"Bộ mặt" khác của Sony mà bạn không biết, Walter White của ngành công nghiệp quy mô hơn 20 tỷ USD

Hiện diện trong mọi phân khúc từ sản xuất, phân phối cho tới âm nhạc hay hàng hóa, sự bành trướng quá đỗi khủng khiếp của đế chế anime Sony khiến không ít người trong ngành lo lắng. Thậm chí, chính đối tác của họ còn phải e ngại khi hợp tác làm ăn, theo bài viết chuyên sâu của tạp chí doanh nghiệp Toyo Keizai.
Giống như những lo lắng ở phương Tây, ngành công nghiệp anime Nhật Bản không thể nào bàng quang trước đế chế anime hùng mạnh này. Họ có nguồn lực khổng lồ cho phép đảm nhận từ bước lập kế hoạch, sản xuất, phân phối cho tới cả bán hàng. Bao trùm nhiều hoạt động và vươn vòi bạch tuộc thâu tóm lợi nhuận từ anime.
“Công ty nào là tâm bão trong ngành công nghiệp anime Nhật Bản?” Nếu được hỏi câu hỏi đó, nhiều người trong ngành có thể trả lời ngay là tập đoàn Sony. Nghe chẳng liên quan phải không? Bạn chắc chắn sẽ rất ngạc nhiên khi 1 công ty gắn liền với TV và đồ âm thanh, thất thế ở thị trường smartphone và phải rút lui khỏi thị trường laptop, bây giờ lại được xem là ông trùm của ngành.
Thế nhưng, nó chẳng có gì ngạc nhiên với các nhà sản xuất, đạo diễn hay giám đốc trong giới. Vì công ty bây giờ đã đạt được vị thế vô song áp đảo các hãng khác, nắm lợi thế đàm phán rất lớn làm dấy lên lo ngại độc quyền. Một Walter White trong ngành công nghiệp đem về hơn 20 tỷ USD mỗi năm cho nước Nhật.
Một ví dụ điển hình đã trở thành hình mẫu học hỏi nổi bật trong ngành anime Nhật Bản chính là Demon Slayer - hiện tượng văn hóa toàn cầu mấy năm trước. Tác phẩm anime tiêu biểu do Sony sản xuất sau khi được phát sóng đã lập tức tạo thành hiện tượng xã hội, được ví như "cơn sóng thần" quét từ Nhật Bản ra đến thế giới. Bản chiếu rạp năm 2020 của nó đạt thành công thương mại khổng lồ, khiến cả ngành phải choáng váng.
Với kinh phí gần 16 triệu USD, nó kiếm về 507 triệu USD trên toàn cầu cùng hàng loạt kỷ lục chưa từng có:
- Lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Nhật Bản có 1 phim kiếm được 40 tỷ Yên.
- Vừa là phim Nhật cũng vừa là anime đạt doanh thu cao nhất mọi thời đại, lần đầu tiên có 1 phim dẫn đầu phòng vé Nhật suốt 10 tuần liên tiếp, đạt mốc doanh thu 10 và 20 tỷ Yên nhanh nhất lịch sử.
- Phim có doanh thu cao nhất năm 2020, lần đầu tiên 1 anime lọt top 10 doanh thu toàn cầu cả năm.
- Tác phẩm đầu tiên trong lịch sử không do người Mỹ sản xuất đứng đầu doanh thu phòng vé ở năm ra mắt.
- Lần đầu tiên kể từ năm 1987, 1 phim hoạt hình không phải của Mỹ trở thành tác phẩm hoạt hình có doanh thu cao nhất trong năm.
- Vượt qua Sausage Party của Columbia Pictures để thành phim hoạt hình rated-R ăn khách nhất mọi thời.
- Anime có doanh thu bán vé cao nhất mọi thời ở Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Malaysia.
Toyo Keizai từng tiết lộ, công ty thu lợi nhiều nhất từ sự thành công của Chuyến tàu vô tận không phải ufotable hay Shueisha như nhiều người tưởng, dù họ cũng có mặt trong Ủy ban Sản xuất dự án. Cái tên đó lại là Sony.
Hoạt động kinh doanh của tập đoàn được xây dựng dựa trên 2 công ty hàng đầu trong ngành, có thể ví như 2 thanh bảo kiếm.
Đầu tiên là Aniplex, nhà sản xuất chịu trách nhiệm lập kế hoạch cho dự án anime từ khi còn là ý tưởng thai nghén. Nó được coi là 1 cỗ máy tạo hit mạnh nhất trong ngành. Công ty nắm trong tay nhiều cái tên nổi tiếng như Fullmetal Alchemist, Sword Art Online, Lycoris Recoil, Bocchi the Rock!,... Dưới trướng Aniplex còn có 2 studio A-1 Pictures và CloverWorks chuyên sản xuất anime, bên cạnh studio Lasengle phát triển tựa game di dộng Fate/Grand Order được mệnh danh là "trò chơi sinh lời cao nhất lịch sử cho Sony", đến nay doanh thu cộng dồn đã hơn 7 tỷ USD.
