Google, Microsoft và Apple xây dựng kho dữ liệu Wi-Fi khổng lồ của người dùng toàn cầu để làm gì?

Bạn có biết Google, Microsoft và cả Apple đều có một hệ cơ sở dữ liệu khổng lồ chứa gần như toàn bộ thông tin mạng Wi-Fi trên khắp thế giới? Đúng vậy, cả thông tin của bạn cũng có trong những cơ sở dữ liệu đó. Bạn có thể làm gì đó hoặc chẳng cần quan tâm cũng được.
Google, Microsoft và Apple xây dựng kho dữ liệu Wi-Fi khổng lồ của người dùng toàn cầu để làm gì?
Ảnh: Casezy idea/Shutterstock.com

Gửi vị trí Wi-Fi lên đám mây​

Khi sử dụng “dịch vụ vị trí”, thiết bị của bạn thường sẽ gửi danh sách các mạng xung quanh cho công ty cung cấp dịch vụ như Google, Microsoft hoặc Apple. Mỗi khi bạn mở ứng dụng Apple Maps trên iPhone, hoặc cấp phép cho trình duyệt Microsoft Edge chia sẻ vị trí cho một trang web trên Windows hay cho phép một ứng dụng trên Android truy cập vào vị trí của thiết bị, thông tin chi tiết các điểm truy cập Wi-Fi sẽ được gửi đi trong quá trình xác định vị trí.

Chỉ mỗi dữ liệu GPS là chưa đủ​

Google, Microsoft và Apple xây dựng kho dữ liệu Wi-Fi khổng lồ của người dùng toàn cầu để làm gì?
Ảnh: DenPhotos/Shutterstock.com Các thiết bị không chỉ sử dụng dữ liệu GPS để xác định vị trí thực của bạn vì nó có tốc độ chậm, và một số khu vực có độ phủ sóng kém. Hơn nữa, nhiều thiết bị không được trang bị phần cứng GPS, điển hình là máy tính xách tay Windows, MacBook và cả Chromebook. Đó là lý do tính năng định vị trên các thiết bị hiện đại có tên là “dịch vụ vị trí” chứ không phải là “GPS”. Dịch vụ vị trí sử dụng nhiều cách thức khác nhau để xác định vị trí của người dùng, trong đó có cả hệ cơ sở dữ liệu Wi-Fi không lồ do các công ty như Google, Microsoft và Apple sở hữu. Nếu bạn tắt tính năng dịch vụ vị trí, thiết bị của bạn thường sẽ quay trở lại sử dụng GPS nếu có hỗ trợ. Tốc độ định vị sẽ chậm hơn nhiều khi tắt dịch vụ này.

Hệ cơ sở dữ liệu này chứa thông tin gì?​

Các thông tin được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu Wi-Fi khá là cơ bản: địa chỉ MAC của router Wi-Fi và vị trí thực tế. Một số thông tin khác cũng có thể được lưu lại như tên điểm truy cập mạng - SSID chẳng hạn. Địa chỉ MAC, hay Media Access Control, là địa chỉ định danh độc nhất trên mỗi thiết bị mạng. Thông thường, người dùng có thể đổi địa chỉ MAC thông qua giao diện quản lý thiết bị trên trình duyệt, nhưng hầu như chẳng ai làm điều này. Địa chỉ MAC sẽ có dạng “a1:2b:c3:4d:56:78”. Địa chỉ MAC là thông tin định danh thiết bị truy cập mạng có tính định danh cao hơn so với tên điểm truy cập Wi-Fi. Ví dụ, bạn có thể bắt gặp nhiều mạng Wi-Fi có tên giống nhau. Nhưng địa chỉ MAC của mỗi router Wi-Fi gần như là duy nhất. Quan trọng hơn là địa chỉ này gắn với một vị trí địa lý trong cơ sở dữ liệu của các công ty nói trên. Google, Microsoft và Apple cam kết rằng cơ sở dữ liệu của họ chỉ lưu trữ thông tin điểm truy cập Wi-Fi và không thu thập thông tin về hoạt động mạng của người dùng.

