vân vân. Những người này theo đuổi phương pháp nhịn ăn gián đoạn, ăn kiêng keto và paleo. Họ có lẽ có một câu trả lời khá khác biệt đối với câu hỏi liệu vòng tay theo dõi sức khỏe có thực sự hoạt động hay không.
Đốt cháy nhiều calories hơn lượng bạn nạp vào sẽ dẫn đến giảm cân. Tuy nhiên, phần lớn thời gian, chúng ta không biết bao nhiêu calories đang thực sự được đốt cháy.
Smartwatch và những người đi theo phương pháp đo lượng calories dựa vào một con số gọi là Tỷ lệ Trao đổi chất Tích cực (AMR) để thực hiện các phép tính của mình. Đây là số calories bạn đốt cháy trong một ngày hoạt động bình thường. Để có được số AMR, bạn cần tính toán Tỷ lệ Trao đổi chất Cơ bản (BMR) - số calories đòi hỏi để thở và suy nghĩ, cùng bất kỳ hoạt động nào đang được thực hiện cùng lúc đó.
Để đo được BMR và từ đó suy ra AMR, bạn nhập vào chiều cao, cân nặng và giới tính. Vì sao lại cần những thông tin này? Vì người cao hơn sẽ đòi hỏi nhiều năng lượng hơn để thực hiện các hành động thường ngày - đó là lý do vì sao những anh chàng to con thường ăn nhiều hơn. Đàn ông và phụ nữ còn đốt cháy lượng calories khác nhau: phụ nữ thường cần ít thức ăn hơn một chút mỗi ngày.
Còn một thứ khác có thể bạn đã bỏ sót: khối lượng cơ bắp.
Cơ bắp là một thứ trao đổi chất chủ động - tức nó đòi hỏi năng lượng để duy trì và sử dụng. Một người nặng 75kg và cơ bắp lực lưỡng sẽ đốt nhiều calories hơn một người nặng 75kg nhưng chẳng có tí cơ bắp nào.
Có một số cách để giải quyết điều này. Bạn có thể tính toán BMR bằng khối lượng cơ nạc - một chỉ số hữu dụng hơn rất nhiều để xác định lượng calories đã được đốt. Rất ít vòng tay theo dõi sức khỏe cho phép bạn nhập vào thông tin này. Hầu hết các loại vòng tay mà tác giả được biết đến đều không hỏi về phần trăm lượng chất béo trong cơ thể theo mặc định. Hầu hết người dùng sẽ hiểu tại sao đây lại là một vấn đề.
Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như vậy. Lượng calories đốt cháy của từng người khác nhau không chỉ phụ thuộc vào khối lượng cơ thể và khối lượng cơ. Hai người có cùng khối lượng và chiều cao nhiều khả năng sẽ không đốt cháy cùng một số calories.
Cân bằng hóc-môn cũng đóng vai trò quan trọng. Nếu bạn có mức testosterone cao hơn, bạn sẽ đốt cháy nhiều calories hơn và phát triển nhiều cơ bắp hơn. Hóc-môn tuyến giáp, mức độ cortisol, insulin và nhiều thứ khác đều có vai trò quan trọng.
Bạn không tin rằng các hóc-môn đó có thể khiến thể chất của bạn có sự khác biệt lớn ư? Hãy nhìn vào ai đó sử dụng steroids. Họ sẽ có những chỉ số giống bất kỳ ai khác trên vòng tay theo dõi sức khỏe, nhưng họ trông rất khác biệt.
Ở đây không khuyến khích bạn sử dụng steroids. Nhưng, trong khi bạn có lẽ không có mức độ testosterone cao ngất ngưởng như những người sử dụng steroids, một chỉ số hơi cao hơn hay thấp hơn cũng sẽ có một tác động nhỏ lên việc giảm cân của bạn.
Tương tự, nhiều phụ nữ bắt đầu sử dụng các liệu pháp tránh thai thông qua uống thuốc sẽ phát hiện ra rằng họ có thể tăng hoặc giảm cân.