Cái tên còn lại là Crunchyroll, chịu trách nhiệm phân phối anime ở thị trường quốc tế cùng 1 số hoạt động liên quan khác. Dịch vụ streaming này đã có 13 triệu thành viên trả phí, sở hữu kho anime bản quyền lớn nhất hành tinh. Dưới trướng là hàng chục công ty anime khác chịu trách nhiệm phân phối, cấp phép và bán hàng. Không ít anime có trên Netflix, Amazon, Hulu là do Crunchyroll cấp phép lại. Ngay cả những phim không do Aniplex đầu tư thì công ty này cũng thâu tóm bản quyền khi nhà sản xuất trong nước muốn đưa nó ra nước ngoài.
Trả lời Toyo Keizai, nhiều giám đốc trong ngành thừa nhận tham vọng tạo ra những cú hit ăn khách tại Aniplex đạt tới quy mô chưa từng thấy ở nhà sản xuất khác. Họ ưu tiên tối ưu hóa lợi nhuận, yêu cầu cũng cao hơn các bên khác, với khả năng lập kế hoạch và bán hàng đều không thể so sánh được. Nhìn chung, làm việc với Aniplex không hề đơn giản.
Aniplex có quan hệ khăng khít với công ty bên ngoài. Ví dụ studio ufotable thực hiện Demon Slayer là đối tác thân thiết lâu năm, tham gia nhiều dự án Aniplex đầu tư. Một giám đốc của studio cho biết không ngại từ chối những đề xuất kinh doanh từ nhà sản xuất khác, trong khi lại luôn sẵn sàng gật đầu tham gia cùng ông lớn này. Đủ để thấy sức nặng trên bàn đàm phán như thế nào.
Và cũng không thể bỏ qua Sony Music Japan đứng sau Aniplex. Nhật Bản là thị trường âm nhạc lớn nhất châu Á và đứng thứ 2 trên thế giới, Sony Music Japan chính là 1 trong 2 hãng thu âm nội địa lớn nhất ở đây. Với dàn nghệ sĩ hùng hậu, họ không chỉ phụ trách phần âm nhạc trong những dự án anime của Aniplex hòng thâu tóm phần doanh thu từ âm nhạc, mà còn "kiếm chác" không ít từ nhiều dự án bên ngoài.
Điển hình chính là thành công thương mại năm vừa qua của đĩa đơn Idol do Yoasobi thể hiện, dù Oshi no Ko không có Aniplex đầu tư. Khi Sony Pictures phát hành Spider-Man: Across the Spider-Verse ở Nhật, họ đã "chiếm" phần thể hiện ca khúc chủ đề bằng cách giao cho ca sĩ LiSA hát, tận dụng sức nóng từ bộ phim hòng quảng bá cho nghệ sĩ của mình.
Đồng thời, Sony Music Japan còn đưa MV, live concert và những bài hát của mình lên Crunchyroll để tiếp cận người nghe quốc tế. Khai thác triệt để mọi nguồn thu.
Không ít người cảm thấy e ngại trước sức mạnh bá quyền đó. Ông lớn xuất bản Shueisha có mặt trong dự án Demon Slayer và cũng là đối tác lâu năm của Sony ở lĩnh vực sản xuất anime, nhưng cũng cố đa dạng kênh phân phối chứ không muốn bị lệ thuộc. Công ty thành lập REMOW chuyên về phân phối năm 2021 cùng 1 số nhà đầu tư nhỏ khác, vài giám đốc Shueisha giữ chức vụ trong hội đồng. Song, chẳng có ai thuộc tập đoàn Sony. Câu trả lời rất đơn giản, "Sony quá mạnh. Vị thế độc quyền đó thực sự đáng sợ" - 1 giám đốc nói.
Nobuhiro Osawa, CEO tại công ty sản xuất anime EGG FIRM, tiết lộ 1 sự thật trong ngành: "Các công ty tham gia Ủy ban Sản xuất được chia thành 2 phần: Aniplex và phần còn lại." Bản thân EGG FIRM cũng tham gia 1 số dự án của Aniplex nên họ càng hiểu rõ. Sony giờ phần nào giống với nhân vật Walter White trong bộ phim truyền hình Breaking Bad do Sony Pictures Television sản xuất. Họ nắm trong tay bộ máy kiếm tiền hiệu quả hàng đầu giống như công thức "đá xanh," lại có tham vọng khổng lồ muốn thâu tóm tất cả. Nỗi lo độc quyền hay sự e ngại của nhiều người cũng tương tự cảm giác đề phòng khi phải đối diện với thầy "Bạch."

>>>
 
  • IR 2024 8.png
    IR 2024 8.png
    488.5 KB · Lượt xem: 33


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

Gợi ý cộng đồng

Top