Những cơ sở dữ liệu này được sử dụng như thế nào?​

Cơ sở dữ liệu này sẽ xác định vị trí của người dùng bằng cách lập lưới tam giác. Nguyên lý hoạt động khá là đơn giản. Khi cần xác định vị trí, điện thoại thông minh, máy tính xách tay hoặc máy tính bảng sẽ quét các điểm truy cập Wi-Fi khả dụng xung quanh. Sau đó nó sẽ gửi danh sách này kèm địa chỉ MAC và cường độ sóng đến hệ thống của nhà cung cấp dịch vụ vị trí. Cơ sở dữ liệu có hầu hết danh sách các điểm truy cập mạng trên thế giới và vị trí địa lý của chúng. Hệ thống sẽ khớp danh sách các điểm truy cập xung quanh (theo tên hoặc địa chỉ MAC) với vị trí địa lý được lưu trong cơ sở dữ liệu. Và tương tự như GPS, hệ thống sẽ sử dụng lưới tam giác để xác định chính xác vị trí của thiết bị. Vì đã có vị trí tương đối chính xác của các điểm truy cập Wi-Fi xung quanh, hệ thống sẽ kết hợp với dữ liệu cường độ tín hiệu mạng để xác định vị trí của người dùng. Ví dụ, bạn có thể bắt được sóng của điểm truy cập số 1 với cường độ tín hiệu mạnh, suy ra bạn sẽ ở gần điểm truy cập này. Nếu bạn bắt được tín hiệu của điểm truy cập số 2 với cường độ yếu hơn, có nghĩa là bạn đang ở xa điểm truy cập này. Lặp lại tương tự với các điểm truy cập còn lại trong danh sách, hệ thống có thể xác định vị trí tương đối của người dùng. Quá trình truy xuất dữ liệu này thường diễn ra nhanh hơn so với việc sử dụng tín hiệu GPS để định vị. Tuy vậy, các thiết bị thường sử dụng kết hợp cả 2 phương pháp. Các thiết bị có khả năng truy cập dữ liệu di động cũng sẽ kết hợp thêm phương pháp thứ 3 này vào quá trình định vị bằng cách lập lưới tam giác các trạm thu phát sóng di động xung quanh.

Dữ liệu Wi-Fi được thu thập từ đâu?​

Google, Microsoft và Apple xây dựng kho dữ liệu Wi-Fi khổng lồ của người dùng toàn cầu để làm gì?
Ảnh: Gorodenkoff/Shutterstock.com Vậy hệ cơ sở dữ liệu khổng lồ này được thu thập từ đâu? Ai là người đã đăng tải chúng? Thật ra đó chính là bạn và tất cả người dùng dịch vụ vị trí. Hệ cơ sở dữ liệu này được chính cộng đồng người dùng cập nhật. Trong quá trình truy xuất dữ liệu ở trên, thiết bị của bạn cũng đã gửi dữ liệu các điểm truy cập Wi-Fi xung quanh cho nhà cung cấp dịch vụ. Giả sử hệ thống không tìm thấy dữ liệu nào trùng khớp với danh sách được tải lên vì trước đó chưa có người dùng iPhone sử dụng Wi-Fi tại khu vực này. Chẳng sao cả, thiết bị sẽ chờ dữ liệu từ GPS (hoặc định vị thông qua trạm di động). Giờ thì thiết bị đã xác định được vị trí, nó có thể gửi dữ liệu này về cơ sở dữ liệu của nhà cung cấp dịch vụ. Và giờ thì nhà cung cấp dịch đã biết được các điểm truy cập Wi-Fi này nằm ở đâu. Quá trình này diễn ra mọi lúc người dùng truy cập dịch vụ vị trí. Sử dụng dịch vụ vị trí là một quá trình 2 chiều, thiết bị sẽ gửi dữ liệu GPS ngược lại cho hệ cơ sở dữ liệu kèm với thông tin chi tiết các điểm truy cập Wi-Fi. Thông qua đó, hệ cơ sở dữ liệu sẽ luôn được cập nhật và cho kết quả chính xác hơn. Trong thời kỳ đầu, các công ty sử dụng những phương pháp khác để gây dựng cơ sở dữ liệu. Ví dụ như Google sử dụng các xe Street View để thu thập cả dữ liệu Wi-Fi xung quanh nó. Hiện nay, khi lượng người dùng các thiết bị cá nhân tăng lên và được mang đi khắp mọi nơi thì những phương pháp kia không còn cần thiết nữa.

