Lý do bạn không nên tiếc tiền khi mua nguồn máy tính

H
Hùng Lê
Phản hồi: 0
Thiết lập một chiếc PC chơi game tùy biến là một công việc vừa thú vị vừa nghiêm ngặt. Trước tiên, bạn phải nghiên cứu các thành phần, bao gồm vỏ ngoài, bo mạch chủ, CPU, GPU, bộ nhớ, bộ lưu trữ, thiết bị ngoại vi, bộ tản nhiệt và bộ cấp nguồn (PSU). Từng bộ phận riêng lẻ này được kết hợp và lắp ráp với nhau để tạo thành một cỗ máy do chính tay bạn lựa chọn. Nhiều người đám mê lắp ráp PC có thể dễ dàng tìm hiểu mọi sự kết hợp tiềm năng khác nhau giữa các bộ phận, đặc biệt là khi thực hiện lắp đặt một chiếc máy tính tối ưu về chi phí bằng cách kết hợp một loạt các bộ phận khác nhau trong một lần mua sắm.
Lý do bạn không nên tiếc tiền khi mua nguồn máy tính
Tuy nhiên, khi mua 1 chiếc PC mới hoặc nâng cấp chiếc PC hiện có, một số bộ phận bạn chọn cần phải bền bỉ hơn những thành phần khác. Cụ thể, bạn nên đầu tư vào một bộ nguồn điện (PSU) chất lượng cao thay vì một lựa chọn giá rẻ. Một bộ nguồn điện chắc chắn, được xây dựng tốt có thể không làm cho những tựa game và phần mềm chạy nhanh hơn, nhưng bạn có thể yên tâm rằng nó sẽ không khiến bạn mất toàn bộ, hạn chế khả năng gây ra lỗi hệ thống, cháy các linh kiện đắt tiền hoặc thậm chí là giảm nguy cơ gây ra hỏa hoạn trong một số trường hợp nhất định. Khi chấp nhận bỏ ra 600 USD – 1500 USD hoặc thậm chí hơn cho một chiếc máy tính mới, chắc chắn, bạn sẽ muốn bảo vệ khoản đầu tư của mình một cách cẩn thận nhất có thể. Đó là lý do tại sao bạn không nên mua một bộ nguồn giá rẻ.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro khi sử dụng các bộ nguồn giá rẻ​

Lý do bạn không nên tiếc tiền khi mua nguồn máy tính
Các bộ nguồn giá rẻ thường sẽ đi kèm với những thành phần và vật liệu chất lượng thấp. Bản thân chúng có thể gây ra các đột biến điện áp không mong muốn và không nhất quán. Chúng cũng có thể có hệ thống làm mát và phân tán nhiệt kém, không đủ khả năng chịu tải cao. Những câu chuyện kinh dị xuất hiện rất nhiều trên các trang web như Reddit và Tom's Hardware. Tại đây, người dùng liên tục cảnh báo những người khác tránh các bộ nguồn kém chất lượng.
The Register đã ghi nhận một câu chuyện kinh dị về việc một chiếc máy tính bốc cháy vào tháng 11/2012, khiến một thiếu niên 15 tuổi bị thương trong lúc làm bài tập về nhà trên chiếc PC. Khi tìm hiểu nguyên nhân, bộ nguồn chính là thủ phạm chính đứng sau sự việc này. Đó chính là một dấu hiệu cảnh báo cho bất kỳ ai đang có ý định lắp đặt PC.
Trên thực tế, các bộ nguồn phát nổ vẫn là một vấn đề nổi cộm cho đến ngày nay và thậm chí chúng có thể được bán tại nhiều nhà bán lẻ đáng tin cậy. Gần đây nhất, vào tháng 08/2021, Newegg đã bán một loạt bộ nguồn bị lỗi đi kèm theo một số GPU nhất định.