Nhiều tình trạng sức khỏe như suy tuyến giáp có thể làm thay đổi đáng kể cách thức cơ thể bạn sử dụng năng lượng từ thức ăn. Bạn có thể không mắc bệnh suy tuyến giáp, nhưng nếu bạn không thể giảm cân dù những chỉ số lại cho thấy điều ngược lại, cơ chế trao đổi chất của bạn có lẽ chậm hơn so với thông thường.;
Nhiều yếu tố khác có thể làm ảnh hưởng đến BMR, như vi khuẩn đường ruột. Ruột của chúng ta có rất nhiều vi khuẩn "thân thiện", đóng vai trò rất quan trọng đến sức khỏe của cơ thể. Những sinh vật này giúp chúng ta sản xuất hóc-môn và chất dẫn truyền thần kinh, hỗ trợ quá trình tiêu hóa và chống lại các vi khuẩn xấu. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc...cấy ghép phân (bạn không đọc nhầm đâu) có thể dẫn đến kết quả là giảm hoặc tăng cân nhanh chóng vì sự thay đổi tăng/giảm của vi khuẩn.
Nếu chúng ta có thể tính chính xác lượng calories nạp và đốt, chúng ta sẽ có thể dự đoán chính xác hơn sự sụt hoặc tăng cân. Tuy nhiên, phương thức tính toán lượng calories được đốt hiện tại vẫn còn khá sơ khai, và kết quả có lẽ gây hiểu nhầm nhiều hơn là hữu ích. Vậy thì với những con số như vậy, làm sao các vòng tay theo dõi sức khỏe có thể hoạt động chính xác được?
Có lẽ nên "xếp xó" vòng tay theo dõi sức khỏe thôi?
Đối với phần lớn mọi người, các kết quả đo calories đủ chính xác để dùng. Giới hạn calories là bước hữu hiệu đầu tiên để bắt đầu giảm cân, và chỉ khi nó không có tác dụng, bạn mới cần xem xét các lựa chọn khác để cải thiện cơ chế trao đổi chất và sức khỏe tổng quát.
Đôi khi, chỉ sử dụng một chỉ số duy nhất để theo dõi tình trạng sức khỏe có thể vẫn hiệu quả, dù cho nó không hoàn toàn chính xác hay không vẽ nên được bức tranh toàn cảnh. Nếu vòng tay theo dõi sức khỏe hoạt động đối với bạn, thì bạn chẳng việc gì phải ngừng sử dụng nó cả. Sự thực là có rất nhiều người đã giảm cân thành công nhờ sử dụng các loại vòng này.
Vòng tay theo dõi sức khỏe là những thiết bị cực kỳ hữu dụng cho phép chúng ta có thể theo dõi các hoạt động thông thường một cách đơn giản và xác định được những hoạt động cần cố gắng hơn. Chúng giúp nhắc nhở chúng ta không nên phá vỡ chuỗi hoạt động, như nghỉ tập gym một ngày, hoặc nạp thật nhiều đồ ăn có mức calories cao chỉ để thỏa mãn bản thân.
Tất nhiên, vòng tay theo dõi sức khỏe còn làm được nhiều thứ khác ngoài đếm calories và đếm bước chân - chúng có thể hữu dụng trong tập luyện nhịp tim, theo dõi giấc ngủ, giúp bạn thiền, và hơn thế nữa. Các thiết bị trong tương lai sẽ làm được nhiều hơn và có thể đưa ra lời khuyên về lối sống, hay quan sát các biến động nhịp tim để ước lượng thời gian hồi phục... Dù chỉ đơn giản là khiến chúng ta quan tâm hơn đến nhiều khía cạnh của sức khỏe, các vòng tay theo dõi sức khỏe thực sự có thể giúp cải thiện cuộc sống của người đeo nó.
Hãy hiểu những giới hạn của các thiết bị này. Đừng xem kết quả mà chúng mang lại một cách quá nghiêm túc. Có nhiều thứ diễn ra trong cơ thể mà chúng ta không thể đo đạc, hay thậm chí là hiểu hết được. Việc tự hỏi liệu vòng tay theo dõi sức khỏe có hữu dụng không có thể đơn giản, nhưng cơ thể chúng ta thì không.
Minh.T.T