Epic Games để lại vết nứt lớn trong khu vườn đóng của Apple

T
Thanh Phong
Phản hồi: 0

TienCM

Pearl
Phán quyết của thẩm phán đã tạo ra những thay đổi lớn với kho ứng dụng App Store nhưng cuộc chiến giữa Epic Games và Apple vẫn chưa kết thúc.
Vào thứ Sáu vừa qua, sau cuộc chiến pháp lý gây tranh cãi về sức mạnh độc quyền của Apple với hệ sinh thái iOS, thẩm phán tòa án California đã cắt đứt sợi dây giằng co giữa Apple và Epic Games. Cả hai bên đều dành được một số chiến thắng. Epic Games phải trả 3,5 triệu USD cho Apple do vi phạm các thỏa thuận dành cho nhà phát triển với việc phá vỡ cơ chế xử lý thanh toán trên kho ứng dụng App Store. Còn Apple phải thay đổi các quy định của App Store cho phép các nhà phát triển sử dụng hệ thống thanh toán khác, một đòn giáng mạnh vào sự kìm kẹp của Apple lâu nay với hệ sinh thái iOS.
Epic Games để lại vết nứt lớn trong khu vườn đóng của Apple
Mặc dù cả hai công ty rời vụ kiện kéo dài với những thành công riêng, cấu trúc của kho ứng dụng App Store của Apple có thể thay đổi mãi mãi. Chẳng bao lâu nữa, người dùng App Store có thể có nhiều cách trả tiền cho các nhà phát triển khi mua những sản phẩm số.
Thị trường game di động toàn cầu trị giá 100 tỷ USD có thể coi là mặt trận màu mỡ nhất với ngành công nghiệp game. Thị phần của Apple ở thị trường đó rất lớn, chiếm khoảng 55%, theo hồ sơ của tòa án. Phần lớn sức mạnh thị trường đó đến từ hệ sinh thái tích hợp theo chiều dọc của Apple gồm iPhone, kho ứng dụng App Store và hệ điều hành iOS.
Với các ứng dụng được Apple cho phép, người phát triển ứng dụng sẽ có một nền tảng tiếp cận đến gần một tỷ người dùng iPhone. Nhưng đổi lại, họ phải sử dụng dịch vụ xử lý thanh toán của Apple cho các giao dịch số. Apple thu 30% hoa hồng toàn bộ giá trị giao dịch mua bán trong các ứng dụng trên App Store. Đó là điều mà Epic phản đối, coi đó là "thuế độc quyền".
Khi gửi đơn kiện Apple vào tháng Tám vừa qua, Epic cho rằng “táo khuyết” đã tạo ra vị thế độc quyền vô lý và vi phạm luật chống độc quyền. Về phần mình, Apple nói việc hãng yêu cầu các nhà phát triển sử dụng hệ thống toán của mình để đảm bảo toàn và tính dễ dùng cho người dùng.
Khoản hoa hồng 30% là tiêu chuẩn nhưng không phải là bất biến. Cuối năm 2020, Apple đã ra mắt chương trình dành cho doanh nghiệp nhỏ, giảm mức chiết khấu xuống còn 15% với các nhà phát triển có doanh thu dưới 1 triệu USD trên App Store. Tuy vậy, nhiều kho ứng dụng và chợ số khác gồm cả chợ số của Epic Game đã giảm hoa hồng xuống mức 12%.
Mặc dù Epic Games xác định cuộc chiến với Apple nhằm tạo ra hệ sinh thái mở hơn và coi đó như là cuộc chiến ý thức hệ, song vị thẩm phán Yvonne Gonzalez Rogers lại có suy nghĩ khác. “Quy mô của thị trường này giải thích động cơ của Epic Games trong việc thực hiện hành động pháp lý với Apple”, vị nữ thẩm phán viết. “Sau khi thâm nhập vào các thị trường video game khác, thị trường game di động là mục tiêu tiếp theo của Epic Games và họ coi Apple là một trở ngại”.
Mặc dù có lợi nhuận cao ngất ngưởng, thẩm phán Yvonne Gonzalez Rogers nhận thấy Apple không độc quyền thị trường game di động theo luật chống độc quyền liên bang của Mỹ. Thẩm phán này chấp nhận lập luận của Apple rằng việc kiểm soát chặt chẽ kho ứng dụng App Store là cần thiết cho sự an toàn và tạo sự khác biệt của iOS so môi trường Android cởi mở hơn. “Thành công không phải là bất hợp pháp”, nữ thẩm phán nhấn mạnh và từ chối yêu cầu của Epic Games buộc Apple cho phép các kho ứng dụng khác như Epic Game Store thiết lập cửa hàng bên trong iOS.
Nhưng Apple cũng không thành công khi thẩm phán Yvonne Gonzalez Rogers chuyển phân tích của mình sang Luật Cạnh tranh Không bình đẳng của bang California. Theo quy chế đó, vị thẩm phán đã kết luận Apple phải dừng việc ngăn cấm các nhà phát triển ứng dụng giao tiếp với người dùng cả bên trong và bên ngoài ứng dụng về các phương thức thanh toán khác. Chính sách đó, theo nữ thẩm phán, bóp nghẹt sự lựa chọn của người dùng một cách bất hợp pháp bằng việc che giấu thông tin với người dùng đồng thời giúp Apple không gặp cạnh tranh về giá.
