thumbnail - Kaspersky trở thành công ty Nga đầu tiên bị Mỹ đưa vào "danh sách thực thể" đe doạ an ninh quốc gia
Đăng Khoa
Hà Nội

Kaspersky trở thành công ty Nga đầu tiên bị Mỹ đưa vào "danh sách thực thể" đe doạ an ninh quốc gia

Mới đây, Mỹ đã liệt hãng bảo mật Kaspersky vào "danh sách thực thể" với lý do đe doạ an ninh quốc gia. Đây là lân đầu tiên một công ty của Nga bị Mỹ đưa vào danh sách này, vốn lập ra để hạn chế ảnh hưởng của các công ty viễn thông Trung Quốc.

Bên cạnh Kaspersky, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) cũng đã thêm hai công ty Trung Quốc là China Telecom (Americas) và China Mobile International USA vào danh sách. Một khi có tên trong danh sách này, các công ty sẽ không thể bán thiết bị hay dịch vụ của mình cho chính phủ liên bang.

Kaspersky trở thành công ty Nga đầu tiên bị Mỹ đưa vào "danh sách thực thể" đe doạ an ninh quốc gia 

Đây được xem là động thái mới nhất của FCC trong nỗ lực “củng cố mạng lưới truyền thông Mỹ chống lại các mối đe dọa an ninh quốc gia”, theo Jessica Rosenwworcel, chủ tịch cơ quan, tuyên bố trong một thông cáo báo chí. Trước đó, bà đã lên tiếng cảnh báo về các cuộc tấn công mạng có thể xảy ra sau khi Nga mở chiến dịch quân sự vào Ukraine.

Kaspersky là nhà cung cấp phần mềm chống virus nổi tiếng thế giới và từng thực hiện nhiều điều tra vào các vụ xâm nhập mạng cấp quốc gia. Trên website của mình, Kaspersky tự xưng là công ty an ninh mạng thuộc sở hữu tư nhân lớn nhất thế giới. Hãng cho biết hiện đang bảo vệ hơn 400 triệu người dùng và 240.000 công ty toàn cầu.

Trước động thái của FCC, Kaspersky bày tỏ sự “thất vọng” và gọi đây là “phản ứng đối với tình hình địa chính trị hơn là đánh giá toàn diện về tính toàn vẹn của các sản phẩm và dịch vụ của Kaspersky”.

Năm 2017, chính phủ Mỹ đã cấm sử dụng phần mềm Kaspersky trong các hệ thống thông tin liên bang, với lý do lo ngại về quan hệ giữa công ty bảo mật có trụ sở tại Moscow với chính phủ Nga và có thể đóng vai trò làm gián điệp.

Một quan chức Nhà Trắng khi đó cho biết, việc sử dụng phần mềm Kaspersky trong mạng lưới truyền thông của Mỹ là “rủi ro không thể chấp nhận được” chủ yếu là do luật pháp Nga yêu cầu công ty phải hợp tác với cơ quan gián điệp tình báo FSB của nước này.

Trong thông báo hôm 25/3, FCC cũng trích dẫn lại động thái năm 2017, nói rằng việc sử dụng phần mềm bảo mật Nga “gây ra rủi ro không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc gia Mỹ”.

FCC đã tăng cường tập trung vào lĩnh vực viễn thông của Nga kể từ khi Nga tiến quân vào Ukraine. Hôm 25/2, Rosenworcel đề xuất một cuộc điều tra về các lỗ hổng của hệ thống định tuyến toàn cầu Internet, do các mối đe dọa mạng bắt nguồn từ chiến dịch.

Kaspersky trở thành công ty Nga đầu tiên bị Mỹ đưa vào "danh sách thực thể" đe doạ an ninh quốc gia 

Đến ngày 16/3, Rosenworcel cho biết cơ quan này đã hoàn tất xem xét các lợi ích của Nga trong mạng Internet Mỹ, đồng thời chia sẻ những phát hiện với các quan chức an ninh quốc gia. Song, Rosenworcel từ chối cung cấp thông tin chi tiết.

Để đưa ra bản điều chỉnh mới cho danh sách đen, FCC đã dựa trên kết quả của Bộ An ninh Nội địa Mỹ và Ủy ban Đánh giá sự tham gia của người nước ngoài vào Ngành Dịch vụ Viễn thông Hoa Kỳ.

Bộ An ninh Nội địa năm 2017 đã trích dẫn “rủi ro rằng chính phủ Nga, dù hành động đơn lẻ hay phối hợp với Kaspersky, có thể lợi dụng quyền truy cập do các sản phẩm của Kaspersky cung cấp để xâm phạm hệ thống thông tin liên bang”.

Kaspersky vào thời điểm đó đã phủ nhận “không có mối liên hệ với bất kỳ chính phủ nào” và chỉ trích quyết định của Mỹ là “dựa trên những cáo buộc sai lầm và giả định không chính xác, bao gồm cả tuyên bố về tác động của các quy định và chính sách của Nga”.

Năm ngoái, FCC đã liệt 5 công ty Trung Quốc vào danh sách hạn chế, bao gồm Huawei, ZTE, Hytera, Hikvision và Zhejiang Dahua Technology. Các công ty Trung Quốc có tên trong danh sách hôm 25/3 trước đó đã bị FCC cấm hoạt động ở thị trường Mỹ. Trong một cuộc bỏ phiếu vào tháng 10 năm ngoái, FCC đã viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia của chính quyền Trump để rút giấy phép hoạt động của công ty viễn thông China Telecom. Đồng thời, cơ quan này còn từ chối gói thầu cung cấp dịch vụ điện thoại của China Mobile.

Nguồn: Bloomberg

Chủ đề liên quan

Chủ đề khác