Những thương hiệu nguồn nào có thể tin tưởng?​

Lý do bạn không nên tiếc tiền khi mua nguồn máy tính
Không có cách nào để chắc chắn 100% rằng bộ nguồn của bạn không gặp trục trặc. Luôn có khả năng các thành phần PC bị hỏng trước khi đến tay bạn, và một số thành phần, kể cả bộ nguồn, thậm chí có thể bị hỏng do xử lý không an toàn trong quá trình lắp đặt. Điều đó cho thấy rằng số tiền bạn dự định chi ra là điều đặc biệt quan trọng. Nói đúng hơn, câu “tiền nào của nấy” cũng áp dụng cho các bộ nguồn. Mua sắm một bộ nguồn hiện đại chất lượng cao, giá cả phải chăng sẽ mang đến cho bạn một sự tin cậy cần thiết, miễn là bạn tuân thủ một số quy tắc nghiêm ngặt. Để tham khảo nhanh, bạn có thể chọn những bộ nguồn an toàn nhất từ các thương hiệu Gigabyte, Corsair, Seasonic, EVGA, Antec và Rosewill. Dẫu thế, chỉ bám theo mỗi thương hiệu thôi là chưa đủ.
Mức giá của bộ nguồn thường tương ứng với công suất cũng như một số yếu tố khác. Trong bất kỳ hệ thống hiện đại nào, tốt nhất là bạn nên bắt đầu ở mức tối thiểu là 450W, và sau đó tăng lên theo nhu cầu của mình. Với tư duy đó, nếu đang xây dựng một cỗ máy chơi game với một CPU và GPU ngốn điện cũng như một vài quạt làm mát để tăng sức mạnh, bạn cần tăng mức cơ bản của mình lên khoảng 750W hoặc hơn.

Cách xác định chi phí cho một bộ nguồn chất lượng cao​

Lý do bạn không nên tiếc tiền khi mua nguồn máy tính
Các bộ nguồn hiện đại và an toàn thường có chứng nhận 80 PLUS, hay còn được biết đến là 80+. Đó là một xếp hạng hiệu quả phổ quát nhằm cho bạn biết PSU của bạn hoạt động tốt như thế nào dưới các mức điện tải nhất định so với công suất được quảng cáo, nhưng nó không phải là tuyệt đối. Những PSU phát nổ đã đề cập trước đó cũng có chứng nhận 80+ Gold. Điều này cho thấy thực tế rằng ngay cả tiêu chuẩn chất lượng này cũng không thể đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Thông thường, một PSU 450W tiêu chuẩn 80+ sẽ đảm bảo luôn luôn xuất ra ít nhất 80% tổng số 450W trong 100% thời gian hoạt động. Khi chuyển sang các bộ nguồn cao cấp nhất, bạn sẽ chạm đến nấc cuối 80+ Titanium, hứa hẹn hiệu suất ít nhất 90% trong 100% thời gian hoạt động. Trong hầu hết (không phải tất cả) các trường hợp, những bộ nguồn này đã được kiểm tra chất lượng và ít có khả năng bị chập hoặc gây ra bất kỳ loại nguy hiểm nào cũng như khá bền bỉ, dùng được trong nhiều năm trước khi cần phải thay thế hoặc nâng cấp.
Mức giá lý tưởng bạn cần phải chi ra để mua một PSU tuân theo tiêu chuẩn 80+ trở lên nên rơi vào khoảng 1,2 – 3,5 triệu đồng. Nếu đang lắp ráp một chiếc PC chơi game, bạn cũng nên đầu tư vào một bộ nguồn có hệ thống cáp mô-đun, vốn giúp tiết kiệm không gian bên trong thùng máy của bạn, và điều này sẽ khiến bạn tiêu tốn khoảng 2 triệu đồng – 4,5 triệu đồng cho một bộ nguồn xịn xò. Điều quan trọng cần đề cập là các bộ nguồn mới được phát hành liên tục, và một số sản phẩm chỉ đơn giản là bền hơn và có cấu tạo tốt hơn những sản phẩm khác, bất kể tương hiệu hay mức giá. Thế nên, tốt nhất là bạn nên tham khảo ý kiến từ những người có kinh nghiệm trước khi quyết định xuống tiền mua một bộ nguồn ưng ý cho riêng mình.
Nguồn: Slash Gear
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Top