“Đại dịch” cuộc gọi rác: nhà mạng nói nhiều, làm chiếu lệ

Cần phải nhìn nhận một thực tế rằng, đại nạn tin nhắn rác và cuộc gọi rác mà đặt biệt là telesale (cuộc gọi quảng cáo, cuộc gọi bán hàng) đã xảy ra và hoành hành người dân trong nhiều năm trở lại đây, nhưng đến giờ việc ngăn chặn vẫn theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”.

Tin nhắn khảo sát cuộc gọi rác từ nhà mạng “5 thì 10 họa”

Gần đây, nhiều thuê bao điện thoại nhận được tin nhắn có nội dung “Bộ Thông tin và Truyền thông trân trọng đề nghị người dân cùng chung tay, góp sức với doanh nghiệp viễn thông nhằm ngăn chặn cuộc gọi rác…” Cụ thể, người dân khi nhận được tin nhắn khảo sát của doanh nghiệp (được gửi tới ngay sau các cuộc gọi có dấu hiệu nghi ngờ là cuộc gọi rác) hãy chủ động phản hồi (chọn phương án trả lời tương ứng với kết quả “Có” hoặc “không” trên tin khảo sát.
“Đại dịch” cuộc gọi rác: nhà mạng nói nhiều, làm chiếu lệ
Tuy nhiên lại có một thực tế là, tình trạng cuộc gọi rác đã quay trở lại một cách rầm rộ, đặc biệt là sau khi tình hình dịch bệnh COVID-19 lắng xuống và các hoạt động trong nền kinh tế từng bước phục hồi, các loại hình dịch vụ đã mở lại hoàn toàn, cuộc gọi rác lại càng gia tăng. Cụ thể, các cuộc gọi rác về rao bán, mời mọc mua căn hộ, condotel, đất nền, bảo hiểm, kỳ nghỉ dưỡng, đầu tư chứng khoán quốc tế… hiện đã trở lại nhộn nhịp như thời điểm trước dịch. Cuộc gọi rác gia tăng trở lại là thế, thậm chí dồn dập, đặc biệt là các cuộc gọi telesale bán căn hộ, đất nền, condotel, nhưng số tin nhắn khảo sát nhận được từ nhà mạng thì lại “5 thì 10 họa”. Người viết bài này, sử dụng số thuê bao đầu 091, mỗi ngày chí ít nhận trên dưới 5 cuộc gọi rác, ngày nhiều lên đến cả chục cuộc từ các số thuê bao của các nhà mạng khác nhau, nhưng tỉ lệ nhận được tin nhắn gửi từ nhà mạng khảo sát về cuộc gọi rác có tỉ lệ gần như là 0%. Thi thoảng, tin nhắn khảo sát được gửi từ hệ thống của Viettel, trong khi các nhà mạng khác hầu như không thấy. Chị Tuyết Mai sử dụng 2 số thuê bao di động đầu 090 và 089 cho biết: “Dường như chẳng thấy tin nhắn khảo sát nào được gởi tới cho dù cuộc gọi rác thì thường xuyên gọi đến quấy nhiễu mỗi ngày”. Đã thế, nhà mạng cũng chẳng có cơ chế, phương tiện hay công cụ kỹ thuật để người dùng phản ánh thuê bao phát tán cuộc gọi rác quấy nhiễu họ. Khách hàng muốn báo cáo về thuê bao phát tán cuộc gọi rác thì phải gọi điện đến tổng đài, nhưng thường lại bị chuyển lòng vòng, rồi phải đợi, có khi đợi hoài mà không có người tiếp máy để tiếp nhận vấn đề. Cứ thế, khách hàng nản, chẳng còn muốn gọi đến tổng đài của nhà mạng nữa. Trong khi đó, nhiều trường hợp người dùng đã đăng ký vào “danh sách không quảng cáo” (DNC) của Cục An toàn thông tin song vẫn bị các cuộc gọi rác telesale “dội bom” hàng ngày. Cho nên trên thực tế, người dùng di động hiện nay không có vùng an toàn trước đại dịch cuộc gọi rác. Hay nói đúng hơn, họ gần như không được bảo vệ, chí ít là từ các nhà mạng trước đại dịch cuộc gọi rác hoành hành.

Khi nào nhà mạng mới chịu trách nhiệm tới nơi tới chốn?

Mấy ngày qua, khi dư luận và đặc biệt là giới truyền thông lại xới lên vấn nạn cuộc gọi rác, một số nhà mạng mới thỉnh thoảng thực hiện việc gửi tin nhắn khảo sát đến cho người dùng. Điều này cho thấy, việc gửi tin nhắn khảo sát về thuê bao phát tán cuộc gọi rác lâu nay từ nhà mạng thực hiện theo cách đầy chiếu lệ, khi dư luận lắng xuống thì dường như cũng buông xuôi. Cũng cho thấy rằng, cách làm đó như một sự đối phó với dư luận và cơ quan quản lý, còn sau đó đâu lại vào đó. Dư luận từ lâu nghi ngờ rằng, nhà mạng không thực sự quyết tâm sàn lọc để xử lý các thuê bao phát tán cuộc gọi rác bởi khi số thuê bao giảm cũng chính là một sự xung đột với lợi ích cục bộ và ảnh hưởng đến “nồi cơm” của nhà mạng. Cần khẳng định rằng, bản chất vấn đề của sự ì ạch hay tắc trách trong việc ngăn chặn cuộc gọi rác và xử lý thuê bao rác đang nằm ở nhà mạng chứ không phải khâu nào khác. Nhà mạng kiểm soát chặt, tình trạng này sẽ giảm. Còn khi nhà mạng nói nhiều làm ít trong việc ngăn chặn này, thì cho dù đã đăng ký vào danh sách không quảng cáo (DNC) nhưng nhiều thuê bao vẫn không thoát được vấn nạn bị cuộc gọi rác quấy nhiễu, gây phiền. Đó chính là trách nhiệm của các nhà mạng. Song thẳng thắn mà nói, nhà mạng chưa chịu trách nhiệm về đại dịch cuộc gọi rác tới nơi tới chốn, trong khi cơ quan quản lý cũng không thường xuyên sát sao tình hình, dẫn đến tình trạng các chiến dịch ngăn chặn, xử lý tình trạng cuộc gọi rác trở thành “đầu voi đuôi chuột”, hiệu quả rất thấp, từ đó người dùng di động cứ hết lần này tới lần khác bức xúc vì bị quấy nhiễu. Dạ Thảo
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Theo tôi mọi người cứ mạnh dạn cúp máy, không tương tác nếu gặp phải các trường hợp nêu trên, kết hợp phản hồi qua đầu số 5656 thì dần sẽ hạn chế cuộc gọi rác.
 
Top