Làm thế nào để xoá dữ liệu của bạn (nếu bạn muốn)​

Bạn có thể xoá dữ liệu của mình bằng nhiều cách. Đầu tiên, bạn có thể vô hiệu hoá dịch vụ vị trí trên thiết bị của mình và thiết bị sẽ ngừng sử dụng cơ sở dữ liệu Wi-Fi cũng như không tải thêm dữ liệu lên. Thiết bị sẽ chuyển sang sử dụng định vị GPS hoặc thông qua dữ liệu di động nếu được hỗ trợ. Khuyến cáo: Vô hiệu hoá dịch vụ vị trí sẽ khiến tốc độ định vị chậm hơn và đồng nghĩa với việc các thiết bị chỉ hỗ trợ kết nối Wi-Fi không thể định vị được nữa. Bạn cũng có thể gửi yêu cầu các công ty xoá thông tin mạng Wi-Fi của bạn khỏi cơ sở dữ liệu. Bạn có thể thực hiện theo những cách sau: - Google cho biết bạn có thể thêm hậu tố “_nomap” đằng sau tên điểm truy cập. Bạn sẽ cần đổi tên Wi-Fi lại, từ “VnReview” thành “VnReview_nomap” để xoá thông tin khỏi cơ sở dữ liệu. - Microsoft cho phép bạn đăng ký địa chỉ MAC trên trang web của công ty. Những địa chỉ MAC đã đăng ký sẽ được đưa vào danh sách đen của cơ sở dữ liệu. - Apple không cung cấp hướng dẫn xoá dữ liệu khỏi cơ sở dữ liệu trong chính sách quyền riêng tư của dịch vụ này. Ngoài ra, cũng có những công ty khác xây dựng hệ cơ sở dữ liệu tương tự.

Có những vấn đề quyền riêng tư khác đáng lo hơn!​

Với những ai yêu công nghệ và thích tìm hiểu về nó, bài viết này có thể giúp bạn hiểu hơn về cách thức dịch vụ vị trí hoạt động, tuy nhiên, phải khẳng định rằng bạn không cần qua lo lắng về cơ sở dữ liệu này. Những cơ sở dữ liệu này lưu lại rất ít thông tin và không có thông tin định danh cá nhân. Những thông tin này có thể thu thập vì các thiết bị mạng luôn cung cấp địa chỉ MAC kèm tên điểm truy cập cho mọi thiết bị có thể thu sóng Wi-Fi xung quanh. Không có dữ liệu có thể dùng để định danh người dùng. Dù vậy, quyền riêng tư vẫn là một vấn đề cần được quan tâm và có những vấn đề khác lớn hơn. Ví dụ, nếu bạn có nhà riêng, tên và địa chỉ của bạn có thể xuất hiện trong một số cơ sở dữ liệu công khai như cơ sở dữ liệu công khai của chính quyền địa phương, hoặc trên những trang web cung cấp dịch vụ tìm người. Khi bạn truy cập mạng, bạn luôn bị các dịch vụ quảng cáo theo dõi. Ngay cả khi không truy cập mạng, nếu bạn mua hàng với thẻ tín dụng hay các chương trình khách hàng thân thiết, các giao dịch cũng được lưu lại để phục vụ quảng cáo. Đó chỉ mới là phần nổi của tảng băng. Vì thế, bạn không cần quá lo lắng về dữ liệu Wi-Fi. Ngay cả khi bạn là người chú trọng bảo vệ quyền riêng tư của bản thân, thì những dữ liệu này có lẽ luôn ở cuối danh sách ưu tiên bảo vệ. Bạn có thể sử dụng các dịch vụ VPN để bảo vệ quyền riêng tư của mình. Nhưng lưu ý rằng đây chỉ là một trong nhiều điều bạn có thể làm, chứ không phải là giải pháp “toàn năng”. Theo How To Geek
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top