Phán quyết trên của thẩm phán cho thấy cùng hành vi được xem là phản cạnh tranh theo luật bang California nhưng lại không vi phạm luật chống độc quyền liên bang của Mỹ. Nhiều chuyên gia chống độc quyền cũng cho rằng phán quyết của thẩm phán Yvonne Gonzalez Rogers không nhất quán về mặt logic.
CEO Tim Sweeney của Epic Games cũng không đồng tình với phán quyết của thẩm phán Yvonne Gonzalez Rogers. Trong bài đăng trên Twitter, Tim Sweeney nói: “Phán quyết hôm nay không có lợi cho các nhà phát triển và cho người dùng. Epic đấu tranh cho sự cạnh tranh công bằng giữa các phương thức thanh toán và các kho ứng dụng cho hàng tỷ người dùng”. Theo trang công nghệ The Verge, Epic Games đã lên kế hoạch kháng cáo. Fortnite sẽ không có mặt trở lại trên iOS đến khi “Epic có thể cung cấp phương thức thanh toán bên trong ứng dụng để cạnh tranh công bằng với hệ thống thanh toán trong ứng dụng của Apple, nhằm tiết kiệm chi phí cho người dùng”, Tim Sweeney viết trên Twitter.
Các chuyên gia ngành công nghiệp trò chơi và chống độc quyền cho rằng phán quyết này có tác động, nhưng không đáng ngạc nhiên. Florian Ederer, phó giáo sư kinh tế tại Trường Quản lý Yale cho biết: “Đó là một cuộc chiến rất khó khăn để Epic thắng kiện”. Đồng thời, ông nói, phán quyết này được dự báo trước bởi sự giám sát ngày càng tăng của quốc tế đối với các hành vi độc quyền của Apple. Vào tháng 8, các nhà quản lý Hàn Quốc đã thông qua một dự luật buộc Apple và Google, bị đơn trong một vụ kiện khác do Epic dẫn đầu, phải cho phép các hệ thống thanh toán không phải của họ.
Vài ngày sau, Ủy ban Thương mại Công bằng của Nhật Bản đã kết thúc cuộc điều tra đối với App Store của Apple, xác định rằng Apple phải cho phép các ứng dụng như Netflix, Spotify và Amazon Kindle khuyến khích người dùng đăng ký và có khả năng thanh toán thông qua các trang web riêng của các công ty đó. Tuy nhiên, phán quyết của thẩm phán Yvonne Gonzalez Rogers có thể có tác động tài chính lớn bởi vì như vị thẩm phán này lưu ý, phần lớn các khoản thanh toán trên App Store đến từ các ứng dụng trò chơi.
Trong vòng 90 ngày, các nhà phát triển ứng dụng trên App Store có thể lách khoản hoa hồng 30% bằng cách đưa thêm các nút trong ứng dụng hoặc link liên kết đến các website chứa hệ thống thanh toán riêng. Dù cho rằng đây là thắng lợi lớn với các nhà phát triển nhưng theo phó giáo sư Florian Ederer thì lợi ích thực tế có thể không nhiều bởi khách hàng vẫn ưu tiện chọn những con đường dễ đi và sử dụng hệ thống thanh toán bên trong ứng dụng của Apple.
Nhiều hệ thống thanh toán có thể gây ra sự rối loạn, kẻ thù với các doanh nghiệp đề cao sự tinh giản như Apple. Về lâu dài, bạn sẽ thấy nhiều nhà cung cấp dịch vụ thanh toán khác nhau trên App Store. Mỗi nhà cung cấp đều cố gắng có miếng bánh thị phần. Điều đó có thể khiến những khách hàng đã quen với sự đơn giản trên App Store cảm thấy bất tiện. Với sự xuất hiện của quá nhiều hệ thống thanh toán, người dùng có thể cảm thấy thiếu sự minh bạch và niềm tin trong thị trường kỹ thuật số vốn đã không rõ ràng và phức tạp.
Bản thân Apple vẫn tỏ ra tự tin sau phán quyết vào thứ Sáu vừa qua. Người phát ngôn của Apple cho biết: “Hôm nay, tòa án đã khẳng định những gì chúng tôi đã biết từ lâu: kho ứng dụng App Store không bi phạm luật độc quyền. Apple đã đối mặt với cạnh tranh gay gắt ở mọi lĩnh vực chúng tôi tham gia và chúng tôi tin rằng khách hàng và các nhà phát triển sẽ chọn chúng tôi bởi các sản phẩm và dịch vụ của chúng tôi là tốt nhất thế giới”.
Nhưng rõ ràng phán quyết của thẩm phán Yvonne Gonzalez Rogers đã tạo ra vết nứt trong khu vườn đóng của Apple. “Nó bắt đầu có dấu hiệu rách vỡ”, Joost van Dreunen, giáo sư trường kinh doanh của Đại học New Yorks nhận xét. “Đó không phải là tổ chức nguyên sơ, không thấm nước như chúng ta nghĩ”. Và nếu phán quyết này tiếp tục được Epic Games kháng cáo thì cuộc chiến vẫn chưa kết thúc.
Theo Wired
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Thành viên mới đăng
Top